(TCTC) – Dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) vừa được Chính phủ trình Quốc hội, quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan (bao gồm cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; Kho bạc Nhà nước; Ngân hàng thương mại (NHTM); Cơ quan quản lý nhà, đất…) trong việc cung cấp thông tin về người nộp thuế .
Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi): Nhiều quy định mới có lợi cho người nộp thuế
Luật Quản lý thuế (sửa đổi): Cung cấp số tài khoản ngân hàng để công tác quản lý thuế tốt hơn
Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi): Minh bạch, công khai, bình đẳng, phù hợp với thông lệ quốc tế
Luật Quản lý thuế (sửa đổi) sẽ tạo cơ sở cho quản lý thuế hiện đại
Theo đó, NHTM có trách nhiệm cung cấp nội dung giao dịch qua tài khoản, số dư tài khoản của người nộp thuế trong thời hạn mười ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu cung cấp thông tin của cơ quan quản lý thuế.
Quy định trên của Dự Luật Quản lý thuế (sửa đổi) sau khi trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 10 vừa qua đã tiếp nhận nhiều ý kiến trái chiều. Tạp chí Tài chính chia sẻ quan điểm của các chuyên gia kinh tế xung quanh đề xuất sửa đổi này.
Thực tế từ nhiều năm trở lại đây, nhờ ngân hàng cung cấp thông tin hỗ trợ, cơ quan thuế đã truy thu thuế nhiều trường hợp, cụ thể, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh thông qua rà soát các tài khoản trên dữ liệu của 5 ngân hàng thương mại đã phát hiện nhiều người có thu nhập từ Facebook, Google… với tổng số tiền lên đến hàng ngàn tỷ đồng nhưng không khai báo và nộp thuế theo quy định.
Theo dữ liệu của 5 ngân hàng, từ năm 2014 đến hết tháng 11/2017 có đến 18.903 tổ chức nhận thu nhập từ Google, Facebook với số tiền 1.092 tỷ đồng. Ngoài ra cũng có nhiều tài khoản được thanh toán bằng ngoại tệ với số tiền lên đến 17,8 triệu USD.
Trong đó, việc rà soát qua hệ thống ngân hàng tính riêng TP. Hồ Chí Minh, cơ quan thuế đã truy thu được tổng cộng 14 tỉ đồng từ 89 tổ chức, cá nhân có thu nhập từ Google, Facebook. Đồng thời, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh cũng chuyển thông tin của 5.800 cá nhân có nhận thu nhập từ Facebook, Google với tổng số tiền 7,1 triệu USD và 97 tỷ đồng tới cục thuế các tỉnh.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh cho rằng, trong một số trường hợp, việc cung cấp thông tin của người nộp thuế để phục vụ, bảo đảm thực hiện trách nhiệm của cá nhân, doanh nghiệp là hợp lý. Nhưng phải quy định rõ việc cơ quan thuế được yêu cầu ngân hàng cung cấp ở mức nào, tránh tình trạng lạm quyền và làm lộ thông tin của khách hàng.
Theo luật sư Trương Thanh Đức (Công ty Luật ANVI), quy định này đã có trong Luật quản lý thuế năm 2006 và có thông tư hướng dẫn thực hiện từ trước đến nay. Tuy nhiên, hiện nay, cơ quan quản lý sắp xếp lại các quy định. Theo ông Đức, để quy định phù hợp, cơ quan quản lý nhà nước cần phân loại, việc cung cấp số dư thuế nhằm chống gian lận thương mại hay tuân thủ pháp luật. Các văn bản pháp luật cũng cần làm rõ, việc cơ quan thuế yêu cầu cung cấp thông tin theo thẩm quyền như thế nào, yêu cầu bảo mật ra sao, chứ không thể yêu cầu ngân hàng cung cấp danh sách hàng nghìn khách hàng.
Lý giải thêm về điều này, trao đổi với phóng viên báo chí, ông Lưu Đức Huy – Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế (Tổng cục Thuế) cho biết, kế thừa quy định tại Luật Quản lý thuế về việc NHTM có trách nhiệm cung cấp thông tin về tài khoản, nội dung giao dịch qua tài khoản theo yêu cầu của cơ quan quản lý thuế, dự thảo Luật đã hoàn thiện quy định này tại Khoản 2 Điều 27 quy định NHTM có trách nhiệm cung cấp thông tin tài khoản của khách hàng là người nộp thuế mở tại ngân hàng cho cơ quan quản lý thuế, chỉ bao gồm thông tin về mở tài khoản, số tài khoản cùng với mã số thuế của người nộp thuế.
Theo quy định của pháp luật thì cơ quan thuế đảm bảo giữ bí mật thông tin của người nộp thuế (trong đó có thông tin về tài khoản ngân hàng) là phù hợp với quy định của Điều 14 Luật Các tổ chức tín dụng và pháp luật về an toàn thông tin mạng.
Việc quy định cung cấp thông tin về số tài khoản của người nộp thuế là nhằm giảm thiểu thủ tục cho người nộp thuế, chia sẻ thông tin giữa cơ quan quản lý thuế và các bên liên quan theo cơ chế tự động (hiện nay đã có 51 ngân hàng ký kết với cơ quan thuế về việc chia sẻ thông tin, trong đó có 49 ngân hàng đã triển khai). Hiện cơ quan thuế đang quản lý cơ sở dữ liệu về tài khoản của hàng trăm ngàn DN nhưng chưa phát sinh trường hợp có ảnh hưởng đến việc bảo mật thông tin của Ngân hàng.
Ngoài ra, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, tại Mẫu Luật quản lý thuế của IMF (Quỹ tiền tệ quốc tế); Luật quản lý thuế của Hungary và báo cáo của OECD về cải thiện quyền truy cập vào thông tin ngân hàng cho mục đích thuế; đa số các nước đều quy định các ngân hàng và tổ chức tài chính tín dụng có nghĩa vụ thông báo cho cơ quan thuế biết về việc mở các tài khoản của người nộp thuế cùng mã số thuế do cơ quan thuế cấp. Thậm chí một số nước còn yêu cầu việc báo cáo tự động đối với việc đóng mở tài khoản, số dư tài khoản tại thời điểm cuối năm cũng như tiền lãi trên tài khoản của người nộp thuế cho cơ quan thuế.
“Như vậy, nội dung quy định như dự thảo Luật về nhiệm vụ, trách nhiệm của NHTM đã phù hợp với thông lệ quốc tế, đồng thời đảm bảo việc trao đổi thông tin với cơ quan thuế các nước”, ông Lưu Đức Huy thông tin và cho biết ngành Thuế sẽ nâng cấp công nghệ thông tin để quản lý hiệu quả hơn.
(128/1.225)
Tập chí Tài chính (Sự kiện nổi bật) 21-11-2018:
PV. (Tổng hợp)