(NĐT) – Nhiều chuyên gia pháp lý hàng đầu cho rằng quyết định huỷ đấu giá của UBND TP. Đà Nẵng là không đủ căn cứ pháp lý, ảnh hưởng tiêu cực tới quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, đi ngược lại với tinh thần phát triển kinh tế tư nhân của Đảng và Nhà nước.
Nhiều chuyên gia pháp lý đầu ngành tham dự Toạ đàm
Chiều 4/12 tại Hà Nội, báo Pháp luật Việt Nam và CLB Pháp chế doanh nghiệp (Bộ Tư pháp) đã tổ chức buổi toạ đàm “Môi trường kinh doanh dưới góc nhìn ứng xử của chính quyền với doanh nghiệp qua thực tiễn đấu giá quyền sử dụng đất”. Qua đó lấy các ý kiến của chuyên gia pháp lý, cơ quan quản lý nhà nước về vụ việc Công ty Vipico trúng đấu giá lô đất A20 tại Quận Sơn Trà, Đà Nẵng.
Tại toạ đàm, Luật sư Nguyễn Văn Chiến, Phó Chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam phân tích việc Vipico chậm nộp tiền là sai phạm rõ ràng, không phải bàn cãi. Tuy nhiên tương ứng với từng mức vi phạm sẽ đi kèm với các chế tài răn đe khác nhau. Vấn đề là lựa chọn chế tài sao cho phù hợp, về lý cũng như “tình”. Vị Đại biểu Quốc hội nhận định Vipico chậm nộp 52 ngày với khoản tiền hơn 600 tỷ đồng không phải là sai phạm quá lớn, đến mức phải thu hồi tiền cọc và huỷ kết quả đấu giá. Áp dụng chế tài quá nặng trong vụ việc này là không phù hợp.
Đồng quan điểm, nhưng có phần gay gắt hơn, Luật sư Trương Thanh Đức tỏ ra nghi ngại về thái độ cương quyết huỷ kết quả đấu giá của Đà Nẵng. “Doanh nghiệp đã có văn bản xin gia hạn thời gian nộp tiền. Đà Nẵng khẳng định phải xin ý kiến Bộ Tài chính. Đến khi Bộ Tài chính có văn bản cho phép Doanh nghiệp nộp tiền chậm nộp thì Đà Nẵng lại quay ngoắt, kiên quyết đòi huỷ kết quả đấu giá. Rồi tiếp đến viện dẫn kết luận của Kiểm toán Nhà nước, dù cơ quan kiểm toán không lâu sau đó khẳng định không kiến nghị Đà Nẵng huỷ kết quả đấu giá”, Giám đốc Công ty Luật ANVI bày tỏ quan điểm, ông nhấn mạnh thêm rằng loạt diễn biến cho thấy thái độ, cách thức ứng xử tiêu cực của Đà Nẵng đối với doanh nghiệp – những người đã bỏ ra hơn 200 tỷ đồng so với giá gốc và 100 tỷ đồng so với người bỏ giá xếp sau để trúng đấu giá lô đất.
“Đà Nẵng đã có tội với doanh nghiệp. Tội đã hoàn thành một năm rồi”, lời bình xét có phần hài hước của Luật sư Đức nhận được sự tán đồng của nhiều chuyên gia pháp lý kỳ cựu.
Về phần mình, Luật sư Trần Hữu Huỳnh, cựu Trưởng ban pháp chế VCCI khẳng định đất đai là tài sản quốc gia, phải được đấu giá để thu về lợi ích lớn nhất cho ngân sách. Vipico bỏ số tiền chênh rất lớn để trúng đấu giá rõ ràng là tích cực, cho thấy sự minh bạch và hiệu quả của phương thức này. Việc Đà Nẵng giữ quan điểm cứng rắn, có phần cứng nhắc, không tôn trọng kiến nghị của các bộ, ngành lẫn cơ quan chuyên môn cấp dưới để ra một quyết định “lợi ít, hại nhiều” (huỷ đấu giá – PV) là tiền lệ rất nguy hiểm, đi ngược với chủ trương thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân của Đảng và Nhà nước, làm xấu môi trường kinh doanh ở Đà Nẵng.
Ở góc độ kinh tế học, Tiến sĩ Võ Trí Thành cũng nêu ý kiến đây là trường hợp điển hình, cần xem xét, xử lý hết sức nghiêm túc để đưa ra được cách thức ửng xử phù hợp trong các trường hợp tương tự. Tiến sĩ Thành gợi ý cơ quan cấp Chính phủ có thể đứng ra làm trung gian hoà giải trong vụ việc này, và hoàn toàn có thể thành lập một cơ quan chuyên trách cho các vấn đề tương tự.
Ở diễn biến mới nhất, Công ty Vipico đã có đơn Khiếu nại quyết định huỷ kết quả đấu giá khu đất A20 của UBND TP. Đà Nẵng. Doanh nghiệp này cho biết thiệt hại đến nay đã xấp xỉ 200 tỷ đồng, đứng bên bờ vực phá sản. Lãnh đạo Vipico chia sẻ bỏ ngỏ khả năng khởi kiện quyết định hành chính của UBND TP. Đà Nẵng, tuy nhiên khẳng định đó sẽ là giải pháp “cuối cùng” khi mà dù “nắm chắc phần thắng”, nhưng có thể mất tới quãng thời gian nhiều năm trời.
XUÂN TIÊN
Nhà đầu tư (Thời sự) 05-12-2018:
https://nhadautu.vn/chuyen-gia-phe-quyet-dinh-huy-dau-gia-dat-600-ty-cua-da-nang-d16211.html
(223/846)