(DĐDN) – Nhiều chuyên gia khẳng định, việc ngân hàng cung cấp thông tin tài khoản cho thuế chưa đảm bảo tính minh bạch, thậm chí có thể xảy ra tình trạng bán thông tin khách hàng.
Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) tiếp tục giữ nguyên đề xuất các tổ chức, cơ quan trong đó có các ngân hàng thương mại phải cung cấp thông tin tài khoản khách hàng cho cơ quan quản lý thuế.
Chuyên gia phản đối
Cụ thể, khoản 2 Điều 98 quy định ngân hàng thương mại có trách nhiệm cung cấp thông tin tài khoản của khách hàng là người nộp thuế mở tại ngân hàng cho cơ quan quản lý thuế, gồm nội dung giao dịch tài khoản, số dư tài khoản người nộp thuế trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu cung cấp thông tin của cơ quan quản lý thuế.
Góp ý cho dự thảo Luật quản lý thuế (sửa đổi), VCCI khẳng định đề xuất ngân hàng cấp thông tin khách hàng cho cơ quan thuế là chưa đảm bảo minh bạch.
Về vấn đề này, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật ANVI cho rằng, dự thảo cần nêu rõ ai được phép truy cập dữ liệu này, nếu không tình trạng bán thông tin khách hàng sẽ xảy ra.
Đồng quan điểm, chuyên gia tài chính, TS Cấn Văn Lực cho rằng nếu nhìn nhận quy định trong dự thảo luật thuế sửa đổi là chia sẻ thông tin giữa Ngân hàng thương mại với cơ quan thuế, thì trước nay cũng đã được thực hiện ở một số quốc gia như Thái Lan, Trung Quốc, Singapore, Malyasia… Tuy nhiên, các nước quy định về trao đổi, chia sẻ chứ không phải yêu cầu cung cấp thông tin. Ngoài ra, họ quy định rất rõ phải cung cấp thông tin trong những trường hợp nào, thông tin ra sao cũng như đưa ra những mức độ khác nhau về cung cấp thông tin.
“Dự thảo sửa đổi lần này đưa ra phạm vi cung cấp thông tin rộng quá. Chỉ nên yêu cầu cung cấp thông tin cần thiết, hữu ích cho việc đòi nợ thuế”, TS Cấn Văn Lực nói.
VCCI “lo ngại”
Cũng góp ý cho vấn đề này, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá quy định này trong dự thảo luật chưa bảo đảm tính minh bạch do không nêu rõ trong các trường hợp nào thì cơ quan quản lý thuế có quyền yêu cầu Ngân hàng thương mại cung cấp các thông tin. Đồng thời cũng chưa thuyết minh rõ được yêu cầu này căn cứ vào nhu cầu quản lý nhà nước cụ thể là gì. Nếu quy định mở như dự luật, có khả năng hiểu theo nhiều cách khác nhau, việc áp dụng có thể rất tùy tiện trên thực tế.
“Quan hệ giữa Ngân hàng và người nộp thuế là quan hệ dân sự. Khi ký kết hợp đồng, Ngân hàng phải cho khách hàng của mình biết các trường hợp thông tin của họ sẽ được cung cấp cho bên thứ ba. Các trường hợp này cần phải hợp lý và rõ ràng để bảo đảm quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức và bảo đảm NH không phải chịu gánh nặng tuân thủ yêu cầu của cơ quan quản lý thuế”, ông Tuấn lưu ý.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)
Góp ý cụ thể cho khoản 3 Điều 100: “Các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác liên quan đến người nộp thuế có trách nhiệm cung cấp thông tin bằng văn bản hoặc dữ liệu điện tử liên quan về người nộp thuế theo yêu cầu của cơ quan quản lý thuế”, ông Đậu Anh Tuấn đề nghị cần có giới hạn cụ thể cho loại thông tin này.
Trước đó, VCCI cũng có ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật quản lý thuế (sửa đổi) của Bộ Tài chính.
Đáng chú ý trong bản góp ý của VCCI nhấn mạnh đến nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của ngân hàng thương mại trong việc quản lý thuế được quy định tại Điều 29 và Điều 100 của dự thảo.
Theo đó, dự thảo quy định ngân hàng thương mại có trách nhiệm cung cấp thông tin tài khoản của khách hàng là người nộp thuế mở tại ngân hàng cho cơ quan quản lý thuế. Các thông tin này bao gồm: thông tin về mở tài khoản; số tài khoản; nội dung giao dịch qua tài khoản, số dư tài khoản; mã số thuế của người nộp thuế.
VCCI cho rằng, quy định này là chưa bảo đảm tính minh bạch ở chỗ không rõ trong các trường hợp nào thì cơ quan quản lý thuế có quyền yêu cầu ngân hàng cung cấp các thông tin này và căn cứ vào nhu cầu quản lý nhà nước cụ thể là gì.
“Nếu quy định mở như hiện nay thì có khả năng hiểu theo nhiều cách khác nhau, việc áp dụng có thể rất tùy tiện trên thực tế”, VCCI nhấn mạnh.
Mặt khác, cũng theo VCCI, quan hệ giữa ngân hàng thương mại và người nộp thuế là quan hệ dân sự. Khi ký kết hợp đồng, ngân hàng thương mại cần phải cho khách hàng biết các trường hợp thông tin của họ sẽ được cung cấp cho bên thứ ba. Các trường hợp này cần phải hợp lý và rõ ràng để bảo đảm quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức và bảo đảm ngân hàng thương mại không phải chịu gánh nặng tuân thủ yêu cầu này của cơ quan quản lý thuế.
VCCI cho rằng, cần phải quy định rõ cấp có thẩm quyền của cơ quan quản lý thuế trong việc ra yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin cho cơ quan thuế.
Đối với mã số thuế khách hàng, VCCI đặt câu hỏi: “Không hiểu tại sao cơ quan quản lý thuế lại yêu cầu ngân hàng thương mại cung cấp thông tin mã số thuế khách hàng, trong khi đây là cơ quan chủ quản? Không phải trong mọi trường hợp khách hàng của ngân hàng thương mại cũng có mã số thuế, vì vậy yêu cầu này là không bảo đảm tính khả thi”.
Huyền Trang
Diễn đàn Doanh nghiệp (KD & PL) 28-11-2018:
(46/1.138)