(TBNH) – Một số quy định tại Nghị định 20 là không rõ ràng, minh bạch về đối tượng áp dụng; đồng thời đang có nhiều cách hiểu dẫn đến việc áp dụng có thể sai lệch và gây hoang mang cho các doanh nghiệp.
Chuyển giá là việc thực hiện chính sách giá với hàng hóa, dịch vụ, tài sản chuyển dịch giữa nhóm các đơn vị, doanh nghiệp liên kết nhằm tối thiểu hóa số thuế phải nộp của nhóm, gây thiệt hại cho thu ngân sách.
Để chống chuyển giá, năm 2017 Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết; tiếp đó Bộ Tài chính ban hành Thông tư 41/2017/TT-BTC hướng dẫn một số điều của Nghị định 20. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cho thấy đã bộc lộ một số bất cập gây khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt các đơn vị kinh doanh bất động sản.
Tại hội thảo “Nghị định số 20/2017/NĐ-CP: Một số vấn đề bất cập và giải pháp tháo gỡ” diễn ra ngày 14/12 do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức, nhiều ý kiến đồng tình rằng quy định tại Khoản 3, Điều 8 Nghị định 20 là một trong số quy định gây khó nhiều nhất.
Bất cập quy định chi phí vay
Khoản 3 quy định: “Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của doanh nghiệp được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh, cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao của doanh nghiệp”.
Tuy nhiên, theo ghi nhận ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, phân tích của các chuyên gia thì Khoản 3 đang quy định không rõ ràng, minh bạch về đối tượng áp dụng, đồng thời đang có nhiều cách hiểu dẫn đến việc áp dụng có thể sai lệch và gây hoang mang cho các doanh nghiệp.
Phân tích sâu, ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng quy định như Khoản 3 là không phù hợp với nguyên tắc tự do kinh doanh đã được ghi nhận trong Luật Doanh nghiệp năm 2014; mâu thuẫn với các quy định trong Luật Thuế hiện hành và có nhiều vấn đề không phù hợp với thực tế, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của doanh nghiệp.
Thứ nhất, Điều 7 Luật Doanh nghiệp quy định quyền của doanh nghiệp được “tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm”. Vì vậy, quy định giới hạn chi phí lãi vay của Nghị định 20 chưa phù hợp với nguyên tắc tôn trọng quyền tự do kinh doanh.
Thứ hai, vay vốn là nhu cầu thực tế, thường xuyên của doanh nghiệp nhằm phục vụ hoạt động kinh doanh, đặc biệt với những ngành nghề đòi hỏi vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn kéo dài như đầu tư cơ sở hạ tầng, kinh doanh bất động sản, doanh nghiệp khởi nghiệp…
Đặc biệt, các công ty trong giai đoạn đầu tư mới sẽ càng có chi phí lãi vay nhiều, nhưng theo Nghị định 20 thì lại không được khấu trừ thuế. Từ đó, có thể khiến họ rụt rè trong vấn đề mở rộng hoạt động đầu tư; hoặc khi đầu tư và áp dụng Khoản 3 thì có nguy cơ “lỗ chồng lỗ”.
Thứ ba, quy định của Nghị định 20 sẽ tạo ra nhiều khó khăn đối với các tập đoàn kinh tế tư nhân với mô hình công ty mẹ – con hiện đang phát triển mạnh ở nước ta. Mô hình này được đánh giá là tiên tiến, vừa giúp tăng hiệu quả sử dụng vốn, vừa tối ưu vì hoạt động điều phối sẽ được tập trung về một đầu mối là công ty mẹ. Các công ty con sẽ chỉ tập trung vào sản xuất kinh doanh.
Nếu các doanh nghiệp không có động cơ chuyển giá, ví dụ như họ có quan hệ giao dịch vay vốn giữa công ty mẹ và công ty con, thuế suất của họ là bằng nhau, đều áp dụng một mức thuế suất phổ thông, không có ưu đãi thuế thì họ phải thuộc trường hợp không bị khống chế chi phí lãi vay theo Nghị định 20.
Còn nếu không phân định rõ mà khống chế chi phí lãi vay cả những trường hợp này, tất yếu sẽ tạo ra rào cản việc cho vay nội bộ giữa công ty mẹ và công ty con, làm mất đi khả năng điều tiết sức mạnh chung của một tập đoàn và cơ hội đầu tư dài hạn vào các ngành nghề cần vốn lớn, có ý nghĩa lâu dài cho nền kinh tế.
Vì vậy, với ý kiến cho rằng Khoản 3 này là nhằm lành mạnh hoá tài chính doanh nghiệp, để các doanh nghiệp không đi vay nợ quá nhiều mà cần phải có vốn tự có, các chuyên gia cho rằng cách giải thích này cũng không thực sự thuyết phục.
Theo quan điểm của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cơ quan quản lý thuế cần đánh giá đầy đủ các hiệu ứng tiêu cực từ quy định này gây ra như hạn chế khả năng liên kết, cản trở sự hình thành các tập đoàn tư nhân trong nước lớn, đủ sức cạnh tranh quốc tế như chính sách của Đảng và Nhà nước.
Chưa đúng đối tượng
Đồng quan điểm, nhiều chuyên gia phân tích thêm Nghị định 20 ra đời là nhằm chống gian lận thuế trong nhóm công ty liên kết. Điều này thường chỉ phát sinh khi có sự chênh lệch thuế suất giữa các công ty liên kết.
Tuy nhiên, giao dịch giữa hai công ty trong và ngoài Việt Nam thì có thể có chênh lệch thuế suất, trong khi giao dịch giữa hai công ty tại Việt Nam thì rất hiếm trường hợp như vậy (trừ khi một trong hai công ty đang thuộc diện được ưu đãi thuế). Do đó, việc kiểm soát giá của giao dịch giữa doanh nghiệp trong nước với nhau là không cần thiết, không đúng đối tượng.
Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng phân tích thêm đây là Nghị định áp dụng chung cho cả doanh nghiệp của nước ngoài và doanh nghiệp Việt Nam với 2 chuẩn mực kế toán khác nhau và điều kiện hoạt động khác nhau, nếu áp dụng cùng công thức với tỷ lệ tính toán giống nhau sẽ gây khó khăn rất lớn cho các doanh nghiệp của Việt Nam.
Cũng về mức trần chi phí vay 20%, theo luật sư Trương Thanh Đức, quy định tổng chi phí lãi vay không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần là không phù hợp với một số doanh nghiệp, chưa tính đến yếu tố có hay không có giao dịch liên kết.
Theo ông Đức, nhìn chung doanh nghiệp Việt Nam rất thiếu vốn nên phải đi vay là chủ yếu. Trong khi năng lực hạn chế, tài sản bảo đảm ít, không đủ sự tín nhiệm để vay với lãi suất thấp nên phải vay với lãi suất cao của mọi đối tượng, từ các tổ chức tín dụng, công ty mẹ, công ty liên kết cho đến người lao động và cá nhân, doanh nghiệp khác. Do đó, nếu tổng chi phí lãi vay trên 20%, thậm chí 50% mà là chi phí thật, hợp lý, hợp lệ thì cũng cần phải được chấp nhận.
“Trong mọi trường hợp, tỷ lệ 20% nói trên là nhằm đặt ra giới hạn với mục đích hạn chế tình trạng chuyển giá, dẫn đến thất thu thuế. Vì vậy, không có lý gì áp đặt đối với các công ty Việt Nam cho nhau vay vốn, kể cả đối với giao dịch liên kết, nếu như không nhằm mục đích chuyển giá, trốn, giảm nghĩa vụ nộp thuế”, luật sư Trương Thanh Đức nêu ý kiến.
Phát biểu kết luận hội thảo, ông Nguyễn Trần Nam kiến nghị thứ nhất là bỏ Khoản 3, Điều 8 Nghị định 20; thứ hai là hoãn, lùi thời hạn thực hiện, hoặc kiến nghị quy định giao dịch liên kết là chỉ tính cho giao dịch xuyên biên giới.
Hải Yến
———–
Thời báo Ngân hàng (Chuyển động thị trưởng) 15-12-2018:
http://thoibaonganhang.vn/doanh-nghiep-bat-dong-san-gap-kho-voi-nghi-dinh-chong-chuyen-gia-83159.html
(235/1.459)