Doanh nghiệp không được mượn lao động: Quy định cứng nhắc
Thời gian vừa qua, một số DN đã gửi đơn thư tới nhiều cơ quan quản lý về lao động cũng như cơ quan của Chính phủ hỏi về việc DN của họ có nhu cầu mượn lao động của DN khác có được không? Và câu trả lời từ cơ quan chức năng là… không.
Hành lang pháp lý chưa có
Do hoạt động sản xuất kinh doanh trong một số lĩnh vực đặc thù mang tính thời vụ. Vào các mùa thấp điểm, lao động của DN gần như không có việc làm, hoặc có thì thu nhập rất thấp vì lương khoán sản phẩm. DN vẫn phải chịu một khoản chi phí lương, bảo hiểm khi người lao động không có việc làm, nhưng nếu thuê lao động theo thời vụ thì sẽ không chủ động được nhân lực sản xuất và một số công việc đặc thù thì cũng không dễ gì thuê được. Trong khi đó, các Cty đối tác cũng chỉ cần lao động vào mùa cao điểm. Nếu lao động của hai DN này khớp lại, cho nhau mượn thì vừa có lợi cho người lao động vừa có lợi cho DN.
Một ví dụ khác với số lượng lao động cho mượn ít hơn đơn cử như một nhà hàng của một khách sạn 5 sao. Đầu bếp nghỉ phép nửa tháng hay nằm viện nhiều ngày, trong khi khách sạn khác của cùng một tập đoàn có thể điều động đầu bếp khác là người nước ngoài thay thế. Nhưng nếu làm đúng luật, thì họ phải thực hiện theo Nghị định số 102/2013/NĐ-CP. Với những điều kiện của nghị định, họ hoàn thành xong thủ tục thì nguy cơ nhà hàng phải đóng cửa rất cao.
Thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh của DN muôn hình muôn vẻ, nhu cầu mượn và cho mượn lao động hoàn toàn có thể phát sinh. Nhưng nếu cứ áp đặt quy định một cách cứng nhắc như trong Bộ luật Lao động năm 2012 đó là người lao động và người sử dụng lao động “phải trực tiếp giao kết hợp đồng” thì gây khó cho DN. Như vậy, mục tiêu quản lý nhà nước là tạo điều kiện để DN hoạt động sản xuất kinh doanh một cách thuận lợi và bảo vệ quyền lợi người lao động sẽ bị chệch hướng.
Vì vậy, khi các DN có nhu cầu mượn và cho mượn lao động tìm được đến với nhau có những thỏa thuận có lợi cho cả hai bên DN và có lợi cho người lao động thì luật pháp cần tạo điều kiện. Người lao động sẽ được bảo đảm quyền lợi bởi vì lúc này hai bên DN cùng phải có trách nhiệm với họ. Tất nhiên, sự thỏa thuận mượn và cho mượn này phải được sự đồng ý của người lao động. Đây là điểm mà pháp luật cần phải điều chỉnh. Bởi vì, với một vài lao động thì không sao chứ với hàng trăm, hàng ngàn lao động cho mượn thì cần phải có hướng dẫn rất cụ thể.
Ranh giới mượn và thuê
Tuy nhiên, chúng ta cũng phải phân định rõ giữa việc cho mượn lao động và cho thuê lao động. Theo Điều 53, Bộ luật Lao động năm 2012 quy định hình thức cho thuê lại lao động, theo hình thức này “việc người lao động đã được tuyển dụng bởi DN được cấp phép hoạt động cho thuê lại lao động sau đó làm việc cho người sử dụng lao động khác, chịu sự điều hành của người sử dụng lao động sau và vẫn duy trì quan hệ lao động với DN cho thuê lại lao động”. DN cho thuê lao động thì hoạt động cho thuê lao động chính là một hoạt động kinh doanh và thu tiền từ hoạt động này. DN cho thuê lại lao động phải tuân thủ một số điều kiện theo quy định của pháp luật như ký quỹ và được cấp phép hoạt động cho thuê lại lao động. Thời hạn cho thuê lại lao động tối đa không quá 12 tháng,…
Còn cho mượn lao động thì không phải là một ngành, nghề kinh doanh, không thu phí, không lấy lãi từ việc đó. Thậm chí một số trường hợp DN sẵn sàng chi trả toàn bộ tiền lương và bảo hiểm của người lao động trong những ngày cho mượn để làm việc cho DN khác. Lao động có thể ký hoặc không ký thêm một hợp đồng lao động tạm thời với DN đi mượn lao động và các bên có thể thoả thuận DN thứ 2 chuyển hay không chuyển tiền bảo hiểm xã hội cho DN thứ nhất để đóng. Tuy nhiên, vì quy định không cho phép mượn lao động, nên việc trả lương thế nào, đóng bảo hiểm ra sao, kiểu gì cũng vướng mắc, sai trái.
Thời gian vừa qua, Thanh tra lao động tại một số địa phương đã tiến hành thanh kiểm tra và xử phạt nhiều DN không đáp ứng đủ điều kiện của DN cho thuê lao động nhưng vẫn hoạt động. Việc kiểm tra, giám sát hoạt động cho thuê lao động với mục đích bảo vệ quyền lợi của người lao động, cũng như bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật là rất cần thiết.
Tại báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội mới đây cho thấy, việc thanh kiểm tra về lao động vẫn còn rất hạn chế. Năm 2015 hoạt động thanh kiểm tra về lao động chỉ đạt chưa đến 1% số DN. Như vậy có thể nói, nơi cần kiểm tra giám sát thì vẫn chưa làm được, còn nơi không cần thì lại bị thắt chặt. Những bất cập trong quan hệ lao động trên cần phải được điều chỉnh một cách phù hợp.
Ông Yoon Youngmo – chuyên gia của Tổ chức Lao động Quốc tế: Cần thận trọng khi cho thuê lại lao động
Trên thế giới, cho thuê lại lao động là một phương thức sử dụng lao động linh hoạt và là cơ hội việc làm, đặc biệt đối với những công việc mang tính chất tạm thời. Một nghiên cứu tại 34 quốc gia (phần lớn ở các nước Âu-Mỹ) do Tổ chức quốc tế của các DN cho thuê lại lao động (CIETT) thực hiện cho thấy số lượng người lao động cho thuê lại ngày càng gia tăng. Chẳng hạn, ở Anh, lao động cho thuê lại chiếm 4% tổng số lực lượng lao động, với 80% trong khu vực dịch vụ và khu vực công.
Bộ LĐTBXH từng phối hợp với tổ chức ILO tại VN thực hiện khảo sát quy mô nhỏ năm 2010-2011, kết quả cho thấy lao động phái cử không chỉ tồn tại ở các công việc giản đơn mà còn có ở nhóm người lao động lành nghề có chuyên môn cao. Việc gia tăng hoạt động cho thuê lại lao động bắt nguồn từ chính nhu cầu của DN. Đối với nhiều DN nước ngoài tại Việt Nam, loại hình lao động này là một phần quan trọng trong phương thức kinh doanh của họ. Đặc biệt, lao động phái cử càng có ý nghĩa lớn đối với những DN có quy mô sản xuất thay đổi nhiều tùy thuộc vào các thời điểm khác nhau trong năm. Phần lớn những Cty này duy trì một chiến lược toàn cầu là giữ số lượng lao động trực tiếp ở một mức tối thiểu. Trong những giai đoạn sản xuất tăng cường, họ dựa vào lực lượng lao động cho thuê lại ngắn hạn. Tuy nhiên, do tính chất đặc biệt của mối quan hệ lao động này, lao động phái cử dễ bị bóc lột và lạm dụng, bị hạn chế về bảo hiểm xã hội , sử đảm bảo về công việc, cũng như có ít cơ hội đào tạo hơn người lao động trực tiếp. Kinh nghiệm quốc tế đã thấy rõ những khó khăn trong việc thực hiện cho thuê lại lao động ở các nước trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Indonesia. Do đó, việc cho thuê lại lao động cần thận trọng để đảm bảo rằng quyền lợi chính đáng của cả người lao động và người sử dụng lao động đều được bảo vệ.
Ông Lưu Huy Hà – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Hoàng Hà: Cần xem xét ban hành quy định về việc thoả thuận mượn lao động
Theo quy định trong Bộ luật Lao động năm 2012 thì người lao động và người sử dụng lao động “phải trực tiếp giao kết hợp đồng” không cho phép hai công ty thoả thuận mượn lao động. Tuy nhiện, thực tế hiện nay ở hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh, việc thoả thuận mượn lao động giữa hai công ty với nhau vẫn được diễn ra, do xuất phát từ nhu cầu cấp thiết đem lại hiệu quả cũng như tháo gỡ khó khăn cho cả người lao động lẫn DN. Tôi chỉ đơn cử ngành vận tải chúng tôi, có nhiều DN hoạt động kinh doanh lĩnh vực du lịch nên các Cty này chủ yếu làm theo “mùa”… đến khi hết “mùa” thì các Cty này bị “khủng hoảng” thừa lao động buộc phải cho lao động nghỉ việc tạm thời và ngược lại. Mặc dù hiệu quả mang lại từ việc thoả thuận mượn lao động tạo thuận lợi cho cả 3 bên DN cho mượn – DN mượn – người lao động) rõ như vậy, nhưng nếu hai công ty thoả thuận mượn lao động sẽ vi phạm quy định và bị xử phạt. Tôi cho rằng đây là vấn đề bất cập, Bộ LĐ – TBXH cần trình Chính phủ xem xét và có quy định hành lang pháp lý phù hợp tạo điều kiện thuận lợi cho DN cũng như tạo công ăn việc làm thu nhập ổn định cho người lao động.
Bà NGUYỄN THỊ LAN ANH – Giám đốc Cty CP Hà Yến: Đáp ứng nhu cầu của nhiều Doanh nghiệp
Tôi nghĩ, nếu nhà nước luật hóa hình thức lao động mới này có thể giúp đáp ứng nhu cầu của nhiều DN, nhất là đối với kế hoạch sử dụng lao động linh hoạt, cho phép DN dễ dàng điều chỉnh nhu cầu về lao động trong thời gian ngắn và tiết kiệm các chi phí tuyển dụng cũng như những chi phí hành chính khác. Đây cũng là một giải pháp để một bộ phận lao động kỹ năng thấp có thể gia nhập thị trường lao động, tích lũy kinh nghiệm, học hỏi các kỹ năng làm việc mới, và là bước đệm để tiến tới được tuyển dụng trực tiếp.
Tuấn anh – khắc lãng – mai thanh (ghi)
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC.
——
Diễn đàn Doanh nghiệp (Kinh doanh & Pháp luật) 10-4-2016:
http://enternews.vn/dn-khong-duoc-muon-lao-dong-quy-dinh-cung-nhac.html
(1.032/1.878)