Khốn khó bỏ hộ
(ANVI) – Pháp luật xã hội chủ nghĩa trót phịa ra một đống chủ thể quan hệ pháp luật dân sự, như hộ gia đình, hộ kinh doanh, tổ hợp tác, tập đoàn, tổng công ty, rồi không biết nó là loại gì nữa, nửa nạc, nửa mỡ, dở dở, ương ương, khác thường thế giới, với đủ kiểu mĩ miều, văn hoa như “gia đình là tế bào của xã hội” trong Hiến pháp 1980 và 1992.
Sau khi gây ra muôn chuyện dở khóc, dở cười, không giải thích nổi, để rồi phải sửa sai bằng 2 quy định: Tập đoàn, tổng công ty không có tư cách pháp nhân trong Luật Doanh nghiệp[1] và hộ gia đình, tổ hợp tác không phải là một chủ thể quan hệ pháp luật trong Bộ luật dân sự 2015. Tóm lại chỉ có 2 thứ trên đời, là cá nhân và pháp nhân, chứ không chấp nhận những thứ lạc loài lai căng kỳ dị. Chẳng ai thèm quan tâm đến 2 quy định này, dù nguy cơ rủi ro pháp lý vô ý là bị vô hiệu toàn bộ hợp đồng, giao dịch, cam kết, thỏa thuận.
Thế nhưng đến lượt Thông tư cho vay của Ngân hàng Nhà nước, bỏ qua mấy cái tên kể trên, thì lại gây sốc, thắc mắc, lo lắng, quăng bom bùm bụp! Đúng là hiệu ứng tiền tệ quả thật là ghê!
Thêm thì chẳng khó, nhưng bỏ cũng chẳng dễ. Nhà nước cấp đăng ký đàng hoàng cho doanh nghiệp tư nhân, cấp đăng ký cho hộ kinh doanh, sổ đỏ cho hộ gia đình,… không thể bất thình lình biến mất.
Viết lách, ghi nhận, xử lý, ký tá, mô tả, gia giảm làm sao? Bao nhiêu là chuyện dù không cháy nhà, chết người thì vẫn cứ cười ra nước mắt đã và sắp nhiều năm tới!
ANVI, ngày 15-02-2017
[1] Luật Doanh nghiệp 2014 và 2020.