2.069. Áp trần lãi vay theo Nghị định 20: Mũi tên chưa trúng đích?

(XD) – Tại sao chỉ các doanh nghiệp trong nước có ý kiến về Nghị định 20 của Bộ Tài chính mà doanh nghiệp nước ngoài, nhóm doanh nghiệp từng có nhiều nghi vấn về trốn thuế, lại không? Phải chăng, việc doanh nghiệp ngoại ý kiến chẳng khác gì “lạy ông tôi ở bụi này”?

Tại sao chỉ mình doanh nghiệp nội “cầu cứu”?

Những ngày quyết toán thuế cuối năm đang cận kề, đồng nghĩa với việc một loạt doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong nước như đang ngồi trên đống lửa vì khoản 3 điều 8 trong Nghị định 20/2017 về quản lý thuế với các Cty có giao dịch liên kết. Đó chính là quy định khống chế chi phí lãi vay được khấu trừ thuế không được vượt quá 20% tổng lợi nhuận thuần. Điều này có nghĩa là tổng số tiền doanh nghiệp dùng để trả lãi vay không được cao hơn 20% lợi nhuận thuần.

Nghị định 20 ra đời được coi là bước chuyển lớn của ngành Thuế nhằm kiểm soát hành vi chuyển giá của các Cty có vốn nước ngoài thường đẩy lãi suất cho vay công ty liên kết lên cao để Cty thua lỗ liên tục nhằm mục đích trốn thuế. Thế nhưng, thực tế quy định này lại khiến các doanh nghiệp có giao dịch liên kết trong nước bị “vạ lây”, nhất là các doanh nghiệp theo mô hình giao dịch liên kết kiểu công ty mẹ cho công ty con vay.

Theo các chuyên gia tại Hội Kế toán – Kiểm toán Việt Nam (VAA), hiện nay Chính phủ đang khuyến khích phát triển khối kinh tế tư nhân, phong trào khởi nghiệp ở các địa phương cũng đang phát triển mạnh và cần kêu gọi nhiều vốn đầu tư cả trong và ngoài nước.

Đặc biệt, xu hướng vay vốn ngoại của các doanh nghiệp tư nhân lớn đã lan rộng và trở nên phổ biến. Đa số các tập đoàn tư nhân trong nước hình thành và phát triển theo mô hình tập đoàn Cty mẹ con. Trong đó, Cty mẹ là đầu mối huy động vốn vay từ các nguồn vốn trong nước và nước ngoài để cho các đơn vị thành viên vay lại. Khi vay vốn từ các đối tác nước ngoài, các quỹ tài chính quốc tế sẽ đánh giá tiềm lực tài chính của cả tập đoàn và thực hiện cho vay vốn đối với Cty mẹ thay vì cho vay trực tiếp vào Cty con.

Vì vậy, nếu tất cả các khoản “cho vay lại” của Cty mẹ với các Cty con trong cùng một tập đoàn bị khống chế chi phí lãi vay sẽ không khuyến khích được các doanh nghiệp lớn gia tăng vay vốn bên ngoài, đồng thời cũng làm giảm khả năng điều tiết sức mạnh chung của một tập đoàn.

Đại diện một doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực bất động sản (BĐS) du lịch nghỉ dưỡng cho rằng, với một doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực BĐS nghỉ dưỡng hiện nay phần lớn nguồn vốn đầu tư đều dựa trên những hợp đồng hợp tác chiến lược với các tập đoàn trong nước hoặc các nhà đầu tư nước ngoài. Nếu những ý tưởng khởi nghiệp “phương trưởng” và trở thành thành viên của các tập đoàn lớn trong nước sau khi mua bán, sáp nhập thì có nhiều cơ hội để phát triển.

Vì vậy, việc hạn chế trần chi phí lãi vay theo Nghị định 20 về mục đích là hướng đến ngăn chặn các gian lận chuyển giá và trốn thuế của các doanh nghiệp FDI nhưng lại đang là rào cản quá lớn trong việc huy động nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp.

Cùng với đó là câu chuyện thời gian qua các doanh nghiệp như LILAMA, Xi măng VICEM, EVN… đã phải đệ đơn lên cầu cứu ngành Thuế và Bộ Tài chính cũng như các đơn vị chủ quản. Thực tế này đã đặt ra cho ngành Thuế nhiều vấn đề.

Thứ nhất, tại sao chỉ các doanh nghiệp trong nước có ý kiến mà doanh nghiệp nước ngoài lại không? Thứ hai, trong các doanh nghiệp có ý kiến thì doanh nghiệp thuộc ngành BĐS và sản xuất vật liệu “nôn nóng” nhất đã chứng tỏ việc áp trần lãi suất theo Nghị định 20 đã khiến nhiều doanh nghiệp nội, đặc biệt là doanh nghiệp BĐS bị “thiệt đơn, thiệt kép”.

Cùng với đó, việc áp Nghị định 20, một lần nữa lại dấy lên lo ngại, đây như một hồi chuông báo động dành cho doanh nghiệp nước ngoài mà phía ngành Thuế Việt Nam đang nghi ngờ chuyển giá, trốn thuế.

Câu hỏi đặt ra là tại sao ngành Thuế không “hỏi xoáy, đáp xoay” vào những doanh nghiệp nghi chuyển giá mà lại làm loãng “đối tượng” bằng cách áp điều 3 khoản 8 trong Nghị định 20 cho các doanh nghiệp, trong đó, phần bất lợi luôn hướng về doanh nghiệp nội. Cách làm này khác nào hành động “khôn nhà dại chợ”? Bởi vì rõ ràng hành vi chuyển giá, trốn thuế thu nhập với số tiền rất khủng đa phần đã xảy ra ở các doanh nghiệp ngoại như Keang Nam, Cocacola…

Khối Doanh nghiệp ngoại trong đó có Keangnam Vina – điển hình cho tình trạng chuyển giá không bị ảnh hưởng bởi Nghị định 20.

Và có một thực tế là, hiện ngành Thuế có hẳn một bộ phận chuyên chống chuyển giá trốn thuế. Tuy nhiên, dường như hiệu quả quản lý vẫn chưa khả quan. Bằng chứng là rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam rất nhiều năm đang nằm trong diện nghi vấn chuyển giá, trốn thuế thu nhập doanh nghiệp nhưng ngành Thuế vẫn chưa “sờ gáy”.

Mũi tên chưa trúng đích

Theo Luật sư Trương Thanh Đức – Cty Luật ANVI: “Mục tiêu ban đầu của Nghị định 20 nhằm hạn chế việc chuyển thu nhập của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đến một doanh nghiệp khác (trong cùng tập đoàn đa quốc gia) tại vùng lãnh thổ/quốc gia có thuế suất thuế Thu nhập doanh nghiệp thấp hơn so với Việt Nam để tối đa hóa lợi nhuận và tối thiểu hóa nghĩa vụ thuế phải nộp”.

Tuy nhiên, đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ việc khống chế chi phí lãi vay được trừ 20% trên lợi nhuận thuần trước lãi và khấu hao lại là các doanh nghiệp Việt Nam. Đặc biệt, những doanh nghiệp đang đầu tư vào những ngành trọng điểm cần số vốn rất lớn. Như vậy là hoàn toàn trái với mục tiêu ban đầu khi ban hành Nghị định.

Hơn nữa, các doanh nghiệp trong nước vốn ít, phần lớn phải vay vốn từ các ngân hàng, tổ chức tài chính khác. Đây là phần vốn vay độc lập không thuộc các hoạt động giao dịch liên kết.

“Căn cứ theo quy định tại Điều 9 Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp hiện hành không có quy định về khống chế lãi tiền vay như quy định khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20. Theo đó, quy định này tại Nghị định 20 chưa phù hợp với Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp hiện hành nên không có cơ sở để thực hiện theo quy định này”, luật sư Đức khẳng định.

Cùng quan điểm này, đại diện Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, quy định này không phù hợp với nguyên tắc tự do kinh doanh đã được ghi nhận trong Luật doanh nghiệp năm 2014, không phù hợp với thực tế và gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp bởi lý do: Thứ nhất, vay vốn là nhu cầu thực tế, thường xuyên của doanh nghiệp nhằm phục vụ hoạt động kinh doanh đặc biệt với những ngành nghề đòi hỏi vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn kéo dài như đầu tư cơ sở hạ tầng, kinh doanh bất động sản.

Vì thế, quy định khống chế chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp sẽ gây rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp kinh doanh trong các ngành nghề đòi hỏi vốn đầu tư lớn nói riêng khiến các doanh nghiệp e ngại khi vay vốn vì lợi nhuận không đủ bù đắp cho phần chi phí lãi vay không được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Như vậy, quy định khống chế chi phí lãi vay đã tạo ra rào cản đối với hoạt động vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp.

Thứ hai, quy định của Nghị định 20 sẽ tạo ra nhiều khó khăn đối với các tập đoàn kinh tế tư nhân theo mô hình Cty mẹ – con hiện đang phát triển mạnh ở nước ta. Trong các tập đoàn kinh tế, Cty mẹ sẽ có các hoạt động chính là đầu tư vào các công ty con thông qua việc góp vốn vào các các Cty con. Cty mẹ là đầu mối huy động vốn vay từ các nguồn vốn trong nước và nước ngoài để cho vay lại các đơn vị thành viên.

Trong đó, để tránh rủi ro, các ngân hàng, các quỹ đầu tư nước ngoài sẽ đánh giá tiềm lực tài chính của cả tập đoàn và thực hiện cho vay vốn đối với Cty mẹ thay vì cho vay trực tiếp vào Cty con sau đó công ty mẹ chuyển tiếp nguồn vốn vay cho cty con vay để đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh.

Hơn nữa, tập đoàn huy động vốn tập trung thông thường sẽ có mức lãi suất ưu đãi hơn, giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Chính vì thế, việc đi vay và cho vay là hoạt động đặc trưng, thường xuyên và mang lại lợi thế của các tập đoàn.

Trong bối cảnh đó, quy định của Nghị định 20 tạo ra rào cản việc cho vay nội bộ giữa Cty mẹ và Cty con, làm mất đi khả năng điều tiết sức mạnh chung của một tập đoàn và cơ hội đầu tư dài hạn vào các ngành nghề cần vốn lớn, có ý nghĩa lâu dài cho nền kinh tế.

Nhi Huyền

————

Xây dựng (Kinh tế) 11-12-2018:

http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/kinh-te/ap-tran-lai-vay-theo-nghi-dinh-20-mui-ten-chua-trung-dich.html

(269/1.807)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.430. Giá nhà đất "trên trời", ngoại thành Hà...

Giá nhà đất "trên trời", ngoại thành Hà Nội có nơi hơn 600 triệu đồng/m2. (VTV)...

Trích dẫn 

3.980. Hoàn thiện khung pháp lý, thị trường bất...

Hoàn thiện khung pháp lý, thị trường bất động sản sẽ có cuộc...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 238,045