(TN) – Trong lần thứ sáu trình lên Chính phủ nội dung Dự thảo Nghị định (NĐ) thay thế NĐ 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô-tô, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã loại bỏ hoàn toàn khái niệm “xe hợp đồng điện tử” với xe dưới chín chỗ ngồi. Nếu được thông qua, Grab và các loại hình tương tự sẽ được gom về quản lý chung như taxi truyền thống.
Gom chung “một giỏ”
Theo Dự thảo, trước ngày 1-7-2019, xe ô-tô dưới chín chỗ ngồi (kể cả người lái xe) kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng sử dụng phần mềm hợp đồng vận tải điện tử đã được cấp phù hiệu xe hợp đồng trước ngày NĐ này có hiệu lực thì phải thực hiện cấp đổi phù hiệu xe taxi và thực hiện các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh của xe taxi theo quy định tại NĐ này.
Như vậy, tất cả những xe hợp đồng dưới chín chỗ ngồi trở xuống sẽ không được sử dụng hợp đồng điện tử. Các xe như Grab cũng sẽ phải chịu các ràng buộc về niên hạn như taxi; tiêu chuẩn lái xe; kinh doanh trực thuộc doanh nghiệp (DN), hợp tác xã và phải niêm yết giá như taxi…
Là những đơn vị được hưởng lợi, đại diện lãnh đạo các Hiệp hội Taxi cho biết, việc “gắn mào” và phù hiệu xe taxi cho Grab là cần thiết, để quản lý các loại hình vận tải hành khách bằng taxi, đồng thời tạo môi trường kinh doanh công bằng cho các loại hình taxi truyền thống, xe hợp đồng.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lại tỏ ra lo ngại trước kiểu làm NĐ “đẽo cày giữa đường” của Bộ GTVT. Ông Đặng Quang Vinh, Phó trưởng Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế T.Ư nhìn nhận, phương án do Bộ GTVT đề xuất mang lại lợi ích rất nhỏ so những chi phí, tác động tiêu cực mà đề xuất này gây ra cho tất cả các bên. Điều 66 Luật Giao thông đường bộ quy định kinh doanh vận tải bằng xe taxi “cước tính theo đồng hồ tính tiền”. Vì vậy, nếu được thông qua NĐ này sẽ có nguy cơ trái Luật Giao thông đường bộ, Luật Giao dịch điện tử. Việt Nam có khả năng sẽ bị mất uy tín, vì không một quốc gia nào trên thế giới đưa ra giải pháp bắt buộc xe hợp đồng đã được cấp phép hoạt động chuyên nghiệp phải chuyển đổi sang loại hình taxi, chỉ vì DN muốn ứng dụng công nghệ.
Mặt khác, quy định này sẽ là một rào cản đối với các DN nhỏ, hộ kinh doanh, nhất là các hộ kinh doanh cá thể, bởi theo quy định, chỉ có các hợp tác xã, DN mới được kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi. Nếu muốn tiếp tục được hoạt động, hộ kinh doanh cá thể này sẽ buộc phải đi ngược lại xu thế thời đại, quay về thời điểm hợp đồng giấy, ký tá giao kèo trực tiếp, thủ công.
Đi ngược xu thế
Thừa nhận để quản lý một mô hình mới như Grab không phải chuyện dễ, luật sư Trương Thanh Đức, Công ty luật ANVI cho rằng, tạo môi trường bình đẳng không có nghĩa là kéo loại hình này về quản như taxi, triệt tiêu hết những tiến bộ mà Grab đem lại cho người dùng. Ngay cả thế giới cũng phải công nhận Uber, Grab là mô hình khác biệt. Có thể nước ta quản lỏng nhưng không thể coi như “xóa sổ” luôn Grab, đẩy hết thành taxi truyền thống. Điều này đi ngược với chủ trương hướng tới công nghệ 4.0 của Chính phủ.
Đứng trên phương diện khách hàng, chị Hoàng Phương (Cầu Giấy, Hà Nội) so sánh và đặt câu hỏi: Một loại hình kinh doanh vận tải văn minh, công khai, minh bạch từ giá cước đến lộ trình, người dân được hưởng lợi và ủng hộ, được quản lý và thu thuế nhưng lại cố “nhét” vào một khuôn khổ quản lý đã lỗi thời, lạc hậu?
Ông Đặng Quang Vinh cho rằng, khi xem xét Dự thảo NĐ này, các cơ quan chức năng nên đứng từ nhiều góc độ, trong đó, phải đặt quyền lợi của người tiêu dùng làm trung tâm. Cần có các giải pháp tổng thể, cơ bản và lâu dài cho các mô hình kinh doanh mới, dựa trên công nghệ, phù hợp xu thế phát triển của thời đại. Đưa ra giải pháp, ông Đặng Quang Vinh cho rằng: Việc cần làm là sửa Luật Giao thông đường bộ 2008 theo hướng không quản lý theo hình thức kinh doanh với những đặc điểm nhận dạng cảm quan mà tập trung quản lý các rủi ro về an toàn và phúc lợi người tiêu dùng trên nền tảng công nghệ hiện đại.
Nhiều chuyên gia cũng từng đặt ra vấn đề, thay vì khiên cưỡng thắt chặt các mô hình mới, tại sao Bộ GTVT không thay đổi tư duy quản lý, loại bỏ các điều kiện kinh doanh để DN vận tải taxi phát triển?
BẢO NGÂN
Thời nay (Xã hội) 24-10-2018:
(107/917)