190. Sự việc – dư luận Thu phí thẻ ATM: Cần bảo đảm chất lượng dịch vụ 

(HNM) – Những năm gần đây, dịch vụ thẻ ATM đã trở thành quen thuộc, bởi đây là công cụ phổ biến để chi trả lương cho đa số người lao động, kể cả cán bộ hưu trí

Những người sử dụng dịch vụ tiện ích này, đồng thời là khách hàng của các ngân hàng, lâu nay vẫn quen được cung cấp dịch vụ ATM miễn phí. Chính vì vậy, trước thông tin bắt đầu từ tháng 6-2011, khách hàng có thể phải trả phí khi rút tiền tại cây ATM của ngân hàng mình mở thẻ và phải trả 5.500 đồng một lần giao dịch ở cây ATM của ngân hàng khác, thay vì mức 3.300 đồng như hiện nay, khiến dư luận có nhiều ý kiến trái chiều…

Nơi rút tiền qua thẻ ATM của một số ngân hàng trên đường Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên.

Ông Trương Thanh Đức (Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Hàng Hải): Thu phí dịch vụ ATM là phù hợp với quy luật
Khách hàng của các ngân hàng khi sử dụng ATM hiện chủ yếu là rút tiền mặt, ít khi sử dụng ATM như một công cụ thanh toán, chuyển khoản, khiến các ngân hàng không có nguồn thu phí từ các giao dịch này để duy trì cho hoạt động của hệ thống ATM. Mặt khác, để bảo đảm ATM có tính năng là “máy rút tiền mặt” như hiện nay, ngoài chi phí trang bị máy, lắp đặt cơ sở, trang thiết bị ban đầu, còn phải chi phí các khoản như duy tu, bảo dưỡng, an ninh, vận chuyển tiền, tiền thuê địa điểm đặt máy… Hơn nữa, các ngân hàng luôn phải duy trì một lượng tiền mặt không giao dịch, “tiền chết” rất lớn trong các máy ATM nhằm bảo đảm phục vụ nhu cầu rút tiền mặt  24/24h của khách hàng. Nếu không thu phí rút tiền tại ATM, hoạt động kinh doanh dịch vụ thẻ của các ngân hàng luôn bị thua lỗ. Điều này trái với quy luật, bởi dịch vụ thẻ ATM cũng là một hoạt động kinh doanh – thương mại của ngân hàng.

Ông Nguyễn Văn Khanh (Công ty cổ phần Bánh kẹo Hải Hà Kotobuki): Cần miễn phí cho giao dịch giá trị thấp
Với mức lương công nhân, để chi trả tiền học cho con và các nhu cầu tối thiểu cho cuộc sống gia đình, chúng tôi đã phải cân nhắc từng mớ rau muống, bìa đậu cho bữa cơm hằng ngày. Nếu mỗi tháng rút lương tại ATM một lần và bị trừ ba hoặc năm nghìn tiền phí thì không sao. Song nếu vì nhu cầu mà rút tiền hai, ba lần trong tháng thì số tiền phí là không nhỏ. Do vậy, nếu có thu phí các ngân hàng cũng nên xây dựng phương án ATM thương người có thu nhập thấp, bằng cách miễn phí đối với những giao dịch có giá trị nhỏ. Chỉ những người nghèo, mới rút tiền trong hạn mức để tránh phí mà thôi. Đối với số khách hàng có số dư tài khoản lớn, dễ dàng chấp nhận mức phí vài nghìn đồng cho mỗi lần giao dịch.

Bà Vũ Minh Hạnh (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy): Thu phí phải bảo đảm chất lượng dịch vụ ATM
Từ ngày nghỉ hưu tôi đăng ký nhận lương qua thẻ ATM. Tôi thấy đây là dịch vụ vừa tiện lợi, vì không phải đến UBND phường lĩnh tiền đúng ngày, đúng giờ; vừa an toàn vì không sợ mất cắp khi cầm cả tháng lương theo người. Tuy nhiên, nhiều khi tôi gặp trục trặc do cây ATM hết tiền hoặc chỉ cho phép rút số tiền thấp hơn mức mà tôi yêu cầu. Hỏi nhân viên ngân hàng, tôi được biết do mỗi lần chi trả máy chỉ thanh toán một số lượng tờ tiền nhất định. Nếu trong máy lúc đó chỉ có tờ tiền có mệnh giá thấp, thì tổng số tiền một lần rút của khách cũng chỉ được tương ứng. Lâu nay, khách vẫn biết mình được rút tiền miễn phí, nên chẳng may gặp trục trặc như vậy cũng không kêu ca gì, lẳng lặng tìm máy ATM khác. Tuy nhiên, nếu thu phí, ngân hàng có phải chịu trách nhiệm khi gây phiền hà cho khách như vậy không? Nếu việc thu phí để bảo đảm chất lượng dịch vụ ATM hoàn hảo, nhằm mang lại tiện ích tối ưu cho khách hàng, thì tôi thấy cần thiết. Một khi phù hợp với quy luật cung – cầu, ATM không lo bị khách hàng tẩy chay. Ngược lại, phí thu rồi, nhưng chất lượng vẫn phập phù như hiện nay, chắc chắn ATM sẽ mất khách.

Luật sư Trần Minh Hải: Khách hàng có thể từ chối sử dụng dịch vụ…
Khách hàng sử dụng thẻ ATM vẫn nhầm lẫn giữa phí dịch vụ ATM và các phí khác trong các hoạt động phục vụ lợi ích công cộng hoặc hành chính nhà nước. Các loại phí thu nhằm phục vụ lợi ích công được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Pháp lệnh phí, lệ phí do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành ngày 28-8-2001 bao gồm: phí thủy lợi, phí xây dựng, phí chợ, phí qua cầu, án phí… Trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng có phí cung cấp thông tin về tài chính doanh nghiệp; phí bảo lãnh, thanh toán khi được cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ bảo lãnh, thanh toán; phí sử dụng thiết bị, cơ sở hạ tầng; phí chứng khoán… Phí dịch vụ thẻ ATM không nằm trong danh mục này. Đây là loại phí phát sinh do quá trình hoạt động kinh doanh, cung ứng dịch vụ của doanh nghiệp, nhằm phục vụ cho việc duy trì và phát triển dịch vụ. Do vậy, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hoàn toàn có thể đặt ra mức phí phù hợp với hoạt động kinh doanh và chiến lược kinh tế – tài chính chung của Chính phủ. Nếu khách hàng không chấp nhận mức phí do doanh nghiệp đưa ra có thể từ chối sử dụng dịch vụ. Chẳng hạn, trong trường hợp này có thể không sử dụng dịch vụ rút tiền tại thẻ ATM, mà rút tiền trực tiếp tại quầy giao dịch của các ngân hàng. Việc rút tiền tại đây hoàn toàn không tính phí.

 ——————————

Hà Nội mới 20/05/2011

http://www.hanoimoi.com.vn/newsdetail/Xa-hoi/502684/thu-phi-the-atm-can-bao-dam-chat-luong-dich-vu.htm

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Bình luận 

427. Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến...

(VTV3) Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến phút cuối với chủ đề...

Phỏng vấn 

4.362. Xôn xao "nghi án" trang cờ bạc trực tuyến...

Xôn xao "nghi án" trang cờ bạc trực tuyến quảng cáo trá hình thông qua...

Trích dẫn 

3.862. Loại hình nào đang là 'thỏi nam châm' sẽ...

3.862. Loại hình nào đang là 'thỏi nam châm' sẽ 'hút cạn' dòng tiền của...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 224,271