(SGTT) – Một số quy định quan trọng trong dự thảo luật giá còn ôm đồm nhiều mục tiêu, do vậy, có thể làm khó cho cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý trong thực hiện các quy định về quản lý giá cả. Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia cho dự thảo luật giá tại buổi góp ý tổ chức hôm qua, 7.6, tại Hà Nội.
Góp ý cho dự thảo luật, ông Vũ Đình Ánh, viện Nghiên cứu thị trường giá cả, cho rằng, dự thảo luật hơi tham khi đặt ra các nguyên tắc định giá, theo đó vừa đảm bảo yêu cầu thị trường, vừa đảm bảo lợi ích khi quản lý nhà nước cũng như yêu cầu hội nhập… Vì vậy, rất khó thực hiện. Chẳng hạn, để định giá, căn cứ vào giá thị trường trong nước đã khó rồi, thêm căn cứ vào giá thế giới càng “kinh khủng” hơn; lại cả khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp – được xem xét đánh giá như thế nào? Hay như liên quan đến quy định về bình ổn giá, dự thảo luật cũng chưa làm rõ bình ổn giá là giá cả ổn định hoặc ít biến động hay nâng giá lên một mức mới rồi giữ ở đó một thời gian (như với giá điện, xăng dầu) cũng là bình ổn? Ông Ánh không đồng tình việc thành lập quỹ bình ổn giá, bởi ngân sách phải “ôm” quá nhiều nhiệm vụ mà hiệu quả không cao.
Vụ trưởng vụ Pháp luật Văn phòng Chính phủ Phạm Tuấn Khải cũng chung quan điểm. Theo ông, nguyên tắc định giá trong dự thảo luật giá có quá nhiều mục tiêu (ông Khải cho rằng đây cũng là lỗi mà nhiều dự án luật khác thường mắc phải). “Việc đặt ra quá nhiều mục tiêu trong căn cứ định giá như vậy liệu doanh nghiệp có thực hiện được không? Nếu không thực hiện được thì đặt ra để làm gì”, ông Khải đặt vấn đề. Theo ông, cần cân nhắc lại các quỹ bình ổn giá hiện nay, mà theo kinh nghiệm các nước, các quỹ này phải được hình thành từ nguồn đóng góp của các hiệp hội, doanh nghiệp thay vì Nhà nước bỏ tiền ra như ở Việt Nam.
Luật phải tạo ra hành lang pháp lý để các doanh nghiệp, người kinh doanh thực thi chứ không nên đặt ra những yêu cầu viển vông, xa vời, chỉ áp dụng với một vài doanh nghiệp và dẫn tới tình trạng đa số “phạm luật” do các quy định thiếu thực tế. |
Luật sư Vũ Xuân Tiền, giám đốc công ty tư vấn VFAM Việt Nam, góp ý: dự thảo có quy định doanh nghiệp phải kê khai giá, niêm yết giá, song không quy định phải bán đúng giá niêm yết, như vậy doanh nghiệp hoàn toàn có thể niêm yết giá một đằng, bán giá một nẻo. Ông đề nghị bổ sung thêm hành vi chào giá hoặc báo giá cho người tiêu dùng quá cao, bất hợp lý trong trường hợp người tiêu dùng không có sự lựa chọn nào khác đồng thời bỏ quy định cấm áp dụng phân biệt về giá khi cung cấp cùng một loại hàng hoá, dịch vụ cho các tổ chức cá nhân khác nhau bởi quy định này không thực tế, khi mà người mua khác nhau về số lượng, cự ly vận chuyển, thời gian thanh toán, mức độ tín nhiệm, thậm chí kể cả quan hệ cá nhân giữa hai bên mua – bán.
Theo luật sư Trương Thanh Đức, phó tổng giám đốc ngân hàng Hàng hải, cần xem lại “căn cứ định giá” bởi căn cứ này chỉ áp dụng với những hàng hoá, dịch vụ phải định giá. Với đa phần hàng hoá, dịch vụ còn lại, theo ông, quy định này không cần thiết. Với quy định về điều chỉnh giá tăng hoặc giảm chỉ được thực hiện khi các yếu tố hình thành giá hoặc quan hệ cung cầu thay đổi, ông Đức cho rằng cũng không hợp lý bởi điều đó liên quan đến rất nhiều yếu tố khác như chiến lược thị phần, tiếp thị, giải quyết hàng tồn đọng… “Luật phải tạo ra hành lang pháp lý để các doanh nghiệp, người kinh doanh thực thi chứ không nên đặt ra những yêu cầu viển vông, xa vời, chỉ áp dụng với một vài doanh nghiệp và dẫn tới tình trạng đa số “phạm luật” do các quy định thiếu thực tế”, ông Đức nhấn mạnh.
Thảo Nguyễn
Một số điểm đáng lưu ý trong dự thảo luật giá • Ba nguyên tắc quản lý, điều hành giá: thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường có sự điều tiết của Nhà nước phù hợp với thông lệ quốc tế; Nhà nước rời bỏ quyền định giá trực tiếp đối với đại bộ phận hàng hoá dịch vụ trong nền kinh tế đã hình thành thị trường cạnh tranh; Nhà nước sử dụng các biện pháp kinh tế và hành chính cần thiết để bình ổn giá, kiểm soát giá cả, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của tổ chức, cá nhân và Nhà nước. • Điểm mới của dự thảo luật so với pháp lệnh Giá: nhấn mạnh trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, trong đó có quy định phải đăng ký giá, kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá, giải quyết khiếu kiện của người mua về giá cả hàng hoá, dịch vụ mà mình bán (hoặc mua) không đúng giá công bố hoặc hợp đồng đã giao kết; bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật về giá. • Hai tiêu chí quy định danh mục hàng hoá, dịch vụ phải thực hiện bình ổn giá: thuộc diện thiết yếu đối với sản xuất, tiêu dùng; liên quan đến việc các doanh nghiệp vi phạm quy định về thoả thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị thế độc quyền, lạm dụng vị thế thống lĩnh thị trường theo quy định của luật Cạnh tranh để quy định giá gây hại đến lợi ích của người tiêu dùng. Những nhóm hàng hoá này cũng sẽ thuộc diện kiểm soát các yếu tố hình thành giá. • Đối với hàng hoá, dịch vụ độc quyền, Nhà nước sẽ kiểm soát bằng cách quy định giá cụ thể, giá tối đa, tối thiểu, khung giá; thực hiện đấu thầu, đấu giá; kiểm soát các yếu tố hình thành giá, chi phí sản xuất, chi phí lưu thông… |
—————
Tuổi Trẻ (trang web và ttmobile)
Trang nhất Tuổi Trẻ 10-6-2011
http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/Index.html?FromTime=10-06-2011%2019:57:53
Luật phải tạo ra hành lang pháp lý
“Luật phải tạo ra hành lang pháp lý để các doanh nghiệp, người kinh doanh thực thi chứ không nên đặt ra những yêu cầu viển vông, xa vời, chỉ áp dụng với một vài doanh nghiệp và dẫn tới tình trạng đa số “phạm luật” do các quy định thiếu thực tế”.
Luật sư TRƯƠNG THANH ĐỨC, phó tổng giám đốc ngân hàng Hàng hải.
Sài Gòn tiếp thị 8-6-2011
—————————-
Bào Sài Gòn Tiếp thị
http://sgtt.vn/Goc-nhin/145943/Du-thao-lua%CC%A3t-Gia-Qua-nhieu-muc-tieu-kho-thuc-hien.html