(ĐĐK) – Mới đây Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp, Bộ Tư pháp và Báo Pháp luật Việt Nam đã tổ chức tọa đàm: Môi trường kinh doanh dưới góc nhìn ứng xử của chính quyền với doanh nghiệp qua thực tiễn đấu giá quyền sử dụng đất. Tại tọa đàm nhiều chuyên gia thẳng thắn cho rằng, nếu không có những giải pháp sẽ tạo ra một tiền lệ hủy và thu hồi.
Quang cảnh Tọa đàm.
Câu chuyện từ Đà Nẵng
Đề cập đến những hệ lụy mà doanh nghiệp gánh chịu khi kết quả đấu giá quyền sử dụng đất bị hủy, ông Trần Minh Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật CLB Pháp chế doanh nghiệp Bộ Tư pháp cho biết, ngày 27/6/2017, Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản TP Đà Nẵng tổ chức đấu giá tài sản lô đất A20, diện tích 11.487 m2. Công ty Cổ phần Vipico là đơn vị trúng đấu giá với giá 56.000.000 vnđ/m2 làm lợi cho TP Đà Nẵng hơn 230 tỷ đồng so với mức giá khởi điểm 36.000.000 vnđ/m2.
Ngày 28/7/2017, UBND TP Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 4105/QĐ-UBND về việc công nhận kết quả đấu giá cho Vipico. Tuy nhiên ngày 16/11 UBND Đà Nẵng đã ra Quyết định số 5443/QĐ-UBND hủy Quyết định số 4105/QĐ-UBND ngày 28/7/2017 của Chủ tịch UBND thành phố về việc công nhận kết quả đấu giá quyền sử dụng đất đối với khu đất A20, mặt tiền đường Võ Văn Kiệt (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) mà Công ty CP VIPICO trúng đấu giá trước đó.
Lý do hủy quyết định công nhận kết quả đấu giá nói trên được UBND TP Đà Nẵng đưa ra là do VIPICO không thực hiện theo đúng cam kết tại phiếu đăng ký tham gia đấu giá, phương án đấu giá tại Quyết định số 1228/QĐ-UBND ngày 7/3/2016 của UBND TP Đà Nẵng và Quy chế của cuộc bán đấu giá. Đồng thời thu tiền đặt cọc nộp vào ngân sách TP theo quy định. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 16-11/2018.
Trước đó, UBND TP Đà Nẵng có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, báo cáo về trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất của Công ty Cổ phần VIPICO. Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo TP Đà Nẵng dẫn lại toàn bộ tiến trình vụ việc và các văn bản, tài liệu kèm theo như đã báo cáo cho Bộ Tư pháp trước đó.
Trong đó có phương án đấu giá lô đất A20, mặt tiền đường Võ Văn Kiệt (quận Sơn Trà) và phần kết luận của Kiểm toán Nhà nước ngày 4/9/2018 đề nghị Đà Nẵng hủy kết quả trúng đấu giá của VIPICO.
Theo đó kết luận của Kiểm toán nhà nước cho rằng: “Công ty đã trúng đấu giá khu đất ký hiệu A20, diện tích 11.487m² với giá 56,8 triệu đồng/m² tương ứng với số tiền 652,461,6 triệu đồng. Công ty chậm nộp 326.230,8 triệu đồng tiền sử dụng đất, thuê đất qua đấu giá 52 ngày so với thông báo của cơ quan Thuế nhưng thành phố chưa hủy kết quả đấu giá và thu hồi tiền đặt cọc nộp ngân sách thành phố theo Quyết định số 1228/QĐ-UBND, Quyết định số 01/2015/QĐ-UBND ngày 15/1/2015 của UBND TP Đà Nẵng sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế bán đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn thành phố Đà Nẵng ban hành kèm theo Quyết định số 25/2014/QĐ-UBND ngày 18/8/2014 của UBND TP Đà Nẵng và tại Điểm d, Khoản 5, Điều 68 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều, khoản của Luật Đất đai”.
Bài học ứng xử với doanh nghiệp
Từ câu chuyện cụ thể từ Đà Nẵng đa số các đại biểu rằng, việc hủy kết quả đấu giá quyền sử dụng đất, DN là người bị thiệt hại nhiều nhất. Thiệt hại này, bao gồm các thiệt hại vì DN không triển khai được dự án; ngoài ra còn có các thiệt hại không thể nhìn thấy được như sự lo lắng, bức xúc, đặc biệt là mất niềm tin vào nỗ lực cải cách và cải thiện môi trường kinh doanh …
Theo LS Nguyễn Văn Chiến – Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, từ câu chuyện UBND Đà Nẵng với Vipco cho thấy có quá nhiều vấn đề về pháp lý xung quanh câu chuyện về đấu giá quyền sử dụng đất cần phải được giải quyết. Từ trường hợp ở Vipico cho thấy, việc áp dụng hủy kết quả đấu giá đất của UBND Đà Nẵng có nhiều mâu thuẫn, không đồng nhất quan điểm và trái quy định của pháp luật khiến doanh nghiệp mất thế chủ động trong việc lo tiền nộp.
Mặt khác, theo Luật Đấu giá tài sản 2016 (hiệu lực từ ngày 1/7/2017) quy định, không nộp đủ cũng như nộp tiền quá thời hạn yêu cầu không được coi là một trong các trường hợp bị huỷ kết quả đấu giá. Nghị định 45/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về thu tiền sử dụng đất, nếu quá thời hạn theo Thông báo của cơ quan thuế mà chưa nộp đủ số tiền sử dụng đất thì phải nộp tiền chậm nộp đối với số tiền chưa nộp theo mức quy định của pháp luật về quản lý thuế.
Đối với trường hợp của Vipico, công ty đã nộp đủ tiền đấu giá đợt 1. Hạn nộp đợt 2 là ngày 19/12/2017, trước khi đến thời hạn này ngày 22/11 Vipico đã có văn bản gửi Đà Nẵng xin ý kiến nộp chậm đợt 2, song không nhận được phản hồi, đến ngày 17/12, công ty tiếp tục có văn bản gửi Đà Nẵng hỏi về việc chậm nộp nhưng đến đúng ngày 19/12 Đà Nẵng mới có văn bản trả lời Vipico rằng để hỏi ý kiến Bộ Tài chính.
Bên cạnh đó theo quy định của pháp luật, tiền phạt chậm nộp có nghĩa doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ nộp tiền để có quyền nhận tài sản trúng đấu giá. Nếu xác định huỷ hợp đồng thì UBND Đà Nẵng không tiếp tục nhận tiền đợt 2 và không nhận tiền phạt chậm nộp. Tuy nhiên UBND Đà Nẵng đã thu và nhận đủ tiền chậm nộp phạt. Do đó quyết định hủy kết quả đấu giá của UBND Đà Nẵng không những không có căn cứ mà trái với các quy định của pháp luật hiện hành.
Đồng quan điểm LS Trương Thanh Đức Giám đốc công ty Luật ANVI cho rằng, không giống như nhiều cuộc đấu giá sử dụng đất khác, cuộc đấu giá tại UBND Đà Nẵng đã đem lại lợi cho Đà Nẵng hơn 200 tỷ so với giá khởi điểm. Điều này cho thấy về quy trình đấu giá không có vấn đề, đã tuân thủ đúng pháp luật. Song điểm nghẽn gây tranh cãi xung quanh việc xử lý chậm nộp phạt. Việc xử lý chậm nộp ngoài quan hệ hành chính còn là quan hệ hợp đồng.
Về cơ chế xử lý đã có đủ nhưng câu hỏi đặt ra là nếu nộp chậm bao lâu thì phạt hay nếu được hủy thì trong khoảng thời gian bao lâu. Tuy nhiên UBND Đà Nẵng đã áp dụng cơ chế này không thống nhất, lửng lơ do đó thay vì ra quyết định hủy cần phải ngồi lại để cùng thảo luận đưa ra giải pháp tối ưu nhất.
“Việc hủy và thu hồi quyết định đấu giá quyền sử dụng đất nếu không được làm chặt chẽ chỉ dựa vào những quy định thiếu đồng nhất, lửng lơ sẽ dẫn đến một hệ lụy xấu, nhất là đối với TP.Đà Nẵng là TP đang có nhiều nỗ lực xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh. Do đó ngành chức năng cần có ý kiến quyết liệt, nếu không sẽ tạo ra tiền lệ “hủy””. – Luật sư Trương Thanh Đức nhấn mạnh.
Theo Ls Trần Hữu Huỳnh – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam từ thực tiễn giải quyết các vụ hủy kết quả đấu giá cho thấy cách giải quyết thiếu nhất quán đẩy DN vào rủi ro không thể lường trước. Ở trường hợp cụ thể với Vipico, UBND Đà Nẵng đã không chuyên nghiệp. Bởi lẽ nếu có quyết định hủy kết quả đấu giá do chậm nộp thì phải tuyên bố ngay từ đầu và không cho nộp chậm. Song UBND Đà Nẵng chọn giải pháp đưa ra tình huống bị động chờ ý kiến các bộ, ngành. Điều này đồng nghĩa với việc cho phép doanh nghiệp có thể nộp chậm.
Dẫn chứng về sự thiếu chuyên nghiệp của UBND Đà Nẵng ông Trần Minh Sơn cho biết, dù ngày 16/11 UBND Đà Nẵng đã ra quyết định hủy kết quả đấu giá quyền sử dụng đất nhưng ngày 27/11, Chi cục thuế quận Sơn Trà, Đà Nẵng vẫn ra thông báo gửi cho công ty Vipico về nộp tiền thuế sử dụng đất Phi nông nghiệp. Theo đó số tiền thuế mà công ty phải nộp là 151.122.973 VNĐ.
Lan Hương
————
Đại đoàn kết (Kinh tế) 07-12-2018:
http://daidoanket.vn/kinh-te/doanh-nghiep-khon-kho-vi-bi-huy-ket-qua-dau-gia-quyen-su-dung-dat-tintuc424674
(253/1.609)