(DĐDN) – Theo các chuyên gia, việc áp trần lãi suất 20% chẳng những không chống được tình trạng chuyển giá mà còn gây hại cho doanh nghiệp nội.
Tháng 2/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định 20 quy định về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết.
Khoản 3, Điều 8 Nghị định 20 quy định: “Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kì của doanh nghiệp được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% tổng lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao của doanh nghiệp”.
Nghị định 20 trái luật?
Trên thực tế, Nghị định 20 được thiết kế để nhằm chống chuyển giá đối với các doanh nghiệp FDI. Tuy nhiên, theo phân tích của chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam (VnREA) Nguyễn Trần Nam, các doanh nghiệp FDI hầu như chẳng có phản ứng gì với quy định này.
“Doanh nghiệp FDI chuyển giá bằng giá đầu vào và đầu ra. Họ tính khống giá trị của nguyên vật liệu, trang thiết bị, phí chuyên gia… Ngay từ lúc kí hợp đồng liên doanh họ đã lãi rồi. Họ cũng ăn vào chuyển giá sản phẩm. Sản phẩm công ty liên doanh bán cho công ty mẹ rất rẻ để công ty mẹ bán ra thị trường quốc tế với giá đúng, từ đó thu lãi. Thế nên có thể nói Nghị định 20 không ảnh hưởng đến họ”, ông Nam nói.
Theo các chuyên gia, quy định khống chế chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế tại Nghị định 20/2017/NĐ-CP chẳng những đi ngược tinh thần tự do kinh doanh mà còn gây bất lợi rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam lại hầu như phải hứng chịu hệ lụy từ quy định khống chế chi phí lãi vay này, đặc biệt là các công ty kinh doanh trong lĩnh vực có hệ số đòn bẩy lớn như bất động sản, các doanh nghiệp khởi nghiệp hay đang muốn mở rộng đầu tư.
Nhìn rộng ra, việc đặt quy định để chống chuyển giá, tăng thu thuế “nghe thì có vẻ thu được nhiều thuế hơn, nhưng doanh nghiệp bị quy định cản trở không phát triển được thì về trung – dài hạn, nguồn thu sẽ bị sụt giảm”, ông Nguyễn Trần Nam bình luận.
Theo phân tích của luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật ANVI, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam khẳng định, quy định tại Khoản 3, Điều 8 Nghị định 20 là trái luật, vi phạm quyền huy động vốn từ mọi nguồn một cách hợp pháp để phục vụ nhu cầu kinh doanh. Cụ thể là vi phạm một trong những quyền của doanh nghiệp là được “lựa chọn hình thức, phương thức huy động, phân bổ và sử dụng vốn” (khoản 3, Điều 7 Luật Doanh nghiệp 2014).
Ông Đức cho rằng xét đặc thù doanh nghiệp Việt phải đi vay nợ nhiều, nếu tổng chi phí lãi vay trên 20%, thậm chí là 50% mà là chi phí thật, hợp lý, hợp lệ thì cũng cần phải chấp nhận, đặc biệt là với khối doanh nghiệp tư nhân.
Trên thực tế, việc chống gian lận thuế khi kê khai giá giao dịch liên kết chỉ phát sinh khi có chênh lệch thuế suất. Giao dịch giữa hai công ty trong và ngoài Việt Nam thì có chênh lệch nhưng giữa hai công ty Việt Nam thì rất hiếm. Do đó việc kiểm soát giá của giao dịch này là không cần thiết.
“Giao dịch liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau, về cơ bản, chi phí của doanh nghiệp này là lợi nhuận của doanh nghiệp khác và tất cả đều nộp thuế tại Việt Nam. Không có lí do gì áp đặt quy định khống chế chi phí lãi vay đối với các công ty Việt Nam cho nhau vay vốn, kể cả đối với giao dịch liên kết, nếu như không nhằm mục đích chuyển giá, trốn thuế, giảm nghĩa vụ nộp thuế”, ông Đức nói.
Áp trần 20% là không thuyết phục
Về vấn đề này, Chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực cho hay xét trên bình diện chung, Nghị định 20 có những lợi ích là giúp Việt Nam sát hơn với các thông lệ quốc tế, thể hiện trách nhiệm trong chống xói mòn thuế; góp phần cải thiện môi trường kinh doanh…
“Nghị định 20, mà đặc biệt là quy định khống chế lãi vay tại Khoản 3, Điều 8 chứa đựng nhiều bất hợp lí. Đặc biệt, việc khống chế chi phí lãi vay không vượt quá 20% là không thuyết phục. Thống kê của cơ quan thuế cho thấy tổng cộng 423 doanh nghiệp, tương đương 1% tổng doanh nghiệp Việt Nam, vượt trần 20%. Mà đây đều là các doanh nghiệp lớn đến rất lớn”, ông Lực khẳng định quan điểm.
Cụ thể, kết quả khảo sát báo cáo tài chính năm 2016 – 2017 của các doanh nghiệp niêm yết cho thấy nhiều doanh nghiệp uy tín của Việt Nam, trong đó có nhiều doanh nghiệp bất động sản, đã có chi phí lãi vay vượt ngưỡng 20% rất sâu. Ví dụ Hoàng Anh Gia Lai (52%), Vingroup (21%), Thủ Đức House (24%), Novaland (28%)…
TS Lực cũng cho rằng khống chế chi phí lãi vay ở mức 20% là chưa tính tới việc doanh nghiệp Việt Nam thường vay nợ rất nhiều, một là do thói quen và hai là do thị trường vốn chưa phát triển.
Thực tế cho thấy hệ số nợ/vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp niêm yết Việt Nam, tính đến quý III/2018, là 1,42 lần. Tỷ lệ này cao hơn nhiều so với các doanh nghiệp thuộc OECD (1 lần) hay các doanh nghiệp niêm yết trên sàn Nasdaq – Mỹ (0,56 lần).
Bên cạnh đó, lãi suất vay tại Việt Nam hiện rất cao do lạm phát, chi phí vốn đầu vào cao, chi phí giao dịch cao… “Giai đoạn 2015 – 2017, lãi suất cho vay thực trung bình của Việt Nam là 5,3%, trong khi đó Trung Quốc chỉ là 2,6%, Philippines là 4,6%, Singapore là 3,8%, Ấn Độ là 6,7%. Có nghĩa là vì nhiêu nguyên nhân mà lãi suất cho vay của ta cao hơn trung bình khu vực, thế nên doanh nghiệp phải chịu lãi vay cao là dễ hiểu”, ông Lực nói.
Cung cấp thêm thông tin, ông Lực nói rằng: “Nhiều quốc gia phát triển đang khống chế chi phí lãi vay ở mức 30%. Tại ASEAN, Indonesia cũng đang dự kiến tỷ lệ này ở mứ 30%. Do đó, việc áp trần 20% của Việt Nam là không hợp lí.
Quy định khống chế chi phí lãi vay của Nghị định 20 chưa hề tính đến yếu tố đặc thù ngành và đặc thù doanh nghiệp. Có những ngành đặc thù phải đi vay rất nhiều như dệt may, bất động sản, điện… hay có những doanh nghiệp mới khởi sự kinh doanh cũng phải đi vay rất lớn, chẳng hạn như VinFast.
“Nghị định cũng chưa phưa phân biệt đối tượng áp dụng là công ty mẹ, tập đoàn, tổng công ty hay công ty riêng lẻ. Hiện nghị định đang áp dụng tỷ lệ 20% với mọi loại hình doanh nghiệp. Đây là điều không công bằng”, ông Lực nhấn mạnh.
Huyền Trang
———–
Diễn đàn DN (Kinh doanh & PL) 15-12-2018:
http://enternews.vn/tranh-cai-nay-lua-ap-tran-chi-phi-lai-vay-20-phan-tram-141903.html
(302/1.308)