019. Dự luật Thuế thu nhập cá nhân: Có thực sự phù hợp với mức sống hiện nay?

(ANTĐ) – Nhiều ý kiến đặt ngược lại vấn đề, việc áp dụng thuế thu nhập cá nhân đã thực sự phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội, mức sống hiện nay của người dân Việt Nam chưa?

Ngày hôm qua, 7-8, ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Hội Luật gia Việt Nam tổ chức hội nghị đóng góp ý kiến cho dự luật Thuế thu nhập cá nhân.

Tính toán mức giảm trừ gia cảnh trong dự luật Thuế thu nhập cá nhân cần sát thực tế hơn! 


Mức nào là hợp lý?

Liên quan đến quyền lợi sát sườn của người dân, cũng là điểm nóng nhất, các ý kiến trái chiều nhất vẫn là mức khởi điểm chịu thuế và mức giảm trừ gia cảnh. Theo dự luật, hai phương án mức khởi điểm được đưa ra là 4 triệu đồng/tháng hoặc 5 triệu đồng/tháng (sau khi giảm trừ gia cảnh 1,6 triệu đồng/người phụ thuộc). TS Nguyễn Ngọc Khánh – Viện Khoa học kiểm sát – Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao cho rằng, mức khởi điểm trên là bất hợp lý, bởi lẽ, “thực tế hiện nay, Việt Nam vẫn còn rất nhiều người nghèo, thu nhập thấp, không đủ cho cuộc sống tối thiểu, nếu bắt người dân phải nộp thuế từ mức khởi điểm thấp thì khó có thể xóa đói, giảm nghèo”.

Tuy nhiên, trái ngược với quan điểm này, ông Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI lại cho rằng, mức khởi điểm chịu thuế phải thấp thì mới đảm bảo công bằng xã hội, nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân. Do đó, mức 4 hay 5 triệu đồng là phù hợp, bởi mức này vẫn cao hơn nhiều so với mức thu nhập bình quân hiện nay của người Việt Nam.

Theo ghi nhận, một điểm chung là hầu hết, các đại biểu đều phản đối việc ấn định những con số tuyệt đối vào dự luật. Trong bối cảnh lạm phát tăng cao, đồng tiền trượt giá thì việc đưa con số cụ thể vào một Bộ luật có tính lâu dài sẽ là bất hợp lý. Bên cạnh đó, mức giảm trừ gia cảnh giới hạn 10 triệu đồng trở xuống có vẻ như “phi thực tế” vì có những trường hợp người nộp thuế phải nuôi 4-5 người phụ thuộc, hay các nhà hảo tâm nhận nuôi dưỡng hàng chục em nhỏ lang thang cơ nhỡ. Việc áp đặt một con số giới hạn sẽ không khuyến khích được trách nhiệm nuôi dưỡng hay lòng hảo tâm của người dân.

Về đối tượng giảm trừ gia cảnh, ông Bùi Xuân Đức – Viện Nhà nước và pháp luật Việt Nam cho rằng, nếu chỉ tính là người phụ thuộc là chưa bao quát, chưa đủ. Dự luật nên mở rộng hơn các đối tượng giảm trừ khác, như giảm trừ theo nghề nghiệp, giảm trừ theo lý do sức khỏe. Cần phải có sự phân biệt giữa một người bán nhà để kiếm lợi nhuận với một người phải bán nhà, bán xe để chữa bệnh.

Hiệu lực từ 1-1-2009 là quá sớm

Như nhiều cuộc lấy ý kiến trước, các vấn đề như đánh thuế hai lần, các đối tượng chịu thuế chưa có ranh giới rõ ràng như hộ kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân, chủ hộ gia đình hay cá nhân chịu thuế… tiếp tục được phân tích mổ xẻ. Tuy nhiên, hội nghị lần này có sự tham gia của nhiều luật sư, chuyên gia trong ngành kiểm sát…, vấn đề về tính khả thi, sự cần thiết của dự luật được nhấn mạnh, bàn luận nhiều nhất. 14 ý kiến tại hội nghị đều cho rằng, rất cần xem lại thời điểm hiệu lực của dự luật Thuế thu nhập cá nhân, nếu được thông qua là 1-1-2009.

Luật sư Nguyễn Trọng Tỵ chia sẻ: “Về nguyên tắc, ai có thu nhập là phải có nghĩa vụ đóng thuế. Đó là điều nên làm. Song, ở điều kiện nước ta, khi mà nền kinh tế vẫn chưa bước qua ngưỡng nghèo đói thì vận dụng nguyên tắc “có thu có nộp” còn cần phải nghiên cứu kỹ. Đặc biệt, giai đoạn từ nay đến năm 2009, khi chúng ta vẫn còn nền  kinh tế tiền mặt thì việc áp dụng luật sẽ là không hợp lý”. Bà Nguyễn Minh Hồng – Ban Dân chủ pháp luật, ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trăn trở: “Vấn đề đánh giá tác động của dự luật chưa đầy đủ, thiếu thuyết phục. Đặc biệt, Ban soạn thảo không đưa ra báo cáo thu nhập của các dịch vụ lao động có đăng ký, hay không đăng ký, vì vậy, người dân sẽ không thể biết được, cơ sở thực tiễn của dự luật là ở đâu? Khi nào thì họ biết được, mình bắt đầu phải chịu thuế? Nhất là khi, chưa có một thể chế hoàn thiện thì sợ rằng, nếu áp dụng ngay từ năm 2009, sẽ có thể phản tác dụng, nảy sinh sự bất công”.

Ông Lê Nam Chung – Hội Luật gia Việt Nam nhấn mạnh thêm, chưa biết bao giờ, ý thức tự giác của người dân về chuyện nộp thuế mới được xây dựng. Khi ý thức của người dân chưa tốt, tư tưởng, nhận thức chưa tốt, cộng với một hệ thống kiểm soát thu nhập chưa đủ thì dự luật sẽ không thể thực hiện được. Vì vậy, tính cần thiết, hợp lý về thời điểm hiệu lực của dự luật cần được xem xét, nghiên cứu lại. Trao đổi ngoài lề với phóng viên Báo An ninh Thủ đô, nhiều đại biểu cho biết, hiện có nguồn tin dư luận nói rằng, việc ra đời một dự luật thuế thu nhập cá nhân còn có lý do về nguồn ngân sách đã cạn kiệt, hoặc luật này gần giống như thuế thân thời xưa.

Các ý kiến tại hội nghị đều bày tỏ, áp dụng Thuế thu nhập cá nhân là việc làm cần thiết, nhưng ở thời điểm này, hãy làm tốt Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao trước đi đã. Phải có cuộc điều tra xã hội học một cách kỹ lưỡng về mức sống, mức chi dùng của người dân, có báo cáo tác động của dự luật, làm rõ quyền lợi của người dân khi nộp thuế thì khi ấy, dự luật mới có thể có sức thuyết phục. Nếu không, những cuộc lấy ý kiến đóng góp cho dự luật như hiện nay sẽ khó đạt được sự đồng thuận cao.

Băng Dương

——————————-

An ninh Thủ đô ngày 08-8-2007:

(79/1.164)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

436. Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài...

Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài sản công. Cố vấn: Luật...

Phỏng vấn 

4.414. Lấp lỗ hổng quản lý trong đầu tư trực...

Lấp lỗ hổng quản lý trong đầu tư trực tuyến tiền ảo, tài chính, chứng...

Trích dẫn 

3.969. Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ...

Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ xấu gia tăng nhưng tốt...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 235,709