2.007. Thiệt hại từ dừng thanh toán quỹ đất cho BT

(TN) – Chưa có quy định mới và văn bản yêu cầu dừng sử dụng tài sản công để thanh toán cho dự án BT của Bộ Tài chính sẽ khiến nền kinh tế thiệt hại.

Đại lộ Phạm Văn Đồng tại TP.HCM được thực hiện theo hình thức BT

ẢNH: AN HUY

“Khoảng trống pháp lý” nguy hiểm

Cuối tuần qua, Bộ Tài chính đã có họp báo xoay quanh việc chậm trễ ban hành Nghị định sử dụng tài sản công để thanh toán cho các nhà đầu tư theo hình thức xây dựng – chuyển giao (BT). Theo đó, Bộ Tài chính cho biết hiện đã gửi xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương và văn bản này sẽ sớm ban hành trong thời gian tới.

Đồng thời, liên quan việc yêu cầu các địa phương tạm dừng việc xem xét, quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư kể từ ngày 1.1.2018 cho đến khi nghị định “ra đời”, Bộ Tài chính cũng khẳng định chỉ quản lý khâu thanh toán, chứ không phải là dừng dự án BT. Cơ quan này đã thừa nhận hiện nay “khoảng trống pháp lý” trong vấn đề thực hiện dự án BT là có thật và Chính phủ sẽ có xử lý về việc này. Thế nhưng, bộ này cũng không cho biết khi nào văn bản pháp quy này mới chính thức ra đời.

Theo TS Phạm Văn Hùng – Phó phân viện trưởng Phân viện Khoa học công nghệ giao thông vận tải phía nam, việc kéo dài ban hành quy định mới liên quan đến việc sử dụng đất công thanh toán cho dự án BT cũng là một sự trì trệ. Bởi khi đã nhận thấy những thiếu sót, những lỗ hổng xoay quanh hợp đồng theo hình thức BT có thể gây thất thoát quỹ đất công thì càng nhanh chóng khắc phục. Thực tế cho thấy các công trình chỉ cần kéo dài thời gian thực hiện sẽ đội chi phí rất lớn, thậm chí tăng thêm 40 – 50%. Khi đó, vốn ngân sách cũng bị thiệt hại và nền kinh tế cũng ảnh hưởng.

“Khoảng trống pháp lý càng kéo dài sẽ trở nên nguy hiểm cho nền kinh tế. Tôi cho rằng Bộ Tài chính không nên kéo dài việc dừng thanh toán cho dự án BT mà quan trọng hơn là phải tính đến hiệu quả tổng thể. Có thể cần sự điều chỉnh để hài hòa lợi ích của nhà nước, nhân dân và nhà đầu tư song song với việc vẫn thực hiện quy định hiện hành”, TS Phạm Văn Hùng chia sẻ thêm.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật ANVI, cho rằng việc thanh toán quyền lợi đối ứng cho các công trình BT vẫn phải theo quy định hiện hành, cho đến khi có quy định mới. Nếu xuất hiện khoảng trống pháp lý khi văn bản cũ đã hết thời hạn quy định trong khi văn bản mới chưa được ban hành, thì cần áp dụng theo các quy định cũ đó chứ không nên làm ách tắc cho công việc, hoạt động của người dân hay doanh nghiệp (DN).

Trong dự thảo Nghị định sử dụng tài sản công để thanh toán cho các nhà đầu tư theo hình thức BT của Bộ Tài chính cũng đã nêu rõ: Đối với các hợp đồng BT thanh toán bằng giao quỹ đất cho nhà đầu tư để thực hiện dự án khác được ký kết theo quy định của pháp luật trước thời điểm nghị định này có hiệu lực thi hành thì thực hiện theo quy định của pháp luật trước đó, không áp dụng hoặc điều chỉnh theo quy định tại nghị định này. Vì vậy, theo nguyên tắc không hồi tố, thì văn bản tạm dừng thanh toán dự án BT để chờ quy định mới của Bộ Tài chính không phải là luật để các địa phương nghe theo.

DN, nền kinh tế đều thiệt hại

TS Nguyễn Bá Hoàng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, nêu quan điểm: Đất đai là một trong những nguồn lực quan trọng để phát triển hạ tầng và vẫn cần phải khai thác nguồn lực này. Quan trọng nhất là việc sử dụng công khai, minh bạch và tránh những sai sót nghiêm trọng. Chẳng hạn có thể đưa ra đấu thầu rộng rãi về quỹ đất, tương tự là quy trình lựa chọn nhà thầu tham gia dự án BT chi tiết, tạo công bằng cho mọi đơn vị.

TS Hoàng đặt vấn đề: Với việc dừng thực hiện thanh toán cho dự án BT trong khi quy định mới vẫn chưa ban hành thì quyền lợi của các nhà đầu tư dự án BT đã thực hiện xong, hoặc đã bỏ vốn ra thực hiện thì làm thế nào? VN vẫn đang huy động nguồn lực xã hội để phát triển hệ thống hạ tầng. Nếu không có cơ chế khuyến khích hay quyền lợi nhà đầu tư không được đảm bảo thì ai sẽ tham gia?

“Các cơ quan làm luật cần phải nỗ lực, bằng mọi giá phải thúc đẩy nhanh tiến độ để quy định liên quan ra đời sớm nhất. Không thể trì hoãn bằng bất cứ lý do nào vì điều đó cũng góp phần làm thiệt hại cho DN, cho nền kinh tế nói chung khi các dự án đang bị trì hoãn. Biết sai thì phải sửa nhanh và chúng ta mới có thể khai thác được giá trị từ nguồn tài sản công như đất đai để thúc đẩy kinh tế phát triển”, TS Nguyễn Bá Hoàng nhấn mạnh.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh đánh giá: Việc để “khoảng trống pháp lý” hiện nay thể hiện rõ sự lúng túng của các cơ quan quản lý nhà nước. Vì vậy, điều cần thiết là Bộ Tài chính phải công khai rõ việc tạm dừng dùng tài sản công thanh toán cho dự án BT đến bao giờ? Thời gian nào sẽ có quy định mới thay thế? Bởi nếu yêu cầu các địa phương tạm dừng nhưng lại không nêu rõ thời hạn sẽ khiến nhiều dự án trì trệ và chắc chắn thiệt hại về kinh tế là không tránh khỏi.

Góp ý vấn đề này, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng nhấn mạnh rằng chậm ban hành nghị định có thể mang lại một số rủi ro cho nhà đầu tư dự án BT như chậm được bàn giao mặt bằng công trình dự án BT, chậm bàn giao mặt bằng quỹ đất thanh toán dự án BT, nhất là trong trường hợp quỹ đất thanh toán chưa giải phóng mặt bằng mà nhà đầu tư đã ứng tiền cho cơ quan nhà nước để thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng. Đặc biệt nếu tạm dừng trả quyền lợi đối ứng với hình thức đầu tư này vô thời hạn thì nhà đầu tư sẽ thiệt hại lớn. Vì vậy, đơn vị này kiến nghị Chính phủ có chỉ đạo giải pháp cần thiết để xử lý tình huống đối với những dự án BT bị tạm dừng triển khai thực hiện việc thanh toán bằng quỹ đất kể từ ngày 1.1 đến nay.

Mai Phương

—————————-

Thanh niên (Kinh doanh) 08-10-2018:

https://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/thiet-hai-tu-dung-thanh-toan-quy-dat-cho-bt-1011110.html

(228/1.264)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.431. Cần điều tra, làm rõ việc huy động vốn...

Cần điều tra, làm rõ việc huy động vốn của Công ty cổ phần New...

Trích dẫn 

3.981. Năm 2025 và tương lai của vàng.

Năm 2025 và tương lai của vàng. (ĐĐK) - Giới chuyên gia cho rằng thị trường...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 238,117