Giám hộ khốn khó
(ANVI) – Giao dịch dân sự là đủ thứ trên giời, dưới biển, biên giới, hải đảo, cao cấp, bình dân, thân lạ, xa gần đều cần mua bán, đổi chác, tặng cho từ bó cải, chai bia, cây kim, cuộn chỉ, tý ớt, củ hành cho đến buôn tầu, bán bè, tậu xe, mua nhà.
Người đủ tuổi bình thường thì đương nhiên tự quyết; người khiếm khuyết, bất thường thì cần tăng cường trợ giúp. Trẻ người non dạ, nhặt lá đá bơ, thẩn thơ lơ ngơ, nghiện hút ma túy, hủy hoại gia sản, tâm thần bệnh tật, rất kém nhận thức, năng lực hạn chế, thế thì phải cần sự trợ giúp của người thứ ba, gọi là giám hộ. Đó là theo quy định của Bộ luật Dân sự 2005.
Nhưng, sự đời có tới muôn hình vạn trạng, vẫn có tạng người chưa tới mức mất năng lực hành vi, mà chỉ là hạn chế phần nào, mà không khép được vào khung luật. Vì luật thì lại chỉ quy định xử lý trường hợp do ma túy hay vì chất kích thích gây ra. Thế là các cụ nhà ta tuổi già sức yếu, tuy thiếu minh mẫn nhưng vẫn nằm ngoài trường hợp phải có sự trợ giúp. Vậy nên sống trên của cải vẫn phải bó tay, loay hoay câu chuyện mua bán, định đoạt.
Vừa hay mới có ngay Điều 23 về “Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi” ghi trong Bộ luật Dân sự 2015: Người đã lớn khôn, dù chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự thì vẫn có thể được Tòa án chỉ định người giám hộ.
Với 3 điều kiện: Một là có khó khăn về nhận thức và hành vi; hai là có yêu cầu của chính người đó hay người có quyền lợi liên quan hoặc của tổ chức hữu quan; ba là có kết luận giám định pháp y tâm thần.
Ngày 26-4-2017