(ANVI) – VCCI Hà Nội 05-10-2013
- Việc ban hành “Quy chế Công bố thông tin về hoạt động của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu” là cần thiết, để góp phần nâng cao trách nhiệm của các công ty trong việc sử dụng nguồn lực của Nhà nước và tạo ra môi trường cạnh tranh minh bạch, bình đẳng, thúc đẩy tăng trưởng bền vững nền kinh tế.
- Nhìn chung, Quy chế này đã tổng hợp tương đối đầy đủ và cụ thể hóa các quy định về việc công khai thông tin của các công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu một cách hợp lý. Tuy nhiên, vẫn còn một số nội dung cần tiếp tục xem xét để bảo đảm đầy đủ và hoàn thiện hơn.
- Về Công bố thông tin bất thường:
- Dự thảo Quy chế mới chỉ có quy định về việc công bố thông tin thường xuyên theo định kỳ, mà chưa đề cập đến việc công bố các thông tin bất thường, đột xuất.
- Vì vậy, đề nghị xem xét quy định thêm các trường hợp phải công bố thông tin bất thường (tương tự như yêu cầu đối với công ty đại chúng), ví dụ như các thông tin sau:
- Tài khoản của công ty tại ngân hàng bị phong toả hoặc được phép hoạt động trở lại sau khi bị phong toả;
- Tạm ngừng một phần hoặc toàn bộ hoạt động kinh doanh; bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy phép thành lập và hoạt động hoặc Giấy phép hoạt động;
- Báo cáo kiểm toán có ý kiến ngoại trừ, ý kiến không chấp nhận hoặc ý kiến từ chối của tổ chức kiểm toán đối với Báo cáo tài chính; công bố công ty kiểm toán đã ký hợp đồng kiểm toán Báo cáo tài chính năm; thay đổi công ty kiểm toán (sau khi đã ký hợp đồng) hoặc việc từ chối kiểm toán Báo cáo tài chính của công ty kiểm toán; kết quả điều chỉnh hồi tố Báo cáo tài chính (nếu có);
- Khi có sự thay đổi nhân sự chủ chốt của công ty (thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Giám đốc, Phó Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc, Phó tổng Giám đốc, Giám đốc Tài chính, Kế toán trưởng, Trưởng phòng tài chính kế toán);
- Có quyết định khởi tố, bản án, quyết định của Tòa án đối với thành viên Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc, Phó tổng Giám đốc hoặc Giám đốc, Phó Giám đốc, Giám đốc Tài chính, Kế toán trưởng, Trưởng phòng tài chính kế toán, Thành viên Ban kiểm soát của công ty; có quyết định khởi tố, bản án, quyết định của Toà án liên quan đến hoạt động của công ty; có kết luận của cơ quan thuế về việc công ty vi phạm pháp luật về thuế;
- Khi có thông báo của Toà án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp;
- Quyết định vay hoặc phát hành trái phiếu có giá trị từ ba mươi phần trăm (30%) vốn chủ sở hữu trở lên tính tại Báo cáo tài chính năm gần nhất đã được kiểm toán hoặc Báo cáo tài chính bán niên gần nhất được soát xét;
- Công ty nhận được thay đổi nội dung liên quan đến Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy phép thành lập và hoạt động hoặc Giấy phép hoạt động;
- Khi xảy ra các sự kiện có ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc tình hình quản trị của công ty.
- Về “Các quy định về công bố thông tin” (Điều 4):
- Cần xem xét lại tên của Điều này, nếu đặt như vậy thì chỉ 1 điều đã bao hàm gần như toàn bộ phần nội dung chính của Quy chế Công bố thông tin.
- Đề nghị xem xét tách 9 khoản của Điều này thành 8 điều khác nhau như sau:
- Yêu cầu thực hiện công bố thông tin, trong đó có Ngôn ngữ công bố thông tin;
- Nội dung công bố thông tin;
- Phương tiện và hình thức công bố thông tin;
- Trách nhiệm công bố thông tin;
- Tạm hoãn công bố thông tin;
- Điều chỉnh nội dung công bố thông tin;
- Bảo quản, lưu giữ thông tin;
- Xử lý vi phạm về công bố thông tin.
- Về Tổ chức thực hiện (Điều 12):
Đề nghị xem lại quy định tại khoản 1, Điều này: “Các công ty mẹ, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Bộ trưởng các Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định thành lập có trách nhiệm thực hiện việc công bố thông tin về hoạt động căn cứ vào Quyết định này.” là có sự nhầm lẫn giữa Quyết định ban hành với Quy chế.
- Về bố cục của Dự thảo Quy chế:
- Kết cấu của dự thảo Quyết định tương đối ngắn gọn, chỉ có 12 điều, nhưng được chia thành 3 chương (Quy định chung, Công bố thông tin của doanh nghiệp và Tổ chức thực hiện), là không hợp lý, có ý nghĩa cả về khoa học cũng như thực tế. Vì chương 1 và 3 luôn là các chương công thức, thủ tục mở đầu và kết thúc, chương còn lại đương nhiên là toàn bộ nội dung chính của Quy chế. Chỉ nên chia thành chương, nếu phần nội dung chính này gồm ít nhất là 2 chương. Ngoài ra, phân chia như vậy, cũng sẽ không có sự xác định rõ ràng một điều cụ thể cần thiết để ở chương nào. Ví dụ Điều 4 về “Các quy định về công bố thông tin” để ở chương “Quy định chung”, nhưng lại quy định cụ thể các nội dung như công bố tại đâu, trong thời hạn mấy ngày,… thì hoàn toàn có thể chuyển sang “Công bố thông tin của doanh nghiệp”.
- Vì vậy để nghị không phân chia thành 3 chương, hoặc ít nhất cần chia thành 4 chương, nếu như thiết kế thêm một số điều như đề nghị nói trên.
- Một số nội dung khác
- Đề nghị xem lại Dự thảo có quá nhiều cách khác nhau diễn đạt về một vấn đề thời hạn tương tự nhau, như “chậm nhất là năm (5) ngày làm việc”, “trong vòng năm (5) ngày làm việc”, “không quá chín mươi ngày (90) ngày”, “trong vòng tối đa mười lăm (15) ngày”,…
- Đề nghị xem lại nhiều câu chữ chưa chính xác, như:
- “Luật thống kê, Luật Kế toán, Luật Thuế” (không có “Luật Thuế” chung chung);
- “hàng năm” (đúng là hằng năm);
- Dự thảo Quy chế viết là “Nghị định số 192/2004/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn Luật kế toán trong hoạt động kinh doanh”, trong khi đúng ra phải là Nghị định số 129/2004/NĐ-CP ngày 31-5-2004 của Chính phủ “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Kế toán áp dụng trong hoạt động kinh doanh”;
- Dự thảo Quy chế viết Phụ lục số I và 2 “ban hành kèm theo Quyết định số …/2013/QĐ-TTg ngày … tháng … năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ”, trong khi đúng ra phải là ban hành kèm theo “Quy chế…”
—————————–
Luật sư Trương Thanh Đức
ĐC: Công ty Luật ANVI, tầng 2, Tòa nhà Savina, số 1 Đinh Lễ, phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, HN
FB: Trương Thanh Đức (www.facebook.com/LSTruongThanhDuc)
E-mail: duc.tt @anvilaw.com
Web: www.anvilaw.com
ĐT: 090.345.9070