2.093. Khống chế chi phí lãi vay: Chưa hợp lý, gây khó cho doanh nghiệp

(ANTĐ) – Một trong các mục tiêu của quy định khống chế lãi vay là nhằm chống chuyển giá đối với doanh nghiệp FDI, nhưng mục tiêu này gần như không đạt được trong khi lại gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp nội.

Ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp trong nước

Ngày 24/2/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định 20 quy định về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Trong đó, đáng chú ý tại Khoản 3, Điều 8 Nghị định 20 quy định: “Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kì của doanh nghiệp được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% tổng lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao của doanh nghiệp”.

Theo các chuyên gia, xét trên bình diện chung, Nghị định 20 có những lợi ích là giúp Việt Nam sát hơn với các thông lệ quốc tế, thể hiện trách nhiệm trong chống xói mòn thuế; góp phần cải thiện môi trường kinh doanh…

Tuy nhiên, Nghị định này, đặc biệt là quy định khống chế lãi vay không vượt quá 20% lại chứa đựng nhiều bất hợp lí, không những không đạt mục tiêu chống chuyển giá mà còn gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp nội.

Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam (VnREA) Nguyễn Trần Nam nêu thực tế, từ khi quy định có hiệu lực, các doanh nghiệp FDI hầu như chẳng có phản ứng gì với quy định này. Vì thực tế, doanh nghiệp FDI thường chuyển giá bằng giá đầu vào và đầu ra. Họ tính khống giá trị đầu vào, từ nguyên vật liệu, trang thiết bị, phí chuyên gia… Trong khi đầu ra thì lại bán cho công ty mẹ với giá rất rẻ để công ty mẹ bán ra thị trường quốc tế với giá đúng, từ đó thu lãi.

“Thế nên có thể nói Nghị định 20 không ảnh hưởng đến họ”, ông Nguyễn Trần Nam nói.

Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam lại hầu như phải hứng chịu hệ lụy từ quy định khống chế chi phí lãi vay này, đặc biệt là các công ty kinh doanh trong lĩnh vực có hệ số đòn bẩy lớn như bất động sản, các doanh nghiệp khởi nghiệp hay đang muốn mở rộng đầu tư.

Ông Nam cho rằng quy định khống chế chi phí lãi vay “nghe thì có vẻ thu được nhiều thuế hơn, nhưng doanh nghiệp bị quy định cản trở không phát triển được thì về trung – dài hạn, nguồn thu sẽ bị sụt giảm”.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực cho biết, kết quả khảo sát báo cáo tài chính năm 2016 – 2017 của các doanh nghiệp niêm yết cho thấy nhiều doanh nghiệp uy tín của Việt Nam có chi phí lãi vay vượt ngưỡng 20% rất sâu. “Thống kê của cơ quan thuế cho thấy tổng cộng 423 doanh nghiệp, tương đương 1% tổng doanh nghiệp Việt Nam, vượt trần 20%. Mà đây đều là các doanh nghiệp lớn đến rất lớn”, TS Cấn Văn Lực nói.

Doanh nghiệp Việt còn phụ thuộc lớn vào nguồn vốn vay

Vì vậy, theo vị chuyên gia, quy định khống chế chi phí lãi vay ở mức 20% là chưa tính tới việc doanh nghiệp Việt Nam thường vay nợ rất nhiều do thị trường vốn chưa phát triển. Bên cạnh đó, lãi suất vay tại Việt Nam hiện rất cao do lạm phát, chi phí vốn đầu vào cao, chi phí giao dịch cao…

“Giai đoạn 2015 – 2017, lãi suất cho vay thực trung bình của Việt Nam là 5,3%, trong khi đó Trung Quốc chỉ là 2,6%, Philippines là 4,6%, Singapore là 3,8%… Lãi suất cho vay của ta cao hơn trung bình khu vực, thế nên doanh nghiệp phải chịu lãi vay cao là dễ hiểu”, TS Cấn Văn Lực nói.

Cũng theo chuyên gia này, hiện nhiều quốc gia phát triển đang khống chế chi phí lãi vay ở mức 30%. Vì vậy, Việt Nam áp trần 20% là không hợp lí.

Vi phạm quyền huy động vốn của doanh nghiệp?

Ở khía cạnh luật pháp, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật ANVI cho rằng, quy định khống chế chi phí lãi vay tại Nghị định 20 vi phạm quyền huy động vốn từ mọi nguồn một cách hợp pháp để phục vụ nhu cầu kinh doanh. Cụ thể là vi phạm một trong những quyền của doanh nghiệp là được “lựa chọn hình thức, phương thức huy động, phân bổ và sử dụng vốn” (khoản 3, Điều 7  Luật Doanh nghiệp 2014).

Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng xét đặc thù doanh nghiệp Việt phải đi vay nợ nhiều, nếu tổng chi phí lãi vay trên 20%, thậm chí là 50% mà là chi phí thật, hợp lý, hợp lệ thì cũng cần phải chấp nhận, đặc biệt là với khối doanh nghiệp tư nhân.

Trên thực tế, theo vị luật sư, việc chống gian lận thuế khi kê khai giá giao dịch liên kết chỉ phát sinh khi có chênh lệch thuế suất. Điều này thường xảy ra giữa các công ty trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam, còn giữa các công ty Việt Nam thì rất hiếm.

“Giao dịch liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau, về cơ bản, chi phí của doanh nghiệp này là lợi nhuận của doanh nghiệp khác và tất cả đều nộp thuế tại Việt Nam.

Không có lí do gì áp đặt quy định khống chế chi phí lãi vay đối với các công ty Việt Nam cho nhau vay vốn, kể cả đối với giao dịch liên kết, nếu như không nhằm mục đích chuyển giá, trốn thuế, giảm nghĩa vụ nộp thuế”, luật sư Trương Thanh Đức nói.

Trước đó, khi trả lời kiến nghị của doanh nghiệp đề nghị bỏ quy định khống chế chi phí lãi vay, ông Cao Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, do Chính phủ chỉ đạo xem xét lại quy định nên Tổng cục Thuế đang “nghiêm túc nghiên cứu, lắng nghe” ý kiến các bên.

Tuy nhiên, lãnh đạo ngành thuế cho rằng quy định tại Nghị định 20 là trên cơ sở khuyến nghị của các nước OECD và G20 yêu cầu các nước phải tập trung chống chuyển giá, chống xói mòn nguồn thu. Ông Cao Anh Tuấn cho rằng, “doanh nghiệp làm ăn thì muốn toàn cầu nhưng mà chính sách lại muốn riêng thì rất khó”.

Hà Loan

———–

An ninh Thủ đô (Kinh doanh) 16-12-2018:

https://anninhthudo.vn/kinh-doanh/khong-che-chi-phi-lai-vay-chua-hop-ly-gay-kho-cho-doanh-nghiep/793477.antd

(288/1.157)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.430. Giá nhà đất "trên trời", ngoại thành Hà...

Giá nhà đất "trên trời", ngoại thành Hà Nội có nơi hơn 600 triệu đồng/m2. (VTV)...

Trích dẫn 

3.979. "Vá" lỗ hổng livestream bán hàng.

"Vá" lỗ hổng livestream bán hàng (NLĐ) - Các nền tảng cần phải có...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 238,032