2.015. Dịch vụ vay trực tuyến nở rộ, cần khung pháp lý để tránh tín dụng đen trá hình

(PTVN) – Sự ra đời của các trang web cho vay tiền nhanh với những lời quảng cáo hấp dẫn đang thu hút sự chú ý của nhiều người do thủ tục đơn giản và hai bên tự thỏa thuận về lãi suất. Mô hình vay trực tuyến còn khá mới tại thị trường Việt và cần sớm có khung pháp lý để mô hình tài chính này đi đúng hướng, tránh việc tín dụng đen trá hình.

Bùng nổ mô hình cho vay trực tuyến 

3,14 triệu đơn xin vay trên hệ thống, tổng số tiền giải ngân hơn 43.400 tỷ đồng là những con số xuất hiện trên website của Tima ngày 20/9. Đơn vị này, cùng với một số cái tên khác như Vaymuon.vn, Mofin hay Lenbiz là những nền tảng cho vay ngang hàng (P2P) đang hoạt động tại Việt Nam.

5 năm gần đây với sự bùng nổ của các Fintech, của tín dụng tiêu dùng, các nền tảng như vậy rất cũng nở rộ.

Cho vay ngang hàng trực tuyến (P2P: Peer-to-Peer Lending) là hình thức các doanh nghiệp, tổ chức thu hút tiền của nhà đầu tư, sau đó kết nối cho các doanh nghiệp nhỏ, cá nhân khác vay, với cam kết lợi nhuận cao qua trang web hoặc nền tảng ứng dụng. Tức là, qua nền tảng này, người có tiền và cần tiền sẽ tìm đến nhau và giao dịch mà không qua ngân hàng.

Các công ty, website đều tính toán công khai mức lãi suất cho vay online cao gấp nhiều lần cho phép. (Ảnh chụp màn hình)

Điểm tích cực đầu tiên của mô hình P2P là mở ra cơ hội tiếp cận vốn cho nhiều khách hàng, đặc biệt những người không đủ tiêu chuẩn vay vốn ngân hàng. Khách hàng có thể vay nhanh từ 1 đến 30 triệu đồng, thủ tục đơn giản, chỉ cần điền vào một mẫu đơn xin vay trực tuyến có sẵn, chụp ảnh một số giấy tờ liên quan, chờ xác nhận và khoản vay có thể được phê duyệt chỉ sau 15-30 phút. Với ưu điểm không cần chứng minh tài chính, thời gian giải ngân nhanh, số lượng khách hàng đến với các mô hình P2P này ngày càng nhiều.

Ngoài cá nhân, một số công ty P2P cũng nhắm đến cho vay doanh nghiệp, như Lendbiz.Nền tảng P2P này kết nối các doanh nghiệp với các nhà đầu tư.Thông qua Lendbiz, doanh nghiệp có thể huy động vốn từ 100 triệu đến 1 tỷ đồng, kỳ hạn trả từ 3 đến 12 tháng.Các đơn xin vay được phê duyệt nhanh trong vòng 48 giờ, được trả nợ trước hạn nếu đã sử dụng vốn trên 2/3 thời gian.

Cũng như các nền tảng P2P hướng tới khách hàng cá nhân, các doanh nghiệp cũng chỉ cần đăng ký online, Lendbiz sẽ cử cán bộ liên lạc, tiếp xúc và hướng dẫn thủ tục đăng ký nhận vốn đầu tư. Trong 48 giờ sau khi đánh giá, nền tảng này sẽ thông báo chấp thuận hay không với nhu cầu huy động vốn của doanh nghiệp.

Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Xuất hiện lần đầu ở Anh, P2P là hệ thống kết nối đầu tư ngang hàng trực tuyến, đóng vai trò cầu nối giữa nhà đầu tư có vốn với các cá nhân cần vốn nhưng không tiếp cận được với ngân hàng.

Trong 10 năm qua, mô hình P2P đã nhanh chóng lan ra toàn thế giới với gần 4.000 doanh nghiệp. Theo thống kê, năm 2012, tổng dư nợ cho vay qua kênh P2P trên toàn cầu đạt khoảng 1,2 tỷ USD, năm 2015 con số này lên tới 64 tỷ USD. Với tốc độ tăng trưởng như thời gian qua, dự đoán đến năm 2025, tổng dư nợ cho vay qua kênh P2P toàn thế giới sẽ đạt hơn 1.000 tỷ USD. Tuy nhiên, mô hình này tuy đang phát triển mạnh mẽ ở các nước phát triển, nhưng nhiều ý kiến e ngại rằng khi vào đến Việt Nam, cho vay P2P sẽ có nhiều biến tướng gây thiệt hại cho người tham gia.

Mô hình cho vay ngang hàng tuy chỉ mới xuất hiện ở Việt Nam vài năm qua nhưng đến nay đã có gần chục doanh nghiệp hoạt động cho vay theo mô hình này và một số công ty P2P ở Việt Nam đã được các đối tác ngoại rót vốn đầu tư.

Theo luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật ANVI, hiện nay chưa có quy định nào về mô hình hoạt động như trên. Ông nhận định, các công ty này không phải là tổ chức tín dụng để chịu sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nhưng bản chất hình thức hoạt động của các công ty này có nơi là huy động và cho vay, có nơi là môi giới về tiền tệ thì lại chịu sự quản lý của NHNN. Ở một số nước, hình thức này không cấm nên nhiều công ty nở rộ làm. Với tốc độ phát triển về công nghệ hiện nay khá nhanh, những mô hình ứng dụng công nghệ hoạt động như kiểu Uber, Grab… sẽ ngày càng phát triển.

Tuy nhiên, ông Đức cũng cảnh báo: “Mô hình này nếu không có quy định cụ thể sẽ ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ, cung tiền cho nền kinh tế khi nguồn tiền nhàn rỗi bị hút vào. Đặc biệt, cần cảnh báo đối với những người cho vay tham gia hình thức này sẽ gặp phải nhiều rủi ro”.

Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, các doanh nghiệp làm trung gian kết nối chỉ cần đăng ký kinh doanh theo luật Doanh nghiệp, không giữ tiền, không tham gia quá trình giải ngân thì không vi phạm quy định về lĩnh vực cho vay tài chính. Hoạt động này mang lại lợi ích khi tạo kết nối cho hai bên có nhu cầu gặp nhau. Tuy nhiên, trách nhiệm và rủi ro của nhà đầu tư sẽ rất lớn. Ngược lại, rủi ro cho người vay cũng có nếu như dịch vụ tăng lãi suất bất ngờ, thay đổi các điều kiện cho vay và thanh toán…”.

Các nước quản lý mô hình vay trực tuyến ra sao?

Với tổng giá trị giao dịch đạt hơn 190 tỷ USD, Trung Quốc hiện là quốc gia có quy mô phát triển nhanh nhất trong lĩnh vực cho vay ngang hàng P2P trên thế giới. Từ thời điểm mô hình cho vay mới này manh nha tại thị trường Trung Quốc vào năm 2007, đã có hơn 6000 nền tảng cho vay trực tuyến được mở ra theo số liệu của Online Lending House.

Tuy nhiên, sự thiếu kiểm soát của chính phủ Trung Quốc với hoạt động cho vay trực tuyến đã dẫn đến việc hàng loạt sàn giao dịch cho vay P2P sụp đổ hoặc biến mất và tính đến tháng 2/2018, chỉ còn chưa đến 2.000 công ty hoạt động trong lĩnh vực này.

Trước làn sóng giận dữ của các nhà đầu tư khi không thể đòi lại được những khoản tiền đã đầu tư vào các nền tảng cho vay P2P, chính phủ Trung Quốc buộc phải đưa ra nhiều biện pháp siết chặt hoạt động của các sàn giao dịch cho vay P2P.

Theo quy định mới có hiệu lực từ tháng 6/2018, các công ty cho vay P2P bị nghiêm cấm khi tự đứng ra đảm bảo về các khoản vay cũng như lãi suất; các công ty này chỉ được chấp thuận những giao dịch trị giá không quá 1 triệu Nhân dân tệ (khoảng 146000 USD) cho cá nhân và 5 triệu Nhân dân tệ cho doanh nghiệp và đặc biệt phải được giám sát bởi các ngân hàng.

Nhiều sàn cho vay trực tuyến đã phải đóng cửa khiến hàng triệu nhà đầu tư Trung Quốc mất trắng. (Ảnh: Reuters)

Bên cạnh đó, chính phủ Trung Quốc cũng đưa ra 10 biện pháp để giảm thiểu các rủi ro đến từ hoạt động vay trực tuyến P2P bao gồm việc các chính quyền địa phương phải thiết lập kênh đối thoại để phản hồi những yêu cầu của các nhà đầu tư đã bỏ tiền vào các sàn giao dịch cho vay P2P cũng như tiến hành kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp này.

Chính quyền địa phương tuyệt đối không được cấp phép cho bất kì công ty mới nào hoạt động trong lĩnh vực vay P2P hoặc thành lập các nền tảng tài chính online. Những người vay tiền qua các sàn cho vay P2P nhưng chây ì trả nợ sẽ bị đưa vào danh sách đen trong hệ thống xếp hạng tín dụng Trung Quốc.

Nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á cũng đã và đang nỗ lực hoàn thiện khung pháp lý đối với mô hình cho vay P2P nhằm đạt được cả hai mục tiêu: đưa ngành kinh doanh này phát triển nhưng vẫn phải đảm bảo lợi ích của những người tham gia.

Tại Malaysia, Ủy ban chứng khoán quốc gia (SC) giữ vai trò chính trong việc quản lý mô hình cho vay P2P. Từ năm 2016, SC đã ban hành các quy định nghiêm ngặt trong việc quản lý các nền tảng cho vay P2P tại Malaysia.

Còn ở Indonesia –  nền kinh tế lớn nhất của ASEAN, việc quản lý hoạt động của các công ty cho vay P2P nói riêng và các doanh nghiệp công nghệ – tài chính (fintech) nói chung thuộc về Cơ quan Quản lý Dịch vụ Tài chính (OJK).

Những công ty fintech muốn vận hành nền tảng cho vay P2P phải đăng kí và chờ đợi sự chấp thuận của OJK. Được thông qua vào cuối tháng 12/2016, quy định bắt buộc các công ty fintech tại Indonesia hoạt động trong lĩnh vực cho vay P2P phải có số vốn tối thiểu 1 triệu rupiahs (khoảng 67.000 USD) khi đăng kí với OJK và 2,5 triệu rupiahs để được chính thức cấp giấy phép kinh doanh. Với trần lãi suất, OJK không đưa ra một con số cụ thể. Cũng theo quy định này, các công ty cho vay P2P phải kí quỹ và có tài khoản định danh tại ngân hàng trong thời gian hoạt động.

Tính tới tháng 6/2018, đã có 64 công ty cho vay P2P đăng kí hoạt động với OJK. Tuy nhiên, cùng lúc đó, có tới 227 nhà cung cấp dịch vụ cho vay P2P tại Indonesia chưa có giấy phép kinh doanh và ít nhất một nửa trong số đó có nguồn gốc từ Trung Quốc, theo số liệu của chính cơ quan này. Và số lượng các nền tảng cho vay P2P hoạt động trái phép được OJK cập nhật tới đầu tháng 9 đã lên tới 407.

Vào giữa tháng 7 năm nay, OJK tuyên bố sẽ sớm ban hành thêm các quy định mới về quản lý thị trường cho vay P2P sau khi được Bộ Tư pháp và Quyền Con người Indonesia thông qua.

Một số quốc gia khác cũng đã có những bước đi để đưa hoạt động cho vay P2P vào khuôn khổ như Cơ quan quản lý tiền tệ Singapore đã bổ sung các quy định quản lý cho vay P2P vào trong Luật Chứng khoán và hợp đồng phái sinh và Luật tư vấn tài chính; Ngân hàng Trung ương Thái Lan đã ban hành Cẩm nang triển khai Khuôn khổ pháp lý thử nghiệm cho vay P2P vào năm 2016.

“Mặc dù chúng ta có thể nói rằng sự thích ứng của các nước Đông Nam Á để quản lý hoạt động cho vay P2P vẫn còn khá chậm, nhưng nếu nhìn xuyên suốt lịch sử, đây rõ ràng là một trong những tiến trình thay đổi pháp lý nhanh nhất trong ngành tài chính”, Giám đốc Kinh doanh khu vực châu Á của tập đoàn Beehive nhận xét.

Dương Hoà

————————–

Phát triền Việt Nam 15-10-2018:

http://phattrien.vn/dich-vu-vay-truc-tuyen-no-ro-can-khung-phap-ly-de-tranh-tin-dung-den-tra-hinh

(195/2.058)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.431. Cần điều tra, làm rõ việc huy động vốn...

Cần điều tra, làm rõ việc huy động vốn của Công ty cổ phần New...

Trích dẫn 

3.981. Năm 2025 và tương lai của vàng.

Năm 2025 và tương lai của vàng. (ĐĐK) - Giới chuyên gia cho rằng thị trường...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 238,098