(BĐS) – Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế có hiệu lực từ 1/5/2017 được xem là phương pháp kiểm soát những doanh nghiệp FDI liên tục mở rộng quy mô hoạt động, tăng vốn điều lệ nhưng lợi nhuận lại luôn tăng trưởng âm. Tuy nhiên, khi áp dụng vào thực tiễn nó lại đang gây ra những “tác dụng phụ” không mong muốn lên các doanh nghiệp trong nước.
Không chỉ dừng lại ở việc không đủ cơ sở pháp lý mà Nghị định 20 còn có những quy định không hợp lý để đưa vào áp dụng.
Giới chuyên môn đã không ít lần bàn về những bất cập của Nghị định này khi áp dụng vào thực tiễn và tại hội thảo mới đây, LS. Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cũng đã có những kiến nghị mạnh mẽ về sự thiếu và yếu của Nghị định này.
Không đủ cơ sở pháp lý
Theo ông Đức, quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết là cần thiết, tuy nhiên, cơ sở pháp lý và nội dung đang được quy định tại Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 của Chính phủ “Quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết” còn những điểm chưa hợp lý.
Vị luật sư này cho hay, “giao dịch liên kết” bị hạn chế quyền của cá nhân và pháp nhân, nên phải được điều chỉnh trong một đạo luật theo quy định tại khoản 2, Điều 2 về “Công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự”, Bộ luật Dân sự năm 2015.
Trong khi đó, cụm từ “giao dịch liên kết” mới chỉ được giải thích trong khoản 3, Điều 4 về “Giải thích từ ngữ” và Điều 5 “Các bên có quan hệ liên kết” (tương tự quy định về “người có liên quan”), Nghị định số 20/2017/NĐ-CP.
Ngoài ra, cụm từ “giao dịch liên kết” cũng được đề cập đến trong quy định về thuế tiêu thụ đặc biệt và việc chuyển giao công nghệ.
Như vậy, việc quy định hạn chế trong “giao dịch liên kết” chỉ bảo đảm cơ sở pháp lý sau khi đã được quy định trong Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đang trình Quốc hội xem xét thông qua.
Vậy là điều kiện cần đầu tiên về phạm vi đối tượng của Nghị định 20 hiện đang không đủ cơ sở pháp lý.
Không hợp lý về quy định và áp dụng
Còn về điều kiện đủ, LS. Trương Thanh Đức đã chỉ ra 3 điều quy định không hợp lý và những bất cập trong việc áp dụng của Nghị định này.
Theo đó, 3 điểm bất hợp lý gồm có:
Thứ nhất, trường hợp doanh nghiệp thật sự phải chi trả chi phí lãi vay cao hơn tỷ lệ khống chế nói trên, thì quy định của Nghị định là trái luật, vi phạm quyền huy động vốn từ mọi nguồn một cách hợp pháp để phục vụ nhu cầu kinh doanh.
Cụ thể là vi phạm một trong các quyền của doanh nghiệp theo quy định tại khoản 3, Điều 7 về “Quyền của doanh nghiệp”, Luật Doanh nghiệp năm 2014: “3. Lựa chọn hình thức, phương thức huy động, phân bổ và sử dụng vốn”.
Theo LS. Trương Thanh Đức, quy định “tổng chi phí lãi vay” “không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần…” là không phù hợp với một số doanh nghiệp, chưa tính đến yếu tố có hay không có “giao dịch liên kết”.
Thứ hai, quy định “tổng chi phí lãi vay” “không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần…” không phù hợp với một số doanh nghiệp, chưa tính đến yếu tố có hay không có “giao dịch liên kết”.
Vì nhìn chung, doanh nghiệp Việt Nam rất thiếu vốn, nên phải đi vay là chủ yếu; trong khi năng lực hạn chế, tài sản bảo đảm ít, không đủ sự tín nhiệm để vay với lãi suất thấp, nên phải vay với lãi suất cao của mọi đối tượng từ các tổ chức tín dụng, công ty mẹ, công ty liên kết, cho đến người lao động và các nhân, doanh nghiệp khác.
Do đó, nếu “tổng chi phí lãi vay” trên 20, thậm chí 50% mà là chi phí thật, hợp lý, hợp lệ thì cũng cần phải được chấp nhận.
Thứ ba, trong mọi trường hợp, tỷ lệ 20% nói trên là nhằm đặt ra giới hạn với mục đích hạn chế tình trạng chuyển giá, dẫn đến thất thu thuế. Chẳng hạn như công ty mẹ ở nước ngoài cho công ty con ở Việt Nam vay vốn tính lãi suất quá cao, dẫn đến công ty ở Việt Nam bị giảm thu nhập, nên không phải nộp hoặc nộp thuế quá thấp.
Vì vậy, không có lý gì áp đặt đối với các công ty Việt Nam cho nhau vay vốn, kể cả đối với giao dịch liên kết, nếu như không nhằm mục đích chuyển giá, trốn, giảm nghĩa vụ nộp thuế.
Về thực chất, Nghị định 20 chủ yếu nhằm vào mục tiêu chống chuyển giá và chống thất thu thuế đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Đặc biệt là quy định tại Điều 10 về “Quyền và nghĩa vụ của người nộp thuế trong kê khai, xác định giá giao dịch liên kết” và Khoản 1, Điều 11 về “Các trường hợp người nộp thuế được miễn kê khai, miễn lập Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết” của Nghị định số 20/2017/NĐ-CP.
Khác với các giao dịch liên kết đa quốc gia, về mối quan hệ giao dịch liên kết ở trong nước giữa các doanh nghiệp với nhau, thì về cơ bản chi phí của doanh nghiệp này sẽ là thu nhập của doanh nghiệp khác và tất cả đều nộp thuế ở Việt Nam.
Do vậy, LS. Trương Thanh Đức nhấn mạnh: “Nếu các cơ quan thuế bắt bẻ các doanh nghiệp Việt Nam trong trường hợp tổng số thuế phải nộp tại Việt Nam giữa các doanh nghiệp có giao dịch liên kết không giảm đi hoặc giảm một cách không đáng kể là quá máy móc, không cần thiết, không đúng với tinh thần và mục đích quy định của pháp luật.”
Gia Minh
————
Bất động sản (Tài chính – Ngân hàng) 19-12-2018:
http://reatimes.vn/nghi-dinh-20-thieu-ca-dieu-kien-can-va-du-31879.html
(990/1.113)