Lố cổ phần hoá
(ANVI) – Nhà nước cho dù có bộ máy trăm tay, nghìn mắt, có thật sức mạnh xương sắt, da đồng, có đông lực lượng muôn vạn công nông, có cả triệu tấm lòng, niềm tin, thì vẫn cứ không thể o bế thể chế kinh tế để nó hiệu quả, nhanh nhạy, thay đổi, trôi chảy bằng thị trường.
Vì vậy, đã thấy, đã buộc phải thu, phải giảm, phải rút, phải dẹp bớt doanh nghiệp nhà nước, bước hẳn sang cổ phần và tư nhân hóa. Từ năm 1996 đến nay đã có nhiều Nghị quyết và 6 Nghị định của Chính phủ quyết liệt, ráo riết cổ phần hoá, ngoài ra còn cả chục lượt sửa đổi, bổ sung lung tung các kiểu[1]. Nhiều thế cơ mà nghe ra vẫn thấy có gì đó sai sai, yêu yếu và thiêu thiếu. Hai thập kỷ, xoá đi làm lại 6 lần, không cần thì cũng vẫn được trao kỷ lục.
Về chất, thật khó cho đáp số rõ cổ phần hóa để ra cái gì là chính: Trả doanh nghiệp về cho thị trường, thu tiền về cho ngân sách, hay để cải cách nguồn lực sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp?
Về cách, thách thức liên tục, lúc nhặt, khi khoan, lúc toan buông, khi cuống cuồng thắt, cất nhắc lúng túng, mâu thuẫn, luẩn quẩn về đối tượng chuyển đổi, đối tác tham gia, định giá nhà đất, áp đặt sở hữu, ưu đãi lao động, cổ đông chiến lược,…
Về lượng, dường như giảm đáng kể, nhưng đi vào cụ thể thì hoá ra là bớt nhiều đầu mối và đội ngũ tép riu, lìu tìu, chứ lao động, quy mô, đặc biệt là số vốn Nhà nước vẫn cao ngất ngưởng.
Đã đến lúc phải làm luật và rất khoát với cổ phần hoá thật chất!
Ngày 05-4-2017
[1] Đến 2020 là 11 nghị định (hiện hành là 126/2017 và 140/2020/NĐ-CP).