(TGTT) – Đứng trước thời cơ và thách thức từ cuộc Cách mạng công nghệ lần thứ 4 (CMCN 4.0), nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã và đang bắt đầu chuyển động, ứng dụng công nghệ cao, trí thông minh nhân tạo vào sản xuất, kinh doanh. Sự chuyển động, sự lớn mạnh của các DN không thể tách rời vai trò quản lý, đồng hành của cơ quan chính quyền.
Tính đến tháng 9/2018, Việt Nam đã có trên 680.000 DN đang hoạt động, tăng gần 50.000 DN so với cuối năm 2017. Nếu tính mỗi DN có 2 doanh nhân thì Việt Nam đã có gần 1,5 triệu doanh nhân. Ngoài ra, nếu tính DN bao gồm cả các hộ kinh doanh cá thể thì cả nước có thêm trên 5,1 triệu doanh nhân.
Khu vực DN đã đóng góp trên 60% tổng GDP cả nước, đây cũng là khu vực tạo ra công ăn việc làm chủ yếu cho người dân với hơn 15 triệu việc làm, mỗi năm khu vực này có khả năng thu hút hơn 1,1 triệu việc làm mới, đời sống của người lao động được đảm bảo, đóng góp cho ngân sách, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội. Doanh nhân cần phải được tôn vinh và tạo điều kiện phát triển.
Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: Muốn nhanh nhạy theo được thời cuộc công nghệ 4.0 thì phải có Chính phủ 4.0.
Hiện, Việt Nam không thể nằm ngoài xu hướng phát triển chung của thế giới, các DN Việt Nam nói chung và doanh nhân Việt Nam nói riêng tất yếu phải thay đổi để thích nghi và phát triển theo tinh thần CMCN 4.0
“ASEAN 4.0: Tinh thần DN và cách mạng công nghiệp lần thứ tư” là chủ đề của Hội nghị WEF ASEAN 2018 mới được diễn 11 đến 13/9, tại Hà Nội. TS Nguyễn Minh Phong nêu quan điểm, cơ hội và thách thức mới trong bối cảnh CMCN 4.0 đòi hỏi phát huy tinh thần DN. Đó là tinh thần dũng cảm, quyết tâm và ý chí làm giàu có tổ chức cho mình và cộng đồng, trên cơ sở tuân thủ pháp luật quốc gia và quốc tế, tự trọng, tự tôn, tự hào dân tộc và đề cao trách nhiệm xã hội; sự chủ động và linh hoạt trong phản ứng hiệu quả với những biến động thị trường và chính sách;…
Đáng chú ý, tinh thần DN thể hiện tập trung ở sự dám nghĩ, đầu tư thông minh và nâng cao năng suất và chất lượng, giảm giá thành sản phẩm trên cơ sở coi trọng thu hút, đãi ngộ, trọng dụng nhân tài, nâng cao năng lực đổi mới, sáng tạo, ứng dụng công nghệ, thiết bị sản xuất và quản trị DN tiên tiến.
Nhân ngày doanh nhân 13/10, ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – đã chia sẻ: “Các doanh nhân trẻ hiện nay có sực bật lớn, có khả năng sáng tạo và tạo ra sự khác biệt. Các doanh nhân trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm trên thương trường, nên có thể vấp ngã khi khởi nghiệp. Trong thời đại công nghệ siêu kết nối, cần phải có sự kết nối giữa các thế hệ doanh nhân, để truyền đạt kinh nghiệm của những doanh nhân đi trước cho thế hệ doanh nhân mới. Việc chuyển giao kinh nghiệm kinh doanh là một công việc quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam cũng như từng gia đình doanh nhân Việt”.
Vẫn còn những trăn trở
Sự chuyển động của các DN, sự lớn mạnh của DN không thể tách rời vai trò quản lý, đồng hành của các cơ quan chính quyền. Đặc biệt, trong bối cảnh CMCN 4.0, nếu DN không được cởi trói trước các quy định, thủ tục phiền hà, luôn luôn phải lo đối phó với chính sách, chắc chắn sẽ không thể tận dụng được những cơ hội.
Tuy nhiên, tại Tọa đàm Công bố Báo cáo kinh tế vĩ mô quý III/2018 diễn ra sáng 10/10, Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nêu pên một con số đáng phải suy nghĩ. Lượng DN ngừng hoạt động tăng 48% so với cùng kỳ 2017, trong khi số DN mới thành lập chỉ tăng 2%. Môi trường kinh doanh chưa cải thiện như mong muốn của DN. Chính phủ và Thủ tướng tốn nhiều công sức, nhiều năm để nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh nhưng sự đổi mới vẫn khá chậm. Chi phí, thời gian và công sức của DN nội địa Việt Nam bỏ ra để kinh doanh bị lãng phí và mất mát quá nhiều và đây trở thành rủi ro, lực cản cho DN. Ngay thủ tục hành chính một cửa, để đi tới cửa cuối cùng vẫn phải qua nhiều cửa ngách.
Ông Tô Hoài Nam – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam: Muốn cải cách thủ tục hành chính cần áp dụng công nghệ
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhận định: DN Việt sẽ đối mặt với nhiều thách thức trong bối cảnh cách mạng 4.0. “Gần đây tôi có tham gia hội nghị phát triển ngành dệt may trước thách thức hội nhập toàn cầu, CMCN 4.0 và xung đột thương mại gia tăng trên thế giới…, tôi nhận thấy tương lai không sáng sủa. Là một trong những nước xuất khẩu dệt may lớn song Việt Nam chủ yếu gia công, dùng công nhân. Trong khi đó, nhiều nước sản xuất dệt may đã sử dụng máy móc, robot thay thế các công việc đơn giản như cắt, may”, vị chuyên gia này cho hay.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc công ty Luật ANVI, một quốc gia muốn cạnh tranh phải dựa vào những người có đầu óc làm ăn lớn, biết suy nghĩ làm ra sản phẩm hàng hoá theo cấp lớn mạnh – đó là những doanh nhân. Tuy nhiên hiện nay, nhiều DN Việt Nam không thể lớn mạnh do chính sách chập chờn, liên tục thay đổi. Thậm chí đang có hiện tượng một số doanh nhân thành đạt họ bỏ ra nước ngoài làm ăn, mua nhà ở Mỹ, Australia, New Zealand…
Câu hỏi đặt ra là chúng ta phải làm sao tiếp tục để nuôi dưỡng DN dân tộc, không đặt vấn đề níu giữ các doanh nhân này bằng biện pháp gì mà cần tạo môi trường gì để họ được làm giàu và giàu hơn ở Việt Nam.
Muốn như vậy, theo ông Tô Hoài Nam – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, để cải cách thủ tục hành chính quyết liệt và hiệu quả cần giảm sự tiếp cận giữa người dân, DN với cán bộ công chức, thay vào đó đẩy mạnh áp dụng công nghệ tin học trong giải quyết thủ tục giấy tờ. Thực tế cho thấy cơ quan nào ứng dụng công nghệ thông tin, nơi đó ít tham nhũng, cải thiện hành chính tốt hơn. Cắt giảm một thủ tục hay 10 thủ tục sẽ không khác nhau nếu xử lý hành chính trực tiếp giữa người với người mà phát sinh thêm chi phí “bôi trơn”.
Để cạnh tranh được với các đối thủ, ngoài vốn, kỹ thuật công nghệ, theo bà Phạm Chi Lan, DN Việt cần cải thiện kỹ năng và lao động để tạo nên động lực cho mình. Còn theo tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nền kinh tế mở cửa và hội nhập cao trong khi công nghệ thay đổi hàng ngày. Nếu DN Việt không đầu tư vào khoa học công nghệ, nhân lực chất lượng cao thì rất khó khăn và có thể bị thui chột.
Còn theo ông Vũ Tiến Lộc, trong thời đại công nghệ như hiện nay, tốc độ sẽ quyết định năng lực cạnh tranh của DN. Để có đội ngũ doanh nhân nhanh nhậy theo được thời cuộc công nghệ 4.0 thì phải có Chính phủ 4.0. Chính quyền phải là “ngọn gió” để thổi bùng “ngọn lửa” văn hóa kinh doanh của DN. Ngọn gió này là môi trường kinh doanh thân thiện, minh bạch và thúc đẩy sự sáng tạo trong kinh doanh.
LÊ HẬU
—————————
Thế giới tiếp thị (Kinh doanh) 13-10-2018:
(95/1.452)