(ĐBND) – Do liên tục có sự thay đổi về chính sách, pháp luật, cộng với những xung đột, mâu thuẫn chồng chéo, phức tạp ngày càng gia tăng đã cản trở doanh nghiệp trong việc thực thi quy định pháp luật về hợp đồng… đòi hỏi cần sớm được rà soát, khắc phục lỗ hổng.
Nhiều quy định gây khó
Cùng với sự phát triển kinh tế, số lượng các hợp đồng được xác lập tăng nhanh chóng. Các tranh chấp phát sinh từ hợp đồng hoặc liên quan đến hợp đồng kinh doanh thương mại cũng không ngừng tăng. Thực tiễn cho thấy, phương thức giải quyết tranh chấp bằng hòa giải hoặc trọng tài rõ ràng là một lựa chọn tốt cho tất cả các bên. Trưởng phòng Luật sư Mặt trời mới Bùi Văn Thành lấy ví dụ về hiệu quả thời gian giải quyết bằng hòa giải đối với một tranh chấp: Người mẹ là phó chủ tịch hội đồng quản trị (HĐQT), giám đốc tài chính của một công ty 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam, được quyền đồng ký tên chủ tài khoản của công ty, nhưng đã ủy quyền con trai cũng là cổ đông của công ty lĩnh tiền mặt từ tài khoản đó nhằm chiếm dụng tiền của công ty. Theo điều lệ của công ty và Luật Doanh nghiệp, giao dịch này thuộc trường hợp phải được HĐQT thông qua trước khi xác lập và thực hiện, nhưng do không được thông qua nên vô hiệu. Nếu giải quyết bằng khởi kiện ra tòa án yêu cầu tuyên giao dịch đó là vô hiệu thì riêng thủ tục ủy thác tư pháp ra nước ngoài để xác định quan hệ mẹ con đã mất khoảng 4 – 6 tháng, thời gian chuẩn bị và xét xử tại tòa án mất khoảng 4 – 8 tháng nữa. Tuy nhiên, nhờ thương lượng và hòa giải, tranh chấp đó đã được giải quyết thành công trong thời gian chưa đầy 2 tháng…
Hiệu quả trong hòa giải, trọng tài là vậy, song thực tiễn giải quyết tranh chấp hợp đồng bằng phương thức này còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong đó, đầu tiên phải kể đến đó là từ quy định pháp luật về thẩm quyền của trọng tài, còn chưa cụ thể, thiếu cơ chế giám sát việc hủy phán quyết trọng tài… Bất cập thứ hai là từ người vận dụng pháp luật. Thực tế, còn có cách hiểu khác nhau, chưa thống nhất về trọng tài (giữa các tòa án, thẩm phán), chưa tuân thủ thời gian luật định… Ví dụ, TAND TP Hồ Chí Minh cho rằng tranh chấp liên quan đến bất động sản thuộc thẩm quyền giải quyết của trọng tài (nếu các bên có thỏa thuận) nhưng TAND TP Hà Nội lại cho rằng tranh chấp này không thuộc thẩm quyền giải quyết của trọng tài mà thuộc thẩm quyền riêng biệt của tòa án.
Liên quan đến việc xác định người ký hợp đồng, nếu như trước đây, doanh nghiệp dễ dàng xác định người có thẩm quyền đại diện ký hợp đồng của đối tác là người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền thì nay rất khó xác định được người có thẩm quyền của doanh nghiệp đối tác ký hợp đồng. Đối với việc thỏa thuận về phạt và bồi thường hợp đồng, các luật cũng có sự chồng chéo, mâu thuẫn, trái ngược nhau, dẫn đến việc doanh nghiêp không biết đường nào mà lần. Đơn cử, Khoản 3, Điều 418, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về “thỏa thuận phạt vi phạm”. Nếu không đồng thời thỏa thuận về việc bồi thường thì không được bồi thường. Còn tại Khoản 1, Điều 307, Luật Thương mại năm 2005 lại quy định: Nếu không có thỏa thuận về phạt thì không được phạt. Đối với thời hiệu khởi kiện, chỉ khoảng 25 năm trở lại đây, luật pháp Việt Nam đã thay đổi tới 7 lần, đó là chưa kể các quy định chuyên ngành… điều này đã gây khó khăn, lúng túng cho doanh nghiệp – Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC, LS. Trương Thanh Đức cho biết.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, báo cáo công bố của các nghiên cứu khác… thì thời gian giải quyết xong tranh chấp hợp đồng của Việt Nam là 400 ngày, chi phí bằng 29% giá trị hợp đồng. |
Bảo đảm tự do, bình đẳng
Tại Tọa đàm “Thực tiễn áp dụng pháp luật về hợp đồng và giải quyết tranh chấp bằng phương thức hòa giải, trọng tài” do Bộ Tư pháp phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức vừa qua, các chuyên gia luật cho rằng, một trong những bất cập thường gặp trong trường hợp xác lập hợp đồng mua bán bất động sản hình thành trong tương lai đó là căn cứ xác lập và nguyên tắc tự do, bình đẳng trong giao kết hợp đồng.
Luật sư Bùi Văn Thành chia sẻ, thông thường, trong dự thảo loại hợp đồng này của chủ đầu tư đưa ra hàng chục căn cứ xác lập là các văn bản cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã phê duyệt đối với chủ đầu tư bất động sản, nhưng thường thì chủ đầu tư không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ, nhất là đối với các văn bản pháp lý của dự án bất động sản hình thành trong tương lai đã có điều chỉnh quy hoạch, phát sinh tranh chấp số lượng tầng, số lượng căn hộ hoặc mật độ xây dựng…
Bản dự thảo các mẫu hợp đồng này của chủ đầu tư thường có phần cam kết của bên mua là đã xem xét kỹ, hiểu rõ về tình trạng pháp lý của bất động sản hình thành trong tương lai mà họ định mua. Chủ đầu tư cũng thường vin vào lý do, tài sản hình thành trong tương lai đã đủ điều kiện đưa vào giao dịch theo quy định của pháp luật, mẫu hợp đồng bán tài sản hình thành trong tương lai đã được Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương và ban lãnh đạo công ty thông qua nên không đồng ý với yêu cầu sửa đổi bổ sung bất kỳ nội dung, điều khoản nào của hợp đồng. Vì nhu cầu mua, nhu cầu đầu tư đối với nhà ở hình thành trong tương lai là có thật, nên người tiêu dùng đành phải ký. Trong khi nguyên tắc tự do, bình đẳng trong giao kết hợp đồng thực tế không được tôn trọng, rủi ro trong xác lập hợp đồng này thường rơi vào bên mua.
Nhiều ý kiến cho rằng, bất cập về áp dụng pháp luật hợp đồng luôn xuất hiện. Do vậy, để việc áp dụng pháp luật về hợp đồng và giải quyết tranh chấp bằng phương thức hòa giải, trọng tài được thuận lợi và có hiệu quả, tới đây ngành chức năng cần rà soát, qua đó chỉnh sửa, thống nhất các quy định để bảo đảm sự công bằng và nguyên tắc tự do, bình đẳng trong thực hiện ký kết hợp đồng của doanh nghiệp cũng như các bên liên quan.
Trần Hải
————
Đại biểu Nhân dân (Pháp luật) 08-12-2018:
http://www.daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=81&NewsId=414438
(224/1.270)