(NQT) – Quy định giới hạn chi phí lãi vay theo Nghị định 20 đang gây khó khăn rất lớn cho các doanh nghiệp trong nước trong việc tiếp cận nguồn vốn.
Doanh nghiệp than khó
Là một doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp do Nhà nước hiện đang có nhiều chính sách ưu đãi vào lĩnh vực này, tuy nhiên thời gian gần đây, đại diện Tập đoàn Masan cho biết, doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn do những quy định của Nghị định 20/2017/NĐ-CP.
Theo Masan, doanh nghiệp này đang hoạt động theo mô hình tập đoàn, quản lý tập trung, sau đó, phân bổ nguồn vốn xuống cho các công ty con. Bởi thực tế các công ty con không đủ uy tín, vốn nên các công ty mẹ phải đứng ra mới có thể huy động được vốn. Nhìn trên góc độ tập đoàn, vốn đó là vốn vay của công ty mẹ.
Trong khi đó, Nghị định 20 quy định về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp được ban hành nhằm quản lý, chống thất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với các doanh nghiệp có quan hệ liên kết lại quy định khống chế chi phí lãi vay.
Cụ thể, tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế. Khi đó, phần chi phí lãi vay vượt quá 20% sẽ bị coi là chi phí không hợp lý và bị tính thuế.
Do đó, theo tập đoàn này, quy định khống chế lãi vay là bất hợp lý. Nghị định 20 nếu áp dụng thì hầu hết chi phí lãi vay của công ty mẹ vay để đầu tư nông nghiệp đã bị loại bỏ. Quy định trên đang tạo thêm nhiều gánh nặng và rào cản cho doanh nghiệp. Nhất là trong bối cảnh đầu ra của nông nghiệp thực chất không ổn định, được mùa rớt giá.
Không chỉ trong lĩnh vực nông nghiệp, đối với các lĩnh vực cần nguồn vốn lớn như bất động sản cũng gặp những khó khăn tương tự. Theo ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch Công ty Tư vấn, thương mại, dịch vụ địa ốc Hoàng Quân, doanh nghiệp đã phải thực hiện theo Nghị định 20 từ năm 2017 khi nghị định này có hiệu lực.
Ở góc nhìn doanh nghiệp, ông Tuấn chỉ ra những bất cập của Nghị định 20 ảnh hưởng đến rất nhiều doanh nghiệp trong nước. Trong đó, trên thị trường bất động sản, các doanh nghiệp làm nhà ở xã hội bị ảnh hưởng hơn nhiều doanh nghiệp làm nhà ở thương mại.
“Đối với các doanh nghiệp nhà ở xã hội, sau khi gói 30.000 tỷ đồng hết, các doanh nghiệp phải vay với lãi suất thương mại nhưng lại bị khống chế trần lãi vay 20%, khống chế mức lợi nhuận 10% vô tình sẽ làm hạn chế sự phát triển đầu tư dự án nhà ở xã hội. Qua đó, làm hạn chế các doanh nghiệp làm nhà ở xã hội”, ông Tuấn cho hay.
Bên cạnh đó, vị lãnh đạo này cũng cho rằng, hầu hết các tập đoàn về bất động sản đều có công ty liên kết. Việc liên kết này còn diễn ra ở cá nhân, ở một dự án hay một sản phẩm. Vì vậy, các cá nhân cũng bị ảnh hưởng bởi Nghị định này. Chưa kể, một dự án cũng được tính vào quy định này, khi hợp tác, doanh nghiệp bỏ vốn vào dự án cũng sẽ bị ảnh hưởng, điều đó khiến không ai dám bỏ vốn vào đầu tư dự án.
“Chính phủ hiện nay đang khuyến khích các startup, nhiều hộ gia đình, cá thể đã chuyển sang mô hình startup. Tuy nhiên, việc áp dụng Nghị định 20 sẽ khiến việc kêu gọi vốn gặp khó khăn. Các nhà đầu tư phải đặt cược rất lớn”, Chủ tịch Công ty Địa ốc Hoàng Quân trăn trở.
Về những vướng mắc của Nghị định 20 đối với hoạt động của các doanh nghiệp trong nước, tại Hội thảo: “Nghị định 20/2017/NĐ-CP: Một số vấn đề bất cập và giải pháp tháo gỡ”do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho rằng, quy định chống chế lãi vay theo Nghị định 20 không phù hợp với nguyên tắc tự do kinh doanh đã được ghi nhận trong Luật doanh nghiệp năm 2014, không phù hợp với thực tế và gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Trần Nam
Theo Điều 7 Luật Doanh nghiệp quy định quyền của doanh nghiệp được “tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm”. Doanh nghiệp có quyền tự do vay vốn, huy động các nguồn tài chính không trái với quy định pháp luật để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.
Do đó, quy định giới hạn chi phí lãi vay của Nghị định 20 chưa phù hợp với nguyên tắc tôn trọng quyền tự do kinh doanh – một nguyên tắc đã được quy định trong luật định và đã được thừa nhận rộng rãi trong pháp luật của nhiều quốc gia.
Bên cạnh đó, theo ông Nam, vay vốn là nhu cầu thực tế, thường xuyên của doanh nghiệp nhằm phục vụ hoạt động kinh doanh, đặc biệt với những ngành nghề đòi hỏi vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn kéo dài như đầu tư cơ sở hạ tầng, kinh doanh bất động sản.
Quy định khống chế chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp sẽ gây rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp kinh doanh trong các ngành nghề đòi hỏi vốn đầu tư lớn nói riêng khiến các doanh nghiệp e ngại khi vay vốn vì lợi nhuận không đủ bù đắp cho phần chi phí lãi vay không được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
“Quy định khống chế chi phí lãi vay đã tạo ra rào cản đối với hoạt động vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp”, ông Nam nhận định.
Cũng theo Chủ tịch VNREA, Nghị định 20 có sự không thống nhất với Nghị định 43 về tỷ lệ vốn vay được phép huy động, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình huy động vốn.
Quy định của Nghị định 20 sẽ tạo ra nhiều khó khăn đối với các tập đoàn kinh tế tư nhân với mô hình công ty mẹ – con hiện đang phát triển mạnh ở Việt Nam. Trong các tập đoàn kinh tế, công ty mẹ sẽ có các hoạt động chính là đầu tư vào các công ty con thông qua việc góp vốn vào các các công ty con. Công ty mẹ là đầu mối huy động vốn vay từ các nguồn vốn trong nước và nước ngoài để cho vay lại các đơn vị thành viên.
Để tránh rủi ro, các ngân hàng, các quỹ đầu tư nước ngoài sẽ đánh giá tiềm lực tài chính của cả tập đoàn và thực hiện cho vay vốn đối với công ty mẹ thay vì cho vay trực tiếp vào công ty con. Sau đó công ty mẹ chuyển tiếp nguồn vốn vay cho công ty con vay để đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh.
Hơn nữa, tập đoàn huy động vốn tập trung thông thường sẽ có mức lãi suất ưu đãi hơn, giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Trong bối cảnh đó, quy định của Nghị định 20 tạo ra rào cản việc cho vay nội bộ giữa công ty mẹ và công ty con, làm mất đi khả năng điều tiết sức mạnh chung của một tập đoàn và cơ hội đầu tư dài hạn vào các ngành nghề cần vốn lớn, có ý nghĩa lâu dài cho nền kinh tế.
Dưới góc độ pháp luật, Luật sư Trương Thanh Đức cũng cho rằng, mục tiêu ban đầu của Nghị định 20 nhằm hạn chế việc chuyển thu nhập của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đến một doanh nghiệp khác (trong cùng tập đoàn đa quốc gia) tại vùng lãnh thổ, quốc gia có thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn so với Việt Nam để tối đa hóa lợi nhuận và tối thiểu hóa nghĩa vụ thuế phải nộp. Một trong những cách thức các doanh nghiệp này chuyển giá là thông qua chi trả lãi vay vốn sản xuất kinh doanh từ công ty mẹ sang công ty con để chuyển hết lãi về nước.
Tuy nhiên, quy định “tổng chi phí lãi vay không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần” không phù hợp với một số doanh nghiệp, chưa tính đến yếu tố có hay không có “giao dịch liên kết”. Vì nhìn chung, doanh nghiệp Việt Nam rất thiếu vốn, nên phải đi vay là chủ yếu; trong khi năng lực hạn chế, tài sản bảo đảm ít, không đủ sự tín nhiệm để vay với lãi suất thấp, nên phải vay với lãi suất cao của mọi đối tượng từ các tổ chức tín dụng, công ty mẹ, công ty liên kết, cho đến người lao động và cá nhân, doanh nghiệp khác. Do đó, nếu “tổng chi phí lãi vay” trên 20%, thậm chí 50% mà là chi phí thật, hợp lý, hợp lệ thì cũng cần phải được chấp nhận.
Theo ông Đức, trong mọi trường hợp, tỷ lệ 20% nói trên là nhằm đặt ra giới hạn với mục đích hạn chế tình trạng chuyển giá, dẫn đến thất thu thuế. Vì vậy, không có lý gì áp đặt đối với các công ty Việt Nam cho nhau vay vốn, kể cả đối với giao dịch liên kết, nếu như không nhằm mục đích chuyển giá, trốn, giảm nghĩa vụ nộp thuế.
Về thực chất, nghị định này chủ yếu nhằm vào mục tiêu chống chuyển giá và chống thất thu thuế đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.Trong khi đó, khác với các giao dịch liên kết đa quốc gia, về mối quan hệ giao dịch liên kết ở trong nước giữa các doanh nghiệp với nhau, thì về cơ bản chi phí của doanh nghiệp này sẽ là thu nhập của doanh nghiệp khác và tất cả đều nộp thuế ở Việt Nam.
Do vậy, nếu các cơ quan thuế bắt bẻ các doanh nghiệp Việt Nam trong trường hợp tổng số thuế phải nộp tại Việt Nam giữa các doanh nghiệp có giao dịch liên kết không giảm đi hoặc giảm một cách không đáng kể là quá máy móc, không cần thiết, không đúng với tinh thần và mục đích quy định của pháp luật, ông Đức cho hay.
Tháo gỡ bằng cách nào?
Trước những khó khăn của doanh nghiệp xung quanh các quy định của Nghị định 20, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam (VTCA) cho rằng, việc sửa đổi nghị định này là khả thi.
Trước mắt, các cơ quan quản lý nhà nước nên có quy định không áp dụng mức 20% đối với các doanh nghiệp chịu một mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp, không có ưu đãi thuế, không có hiệp định liên kết.
“Chúng tôi sẽ cố gắng nỗ lực để kiến nghị giải pháp lên các cơ quan quản lý để vừa chống chuyển giá, vừa để các doanh nghiệp thuận lợi hơn trong hoạt động”, bà Cúc khẳng định.
Từ góc nhìn doanh nghiệp, ông Tuấn cho rằng, việc dừng Nghị định là rất khó, cách tốt nhất là làm thế nào để nhanh chóng sửa đổi nghị định này và có thể áp dụng sửa đổi ngay trong kỳ quyết toán thuế 2018.
“Các doanh nghiệp chúng tôi mong sớm có sự thay đổi để doanh nghiệp thật sự sống được, tồn tại được và hợp tác được với các doanh nghiệp FDI, đặc biệt có quy định, chính sách riêng cho những dự án nhà ở xã hội”, ông Tuấn kiến nghị.
Còn theo chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành, Nghị định 20 là một bài học đắt giá với Bộ Tài chính, các cơ quan của Chính phủ – một bất cập rất lớn trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập, minh bạch hơn.
Nghị định 20 có ba mục đích: Một là chống chuyển giá, hai là giảm rủi ro cho ngân hàng và ba là tạo cách “chơi”, cách phát triển để thị trường minh bạch hơn. Thực tế, hai mục đích đầu tiên gần như không đạt được. Trái lại, Nghị định này còn đem lại rất nhiều khó khăn cho quá trình sản xuất của doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ khó lớn lên.
Vấn đề rất quan trọng nhất hiện nay là khuyến khích đổi mới sáng tạo thì Nghị định 20 lại tạo ra khó khăn nhiều hơn là lợi ích cho doanh nghiệp, điều này rõ ràng cần xem lại. Đồng thời, cần có thời gian khoảng một năm để nghiên cứu, sửa đổi nghị định, ông Thành kiến nghị.
———–
Nhà quản trị (Bất động sản) 18-12-2018:
https://theleader.vn/doanh-nghiep-noi-gap-kho-boi-quy-dinh-khong-che-lai-vay-theo-nghi-dinh-20-1544524746183.htm
(500/2.335)