(TBKD) – Việc Chính phủ khống chế tỷ lệ vay 20% đối với các doanh nghiệp, không phân biệt FDI và doanh nghiệp trong nước khiến các doanh nghiệp bất động sản, một trong những nhóm ngành cần nhiều vốn vay nhất trong hệ thống kinh tế điêu đứng.
Nghị định 20/2017/ NĐ-CP (Nghị định 20) được ban hành từ đầu năm 2017, có hiệu lực từ ngày 1/5/2017 quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Mục tiêu nhằm chống chuyển giá từ các tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Khó khăn kép
Theo bà Đinh Mai Hạnh, Phó Tổng Giám đốc tư vấn Thuế, công ty Deloitte Việt Nam, Nghị định đã cho thấy tính hiệu quả nhờ gia tăng tính minh bạch trong công tác quản lý các doanh nghiệp thực hiện giao dịch liên kết của cơ quan thuế, đồng thời cũng tăng cường ý thức chấp hành quy định của người nộp thuế.
Tuy nhiên, những quy định mấu chốt tại Khoản 3 Điều 8 lại tồn tại một số vướng mắc và đang thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp. Nhất là quy định khống chế chi phí lãi vay được trừ cho mục đích tính thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh. Khi đó, phần chi phí lãi vay vượt quá 20% sẽ bị coi là chi phí không hợp lý và bị tính thuế.
Với mục tiêu chống chuyển giá, nhưng trên thực tế, việc áp dụng khống chế chi phí lãi vay đang tác động lớn đến các tập đoàn tư nhân trong nước hoạt động theo mô hình công ty mẹ – con, các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực đòi hỏi vốn lớn như bất động sản.
Với hai yếu tố này (thiếu vốn, hoạt động mô hình mẹ-con), các doanh nghiệp bất động sản sẽ gặp khó khăn kép với Nghị định 20.
Theo quy định Nghị định 43/2014/NĐ-CP, doanh nghiệp bất động sản có vốn thuộc sở hữu của mình để thực hiện dự án không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất dưới 20 ha; không thấp hơn 15% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất từ 20 ha trở lên. Đồng thời, các doanh nghiệp có khả năng huy động vốn để thực hiện dự án từ các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các tổ chức, cá nhân khác.
Như vậy, đối với một dự án đầu tư có sử dụng đất, ngoài vốn tự có, doanh nghiệp có quyền vay hoặc thực hiện các hình thức huy động vốn khác để triển khai dự án với tỷ lệ từ 80 đến 85%.
Trên thực tế, chi phí lãi vay trên tổng lợi nhuận tại các doanh nghiệp bất động sản hầu hết cao hơn tỷ lệ chi phí lãi vay theo Nghị định 20. Nếu áp dụng quy định của Nghị định này, doanh nghiệp bất động sản khó triển khai dự án quy mô lớn.
Nghị định 20 “bóp nghẹt” doanh nghiệp bất động sản? |
Cần theo nhóm ngành
Liên quan đến việc áp trần lãi vay theo Nghị định 20, công ty cổ phần thương mại Citicom nêu quan điểm: việc đưa ra quy định lãi vay không vượt ngưỡng 20% tổng lợi nhuận là chưa hợp lý. Bởi theo quy định, các doanh nghiệp đều có thể được khấu trừ các loại chi phí nếu là hợp lý, hợp lệ.
“Quy định này sẽ khiến đa số doanh nghiệp mất tính chủ động và cơ hội trong phát triển kinh doanh, mở rộng đầu tư sản xuất cũng như kém cạnh tranh so với các doanh nghiệp nhà nước”, Citicom nêu.
Theo luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, quy định này sẽ không phù hợp với tất cả doanh nghiệp trong nước khi đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ việc khống chế chi phí lãi vay được trừ 20% trên lợi nhuận thuần trước lãi và khấu hao lại là các doanh nghiệp Việt Nam.
Đặc biệt là đối với các doanh nghiệp bất động sản cần nguồn vốn rất lớn và hoạt động kinh doanh theo chu kỳ gồm giai đoạn đầu tư, giai đoạn phát triển sản phẩm, giai đoạn bán hàng. Giai đoạn đầu tư ban đầu cần có chi phí rất lớn trong khi chưa phát sinh doanh thu (doanh thu tăng dần theo thời gian khai thác, vận hành kinh doanh của dự án).
Do đó, việc áp dụng mức khống chế lãi vay trong giai đoạn đầu tư (đối với chi phí lãi vay không được vốn hóa) và khống chế chi phí lãi vay đứt đoạn theo từng năm sẽ gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp, không phản ánh đúng chu kỳ kinh doanh của doanh nghiệp.
Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng căn cứ theo quy định tại Điều 9 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành, không có quy định về khống chế lãi tiền vay như quy định khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20.
“Quy định này tại Nghị định 20 cũng chưa phù hợp với Luật Thuế thu nhập hiện hành nên không có cơ sở để thực hiện. Hơn nữa, khoản 3, Điều 8 không phân biệt doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước là cách áp dụng rất cứng nhắc, cào bằng”, luật sư Trương Thanh Đức nhấn mạnh.
Bà Đinh Mai Hạnh cho rằng Chính phủ nên có thêm các nghiên cứu, khảo sát đánh giá mô hình hoạt động, thực trạng cơ cấu vốn, chu kỳ hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Qua đó đưa ra các hướng dẫn cụ thể hơn cho các mô hình hoạt động và ngành nghề đặc thù điển hình như hình thức huy động vốn thông qua mô hình công ty mẹ – con vì phải sử dụng nguồn vốn rất lớn như lĩnh vực bất động sản.
Luật sư Trương Thanh Đức khuyến nghị chống chuyển giá là câu chuyện có thể xảy ra đối với cả doanh nghiệp trong nước và ngoài nước. Với quy định khống chế chi phí lãi vay được trừ không quá 20% thì việc khống chế mức trần 20% có thể xem xét kỹ lưỡng hơn, dựa trên việc khảo sát tình hình chung của doanh nghiệp và có trường hợp ngoại lệ.
Cần có những văn bản hướng dẫn thực thi, trong đó có thể có những ưu tiên theo từng loại doanh nghiệp như doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp ở vùng sâu vùng xa, hoạt động trong các ngành đặc thù với các chính sách vay vốn khác nhau, đảm bảo ưu tiên cho doanh nghiệp một cách tốt nhất.
Minh Trang
————-
Thời báo Kinh doanh (Bất động sản) 11-12-2018:
https://thoibaokinhdoanh.vn/toan-canh/nghi-dinh-20-bop-nghet-doanh-nghiep-bat-dong-san-1053273.html
(300/1.203)