2.016. Các loại hình kinh doanh taxi sẽ được cạnh tranh bình đẳng?

(TT) – Bộ GTVT vừa gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo nghiên cứu tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý và hoàn thiện lại dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô. Theo đó, Bộ GTVT xem taxi công nghệ là taxi và phải được quản lý như loại hình taxi.

Bộ GTVT xem taxi công nghệ là taxi

Báo cáo của Bộ GTVT cho hay, trên cơ sở hiện trạng hiện nay về hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô có sức chứa dưới 9 chỗ, kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng điện tử so với hoạt động của xe taxi có nhiều điểm tương đồng và cần có quy định chung để quản lý như nhau, nhằm đảm bảo sự công bằng, công khai minh bạch và chịu quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh như nhau.

Bộ GTVT đồng thuận với ý kiến đề xuất quản lý của các cơ quan như: Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, Hiệp hội Taxi Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, đại diện nhóm phóng viên làm báo về giao thông… Theo nội dung góp ý đề xuất, thì hoạt động của Grab, Uber cần có các quy định chặt chẽ, chịu sự quản lý như taxi và không thể gọi đó là loại hình “Hợp đồng điện tử” để làm phát sinh thêm loại hình vận tải gọi là “Hợp đồng điện tử” mà không có trong quy định của Luật Giao thông đường bộ.

Với quan điểm này, việc quản lý xe dưới 9 chỗ hoạt động vận tải hành khách có ứng dụng phần mềm sẽ được quản lý như xe taxi và bổ sung làm rõ khái niệm về kinh doanh xe taxi. Theo quy định này, xe ô tô có sức chứa dưới 9 chỗ không được thực hiện hợp đồng vận tải điện tử, tức bỏ quy định xe taxi điện tử.

Cụ thể, kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi là việc sử dụng xe ô tô có sức chứa dưới 9 chỗ (bao gồm cả người lái xe) để vận chuyển hành khách, có lịch trình và hành trình theo yêu cầu của hành khách; cước chuyến đi được tính theo đồng hồ tính tiền hoặc tính theo phần mềm đặt xe kết nối với hành khách thông qua môi trường mạng.

Cũng theo Dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô được Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ ngày 3-10 trước đó, điểm đáng chú ý là thuật ngữ taxi đã được điều chỉnh để bao hàm loại hình taxi công nghệ.

Ảnh minh họa

Dự thảo cũng quy định, trước ngày 1-7-2019, xe ô tô có sức chứa dưới 9 chỗ kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng sử dụng phần mềm hợp đồng vận tải điện tử đã được cấp phù hiệu xe hợp đồng trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì phải thực hiện cấp đổi phù hiệu xe taxi và thực hiện các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh của xe taxi theo quy định tại Nghị định này.

Khác tên gọi, bản chất hoạt động giống nhau

Góp ý đối với Dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP, Hiệp hội Taxi Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cũng nêu ra một số nội dung cần sửa đổi, bởi xét về bản chất xe hợp đồng điện tử chính là xe taxi.

Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cũng cho hay, đối với xe ô tô hợp đồng dưới 9 chỗ, Sở đang ban hành chính sách quản lý vận tải hành khách bằng xe taxi như: quản lý phạm vi, số lượng, nhận diện phương tiện, bao gồm dịch vụ taxi sử dụng công nghệ, phù hợp với thực tiễn đô thị; hạn chế số lượng phương tiện ô tô đăng ký mới; kết hợp hạn chế xe có biển số tỉnh lưu thông vào trung tâm Thành phố theo lộ trình.

Trao đổi với báo chí, Luật sư Trương Thanh Đức- Công ty Luật ANVI khẳng định, bản chất cả 2 loại hình taxi trên thì xét cho cùng là hoạt động kinh doanh taxi.

Đề cập đến bản chất của Grab khi đang triển khai tại thị trường Việt Nam và công nghệ 4.0 ở đây là gì?, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, công nghệ mà các hãng taxi như Grab đang ứng dụng ở đây chẳng có gì là 4.0, bởi 4.0 là trí tuệ nhân tạo, thông minh, còn đây chỉ là công nghệ bình thường, chẳng có gì cao siêu cả. Nó là mô hình kinh doanh kết hợp được cái này, cái khác.

“Tòa Châu Âu tuyên bố như thế là rất đúng vì các anh không đăng ký kinh doanh, chạy taxi thì yêu cầu là kinh doanh taxi mới được. Tôi cho rằng với điều kiện hiện nay thì Grab cũng tham gia vào vận tải taxi chứ không đơn thuần là cung cấp công nghệ”, ông Đức nêu rõ.

Cũng theo Luật sư Đức, cơ quan quản lý nhà nước đã đặt ra quá nhiều điều kiện chặt chẽ gây khó khăn cho taxi, ví dụ như taxi bị cấm đường, Grab thì không sao. Rõ ràng chính sách của chúng ta có vấn đề.

Cũng theo ý kiến từ các chuyên gia kinh tế, chuyên gia giao thông, báo cáo trên của Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ không những phù hợp với quy định của pháp luật mà còn phù hợp với thực tế cuộc sống hiện nay. Theo đó, quá trình hoạt động của taxi công nghệ lẫn truyền thống chỉ khác nhau tên gọi còn bản chất hoạt động như nhau. Do đó, quan điểm lẫn tư duy của Bộ GTVT lần này đã đổi mới đối với Dự thảo trên, sau khi đã tiếp thu ý kiến góp ý của các Bộ, ngành liên quan, các địa phương, các chuyên gia…, cũng như thấy rõ bản chất hoạt động thực tế của 2 loại hình taxi này.

Trước đó, Hiệp hội Taxi Hà Nội – Đà Nẵng – TP Hồ Chí Minh cũng đã có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể về một số kiến nghị liên quan đến chương trình thí điểm theo Quyết định 24 của Bộ GTVT. Cụ thể, kiến nghị Bộ GTVT nên xem hoạt động của Grab là hoạt động vận tải taxi và cần được quản lý như taxi. Từ đó, giúp cơ quan Nhà nước chống thất thu thuế; các địa phương quản lý số lượng đầu xe chặt chẽ; không bị vỡ quy hoạch vận tải…

Các nước quản lý Grab/Uber thế nào?

Italia, Hàn Quốc, Thái lan, Nhật Bản đã hạn chế hoặc đưa ra lệnh cấm hoàn toàn đối với loại hình Uber/Grab vì loại hình này cạnh tranh không lành mạnh với các hãng taxi truyền thống, trốn thuế, hay tài xế không có giấy phép, không được đào tạo chính quy…

Chính phủ Malaysia đang nghiên cứu vấn đề này, chính phủ Indonexia từ 2017, cũng bắt đầu áp dụng các mức thuế từ 3,500 – 6,500 rupia, tương đương 6.000 – 10.000đ/km với các dịch vụ gọi xe trực tuyến. Chính quyền địa phương cũng sẽ có quyền điều chỉnh giá của các chuyến đi và hạn chế số lượng hợp tác với Uber/Grab trong mỗi khu vực.

Tại Singapore nơi taxi sử dụng rất phổ biến, Chính phủ thông qua luật Cung cấp Taxi qua bên thứ 3: theo đó tài xế Uber/Grab phải vượt qua bài kiểm tra thường thức về kiến thức, kỹ năng, sức khỏe để được cấp chứng chỉ hành nghề, phải có bảo hiểm hành khách, xe phải đạt chuẩn nếu không sẽ bị phạt hành chính, ngồi tù. Đáng chú ý, Cơ quan giám sát cạnh tranh Singapore đã phạt Grab/Uber 13 triệu đô la Singapore tương đương 9,5 triệu USD trong thương vụ sáp nhập của hai công ty này; đồng thời, yêu cầu Uber phải bán đổi xe của mình cho các đối thủ khác với giá hợp lý.

PV

—————————–

Thanh tra (Nghiên cứu – Trao đổi) 15-10-2018:

http://thanhtravietnam.vn/nghien-cuu-trao-doi/cac-loai-hinh-kinh-doanh-taxi-se-duoc-canh-tranh-binh-dang-182226

(224/1.433)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.431. Cần điều tra, làm rõ việc huy động vốn...

Cần điều tra, làm rõ việc huy động vốn của Công ty cổ phần New...

Trích dẫn 

3.981. Năm 2025 và tương lai của vàng.

Năm 2025 và tương lai của vàng. (ĐĐK) - Giới chuyên gia cho rằng thị trường...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 238,098