Bồi thường xương xẩu
(ANVI) – Làm oan sai thì chuốc lại tai ương, trót dại gây thiệt hại thì phải bồi thường là cái lý dĩ nhiên của thiên địa trời đất cũng như luật pháp kể cả áp vào nền kinh tế thị trường dù có hay không định hướng.
“Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dục, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường”, trừ trường hợp luật nói khác. Đó là quy định tại Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015.
Nguyên tắc bồi thường đương nhiên là toàn bộ và kịp thời đối với thiệt hại. Kẻ gây hại phải chịu chế tài như nhau, dân đen cũng vậy, doanh nghiệp cũng thế, nhà nước cũng chẳng khác gì. Nếu có hợp đồng thì cứ soi vào đó là xong. Còn thiệt hại ngoài hợp đồng thì từ nay khỏi cần xét lỗi của thủ phạm. Đó là điều vô cùng quan trọng trong câu luật mới nhất, khi đã được thay đoạn “người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm…” trong 2 cái bộ luật trước đây bằng đoạn “người nào có hành vi xâm phạm…”.
Chuyện của dân gian hay dính đến nhà quan, nếu không dàn xếp được thì cứ vượt qua tòa mà mặc cả bồi thường. Ấy nhưng đòi nhà nước bồi thường thì xương xẩu lắm. Kiểu như hồ sơ yêu cầu bồi thường oan sai, phải trái lại phải có “văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ”, đương hiện hữu tại Điều khoản 16.3, Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước 2009.
Khó chẳng có gì lạ, vì Nhà nước gây oan, Nhà nước kết luận, Nhà nước tự xử, tam sự trong một thay vì tam quyền phân lập.
Ngày 08-3-2017