187. Cách hạn chế nguy cơ hợp đồng vô hiệu

(ĐTCK) – Để hạn chế nguy cơ hợp đồng vô hiệu, đòi hỏi DN cần lưu ý đến vấn đề soạn thảo cũng như một số yếu tố pháp lý khi ký kết.

Thời gian qua, tình trạng các bên tham gia ký kết hợp đồng tìm cách vô hiệu hóa hợp đồng khi xảy ra tranh chấp diễn ra khá phổ biến. Để hạn chế nguy cơ hợp đồng vô hiệu, đòi hỏi DN cần lưu ý đến vấn đề soạn thảo cũng như một số yếu tố pháp lý khi ký kết.

TS. Phan Chí Hiếu, Hiệu trưởng Trường đại học Luật cho biết, ngoại trừ DN lớn, hoạt động bài bản thì phần lớn DN khi ký kết hợp đồng thường sử dụng mẫu hợp đồng có sẵntrong hoạt động của công ty và sửa chữa lại cho phù hợp.

“Không ít DN cho rằng, những hợp đồng trước vẫn được ký và thực hiện ổn thỏa, không phát sinh vấn đề gì thì có thể tiếp tục sử dụng cho những giao dịch khác. Đó chỉ là vì chưa xảy ra tranh chấp, đến khi tranh chấp xảy ra, những bản hợp đồng này sẽ đẩy DN vào thế bất lợi”, TS Hiếu nói.

TS. Hiếu cũng cảnh báo, khi soạn thảo hợp đồng, không nên dùng những từngữ thiếu chính xác và có thể suy diễn nhiều nghĩa khác nhau. Đây là vấn đề tưởng như đơn giản, nhưng trên thực đã xảy ra nhiều tranh chấp mà thiệt hại lại đến từ lỗi dùng từ ngữ có phần ấu trĩ.

TS. Hiếu dẫn trường hợp DN soạn thảo điều khoản thanh toán, theo đó bên mua sẽ thanh toán cho bên bán: “sau 30 ngày kể từ ngày giao nhận hàng theo hợp đồng”. Hàm ý của bên bán là thời hạn thanh toán trong vòng 30 ngày kể từ ngày giao đủ hàng. Tuy nhiên, với hợp đồng nói trên, bên mua đã trì hoãn thời gian thanh toán vô thời hạn, bởi cho rằng hợp đồng quy định nghĩa vụ thanh toán sau 30 ngày kể từ khi giao hàng, tức là cả năm hay chục năm sau thanh toán vẫn đúng với điều khoản này.

Các hợp đồng càng được soạn thảo chi tiết, càng ít khả năng bị tuyên vô hiệu

Ngoài ra, theo luật sư Trần Minh Hải, một trong những lý do thường gặp khi hợp đồng vô hiệu đó là vấn đề thẩm quyền ký kết. Về cơ bản, người có thẩm quyền ký kết duy nhất trong DN là đại diện theo pháp luật được ghi trên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Ngay cả ông chủ thực sự của DN, dù chiếm đến 99% vốn điều lệ và là chủ tịch HĐQT cũng không thể ký kết hợp đồng, nếu như đại diện theo pháp luật là tổng giám đốc. Trên thực tế, đã có trường hợp HĐQT duyệt giao dịch rồi ủy quyền cho giám đốc chi nhánh ký kết, nhưng lại không có ủy quyền của đại diện theo pháp luật. Hợp đồng này nếu thực hiện suôn sẻ thì không sao nhưng nếu phát sinh tranh chấp, nguy cơ vô hiệu là rất lớn.

Luật cũng quy định, đối với giao dịch có giá trị trên 50% tổng tài sản theo BCTC gầnnhất của DN, thì giao dịch đó phải được HĐQT, HĐTV thông qua. Do đó, khi ký kết hợp đồng có giá trị lớn, DN cần lưu ý xem xét giá trị giao dịch lớn đến đâu và yêu cầu đối tác phải có nghị quyết của HĐQT. Nếu người ký kết không phải là đại diện theo pháp luật, thì cần phải có ủy quyền rõ ràng về nội dung, phạm vi, thời hạn ủy quyền. Nếu giấy ủy quyền không ghi rõ thời hạn ủy quyền, thì theo quy định của pháp luật, ủy quyền này chỉ có giá trị trong vòng 2 tháng. Tuy nhiên, thực tế ghi nhận nhiều thiệt hại trong các vụ tranh chấp khi DN “cả nể”, không đòi hỏi đối tác phải xuất trình các văn bản cần thiết nói trên hoặc không kiên quyết đòi hỏi đến cùng khi đối tác tỏ ý không hài lòng.

Một vấn đề khác là xác định đến tận cùng về sở hữu trước khi giao dịch, đặc biệt với bất động sản, vì quy định về sở hữu ở Việt Nam rất phức tạp. Đã có trường hợp ký kết hợp đồng mua bán bất động sản, DN tưởng rằng ký với người đứng tên trong sổ đỏ là rất chắc chắn, nhưng thực tế, tài sản đó dù chỉ đứng tên người chồng nhưng lại là tài sản chung của 2 vợ chồng, người vợ nay đã chết, tài sản thuộc sở hữu của người chồng và các con. Lúc này, người chồng chỉ sở hữu một phần mảnh đất và DN không thể sang tên nếu các chủ sở hữu còn lại không đồng thuận.

Cuối cùng, nếu DN gặp giao dịch lớn, phức tạp, đặc biệt là giao dịch mua bán DN kèm theo đó là các vấn đề về chuyển giao tài sản, thì nên sử dụng dịch vụ tư vấn chuyên nghiệp để hạn chế rủi ro.

Theo luật sư Trương Thanh Đức, bên cạnh việc cẩn trọng khi ký kết hợp đồng, DN cần xem xét lại các quy định về hợp đồng vô hiệu. Hợp đồng vi phạm điều cấm của pháp luật hoặc là không thực hiện được… thì vô hiệu là điều hợp lý, nhưng không nhiều. Hợp đồng bị tuyên vô hiệu phần lớn là vì lý do hình thức và đây trở thành “vùng xám” để một bên có thể tận dụng để lật hợp đồng nhằm hưởng lợi, đặc biệt là vấn đề thẩm quyền ký kết.

Luật sư Đức cho rằng, luật pháp phải tôn trọng ý chí của người tham gia giao dịch. Hợp đồng được giao kết trên cơ sở tự nguyện, tự thỏa thuận, tương đồng ý chí, đã thực hiện một phần thì không có lý do gì sau một thời gian lại bị coi là vô hiệu, chỉ vì lý do hình thức hợp đồng. Đơn cử như trường hợp hợp đồng thế chấp của một ngân hàng đã bị tuyên vô hiệu gần đây chỉ vì tên hợp đồng chưa đúng.

“Hợp đồng thế chấp hay hợp đồng bảo lãnh thì đó chỉ là vấn đề câu chữ. Trong khi đó, khi tham gia giao dịch, người đưa tài sản thế chấp xác định rõ ý chí đưa tài sản vào để đảm bảo nghĩa vụ thanh toán cho người khác”, luật sư Trương Thanh Đức nói.

Đối với thẩm quyền ký kết, nhiều trường hợp người ký kết hợp đồng không phải là đại diện theo pháp luật, cũng không có ủy quyền hoặc ủy quyền không rõ, nhưng về mặt ý chí thì pháp nhân đã giao cho cá nhân đó thực hiện ký kết hợp đồng và quan trọng nhất là giao dịch có thật, các bên đang thực hiện, qua nhiều năm, một phần hàng đã giao hàng, đã trả tiền… Nay một bên lại muốn phủ nhận hợp đồng đó, bám vào yếu tố thẩm quyền ký kết, như vậy là chưa xem xét đến ý chí của các bên khi giao kết.

Ý kiến của một số luật sư cũng cho rằng, đối với quy định vô hiệu theo hình thức, cần xem xét lại và có thể sửa đổi các quy định về phần hợp đồng vô hiệu. Ngoài ra, cơ quan có thẩm quyền cũng nên xác định lại hiệu lực của Nghị quyết 04/2004 của Hội đồng thẩm phán tối cao hướng dẫn xét xử. Nghị quyết này có phần hướng dẫn về hợp đồng vô hiệu, trong đó có nêu một số trường hợp không bị coi là vô hiệu. Tuy nhiên, văn bản này hướng dẫn cho Pháp lệnh về hợp đồng kinh tế đã hết hiệu lực. Theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì Nghị quyết này vẫn có hiệu lực, do chưa bị bãi bỏ bởi một văn bản khác của cơ quan có thẩm quyền. Song trên thực tế, việc áp dụng nghị quyết này không nhất quán, dẫn đến áp dụng luật bất nhất.

Hoàng Duy

—————-

Đầu tư Chứng khoán (Pháp luật) 18-7-2012:

https://tinnhanhchungkhoan.vn/cach-han-che-nguy-co-hop-dong-vo-hieu-post27146.html

(355/1.426)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.389. Đổi mới thể chế: Giảm thiểu can thiệp...

Đổi mới thể chế: Giảm thiểu can thiệp hành chính vào thị trường. (VNN)...

Trích dẫn 

3.907. Dự kiến bỏ miễn thuế với hàng nhập...

Dự kiến bỏ miễn thuế với hàng nhập dưới 1 triệu đồng. (VOV GT)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,583