199. Nhiều tranh luận gay gắt!

(PL&XH) – Theo Cục Kiểm soát TTHC, bãi bỏ yêu cầu bắt buộc công chứng không có nghĩa là bãi bỏ các TTHC về công chứng và chuyển trách nhiệm làm công chứng sang cho cơ quan đăng ký nhà ở và quyền sử dụng đất.

Bỏ hay giữ?

Sáng 14-6, Cục Kiểm soát TTHC Văn phòng Chính phủ tiếp tục tổ chức họp bàn với một số bộ, ngành về “triển khai Nghị quyết số 25/NQ-CP và Nghị quyết số 52/NQ-CP về phương án đơn giản hóa bãi bỏ yêu cầu bắt buộc công chứng, chứng thực với các hợp đồng liên quan đến nhà ở và quyền sử dụng đất”, tại cuộc họp đã có nhiều tranh luận gay gắt.

Theo Cục Kiểm soát TTHC, bãi bỏ yêu cầu bắt buộc công chứng không có nghĩa là bãi bỏ các TTHC về công chứng và chuyển trách nhiệm làm công chứng sang cho cơ quan đăng ký nhà ở và quyền sử dụng đất. Việc thực hiện công chứng hợp đồng về nhà ở và quyền sử dụng đất sẽ chuyển từ “nghĩa vụ” thực hiện công chứng sang thành “quyền” sử dụng dịch vụ công chứng.

Cũng theo phương án đơn giản hóa, việc bãi bỏ yêu cầu công chứng với các hợp đồng, giao dịch liên quan đến nhà ở và quyền sử dụng đất không có nghĩa là chuyển toàn bộ loại việc này sang cho Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất và nhà ở, và cũng không có nghĩa chuyển việc chịu trách nhiệm về tính pháp lý của hợp đồng sang cho Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, nên lo ngại về trình độ của cán bộ cơ quan đăng ký quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất là không cần thiết.

Không đồng tình, ông Nguyễn Hồng Hải, Vụ Dân sự kinh tế Bộ Tư pháp cho rằng, việc bỏ yêu cầu bắt buộc công chứng là cách nhìn nhận về bãi bỏ TTHC quá đơn giản và không thuyết phục, mang tính kỹ thuật. Đây là việc “thả cá chép bắt cá rô”, tiết kiệm cho người dân vài chục nghìn đồng, thì chi phí cho giải quyết tranh chấp gấp nhiều lần. Ông Hải cho rằng, bảo vệ người dân phải xuất phát từ thực tế, phải có đánh giá tổng thể, phải lấy ý kiến người dân, chứ không chỉ lấy ý kiến tổ chức tín dụng, tổ chức bất động sản rồi quyết định.

Bỏ công chứng với hợp đồng, giao dịch về đất đai, nhà ở, người dân sẽ tự chịu rủi ro về tài sản của mình?

Cần dựa trên quyền lợi của dân!

Ông Trần Ngọc Nga – Trưởng phòng công chứng số 1 Hà Nội cho biết, thực tế công chứng viên không chỉ xác nhận tính xác thực nội dung của hợp đồng mà còn tư vấn cho người dân trước khi ký kết. Qua công chứng đã phát hiện rất nhiều giấy tờ giả, “người giả” (giả mạo người có tên trong hợp đồng). Nếu không có công chứng, thừa nhận sang tên bằng giấy tờ viết tay thì liệu Văn phòng đăng ký nhà đất có làm được không, khối lượng công việc sẽ tăng lên như thế nào, hay lại tăng biên chế, đi ngược lại với chủ trương CCHC? Thực tế, các nước Anh, Mỹ không bắt buộc công chứng thì tỷ lệ tranh chấp nhiều hơn hẳn so với Pháp.

Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp Đỗ Hoàng Yến đề nghị Cục Kiểm soát TTHC tổ chức tham vấn rộng rãi hơn, cả với các doanh nghiệp, các địa phương và người dân trước khi quyết định bãi bỏ bắt buộc công chứng. Bà Yến khẳng định, việc bãi bỏ bắt buộc công chứng đã đụng đến vấn đề “có tính thiết chế rường cột của hệ thống pháp luật Việt Nam”, nên phải nghiên cứu, tham vấn toàn diện và đa chiều, chứ không đơn giản là cắt bỏ một thủ tục.

Thực tiễn công chứng gần 20 năm qua đã thể hiện vai trò bảo đảm an toàn cho giao dịch, nhiều thẩm phán cho rằng, công chứng tạo thuận lợi cho cơ quan tố tụng vì văn bản công chứng đã có giá trị pháp lý không cần chứng minh. Trước Báo cáo dẫn đề của Cục Kiểm soát TTHC cho rằng một trong các khó khăn khi bãi bỏ yêu cầu bắt buộc công chứng là “thay đổi thói quen của người dân, vì yêu cầu công chứng, chứng thực đã tồn tại khá lâu và đã hình thành thói quen trong đời sống nhân dân”, bà Yến khẳng định đây là việc làm đi ngược lại hoàn toàn thông lệ thế giới, người ta mất nhiều năm để xây dựng thói quen công chứng, thì mình lại bãi bỏ!

Tuy nhiên, luật sư Nguyễn Sĩ Đạo, Đoàn Luật sư Hà Nội lại đồng tình với phương án không bắt buộc công chứng. Ông Đạo cho rằng, nếu hỏi người dân, chắc chắn những người có hiểu biết đều sẽ trả lời công chứng có lợi ích. Tuy nhiên, trên thực tế, ông Đạo dẫn chứng, không phải lúc nào công chứng cũng đảm bảo được việc phòng ngừa rủi ro, lừa đảo, như ở quận Long Biên mới phát hiện trường hợp một sổ đỏ làm thành nhiều bản, công chứng viên không phát hiện được, cho ký hợp đồng, và đem tài sản thế chấp vay ngân hàng.

Một số ý kiến đồng tình với ông Đạo, cho rằng nếu cần tư vấn, người dân, doanh nghiệp có thể sử dụng dịch vụ luật sư, chứ không nhất thiết phải qua công chứng. Còn việc kiểm tra tính pháp lý của giao dịch, đã có cơ quan đăng ký nhà đất tiến hành.

Cục Kiểm soát TTHC cũng cho rằng việc qui định công chứng bắt buộc đang làm mất tính tự do, tự nguyện giao kết hợp đồng dân sự khi các bên đã cùng thảo luận, thống nhất về nội dung hợp đồng và ký kết hợp đồng đó vì sau khi đã tự nguyện thỏa thuận các bên lại phải đến tổ chức hành nghề công chứng để tổ chức này kiểm tra các giấy tờ, thỏa thuận và “làm chứng” vào hợp đồng.

Bên cạnh đó, Cục Kiểm soát TTHC cũng cho rằng, số lượng hợp đồng công chứng chủ yếu tập trung tại các trung tâm của các tỉnh, thành và phần lớn là hợp đồng liên quan đến một bên là tổ chức như ngân hàng. Các tổ chức này đã có bộ phận pháp chế hoặc thuê tư vấn pháp lý khi thực hiện hợp đồng nên tính pháp lý của hợp đồng, giao dịch đều đã được xem xét tương đối thận trọng và các tổ chức này hoàn toàn có thể tự chịu trách nhiệm về các thỏa thuận của mình. Đây cũng là quan điểm của luật sư Trương Thanh Đức, Bộ phận pháp chế Ngân hàng hàng hải.

Tuy nhiên, đại diện Ngân hàng Ngoại thương lại không đồng tình. Vị đại diện này cho rằng công chứng giúp thuận tiện và an toàn hơn cho giao dịch và bãi bỏ công chứng bắt buộc sẽ dẫn đến nhiều rủi ro. Thực tế thi hành pháp luật cũng cho thấy, nếu không bắt buộc, chắc chắn không mấy người dân chịu làm công chứng khi giao kết hợp đồng, và đây là nguy cơ dẫn đến tranh chấp rất cao.

Một số ý kiến cũng cho rằng Ngân hàng nói không cần công chứng, nhưng Ngân hàng cũng chỉ là một bên tham gia giao dịch, có tổ chức pháp chế để tư vấn cho quyền lợi của mình, còn người dân thì sao? Rõ ràng đơn giản TTHC là để tạo thuận lợi cho dân chứ không phải đẩy “quả bóng trách nhiệm” sang cho dân tự chịu lấy rủi ro về tài sản của mình.

Trước nhiều quan điểm trái chiều, Cục trưởng Ngô Hải Phan cho biết ghi nhận các quan điểm này và tiếp tục lấy ý kiến, tham vấn để có phương án đơn giản TTHC hợp lý.

Hải Lý

—————————————–

Pháp luật và Xã hội 15-6-2011

http://www.baomoi.com/Home/KinhTe/phapluatxahoi.vn/Nhieu-tranh-luan-gay-gat/6453829.epi

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.423. Will Duc Giang Chemical’s leadership breach lead to...

Will Duc Giang Chemical’s leadership breach lead to penalties? (VNN) - The leadership structure...

Trích dẫn 

3.973. Nợ xấu tiếp tục là thách thức đối với...

Nợ xấu tiếp tục là thách thức đối với ngành ngân hàng. (CT) –...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,112