(NĐ&ĐS) – Dù bị cấm và phạt khá nặng, giao dịch mua bán ngoại tệ ngoài thị trường tự do vẫn diễn ra và đặt ra nhiều vấn đề xoay quanh.
Đổi ngoại tệ tại các tiệm vàng đã trở thành thói quen không đổi của nhiều người dân. Tại nhiều tuyến phố lớn của Hà Nội đã hình thành những “chợ đen” chuyên giao dịch ngoại tệ. Giao dịch trên thị trường phi chính thức này cũng sôi động không kém gì kênh giao dịch qua ngân hàng.
Một người thu đổi ngoại tệ trên phố Đinh Lễ. Ảnh: Người đưa tin
Trước vấn đề này, Ngân hàng nhà nước khẳng định hoạt động thu đổi ngoại tệ rất thuận tiện. Ngoài mạng lưới là các điểm giao dịch của ngân hàng thương mại, cả nước còn có 580 điểm thu đổi khác được cấp phép.
Trao đổi với VnExpress về câu chuyện quản lý kinh doanh vàng, ngoại tệ trên địa bàn, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM thừa nhận, nhu cầu của người dân về trao đổi, mua bán và nắm giữ vàng, ngoại tệ là có nhưng hiện TP HCM có hơn 1.000 điểm giao dịch vàng miếng được cấp phép. Với ngoại tệ, ngoài các điểm giao dịch của hệ thống ngân hàng thương mại, thành phố còn cấp phép cho hơn 70 điểm thu đổi ngoại tệ ở sân bay, nhà hàng, khách sạn 3 – 5 sao, các điểm du lịch, một số khu vực trung tâm quận 1, 3… nên có thể đáp ứng được nhu cầu người dân.
Ông Minh cho biết thêm, trước đây trong công tác phối hợp liên ngành kiểm tra giám sát hoạt động này, hàng tháng Ngân hàng Nhà nước cung cấp danh sách các điểm được phép kinh doanh vàng và ngoại tệ về cho các địa bàn quận huyện.
Căn cứ vào đó, cơ quan công an địa phương sẽ tiến hành kiểm tra, nếu nơi nào vi phạm thì bị xử lý. Với những đơn vị không được cấp phép, công an sẽ kiểm tra xử lý, những điểm được cấp phép mà vi phạm trong hoạt động kinh doanh mua bán ngoại tệ, cơ quan công an sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước giải quyết…
Tuy nhiên, theo ông Minh từ khi Nghị định 96 ban hành trong đó quy định lực lượng Công an Thành phố không có thẩm quyền lập biên bản xử lý vi phạm hành chính mà chỉ được lập biên bản ghi nhận sự việc. Điều này dẫn đến khó khăn trong công tác đấu tranh mua bán ngoại tệ, kinh doanh ngoại hối trái pháp luật.
Một chuyên gia kinh tế tại TP HCM nhìn nhận, thị trường tự do không diễn ra công khai các giao dịch, nhưng mua bán ngoại tệ vẫn âm thầm xảy ra, rất khó để phát hiện xử lý. Cơ quan quản lý dù có các đợt kiểm tra cũng chỉ dừng ở các hoạt động thanh toán, niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ, quảng cáo bằng ngoại tệ… Lý do là không đủ nhân lực, thời gian để kiểm soát hết các đơn vị. Việc chấp hành các quy định của pháp luật về ngoại hối vẫn trông chờ vào ý thức của đơn vị kinh doanh và người dân.
Riêng các tiệm vàng, theo vị này thì họ biết việc mua bán USD, vàng miếng là vi phạm pháp luật nhưng ở đâu có cầu thì ở đó có cung. Ngoài hệ thống ngân hàng thương mại, số lượng doanh nghiệp tư nhân được phép kinh doanh vàng miếng và ngoại tệ còn ít.
Mạng lưới các ngân hàng thương mại chủ yếu nằm ở nội thành, không phủ đủ khắp thành phố, lại làm việc giờ hành chính nên khi người dân có nhu cầu về vàng miếng, đổi USD thường tới tiệm vàng. Thủ tục giao dịch ngoại tệ tại nhà băng cũng phức tạp trong khi ra tiệm vàng đơn giản, nhanh chóng.
Trao đổi ngoại tệ trái phép dù bị cấm nhưng vẫn diễn ra tràn lan và khó kiểm soát. Ảnh minh họa
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi trên Thanh Niên, chuyên gia tài chính Đinh Tuấn Minh phân tích, nền kinh tế VN có độ mở rất cao nên việc mua bán bằng ngoại tệ là có thật. Thế nhưng, số lượng doanh nghiệp nhỏ và hộ kinh doanh khá nhiều trong khi các đối tượng này lại không được giao dịch ngoại tệ trực tiếp với ngân hàng như các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu.
Thị trường có cầu thì tất sẽ có cung. “Chúng ta không thể cấm nhu cầu về ngoại tệ của người dân. Cái gốc vấn đề để thu hẹp thị trường chợ đen, ngăn chặn các hoạt động mua bán hay thanh toán bằng ngoại tệ là phải mở rộng thị trường chính thức. Ví dụ có thể mở rộng đối tượng được phép giao dịch ngoại tệ với các ngân hàng.
Đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân được mua bán ngoại tệ tại các ngân hàng. Khi một người dân chỉ cần 300 – 500 USD khi đi du lịch để mua quà về cho người nhà, nếu họ mua được ở ngân hàng thì sẽ không ra ngoài chợ đen để hồi hộp sợ bị bắt phạt.
Có thể khi đó cũng kéo giảm được chênh lệch giá ngoại tệ giữa hệ thống ngân hàng và ở các điểm thu đổi bên ngoài, thu hẹp số người tham gia như hiện nay”, chuyên gia Đinh Tuấn Minh chia sẻ thêm.
Ông Trương Thanh Đức cho rằng cần phải xem lại các quy định về lĩnh vực ngoại hối. Tại điều 2, bộ luật Dân sự 2015 công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự thì “quyền dân sự chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.
Thế nhưng lĩnh vực ngoại hối hiện nay chỉ mới được quy định tại Pháp lệnh ngoại hối mà chưa phải là luật. Theo Pháp lệnh ngoại hối, trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các giao dịch với tổ chức tín dụng, các trường hợp thanh toán thông qua trung gian gồm thu hộ, ủy thác, đại lý và các trường hợp cần thiết khác được Thủ tướng Chính phủ cho phép. Như vậy các hành vi bị cấm này liệu có ổn về mặt pháp luật?
Theo Điểm a Khoản 3, Điều 24, Nghị định 96/2014/NĐ-CP, phạt tiền từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với việc mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ.
Theo Điều 3 của Thông tư 20/2011/TT-NHNN, việc mua, bán ngoại tệ tiền mặt của cá nhân phải được thực hiện tại các địa điểm được phép mua, bán ngoại tệ tiền mặt thuộc mạng lưới hoạt động của tổ chức tín dụng được phép, phù hợp với các quy định của pháp luật.
Theo Điều 22 của Pháp lệnh ngoại hối 2005, được sửa đổi, bổ sung năm 2013, trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng… đều không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các trường hợp được phép theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Hàn Trầm
Nhân đạo & Đời sống (Kinh doanh) 27-10-2018:
http://baonhandao.vn/kinh-doanh/tran-lan-mua-ban-ngoai-te-trai-phep-cac-chuyen-gia-noi-gi-15308
(193/1.343)