(DT) – Nhìn nhận dưới góc độ xây dựng chính sách, các chuyên gia cho rằng tình trạng chậm trễ ban hành nghị định, tạo khoảng trống luật pháp quá lâu, gây “bối rối” cho các cơ quan thừa hành… là tình trạng phổ biến hiện nay và cần chấn chỉnh sớm.
Trễ hơn 10 tháng, Nghị định về thanh toán quỹ đất cho nhà đầu tư BT vẫn chưa thể ra đời.
Không thể bắt cuộc sống đợi pháp luật!
Luật Quản lý, sử dụng tài sản công được Quốc hội ban hành năm cuối 2017 có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2018, thay thế Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước 2008. Tuy nhiên, đến nay, nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT vẫn chưa ra đời.
Do “khoảng trống pháp lý” này nên ngày 28/3 vừa qua, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi các Bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu tạm dừng việc xem xét, quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư kể từ ngày 01/01/2018 cho đến khi Nghị định của Chính phủ quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT có hiệu lực thi hành.
Với đề xuất này, chính quyền địa phương có dự án BT vướng phải nhiều lúng túng khi giải quyết phương án tài chính với các hợp đồng BT ký trước thời điểm Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và văn bản chỉ đạo của Bộ Tài chính có hiệu lực. Nhiều nhà đầu tư đã triển khai, thậm chí hoàn thành xong dự án nhưng chưa được bàn giao quỹ đất hoàn vốn như quy định của hợp đồng.
Trao đổi với phóng viên, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, chỉ đạo của Bộ Tài chính là hoàn toàn “ngược đời”.
“Không thể bắt cuộc sống phải đợi pháp luật. Không có quốc gia nào làm như thế. Hợp đồng BT có thể đúng, sai, có mặt tốt và chưa tốt, cần sự phát hiện, điều chỉnh của luật pháp”, ông nói.
“Nếu có nghi vấn thì cơ quan thanh tra, kiểm toán có thể vào cuộc. Nhưng, khi hợp đồng đã được ký thì nhà nước phải làm theo đúng nội dung hợp đồng bởi sau khi ký thì hợp đồng BT chính là nguyên tắc cao nhất được pháp luật cho phép”, GS Đặng Hùng Võ nêu rõ.
Cũng theo GS Võ, trách nhiệm chính trong quản lý các dự án BT thuộc về Bộ Kế hoạch và Đầu tư vì các dự án được điều chỉnh bởi Luật Đầu tư công; các cơ quan, bộ, ngành khác chỉ có nhiệm vụ phối hợp. Như thế, liên quan đến quản lý hợp đồng BT, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công chỉ là một trong số nhiều luật có hiệu lực, không thể đặt trên các luật khác. Tức là, không thể bắt nhà đầu tư phải chờ đợi nghị định hướng dẫn luật này ra đời khi nhiều dự án đang trong quá trình triển khai hoặc đã hoàn tất.
Thiệt hại, ai chịu?
GS Đặng Hùng Võ cũng chỉ rõ yêu cầu dừng thanh toán đất cho dự án BT khi dự án đã ký kết và triển khai sẽ gây thiệt hại nặng nề cho chủ đầu tư, gây vướng mắc cho địa phương có dự án trong việc thực thi các điều khoản về nội dung thanh toán của hợp đồng.
“Ai chi trả cho thiệt hại này? Về lý, Bộ Tài chính là cơ quan ban hành quyết định dừng thanh toán đất cho dự án BT thì bộ này phải đứng ra bồi thường thiệt hại khi vi phạm các điều khoản chậm bàn giao trong hợp đồng. Như thế, ngân sách chịu nổi không và làm ảnh hưởng ngân sách thì ai chịu trách nhiệm?”, ông Võ nêu hàng loạt hậu quả.
Văn bản góp ý của Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) mới đây cũng nêu rõ với nhà đầu tư, chỉ chậm bàn giao đất 1 năm thôi đã rất khó khăn. Nếu kéo dài nhiều năm thì không nhà đầu tư nào chịu nổi, nhất là trong trường hợp nhà đầu tư đã ứng tiền cho nhà nước để thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng.
“Nếu thực hiện giao đất đúng hợp đồng thì nhà nước sẽ tiết kiệm được không ít và nhà đầu tư cũng giảm được chi phí lãi vay. Hơn nữa, không có tổ chức tài chính nào dám cho vay nếu dự án BT kéo dài nhiều năm mới được giao đất vì sẽ dẫn đến chi phí tài chính thì quá lớn, khó dự đoán thị trường sau 5-7 năm”, HoREA nêu quan điểm.
Nhìn nhận dưới góc độ xây dựng chính sách, các chuyên gia cho rằng tình trạng chậm trễ ban hành nghị định, tạo khoảng trống luật pháp quá lâu, gây “bối rối” cho các cơ quan thừa hành… là tình trạng phổ biến hiện nay và cần chấn chỉnh sớm.
Với các hợp đồng ký trước thời điểm Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 có hiệu lực (tức ngày 1/1/2018) mà đã triển khai, hoàn thiện thì phải được thanh toán theo đúng hợp đồng đã ký. Nếu hồi tố đến thời điểm 1/1/2018 không thanh toán cho các doanh nghiệp diện này là không hợp lý bởi khi ký hợp đồng BT, các bên tuân thủ theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước 2008 chứ không phải Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017. Chỉ những hợp đồng ký sau khi Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 thì mới nên tạm dừng thanh toán để chờ nghị định hướng dẫn.
Theo luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, trường hợp nghị định chưa kịp ban hành cùng thời điểm có hiệu lực của luật mới thì theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, mọi vấn đề được giải quyết theo quy định đã có. Theo đó, nhà nước vẫn phải thanh toán toàn bộ giá công trình đã đầu tư dưới hình thức BT, bao gồm cả mức lợi nhuận được hai bên thỏa thuận theo hợp đồng đã ký trước đó.
Phương Dung
——————————
Dân trí (Kinh doanh) 08-10-2018:
(92/1.131)