197. Bình luận chuyên đề “Giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động của tập đoàn kinh tế Nhà nước: Một số vấn đề cần hoàn thiện”.

(ANVI) – Hội thảo về Tập đoàn kinh tế nhà nước                                                 BTP, Hà Nội 10-2013

 

BÌNH LUẬN CHUYÊN ĐỀ “GIÁM SÁT VÀ ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA TẬP ĐOÀN KINH TẾ NHÀ NƯỚC: MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẦN HOÀN THIỆN”

của tác giả: TS Nguyễn Văn Cương – Ths Hoàng Công Dũng – Viện Khoa học Pháp lý – Bộ Tư pháp

 

  1. Nhận xét chung:
  • Chuyên đề đã nêu ra một cách đầy đủ thực trạng chung cũng như việc giám sát, đánh giá hiệu quả của Tập đoàn kinh tế nhà nước, đồng thời đưa ra các giải pháp kinh điển để hoàn thiện loại chủ thể kinh doanh này.
  • Tuy nhiên, Chuyên đề chưa đi sâu vào bản chất vấn đề là thiếu công cụ, cách thức giám sát, đánh giá hiệu quả, hay cần phải có những giải pháp mạnh mẽ, táo bạo, triệt để hơn để chuyển đổi loại hình doanh nghiệp này.
  1. Về phần 1 “Khái quát về tập đoàn kinh tế nhà nước”:
  • Chuyên đề đã đề cập đến 11 Tập đoàn kinh tế nhà nước khác nhau tính đến thời điểm này. Tuy nhiên, cũng như phần lớn đánh giá khác, Chuyên đề chưa phân biệt rõ được 2 loại tập đoàn khác nhau trên thực tế, đó là:
  • Các Tập đoàn không có tư cách pháp nhân theo đúng quy định “Tập đoàn kinh tế không có tư cách pháp nhân, không phải đăng ký kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp.” tại khoản 3, Điều 38 về “Hướng dẫn bổ sung về tập đoàn kinh tế”, Nghị định số 102/2010/NĐ-CP ngày 01-10-2010 của Chính phủ “Hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp”;
  • Các Tập đoàn có tư cách pháp nhân là các công ty mẹ; trước kia chỉ được gọi là Tập đoàn và gần đây thì một số được thêm vào đằng sau cụm từ “Công ty TNHH một thành viên” hoặc “Công ty cổ phần”, trái ngược với quy định của pháp luật cũng như thông lệ quốc tế. Ví dụ công ty niêm yết trên sàn chứng khoán có tên trên con dấu là “Tập đoàn Bảo Việt”;
  • Cụ thể 11 Tập đoàn có và không có tư cách pháp nhân theo tập hợp từ các quyết định của Thủ tướng và trang web của các Tập đoàn dưới đây:
TTTập đoàn là pháp nhân

(công ty mẹ)

Tập đoàn không phải là pháp nhânQuyết định

điều chỉnh

1Tập đoàn Bảo Việt (Bảo Việt)Tập đoàn Tài chính Bảo hiểm Bảo Việt*Chưa rõ
2Tập đoàn Bưu chính Viễn thông VN (VNPT)*Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Quốc gia VN180/QĐ-TTg ngày 28-1-2011
3Tập đoàn Công nghiệp Cao su VN (VRG)*Tập đoàn Công nghiệp Cao su Quốc gia VN248/2006/QĐ-TTg
4Tập đoàn Hoá chất VN (Vinachem)*Chưa rõ2180 TTg ngày 23-12-2009
5Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy VN (Vinashin)*Tập đoàn Kinh tế Vinashin103 và 104/QĐ- TTg ngày 15-5-2006
6Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản VN (Vinacomin)*“Tổ hợp Công ty mẹ – Công ty con Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản VN”418/QĐ-TTg ngày 21-3-2011
7Tập đoàn Dầu khí VN (PetroVietnam)Tập đoàn Dầu khí Quốc gia VN*190/QĐ-TTg 29-01-2011
8Tập đoàn Dệt May VN (Vinatex)*Tập đoàn Dệt May VN340/QĐ-TTg ngày 07-3-2011
9Tập đoàn Điện lực VN (EVN)*Tập đoàn Điện lực Quốc gia VN857/QĐ-TTg  ngày 06-06-2011
10Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel)*Chưa rõ2097/2009/QĐ-TTg
13Tập đoàn Xăng dầu VN (Petrolimex)*Chưa rõ828/QĐ-TTg ngày 31-5-2011

* Tên Tập đoàn được nêu trong Chuyên đề của TS Nguyễn Văn Cương – Ths Hoàng Công Dũng.

  • Như vậy có thể thấy, đơn giản nhất là ngay từ tên gọi của các Tập đoàn cũng đã là một sự tù mù, lẫn lộn, nhập nhằng cả về pháp lý và thực tế, đến mức không thể phân biệt được, trong đó:
  • Tên gọi tập đoàn và tổng công ty hiện hành là trái với tư duy lô gic và ngôn ngữ tiếng Việt, như “Tập đoàn ABC – Công ty TNHH nhà nước một thành viên” hay “Tổng công ty XYZ – Công ty TNHH nhà nước một thành viên” thay vì “Công ty TNHH ABC” hay “Công ty TNHH XYZ”;
  • Tên gọi tập đoàn và tổng công ty hiện hành đã tạo ra sự bất bình đẳng rõ rệt giữa công ty nhà nước và phi nhà nước ở chỗ, chỉ Nhà nước mới được gọi là Tập đoàn, Tổng công ty, còn phi nhà nước thì không được phép sử dụng một cách chính thức;
  • Tên gọi tổng công ty hiện hành là trái với từ ngữ quy định của Luật Doanh nghiệp, chỉ có công ty, chứ không có tổng công ty (bản chất là công ty mẹ hoặc là một nhóm công ty đã được ghi nhận trong Luật Doanh nghiệp).
  • Chuyên đề viết: “Bên cạnh, tập đoàn thường được nhắc đến như những điển hình về làm ăn hiệu quả là Viettel thì cũng có những tập đoàn đầy tai tiếng về sự làm ăn kém hiệu quả như Vinashin và Vinalines.” là chưa chính xác, vì tuy Vinalines được thành lập theo Quyết định số 91/QĐ-TTg ngày 07-3-1994 của Thủ tướng Chính phủ về việc Thí điểm thành lập tập đoàn kinh doanh, nhưng chỉ là Tổng Công ty lớn của Nhà nước (như khoảng 17-18 tổng công ty 91 khác, tùy từng thời kỳ), chứ chưa được chuyển đổi thành tập đoàn (hiện nay là theo Nghị định số 101/2009/NĐ-CP ngày 05-11-2009 của Chính phủ về “Thí điểm thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý tập đoàn kinh tế nhà nước”).
  • Việc “đầu tư mở rộng quá nhanh quy mô tập đoàn, đầu tư dàn trải trên nhiều lĩnh vực, địa bàn…” được nêu trong Chuyên đề không chỉ xảy ra với Tập đoàn Vinashin, mà đối với hầu hết các Tập đoàn. Và cần phải khẳng định, việc này không chỉ do lỗi của bản thân các tập đoàn, mà xuất phát từ định hướng chính sách sai lầm, xây dựng tập đoàn kinh tế nhà nước theo hướng đa ngành nghề, lĩnh vực.
  1. Về phần 2 “Cơ chế giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động của các tập đoàn kinh tế nhà nước”:
  • Lâu nay dường như đã thực hiện mọi cơ chế giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động các doanh nghiệp nhà nước nói chung, các Tập đoàn kinh tế nhà nước nói riêng, nhưng chỉ mang lại kết quả rất hạn chế. Chuyên đề có nêu: “chắc chắn trong cơ chế giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của tập đoàn kinh tế nhà nước phải có những vấn đề, có thể ở trong lỗi thiết kế hoặc ở trong khâu tổ chức thực thi”.
  • Vậy, vấn đề thực sự là ở đâu, lỗi ở khâu “thiết kế” hay “thực thi”, lỗi cụ thể nào, đâu là chính, chưa được Chuyên đề nêu ra.
  1. Về phần 3 “Thử tìm một số nguyên nhân làm giảm hiệu quả, hiệu lực của cơ chế giám sát”:
  • Chuyên đề đã đánh giá “chưa có cơ chế khắc phục được” “sự không rõ ràng về quyền lợi và trách nhiệm giữa chủ sở hữu các chủ thể có liên quan” và “người quản lý doanh nghiệp, vận hành doanh nghiệp không phải ông chủ thực sự” trong doanh nghiệp nhà nước. Cần phải khẳng định dứt khoát hơn, vì bản chất sở hữu không thể thay đổi, nên không thể khắc phục được, chứ không chỉ là “chưa có cơ chế khắc phục được”.
  • Với những vấn đề như Chuyên đề nêu ra, thì có thể nhìn rõ kết cục là không thể khắc phục được sự khiếm khuyết của cơ chế doanh nghiệp nhà nước. Vì vậy, thay vì mở rộng quy mô và tăng cường vai trò của mô hình này, thì cần phải làm ngược lại là thu hẹp tối đa, chỉ duy trì trong những lĩnh vực không thể thiếu, khi mà các doanh nghiệp tư nhân từ chối tham gia.
  1. Về phần 4 “Một số kiến nghị”;
  • Giải pháp thứ nhất mà Chuyên đề đưa ra là “xây dựng thể chế riêng cho việc giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động của tập đoàn kinh tế”.

Đây cũng là một việc cần làm, nhưng không nên trông chờ gì nhiều vào kết quả từ việc này. Chỉ riêng việc loay hoay nhiều lần thay đổi quan điểm về cơ quan chủ quản của doanh nghiệp nhà nước cũng đã đặt ra một sự nghi ngờ: Liệu có cơ chế quản lý nào thực sự hiệu quả đối với các Tập đoàn kinh tế nói riêng và doanh nghiệp nhà nước nói chung hay không? Dù có xây dựng một đạo luật riêng về vấn đề này như đang dự thảo thì cũng chỉ là giải pháp hỗ trợ về hình thức, chứ sẽ không có tính chất quyết định.

  • Giải pháp thứ hai mà Chuyên đề đưa ra là cần tách bạch vai trò “kinh doanh” với vai trò thực hiện các nhiệm vụ “chính trị-xã hội” (hoặc công ích) trong mỗi tập đoàn.”

Thực ra thì cũng đã có sự bóc tách giữa hai loại nhiệm vụ này, tuy chưa thật rõ ràng tài một số doanh nghiệp. Nguyên lý đã là doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nhà nước hay tập đoàn, thì cũng đều nhằm mục tiêu kinh doanh, tìm kiếm lợi nhuận. Hiện nay chỉ phân biệt sản phẩm, dịch vụ công ích chứ không còn phân biệt loại hình doanh nghiệp công ích như trước kia. Và sản phầm, dịch vụ công ích thì không chỉ doanh nghiệp nhà nước, mà công ty nào cũng có thể đảm nhận.

  • Giải pháp thứ ba mà Chuyên đề đưa ra là “cần bổ sung cơ chế tăng cường động lực giám sát từ bên ngoài đối với hoạt động của các tập đoàn kinh tế nhà nước.”

Điều này là đúng về nguyên lý, nhưng chỉ đạt kết quả thực sự nếu hoàn toàn vận hành theo kinh tế thị trường. Còn chúng ta vẫn mong muốn hiến định kinh tế nhà nước là chủ đạo và khẳng định nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, thì việc giám sát từ bên ngoài sẽ chỉ là hình thức.

  • Giải pháp thứ tư mà Chuyên đề đưa ra là “tiếp tục hoàn thiện cơ chế giám sát nội bộ về hiệu quả hoạt động của các tập đoàn kinh tế nhà nước.”

Cơ chế giám sát nội bộ của doanh nghiệp nhà nước nói chung, tập đoàn kinh tế nhà nước nói riêng, không những bị vô hiệu hoá bởi đặc điểm sở hữu và thể chế, mà thậm chí còn bị áp đặt sang mô hình doanh nghiệp tư nhân bằng việc ấn định Ban Kiểm soát trực thuộc Đại hội đồng cổ đông, đã đi ngược lại chuẩn mực quốc tế phổ biến.

Trân trọng tham gia!

———————

Địa chỉ liên hệ

Trương Thanh Đức

ĐC: Công ty Luật ANVI, tầng 2, Tòa nhà Savina, số 1 Đinh Lễ, phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, HN

FB: Trương Thanh Đức (www.facebook.com/LSTruongThanhDuc)

E-mail: duc.tt @anvilaw.com

Web: www.anvilaw.com

ĐT: 090.345.9070

 

 

 

Giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động của tập đoàn kinh tế nhà nước: một số vấn đề cần hoàn thiện

  1. Nguyễn Văn Cương

Ths. Hoàng Công Dũng

Viện Khoa học pháp lý – Bộ Tư pháp

 

  1. Khái quát về tập đoàn kinh tế nhà nước

Tập đoàn kinh tế hiểu theo quy định của pháp luật hiện hành là nhóm công ty có quy mô lớn liên kết dưới hình thức công ty mẹ – công ty con và các hình thức khác tạo thành các tổ hợp doanh nghiệp gắn bó chặt chẽ và lâu dài với nhau về lợi ích kinh tế, công nghệ, thị trường và các dịch vụ kinh doanh khác.[1] Tập đoàn kinh tế nhà nước bao gồm:

– Công ty mẹ (gọi tắt là doanh nghiệp cấp I) là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc giữ quyền chi phối theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ;

– Công ty con của doanh nghiệp cấp I (gọi tắt là doanh nghiệp cấp II) là các doanh nghiệp do doanh nghiệp cấp I giữ quyền chi phối; được tổ chức dưới hình thức công ty cổ phần, công ty TNHH một hoặc hai thành viên trở lên, tổng công ty theo hình thức công ty mẹ – công ty con, công ty liên doanh (trong trường hợp chưa đăng ký lại theo Luật Doanh nghiệp), công ty con ở nước ngoài.

– Công ty con của doanh nghiệp cấp II và các cấp tiếp theo;

– Các doanh nghiệp liên kết của tập đoàn gồm: doanh nghiệp có vốn góp dưới mức chi phối của công ty mẹ và của công ty con; doanh nghiệp không có vốn góp của công ty mẹ và của công ty con, tự nguyện tham gia liên kết dưới hình thức hợp đồng liên kết hoặc không có hợp đồng liên kết, nhưng có mối quan hệ gắn bó lâu dài về lợi ích kinh tế, công nghệ, thị trường và các dịch vụ kinh doanh khác với công ty mẹ hoặc doanh nghiệp thành viên trong tập đoàn.

Trong tập đoàn kinh tế nhà nước, công ty mẹ và các doanh nghiệp thành viên tập đoàn có tư cách pháp nhân; có vốn và tài sản riêng; có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản của mình theo quy định của pháp luật và theo thỏa thuận chung của tập đoàn. Nhà nước là chủ sở hữu vốn nhà nước trực tiếp đầu tư tại công ty mẹ. Công ty mẹ là chủ sở hữu vốn nhà nước tại các công ty con, doanh nghiệp liên kết.

Hiện nay Ở Việt Nam có 11 tập đoàn kinh tế nhà nước gồm: Tập đoàn bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) (thành lập tháng 4/2005); Tập đoàn công nghiệp than-khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) (thành lập từ tháng 9/2005); Tập đoàn tài chính-bảo hiểm Bảo Việt (Bảo Việt) (thành lập tháng 12/2005); Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex) (thành lập tháng 12/2005); Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) (thành lập tháng 1/2006); Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) (thành lập tháng 6/2006); Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) (thành lập tháng 7/2006); Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PetroVietnam) (thành lập tháng 9/2006); Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) (thành lập tháng 12/2009); Tập đoàn công nghiệp hóa chất Việt Nam (Vinachem); Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) (thành lập tháng 5/2011).

Theo số liệu trong đề tài cấp nhà nước “Nghiên cứu mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước của Việt Nam đến năm 2020” của GS.TS. Phạm Quang Trung (chủ nhiệm đề tài) thì 11 tập đoàn kinh tế này đang nắm giữ khoảng 30% tổng giá trị tài sản, 51% tổng vốn chủ sở hữu và khoảng 40% lực lượng lao động của khu vực nhà nước.[2] So sánh với toàn bộ hệ thống doanh nghiệp trong nền kinh tế (bao gồm toàn bộ các doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài), thì 11 tập đoàn kinh tế nhà nước chiếm 10% tổng giá trị tài sản, 14% tổng vốn chủ sở hữu và 7,6% lao động theo hợp đồng dài hạn.[3]

Tập đoàn kinh tế nhà nước nói riêng và các doanh nghiệp nhà nước nói chung được Đảng và Nhà nước đặt rất nhiều kỳ vọng và yêu cầu về vai trò trong nền kinh tế và về hiệu quả hoạt động. Cụ thể, đó là các yêu cầu và kỳ vọng sau đây:

– “… Giữ vai trò chi phối trong nền kinh tế quốc dân, thể hiện tính ưu việt về năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, thu nhập của người lao động và tích lũy cho sự nghiệp công nghiệp hóa.”[4]

– “…Làm đòn bẩy đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội; mở đường, hướng dẫn, hỗ trợ các thành phần kinh tế khác cùng phát triển; làm lực lượng vật chất để nhà nước thực hiện chức năng điều tiết và quản lý vĩ mô; tạo nền tảng cho chế độ xã hội mới…”[5]

– “… Giữ vị trí then chốt; đi đầu ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ; nêu gương về năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế-xã hội và chấp hành pháp luật…”[6]

Thực tiễn kết quả hoạt động của các tập đoàn kinh tế nói riêng và các doanh nghiệp nhà nước nói chung cho thấy những kỳ vọng và yêu cầu kể trên của Đảng và Nhà nước vẫn chỉ là kỳ vọng. Hiệu quả hoạt động của các tập đoàn kinh tế nhà nước trong thời gian vừa qua là một bức tranh nhiều màu sắc, có thành tựu nhưng cũng không ít những yếu kém, khuyết điểm.

Bên cạnh, tập đoàn thường được nhắc đến như những điển hình về làm ăn hiệu quả là Viettel[7] thì cũng có những tập đoàn đầy tai tiếng về sự làm ăn kém hiệu quả như Vinashin và Vinalines. Đã có không ít chuyên gia, nhà khoa học đã thẳng thắn chỉ ra rằng, “thực trạng tài chính của một số tập đoàn … tiềm ẩn nguy cơ rủi ro; hiệu quả, sức cạnh tranh của doanh nghiệp… còn thấp; năng lực, trình độ quản trị doanh nghiệp còn yếu kém”.[8] Điều đáng nói là, kể cả những số liệu báo cáo về tình hình tài chính tích cực của các tập đoàn kinh tế cũng không phải luôn đáng tin cậy. Trong thực tế, bài học của tập đoàn Vinashin đã chỉ ra điều này. Năm 2010, mặc dù bị lỗ nhưng Vinashin vẫn báo cáo lãi.[9] Có tập đoàn kinh tế thua lỗ lớn trong sản xuất kinh doanh do đầu tư dàn trải vào các lĩnh vực có tính rủi ro mà các tập đoàn không có thế mạnh như tài chính, bất động sản, chứng khoán, viễn thông; việc điều hành, tổ chức sản xuất kinh doanh kém; do sai phạm trong quản lý kinh tế của những cá nhân lãnh đạo của tập đoàn; hoặc do không có khả năng kiểm soát hoạt động của các doanh nghiệp thành viên. Chẳng hạn, tại Vinashin, các cấp có thẩm quyền đã chỉ rõ những sai lầm trong hoạt động kinh doanh của tập đoàn như: trong một thời gian ngắn đã đầu tư mở rộng quá nhanh quy mô tập đoàn, đầu tư dàn trải trên nhiều lĩnh vực, địa bàn trái với quy hoạch được phê duyệt, trong đó có những lĩnh vực không liên quan đến công nghiệp đóng và sửa chữa tàu biển, nhiều lĩnh vực kém hiệu quả, có nhiều công ty, dự án thua lỗ nặng nề; tình hình nội bộ diễn biến phức tạp. Điều đáng nói là, cán bộ quản lý ở tập đoàn và các công ty con tuy trình độ không đáp ứng yêu cầu nhưng vẫn được bố trí, sử dụng tùy tiện. Đội ngũ cán bộ quản lý mắc rất nhiều sai phạm trong quản lý, điều hành, bố trí nguồn lực đầu tư, báo cáo sai sự thật v.v.[10] Ngoài ra, không chỉ ở Vinashin mà ở cả một số tập đoàn kinh tế nhà nước khác, công tác kiểm soát tài chính rất ít được coi trọng, không duy trì hệ thống kiểm soát nội bộ và kiểm toán nội bộ. Trong một số tập đoàn, kiểm soát tài chính và thực hiện các hoạt động tài chính đều do cùng một đơn vị thực hiện, không bảo đảm tính độc lập tương đối của bộ máy kiểm toán nội bộ.[11]

Việc thanh tra của Thanh tra Chính phủ đối với một số tập đoàn kinh tế lớn như Tập đoàn dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Sông Đà, Tập đoàn Hóa Chất …trong quý I năm 2012 đã phát hiện sai phạm, thiếu sót về kinh tế với số tiền 30.720 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi về cho ngân sách 3.712 tỷ đồng, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý số tiền trên 27,008 tỷ đồng, kiến nghị tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có vi phạm.[12] Kết quả thanh tra tập đoàn VNPT vừa qua cũng phát hiện hàng loạt sai phạm, chẳng hạn, VNPT nộp chậm quỹ Viễn thông công ích (VTCI) 73,3 tỷ đồng; chưa xác định số phải nộp quỹ năm 2011 và 2012. Tại một số dự án, do việc khảo sát, tính toán sai thực tế, đánh giá thị trường chưa tốt đã dẫn đến lãng phí về tài sản , thiết bị, quá trình kinh doanh không hiệu quả. Đơn cử như dự án cáp đồng hiện còn tồn đọng vật tư lên tới hơn 70 tỷ đồng, dự án Cityphone lỗ và tài sản không khấu hao được lên tới hơn 168 tỷ đồng…Đặc biệt, việc quyết định dự án Vinasat 1 và 2 với tổng vốn đầu tư lên tới 9.280 tỷ đồng, tuy đạt được mục tiêu về chính trị – xã hội, nhưng đến thời điểm năm 2011 dự án này chưa đảm bảo hiệu quả kinh doanh như kế hoạch được phê duyệt, với số lỗ vượt dự kiến lên tới 329 tỷ đồng. Đến thời điểm cuối năm 2011, VNPT đã đầu tư góp vốn vào 86 doanh nghiệp với tổng giá trị 3.273 tỷ đồng, trong đó: 38 doanh nghiệp thu được 322 tỷ đồng lợi nhuận; 28 doanh nghiệp có vốn đầu tư gần 200 tỷ đồng nhưng lợi nhuận thu về đạt thấp. Đặc biệt, với số tiền hơn 723 tỷ đồng rót vào 20 doanh nghiệp và quỹ khác nhưng không thu được lợi nhuận, gây lãng phí vốn đầu tư.[13]

 

  1. Cơ chế giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động của các tập đoàn kinh tế nhà nước

Hiện tại, cơ chế này được quy định tại Chương 4 Nghị định số 101/2009/NĐ-CP ngày 5/11/2009 về thí điểm thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý tập đoàn kinh tế nhà nước (từ Điều 38 tới Điều 43). Cụ thể:

Theo quy định tại Điều 38 của Nghị định này, chủ sở hữu nhà nước đối với công ty mẹ có quyền “tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, thực hiện các quyết định của chủ sở hữu và đánh giá hiệu quả hoạt động của công ty mẹ.”

Theo quy định tại Điều 39 của Nghị định vừa nêu, “Chính phủ thống nhất thực hiện các quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với công ty mẹ”, “người đại diện trực tiếp chủ sở hữu nhà nước tại công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước là người được Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm làm thành viên Hội đồng quản trị công ty mẹ.”

Điều 40 của Nghị định cũng quy định khá rõ việc phân công, phân cấp thực hiện quyền của chủ sở hữu nhà nước đối với công ty mẹ tập đoàn kinh tế nhà nước, trong đó nêu rõ thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ quản lý ngành, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nội vụ, và Hội đồng quản trị công ty mẹ.

Điều 41 của Nghị định quy định rõ quyền, nghĩa vụ của người đại diện trực tiếp chủ sở hữu nhà nước tại công ty mẹ, theo đó, thành viên Hội đồng quản trị thực hiện các quyền và nghĩa vụ sau đây: a) Theo dõi, giám sát, báo cáo định kỳ hoặc theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan được phân công, phân cấp thực hiện quyền của chủ sở hữu nhà nước về tình hình hoạt động kinh doanh, tài chính, kết quả hoạt động kinh doanh của công ty mẹ và các doanh nghiệp thành viên theo quy định của pháp luật, Điều lệ doanh nghiệp;c) Bảo đảm lợi ích của Nhà nước, hiệu quả hoạt động của tập đoàn kinh tế nhà nước;đ) Chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ được giao. Trường hợp thiếu trách nhiệm, lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn gây thiệt hại cho Nhà nước thì phải chịu trách nhiệm và bồi thường vật chất theo quy định của pháp luật. Hội đồng quản trị công ty mẹ có trách nhiệm báo cáo định kỳ hàng năm và báo cáo đột xuất theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các nội dung sau đây: a) Tình hình và kết quả định hướng tập đoàn thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ chủ sở hữu nhà nước giao cho tập đoàn kinh tế, bao gồm cả mục tiêu kinh tế trong ngành nghề kinh doanh chính; b) Danh mục và cơ cấu đầu tư vào các ngành nghề kinh doanh chính và ngành nghề không có liên quan; c) Tình hình huy động vốn đầu tư vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bất động sản, chứng khoán; d) Các hình thức và mức độ liên kết giữa các doanh nghiệp trong tập đoàn kinh tế; đ) Công tác tổ chức, cán bộ của công ty mẹ; nguồn nhân lực kinh doanh ngành nghề chính, các ngành nghề có liên quan và ngành nghề không liên quan; e) Quy định của công ty mẹ về những vấn đề phải được công ty mẹ thông qua trước khi người đại diện theo ủy quyền tại các doanh nghiệp thành viên quyết định hoặc tham gia quyết định tại các doanh nghiệp thành viên.

Điều 42 của Nghị định số 101/2009/NĐ-CP cũng quy định tương đối rõ 3 loại nội dung mà chủ sở hữu nhà nước sẽ quản lý, giám sát, đánh giá đối với tập đoàn kinh tế nhà nước là: công tác tổ chức và cán bộ;[14] hoạt động kinh doanh;[15] và tài chính.[16] Khoản 2 của Điều 42 còn quy định việc phân công các cơ quan có trách nhiệm thực hiện 3 nội dung giám sát kể trên, đó là các cơ quan như: Bộ Tài chính (giám sát, đánh giá các hoạt động tài chính, kết quả và hiệu quả kinh doanh của công ty mẹ và toàn bộ tập đoàn v.v.); Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (giám sát việc thực hiện quy định tốc độ tăng tiền lương bình quân); Bộ quản lý ngành (giám sát danh mục đầu tư v.v.); Bộ Kế hoạch và Đầu tư (giám sát việc triển khai đề án hình thành tập đoàn kinh doanh nhà nước v.v.).

Việc quản lý, giám sát đối với các tập đoàn kinh tế nhà nước được thực hiện theo 4 phương thức sau (Điều 43 Nghị định 101/2009/NĐ-CP): a) Thông qua chế độ báo cáo của Hội đồng quản trị công ty mẹ; b) Thông qua thực hiện kiểm toán tại công ty mẹ và các doanh nghiệp thành viên; c) Thông qua thực hiện chế độ báo cáo định kỳ và đột xuất của công ty mẹ; d) Thông qua hoạt động kiểm tra, giám sát, đánh giá của các cơ quan quy định tại Điều 42 Nghị định này. Kết quả giám sát, đánh giá là cơ sở để quyết định mức lương, thưởng, bổ nhiệm hoặc bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật, xử lý trách nhiệm đối với Chủ tịch, thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, các Phó tổng giám đốc, Kế toán trưởng công ty mẹ.

Ngoài ra, do các công ty mẹ và không ít doanh nghiệp thành viên trong tập đoàn là doanh nghiệp nhà nước, nên việc giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp này còn bị chi phối bởi Quy chế giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước ban hành kèm theo quyết định số 224/2006/QĐ-TTg (được hướng dẫn bởi Thông tư số 115/2007/TT-BTC) và Quy chế giám sát đối với doanh nghiệp nhà nước kinh doanh thua lỗ, hoạt động không hiệu quả ban hành kèm theo Quyết định số 169/2007/QĐ-TTg (được hướng dẫn bằng Thông tư số 42/2008/TT-BTC). Giám sát doanh nghiệp theo quy định của Quyết định số 224/2006/QĐ-TTg được hiểu là việc theo dõi, kiểm tra doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh, hoạt động công ích, chấp hành chính sách pháp luật. Giám sát doanh nghiệp được chia thành nhiều cấp độ: doanh nghiệp tự giám sát, giám sát của chủ sở hữu, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước. Trong mỗi cấp độ có quy định rõ về chủ thể giám sát, mục tiêu giám sát và nội dung của giám sát. Quy chế cũng xác định cụ thể quyền và nghĩa vụ của những đối tượng liên quan đến giám sát như doanh nghiệp, chủ sở hữu, cơ quan quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp lâm vào tình trạng thua lỗ thì chịu sự giám sát theo quy chế riêng ban hành kèm quyết định số 169/2007/QĐ-TTg. Mục đích giám sát trong các trường hợp này là nhằm xác định nguyên nhân dẫn đến tình trạng thua lỗ, hoạt động kém hiệu quả từ đó tìm các biện pháp giúp doanh nghiệp khắc phục hạn chế, nâng cao hiệu quả hoạt động. Các doanh nghiệp chịu sự giám sát theo Quy chế này là các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ 2 năm liên tiếp, thua lỗ 1 năm nhưng mất 30% vốn chủ sở hữu, kinh doanh giữa hai năm lỗ là một năm lãi, có hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn thấp hơn 0,5.

Đánh giá hiệu quả hoạt động được hiểu là việc sử dụng tiêu chí để xác định hiệu quả hoạt động và phân loại doanh nghiệp. Văn bản này quy định các tiêu chí đánh giá đối với doanh nghiệp và ban lãnh đạo doanh nghiệp. Các tiêu chí được sử dụng để đánh giá bao gồm: doanh thu, lợi nhuận, nợ và khả năng thanh toán, tình hình thực hiện sản phẩm, dịch vụ công ích, tình hình chấp hành pháp luật về thuế, bảo hiểm, lao động, tiền lương… Đối với Hội đồng quản trị và Ban giám đốc, việc đánh giá kết quả hoạt động của các thiết chế này được thực hiện căn cứ vào các chỉ tiêu về mức độ hoàn thành chỉ tiêu nhà nước giao về tỷ suất lợi nhuận trên vốn nhà nước đầu tư; Kết quả phân loại doanh nghiệp theo quy định; Việc chấp hành các quy định của chủ sở hữu, Điều lệ Công ty và các quy định của pháp luật hiện hành. Căn cứ vào các chỉ tiêu nêu trên, doanh nghiệp được xếp hạng, chia vào các nhóm A, B, C theo thứ tự giảm dần của hiệu quả hoạt động, từ hoạt động hiệu quả, không hiệu quả và hoạt động kém.

Như vậy, xem ra, khung pháp lý về giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động của các tập đoàn kinh tế nhà nước không phải là quá thiếu vắng, vậy tại sao, cơ chế như thế vẫn không phát huy tác dụng đầy đủ để kịp thời phát hiện, cảnh báo các vấn đề cần giải quyết, thông qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động của các tập đoàn kinh tế nhà nước? Để xảy ra những vụ việc rất nghiêm trọng như ở Vinashin và Vinalines, chắc chắn trong cơ chế giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của tập đoàn kinh tế nhà nước phải có những vấn đề, có thể ở trong lỗi thiết kế hoặc ở trong khâu tổ chức thực thi.

  1. Thử tìm một số nguyên nhân làm giảm hiệu quả, hiệu lực của cơ chế giám sát

Nguyên nhân của tình trạng hoạt động kém hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước nói chung, các tập đoàn kinh tế nhà nước nói riêng và đi kèm với đó là sự kém hiệu quả, hiệu lực của cơ chế giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước là chủ đề thảo luận của rất nhiều diễn đàn khác nhau. Một trong những vấn đề lớn cho tới ngày nay chúng ta chưa có cơ chế khắc phục được được chính là sự không rõ ràng về quyền lợi và trách nhiệm giữa chủ sở hữu và các chủ thể có liên quan trong tổ chức và vận hành của doanh nghiệp nhà nước. Tập đoàn kinh tế nhà nước nói riêng và các doanh nghiệp nhà nước nói chung có một đặc điểm cố hữu là người quản lý doanh nghiệp, vận hành doanh nghiệp không phải ông chủ thực sự của doanh nghiệp mà chỉ là người được ủy quyền, đi làm thuê để vận hành khối tài sản được xếp vào hình thức sở hữu không hoàn toàn rõ ràng về mặt pháp lý đó là “sở hữu toàn dân”. Quan hệ ủy quyền quản lý kiểu ấy luôn mang trong mình một mâu thuẫn nội tại: cái gì tốt nhất cho người quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp có thể chưa chắc đã tốt nhất cho doanh nghiệp và ngược lại. Trên thực tế, có tình trạng trong cùng một lĩnh vực hoạt động, doanh nghiệp cú thu nhập bình quân đầu người cao nhất không phải là doanh nghiệp có hiệu suất lợn nhuận cao nhất.[17] Nếu cơ chế giám sát, quản lý người được ủy quyền (người quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp) không hữu hiệu, khả năng xảy ra lạm quyền, theo đuổi lợi ích cá nhân thay cho lợi ích của doanh nghiệp luôn là nguy cơ thường trực. Điều trớ trêu nữa của cơ chế sở hữu toàn dân đối với các tập đoàn này cần lưu ý là chính bản thân những người có quyền bổ nhiệm, theo dõi, giám sát, kiểm tra, đánh giá tập đoàn cũng không phải là những người chủ đích thực của tập đoàn. Điều này cũng có nghĩa rằng, nếu những người chủ đích thực của tập đoàn (là nhân dân), không có cơ chế hữu hiệu để kiểm tra, giám sát chính những người có thẩm quyền bổ nhiệm, theo dõi, giám sát, đánh giá, kiểm tra bộ máy quản lý của tập đoàn thì rất có thể chính giữa người có quyền theo dõi, đánh giá, kiểm tra với người bị theo dõi, đánh giá, kiểm tra dễ đồng thuận với nhau về kết quả đánh giá, theo dõi, kiểm tra theo hướng không phải mang lại lợi ích tốt nhất cho chủ sở hữu (nhân dân).

Trong cơ chế giám sát, đánh giá hoạt động của tập đoàn mà chúng tôi dẫn chiếu ở trên, điều rất đáng nói là, vai trò của các cơ quan dân cử, của công luận, báo chí khá mờ nhạt. Đây là điều rất đáng lưu ý. Thêm vào đó, nếu chúng ta chịu khó quan sát, sẽ không khó để thấy rằng, những ý kiến phê phán gay gắt về cách quản lý, giám sát, đánh giá tập đoàn kinh tế ở nước ta hiện nay thường diễn ra ở diễn đàn của các cơ quan dân cử hoặc trên công luận hơn là ở các diễn đàn khác. Có lẽ, dù sao, những diễn đàn này, gần với dân hơn nên động lực giám sát có thể cũng mạnh hơn.

Bên cạnh đó, cơ chế công khai, minh bạch kết quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước nói chung và các tập đoàn kinh tế nói riêng hiện nay đang rất có vấn đề. Các nghiên cứu được công bố gần đây ở Việt Nam đều chỉ rõ nhiều doanh nghiệp không tiến hành công bố thông tin phục vụ cho việc giám sát và đánh giá (trong đó có các thông tin như báo cáo kiểm toán nội bộ, chính sách quản lý rủi ro của doanh nghiệp, chính sách thưởng cho cán bộ chủ chốt, thông tin về các hợp đồng, dự án chủ chốt v.v.); phương tiện công bố thông tin không tạo điều kiện để các đối tượng ngoài cơ quan nhà nước tiếp cận được với thông tin.[18]

  1. Một số kiến nghị

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của tập đoàn kinh tế, chúng tôi cho rằng, ngoài việc thực hiện nghiêm các quy định về đánh giá, giám sát hiện hành cần thực hiện một số giải pháp sau đây:

Thứ nhất, xây dựng thể chế riêng cho việc giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động của tập đoàn kinh tế. Hiệu quả hoạt động của tập đoàn không đơn thuần là số cộng giản đơn hiệu quả hoạt động của từng doanh nghiệp thành viên mà là loại hiệu quả tổng hợp. Với sự khác biệt về mô hình tổ chức, quy mô và phạm vi hoạt động, tập đoàn kinh tế cần có khung tiêu chí và phương pháp đánh giá hiệu quả hoạt động không hoàn toàn giống với khung tiêu chí và phương pháp đánh giá hiệu quả hoạt động của từng doanh nghiệp nhà nước đơn lẻ.

Thứ hai, cần tách bạch vai trò “kinh doanh” với vai trò thực hiện các nhiệm vụ “chính trị-xã hội” (hoặc công ích) trong mỗi tập đoàn. Khi đã bóc tách được hai loại nhiệm vụ này, áp dụng hai cơ chế tổ chức và quản lý riêng khi thực hiện hai loại nhiệm vụ, thì sẽ có cơ sở khách quan hơn để đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh của tập đoàn, không nhập nhằng về tiêu chí đánh giá.

Thứ ba, cần bổ sung cơ chế tăng cường động lực giám sát từ bên ngoài đối với hoạt động của các tập đoàn kinh tế nhà nước. Động lực giám sát này thường đến từ các chủ thể có quyền giám sát mang tính độc lập và có động cơ giám sát mạnh hơn so với các cơ quan quản lý nhà nước, trước tiên là Quốc hội. Đây là cơ quan có quyền giám sát cao nhất, là diễn đàn của đại biểu dân cử và là nơi thích hợp để các vấn đề bức xúc về các tập đoàn kinh tế nhà nước được đưa ra bàn luận, mổ xẻ một cách mạnh mẽ và nhận được sự quan tâm, ủng hộ của dân chúng nhiều nhất. Có lẽ trong thời gian tới, cần có cơ chế tăng cường hoạt động giám sát của Quốc hội (và các Ủy ban của Quốc hội) đối hoạt động của các tập đoàn kinh tế nhà nước. Kết quả của các hoạt động giám sát này phải được công khai để công chúng biết. Bên cạnh đó, cần có chính sách thiết thực khuyến khích, ủng hộ sự tham gia mạnh mẽ hơn nữa của báo chí, của dân chúng, sử dụng sức mạnh dư luận để ủng hộ các tập đoàn kinh tế nhà nước làm ăn hiệu quả đồng thời là công cụ phát hiện, lên án những tập đoàn kinh tế nhà nước làm ăn thua lỗ, kém hiệu quả. Trong đó, việc thống kê một cách khoa học, có hệ thống và công khai các số liệu liên quan đến hiệu quả của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước cần được xác định là điều kiện tiên quyết.

Thứ tư, tiếp tục hoàn thiện cơ chế giám sát nội bộ về hiệu quả hoạt động của các tập đoàn kinh tế nhà nước. Trước hết, cần nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ chế kiểm soát nội bộ như Ban kiểm soát trong các tập đoàn kinh tế, duy trì và cải thiện hiệu quả hoạt động của hệ thống kiểm toán, thanh tra, kiểm tra nội bộ. Theo đó những người làm việc trong Ban kiểm soát và các thiết chế kiểm toán, thanh tra, kiểm tra nội bộ phải thực sự độc lập với đối tượng chịu sự kiểm toán, thanh tra, kiểm tra, không kiêm nhiệm và được cung cấp điều kiện tốt nhất để thực hiện nhiệm vụ của mình; tăng cường trách nhiệm giải trình trong hoạt động của tập đoàn kinh tế nhà nước đối với những yêu cầu của cơ quan chủ quản, đại diện chủ sở hữu, ban kiểm soát hay giữa tập đoàn với các đơn vị thành viên; Đồng thời có quy định cụ thể về chế độ báo cáo và công khai minh bạch kết quả hoạt động của tập đoàn (trong đó có báo cáo và công khai việc phân phối lợi nhuận của tập đoàn), nâng cao tính xác thực của các báo cáo tài chính.

Mặc dù động lực giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động của các tập đoàn tư nhân, tập đoàn đa sở hữu cao hơn tập đoàn nhà nước, nhưng bản thân các tập đoàn lớn trên thế giới cũng gặp những vấn đề nhất định khi thực hiện việc đánh giá hiệu quả hoạt động của tập đoàn, trong đó mấu chốt là giải quyết vấn đề lợi ích và giám sát khi có sự phân tách giữa người chủ doanh nghiệp và người điều hành quản lý doanh nghiệp. Tham khảo cách làm của các tập đoàn lớn trên thế giới, kết hợp với điều kiện phát triển hình thức tập đoàn kinh tế nhà nước ở Việt Nam chúng tôi cho rằng khi hoàn thiện cơ chế đánh giá hiệu quả hoạt động của các đối tượng này cần gắn kết lợi ích của người quản lý doanh nghiệp với hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Theo đó, thù lao, lợi ích kinh tế của người đại diện chủ sở hữu và người quản lý tập đoàn phải tương xứng với lợi nhuận, kết quả đầu ra mà tập đoàn đạt được thông qua một cơ chế phân phối lợi ích phù hợp. Mặt khác, bên cạnh quyền lợi cũng cần có biện pháp quy trách nhiệm của Chính phủ, của Bộ, ngành trong vai trò đại diện chủ sở hữu và trách nhiệm của người quản lý điều hành tập đoàn khi để xảy ra tình trạng kinh doanh kém hiệu quả, thua lỗ, thất thoát. Trách nhiệm ở đây cần xác định cụ thể, trách nhiệm của ai, đến đâu và phương án đền bù, khắc phục như thế nào cần được quy định rõ. Hình thành thị trường CEO và có tư duy mới trong việc sử dụng con người trong các tập đoàn kinh tế. Thiết nghĩ đã đến lúc chúng ta cần thay đổi quy trình nhân sự khép kín như hiện nay, chế độ lựa chọn nhân sự cần dựa vào khả năng điều hành, quản lý kinh tế và tổ chức công việc. Những yêu cầu đó sẽ được đáp ứng bởi một thị trường lao động nhân sự điều hành cao cấp (CEO), những người đã có kinh nghiệm, có uy tín trên thị trường về khả năng điều hành những tập đoàn lớn. Chúng ta đã có những bài học đắt giá khi trao trọng trách quá lớn cho những cá nhân không đáp ứng được nhu cầu quản lý tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

—————————–

 

 

[1]   Khoản 1, Điều 4 Nghị định số 101/2009/NĐ-CP ngày 5/11/2009 của Chính phủ thí điểm thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý tập đoàn kinh tế nhà nước.

[2]   GS.TS. Phạm Quang Trung và PGS.TS. Bùi Huy Nhượng, “Một số quan điểm và giải pháp hoàn thiện mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước” trong Kỷ yếu hội thảo “Doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” (Hà Nội: NXB Chính trị quốc gia, 2013) tr. 318.

[3]   GS.TS. Phạm Quang Trung và PGS.TS. Bùi Huy Nhượng, “Một số quan điểm và giải pháp hoàn thiện mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước” trong Kỷ yếu hội thảo “Doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” (Hà Nội: NXB Chính trị quốc gia, 2013) tr. 324.

[4]   Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập (Hà Nội: NXB Chính trị quốc gia, 2006) tập 47, tr. 377.

[5]   Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII (Hà Nội: NXB Chính trị quốc gia, 1996) tr. 93-94.

[6]   Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX (Hà Nội: NXB Chính trị quốc gia, 2001) tr. 96.

[7]   GS.TS. Phạm Quang Trung (chủ biên), Mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước ở Việt Nam đến năm 2020 (Hà Nội: NXB Chính trị quốc gia, 2013) tr. 178.

[8]   TS. Hồ Sỹ Hùng, “Định hướng mục tiêu tiếp tục đổi mới, sắp xếp doanh nghiệp nhà nước và một số thách thức đặt ra” trong Kỷ yếu hội thảo “Doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” (Hà Nội: NXB Chính trị quốc gia, 2013) tr. 302.

[9]   GS.TS. Nguyễn Kế Tuấn, “Một số vấn đề về tài chính trong quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước” trong Kỷ yếu hội thảo “Doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” (Hà Nội: NXB Chính trị quốc gia, 2013) tr. 175.

[10] “Kết luận của Bộ chính trị về Vinashin” <http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/394348/Ket-luan-cua-Bo-Chinh-tri-ve-Vinashin.html>

[11] GS.TS. Phạm Quang Trung (chủ biên), Mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước ở Việt Nam đến năm 2020 (Hà Nội: NXB Chính trị quốc gia, 2013) tr. 185.

[12] <http://doanhnhan.vneconomy.vn/20120405113432804P0C5/phat-hien-nhieu-sai-pham-lon-ve-kinh-te-tai-cac-tap-doan.htm>

[13] <http://doanhnhan.vneconomy.vn/2013071901141337P0C5/hang-loat-sai-pham-kinh-te-tai-tap-doan-buu-chinh-vien-thong.htm>

[14] Nội dung này bao gồm: việc tổ chức, thành lập, gia nhập, tổ chức lại, giải thể tập đoàn kinh tế; quá trình thay đổi cơ cấu sở hữu của công ty con dẫn đến chuyển thành doanh nghiệp có vốn dưới mức chi phối của công ty mẹ; việc thực hiện Điều lệ công ty mẹ; việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, chế độ lương, thưởng, thực hiện nhiệm vụ và kết quả hoạt động của Hội đồng quản trị công ty mẹ;

[15] Nội dung này bao gồm: mục tiêu, phương hướng, chiến lược kinh doanh của tập đoàn kinh tế; kế hoạch đầu tư, kế hoạch tài chính của công ty mẹ; danh mục đầu tư, các ngành nghề kinh doanh chính và các ngành nghề không có liên quan đến ngành nghề kinh doanh chính; đầu tư vào lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn, dự án có nguy cơ rủi ro; nhiệm vụ hoạt động công ích;

[16] Nội dung này bao gồm: việc bảo toàn và phát triển vốn; tình hình và kết quả hoạt động tài chính; tỷ suất lợi nhuận trên vốn nhà nước; hiệu quả đầu tư và kinh doanh; chi phí tiền lương; vay, nợ và khả năng thanh toán nợ; vốn điều lệ, tăng giảm vốn điều lệ, thay đổi cơ cấu vốn điều lệ; các dự án đầu tư vượt quá mức phân cấp cho công ty mẹ.

[17] Ủy ban thường vụ Quốc hội Hóa XII, 2009, Báo cáo tóm tắt kết quả giám sát “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước”.

[18] GS.TS. Phạm Quang Trung (chủ biên), Mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước ở Việt Nam đến năm 2020 (Hà Nội: NXB Chính trị quốc gia, 2013) tr. 192-193.

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.390. Cải cách thể chế bắt đầu từ con người.

Cải cách thể chế bắt đầu từ con người. (VNN) - Thể chế sai không thể...

Trích dẫn 

3.908. Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản...

Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản di động" đẩy giá đất. (VTV.vn)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,675