195. Bình luận chế định tài sản của vợ chồng trong Dự luật Hôn nhân & gia đình..

(ANVI) – Hội thảo Góp ý Dự Luật HN&GĐ – CPLG                                                 Hà Nội 11-10-2013   

BÌNH LUẬN CHẾ ĐỊNH TÀI SẢN CỦA VỢ CHỒNG TRONG DỰ LUẬT HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH NĂM 2014[1]

 

  1. Các điều quy định về chế độ tài sản của vợ chồng:
  • Vấn đề tài sản đóng vai trò ít nhất 30% vào sự ổn định và phát triển của “tế bào” gia đình trong xã hội. Quan hệ gia đình có tốt đẹp hay không, pháp luật chỉ tác động được vào tài sản, còn tình cảm thì không dựa nhiều vào luật được. Vì vậy, các điều quy định về chế độ tài sản của vợ chồng, nhất là những quy định mới được bổ sung là vô cùng cần thiết, đã giải quyết được hầu hết các vướng mắc, bất cập vô lý và nhức nhối từ ngày có Luật Hôn nhân gia đình năm 1959. Tuy nhiên, Dự thảo Luật có trên 30 điều (tăng khá nhiều so với Luật hiện hành) quy định về chế độ tài sản của vợ chồng đang được đưa chung vào một số chương (chủ yếu các điều ở Chương III về “Quan hệ giữa vợ và chồng”, một số điều ở Chương X về “Ly hôn” và một số điều ở một vài chương khác) là không hợp lý, lẫn lộn quan hệ tình cảm, nhân thân với quan hệ tài sản.
  • Vì vậy, đề nghị xem xét tách tất cả các điều khoản quy định liên quan đến tài sản của vợ chồng nói riêng, của gia đình nói chung để đưa vào một chương riêng về “Quan hệ tài sản trong gia đình”.
  1. Về “Giao dịch liên quan đến chỗ ở của vợ chồng” (Điều 26đ):
  • Tên Điều này đề cập đến “chỗ ở”, tuy nhiên nội dung thì lại chỉ đề cập đến “nhà ở” khi quy định “Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt các giao dịch liên quan đến nhà ở là tài sản chung của vợ chồng hoặc là tài sản riêng của một bên nhưng là nơi sinh sống duy nhất của vợ chồng thì phải có sự thỏa thuận của vợ chồng.”. Như vậy là có sự không thống nhất giữa tên Điều Luật và nội dung (“chỗ ở” rộng hơn “nhà ở”).
  • Vì vậy đề nghị sửa tên Điều luật thành “Giao dịch liên quan đến nhà ở của vợ chồng”.
  1. Về Giao dịch liên quan đến tài sản không phải đăng ký quyền sở hữu” (Điều 26e):
  • Điều 26e về “Giao dịch liên quan đến tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán và các tài sản khác theo quy định của pháp luật không phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng” quy định “Trong quan hệ với người thứ ba ngay tình, vợ hoặc chồng là người đứng tên tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán hoặc đang chiếm hữu tài sản mà theo quy định của pháp luật không phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng được coi là người có quyền thực hiện giao dịch liên quan đến các tài sản đó.” Đây là quy định rất cần thiết để hợp pháp hóa các giao dịch đối với tài sản chung của vợ chồng trên thực tế, đồng thời cũng tránh được việc phủ nhận quyền của chủ sở hữu như cách quy định “Chủ sở hữu tiền gửi tiết kiệm là người đứng tên trên thẻ tiết kiệm.” tại khoản 3, Điều 6 vê “Giải thích từ ngữ”, “Quy chế về Tiền gửi tiết kiệm”, ban hành kèm theo Quyết định số 1160/2004/QĐ-NHNN ngày 13-9-2004 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, cụm từ “với người thứ ba” và “ngân hàng” trong quy định này đã thu hẹp phạm vi điều chỉnh, bỏ sót một số giao dịch ký quý, cầm cố giữa hai bên như giữa khách hàng với ngân hàng (không xuất hiện người thứ ba) hoặc bỏ sót các giao dịch tài khoản của tổ chức tín dụng phi ngân hàng.
  • Vì vậy cần xem xét sửa cụm từ “trong quan hệ với người thứ ba ngay tình” thành “trong quan hệ với người khác ngay tình”[2] và cụm từ “tài khoản ngân hàng” thành “tài khoản tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài” cho rõ ràng và đúng với quy định của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010.
  • Đồng thời cần xem xét đưa quy định này vào Bộ luật Dân sự để áp dụng chung đối với mọi trường hợp giao dịch liên quan đến tài sản không phải đăng ký quyền sở hữu, chứ không chỉ hợp pháp hóa đối với giao dịch tài sản của vợ chồng, nhưng lại vẫn là bất hợp pháp đối với các giao dịch liên quan đến tài sản chung khác.
  1. Về “Đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với tài sản chung của vợ chồng” (Điều 27a):
  • Dự luật đã bỏ quy định tại khoản 2, Điều 27 của Luật hiện hành: “Trong trường hợp thuộc sở hữu chung của vợ, chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì trong giấy chứng nhận quyền sở hữu phải ghi tên của vợ, chồng”. Điều này là hoàn toàn hợp lý, vì nếu không ghi tên của cả hai vợ chồng thì vẫn đương nhiên là tài sản chung. Và đặc biệt là trên thực tế nhiều năm nay, ngoài tài sản là nhà đất có quy định bắt buộc phải ghi tên của hai vợ chồng, thì nhiều tài sản khác như máy bay, du thuyền, ô tô, mô tô,… đôi khi có giá trị còn lớn hơn nhà đất, nhưng vẫn không có quy định và không thể ghi tên của cả hai vợ chồng.
  • Vì vậy, cần xem lại quy định tại Điều 27a “Trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng thì vợ chồng có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền ghi tên cả hai vợ chồng trong Giấy chứng nhận quyền sở hữu, Giấy chứng nhận quyền sử dụng; trường hợp chỉ ghi tên một bên vợ hoặc chồng mà có tranh chấp thì được giải quyết theo quy định tại Điều 27 của Luật này.”. Thay vì quy định cho phép lựa chọn việc ghi tên của cả hai vợ chồng vào các loại giấy tờ đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản, thì cần quy định rõ phải ghi và chỉ ghi đối với giấy tờ bất động sản.
  • Ngoài ra, cần xem xét xử lý trong Bộ luật Dân sự các trường hợp chỉ giao dịch với người đứng tên trên giấy tờ tài sản, trong khi tài sản thuộc sở hữu của nhiều người nhưng không được ghi nhận trên giấy tờ tài sản. Khi đó thì giao dịch có hiệu lực hay sẽ bị coi là vô hiệu một phần hay vô hiệu toàn bộ và việc bảo vệ người tham gia giao dịch ngay tình như thế nào?
  1. Về “Tài sản riêng của vợ, chồng”(Điều 32):
  • Điều 32 quy định: “Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ, chồng có được trong thời kỳ hôn nhân thông qua giao dịch bằng tài sản riêng; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 29, 29a và 30 của Luật này; đồ dùng, tư trang phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng.” Quy định này đã cụ thể hơn quy định hiện hành chỉ quy định “đồ dùng, tư trang cá nhân” là tài sản riêng. Tuy nhiên “tư trang phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng.” thì vẫn không rõ thế nào là thiết yếu. Nếu như đồ sang sức có giá trị lớn, thậm chí lên đến hàng tỷ đồng hay chiếm tỷ trọng lớn trong khối tài sản của vợ chồng, có tính chất như của cải tích luỹ, để dành, mà đều coi là tài sản riêng thì không hợp lý. Chẳng hạn nhẫn kim cương trị giá hàng tỷ đồng luôn đeo trên tay thi có phải là nhu cầu thiết yếu, là “nhu cầu sinh hoạt thông thường” hay không? Giả sử khi ly hôn, gia đình không còn tài sản gì đáng kể, trong khi người vợ hoặc chồng có một vài chiếc lắc vàng, nhẫn kim cương như vậy, thì người còn lại có được phân chia phần nào số tài sản ấy hay không?
  • Vì vậy cần xem xét quy định cụ thể, chặt chẽ hơn về tài sản riêng là “đồ dùng, tư trang cá nhân” để bảo đảm sự hợp lý và công bằng.
  1. Về “Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng” (Điều 33):
  • Khoản 5, Điều 33 quy định: “Trong trường hợp tài sản riêng của vợ hoặc chồng mà hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng đó là nguồn sống duy nhất của gia đình thì việc định đoạt tài sản riêng đó phải được sự thỏa thuận của cả vợ chồng.” Việc quy định “hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng đó là nguồn sống duy nhất của gia đình” là chưa hợp lý, vì nếu nguồn tài sản này dù có chiếm tới 99% nguồn sống của gia đình, thì vẫn chưa được coi là nguồn sống duy nhất.
  • Vì vậy, cần sửa quy định trên thành “hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng đó là nguồn sống chủ yếu của gia đình”.
  1. Về “Nhập tài sản riêng của vợ, chồng vào tài sản chung” (Điều 33b):
  • Đoạn 2, khoản 1, Điều 33b quy định: “Trong trường hợp tài sản riêng của một bên đã được đưa vào sử dụng chung liên tục, công khai trong thời hạn mười năm đối với động sản, ba mươi năm đối với bất động sản mà chủ sở hữu không tuyên bố về quyền sở hữu riêng của mình thì tài sản đó là tài sản chung, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.” Quy định thời hạn để tài sản riêng trở thành tài sản chung của vợ chồng 15 năm đối với động sản, 30 năm đối với bất động sản là quá dài, nhất là đối với xã hội hiện đại và thay đổi chóng mặt như hiện nay, thì đa số động sản đã bỏ đi hoặc chẳng còn mấy giá trị sau 15 năm sử dụng. Như vậy, thì quan hệ vợ chồng là một loại quan hệ vô cùng đặc biệt đã bị xác định không hợp lý nếu so với quy định tại khoản 1, Điều 247 về “Xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu” của Bộ luật Dân sự năm 2005: “Người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn mười năm đối với động sản, ba mươi năm đối với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó, kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu”.
  • Vì vậy, đề nghị xem xét rút ngắn thời hạn xuống 5 năm đối với động sản và 15 năm đối với bất động sản để tài sản riêng mặc nhiên trở thành tài sản chung của vợ chồng. Trường hợp chủ sở hữu vẫn không muốn chuyển thành tài sản chung thì vẫn còn quy định nếu “chủ sở hữu không tuyên bố về quyền sở hữu riêng của mình”.
  1. Về “Thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng” (Điều 33c):
  • Điều 33c quy định: “Thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực và chỉ có hiệu lực kể từ ngày đăng ký kết hôn.” Quy định như vậy thì dễ bị hiểu sai thành mọi trường hợp đều phải thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng và không được phép lập sau khi kết hôn. Trong khi đó, Điều 33đ về “Sửa đổi, bổ sung chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận” vẫn cho phép sửa đổi, bổ sung chế độ tài sản của vợ chồng lập trước khi kết hôn, vậy thì không có lý do gì lại không cho phép lập mới sau khi kết hôn. Điều này càng bất hợp lý đối với các cặp vợ chồng đã kết hôn trước ngày có hiệu lực của Luật Hôn nhân và gia đình mới.
  • Vì vậy, cần sửa đổi quy định trên theo hướng có thể lựa chọn lập hoặc không lập thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng và có thể lập, sửa đổi, bổ sung trước và sau khi kết hôn. Đồng thời để bảo vệ quyền lợi cho bên yếu thế, thì có thể quy định thêm, vợ hoặc chồng có quyền không đồng ý với việc sửa đổi, bổ sung thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng, nếu việc đó gây bất lợi cho họ.
  • Không những thế, cần quy định theo hướng phổ biến, cần thiết là từ khi kết hôn, tài sản riêng đương nhiên trở thành tài sản chung, trừ khi có thoả thuận để riêng, thì 100 năm vẫn riêng. Như vậy thì mới là chuyện vợ chồng, chứ không thì thành chuyện công ty.
  1. Về “Nguyên tắc chia tài sản khi ly hôn” (Điều 95):
    • Đề nghị xem xét bổ sung quy định: Vợ chồng có nghĩa vụ kê khai toàn bộ tài sản chung và riêng của vợ, chồng tại thời điểm vợ, chồng nộp đơn xin ly hôn tại Tòa án để bảo đảm việc phân chia tài sản công bằng khi vợ, chồng có yêu cầu, ngăn ngăn chặn hành vi giấu diếm, tẩu tán tài sản chung của vợ chồng trong quá trình giải quyết ly hôn. Ngoài ra, có thể xem xét xử lý trường hợp một hoặc hai bên tẩu tán tài sản chung trước khi ly hôn, tương tự như cơ chế phá sản doanh nghiệp.
    • Dự luật cũng cần xem xét đưa thêm một quy định cụ thể nghĩa vụ về tài sản riêng của vợ, chồng trong một số trường hợp như:
  • Trả các khoản nợ mà vợ, chồng vay của người khác trong thời kỳ hôn nhân không vì nhu cầu chung của gia đình;
  • Trả các khoản nợ phát sinh trong quá trình quản lý, sử dụng định đoạt tài sản riêng;
  • Trả các khoản nợ phát sinh khi thực hiện nghĩa vụ gắn liền nhân thân vợ, chồng như các khoản chi phí giám hộ mà người vợ hoặc chồng là người giám hộ;
  • Nghĩa vụ cấp dưỡng liên đới mà vợ, chồng phải thực hiện đối với các thành viên trong gia đình;…
    • Theo quy định tại Điều 29e, tài sản thuộc sở hữu chung của vợ, chồng nhưng một người lại đương nhiên được phép đại diện giao dịch hợp pháp. Do vậy, cần có cơ chế để bảo vệ người kia, chẳng hạn người vợ, chồng còn lại phải được quyền đề nghị Toà án và thừa phát lại yêu cầu các tổ chức tín dụng cũng như các nơi khác cung cấp thông tin, yêu cầu kê biên tài sản đó tiền gửi, tài sản gửi và các giao dịch khác của người chồng, vợ khi tiến hành thủ tục ly hôn.
  1. Về các nhu cầu và nhu cầu thiết yếu của gia đình (nhiều điều):
  • Nhu cầu của gia đình không được giải thích, nhưng được đề cập đến trong nhiều điều của Dự luật như: “bảo đảm các nhu cầu của gia đình” (khoản 2, Điều 27 về “Tài sản chung của vợ chồng”); “đảm bảo những nhu cầu của gia đình” (điểm a, khoản 1, Điều 33d về “Nội dung cơ bản của chế độ tài sản theo thỏa thuận”); “đáp ứng nhu cầu của gia đình(khoản 3, Điều 33a về “Nghĩa vụ riêng của vợ, chồng về tài sản”). Còn nhu cầu thiết yếu của gia đình thì được giải thích tại khoản 21, Điều 8 về “Giải thích từ ngữ”: “Nhu cầu thiết yếu là những nhu cầu sinh hoạt thông thường về ăn, mặc, ở, học hành và những nhu cầu sinh hoạt thông thường khác cho cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình”. Nhu cầu thiết yếu được quy định trong nhiều điều luật, đó là “nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình” (khoản 24, Điều 8 về “Giải thích từ ngữ”); “các nhu cầu thiết yếu của gia đình” (khoản 2, Điều 26b về “Các nguyên tắc chung về chế độ tài sản của vợ chồng”; Điều 26d về “Quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng trong việc thực hiện giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình”; Điều 26c về “Nghĩa vụ đóng góp tài sản vào việc đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của gia đình”; khoản 4, Điều 33 về “Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng”; khoản 2, Điều 44 về “Quyền có tài sản riêng của con”); “nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng” (Điều 32 về “Tài sản riêng của vợ, chồng”); “nhu cầu thiết yếu của con chưa thành niên” (khoản 2, Điều 39 về “Đại diện cho con”); “nhu cầu thiết yếu của những người được cấp dưỡng” (Điều 51 về “Một người cấp dưỡng cho nhiều người”; Điều 52 về “Nhiều người cùng cấp dưỡng cho một người hoặc cho nhiều người”; khoản 1, Điều 53 về “Mức cấp dưỡng”). Cần xem lại giải thích nhu cầu thiết yếu bao gồm cả “những nhu cầu sinh hoạt thông thường khác cho cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình”. Nếu bám theo giải thích như vậy thì nhu cầu đi nước ngoài chữa bệnh hay du lịch, nhu cầu uống rượu ngoại đắt tiền, đi lại bằng xe ô tô xịn,… vẫn diễn ra thông thường hằng ngày cũng sẽ vẫn được coi là nhu cầu thiết yếu.
  • Vì vậy, đề nghị giải thích lại nhu cầu thiết yếu, chẳng hạn “Nhu cầu thiết yếu là những nhu cầu sinh hoạt thông thường về ăn, mặc, ở, học hành, chữa bệnh và những nhu cầu sinh hoạt thông thường khác không thể thiếu cho cuộc sống bình thường của mỗi người, mỗi gia đình.”.

—————————–

Luật sư Trương Thanh Đức

ĐC: Công ty Luật ANVI, tầng 2, Tòa nhà Savina, số 1 Đinh Lễ, phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, HN

FB: Trương Thanh Đức (www.facebook.com/LSTruongThanhDuc)

E-mail: duc.tt @anvilaw.com

Web: www.anvilaw.com

ĐT: 090.345.9070

 

[1]   Hội thảo do Trung tâm nghiên cứu chính sách, pháp luật về giới (CPLG) tổ chức. Tham luận này gọi là Luật HNGĐ thay vì Luật sửa đổi, bổ sung, vì Luật hiện hành có 110 điều, mà sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ tới 134 điều.

[2]   Cũng có thể hiểu 2 bên là vợ chồng, còn người khác là bên thứ 3, nhưng vẫn rất dễ dẫn đến tình trạng hiểu sai.

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.429. Củng cố pháp luật để phát triển trung...

Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính. (KTVN) - Theo...

Trích dẫn 

3.978. Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế...

Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế thu nhập cá nhân. (DĐDN)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,975