Quyền miễn trách nhiệm
(ANVI) – Mục đích cho vay là kiếm lời, còn đi vay là kiếm tiền, nhưng đi đến tận cùng thì cũng đều vì một mối lợi nào đó, có thể tương đối chắc chắn hay đôi khi cũng chỉ là phập phù, tù mù kiểu đếm cua trong lỗ, đau khổ, đổ vỡ, lỡ dại, tai ương và cùng đường đen đủi, rủi ro to thì lo tù tội!
Một trong những cái chốt của vay mượn ngân hàng, trước khi bàn lợi nhuận, là mục đích cho vay và sử dụng tiền vay, rất hay rắc rối, tội lỗi, chối chết, sợ sệt hơn hết cả. Điều 53 về “Xét duyệt cho vay, kiểm tra việc sử dụng tiền vay”, Luật Các tổ chức tín dụng 1997 đã từng ấn định: “Tổ chức tín dụng phải kiểm tra, giám sát quá trình vay vốn, sử dụng vốn vay và trả nợ của khách hàng”.
Nguyên tắc này đã đẩy vô vàn cán bộ vô tù. Năm 2004 sửa đổi mỗi chữ “phải” thành “có trách nhiệm và có quyền”. Nguy hiểm đã giảm bớt, nhưng “lên thớt” vẫn không giảm. Điều 94 Luật 2010 chỉnh tiếp thành “có quyền, nghĩa vụ kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay và trả nợ của khách hàng”. Vẫn không thoát ra nổi cái định hướng ương ương quyền liền nghĩa vụ.
Điều 4.2, Thông tư số 39/2016/TT-NHNN đã mạnh dạn bác luật bằng sự thật rõ sòng phẳng hiển nhiên: Khách vay “phải đảm bảo sử dụng vốn vay đúng mục đích”. Ngân hàng “có quyền thực hiện kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay, trả nợ của khách hàng”, chứ không còn phang “trách nhiệm” kiêm “nghĩa vụ”.
Tuy nhiên, trên thực tế rất dễ tùy biến. Thiện chí, thương hại, thì nại ra quyền, trăm thứ dở hay là bởi kẻ vay, còn nếu cứ a cay, gay go, khó dễ thì vẫn có thể kểt luận đó là nghĩa vụ theo Luật, đủ sức vứt bỏ Thông tư.
Ngày 22-02-2017