(BĐND) – Không phủ nhận uống rượu, bia vốn là một nét văn hóa ẩm thực của người Việt đã có từ lâu đời. Tuy nhiên, việc lạm dụng rượu bia, hoặc mời nhau theo kiểu ép buộc, uống đến say xỉn, không làm chủ được mình… chính là hành vi lạm dụng rượu bia, có thể gây ra những hệ quả xấu cho chính mình, gia đình và xã hội đang khá phổ biến, cần được lên án và phải có chế tài nghiêm khắc.
Văn hóa đang bị lạm dụng
Đồ uống có cồn, cụ thể là rượu, bia không chỉ là thức uống không thể thiếu trong các dịp lễ, tết, tiệc, hội, cũng như trong cuộc sống hàng ngày mà còn là một nét văn hóa của nhân loại nói chung và người Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, việc lạm dụng rượu bia hoặc uống một cách thái quá, thiếu văn hóa đang là một hình ảnh xấu trong một bộ phận người Việt, gây nên những tác hại trong đời sống và dư luận tiêu cực đối với sản phẩm này.
Tại Hội thảo “Xây dựng văn hóa uống lành mạnh, văn minh” do Diễn đàn Uống có trách nhiệm Việt Nam phối hợp với Viện Văn hóa kinh doanh tổ chức mới đây, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa kinh doanh Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam Đỗ Minh Cương cho rằng, hiện nay tỷ lệ và mức độ thiệt hại do lạm dụng rượu bia, sử dụng rượu bia không đúng cách ở Việt Nam cao hơn so với mức trung bình của khu vực và thế giới, biểu hiện ở những trào lưu và đặc điểm: Sử dụng rượu bia một cách tràn lan, không đúng lúc, đúng chỗ, trở thành tệ nạn và tính xấu, nhất là đối với nam giới và nhóm người lao động nghèo. Chúng ta dễ dàng thấy việc uống bia, rượu ở Việt Nam diễn ra ở mọi nơi mọi lúc. Không chỉ trong các cuộc liên hoan, tiệc cưới, cuộc vui đã đành, mà còn cả ở những nơi cần thể hiện nỗi buồn đau thương như các đám tang. Ở miền núi có dân tộc thiểu số còn duy trì tục lệ làm cỗ mời cả làng đến uống rượu suốt 3 ngày khiến nhiều gia đình phải nợ nần. Ở thành phố, tiêu biểu như Hà Nội còn có “bia hơi vỉa hè”, ngồi uống bia hơi lấn chiếm vỉa hè, ngay bên đường xe cộ qua lại, sát các cống rãnh, kênh mương bốc mùi… Chính phủ đã có chỉ thị cấm cán bộ, công chức uống rượu, bia trong các buổi trưa ngày làm việc, nhưng nhiều địa phương, nhiều tổ chức chưa chấp hành nghiêm. Họ vẫn có thể tiếp tục uống với các lý do về trường hợp ngoại lệ như tiếp khách, tiếp đãi đối tác quan trọng…
Phó cục trưởng Cục Văn hóa Cơ sở, Bộ VH, TT và DL Vi Thanh Hoài cũng cho biết, trong giai đoạn hiện nay, việc lạm dụng rượu, bia phần nào đã ảnh hưởng đến hành vi ứng xử của người sử dụng, gây ra những tổn hại về sức khỏe tinh thần cho bản thân, gây những hậu quả đáng tiếc trong những mối quan hệ anh em, bạn bè, cộng đồng, gây mất trật tự an toàn giao thông, an toàn xã hội. Do vậy, việc xây dựng văn hóa uống là một khía cạnh quan trọng trong công tác xây dựng đời sống văn hóa hiện nay.
Chế tài phải nghiêm khắc
Để triển khai nhiệm vụ nêu trên, ngành văn hóa đã thể chế hóa thành một số nội dung văn bản pháp luật và các văn bản hướng dẫn, đồng thời đẩy mạnh công tác hướng dẫn thực hiện. Cụ thể, tại Điều 7, Luật Quảng cáo quy định về hàng hóa, dịch vụ bị cấm có quy định cấm quảng cáo đối với rượu trên 15 độ. Trong quá trình soạn thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia do Bộ Y tế chủ trì, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã đồng ý đưa bia rượu dưới 15 độ là loại hàng hóa hạn chế quảng cáo với quy định hạn chế về nội dung, thời lượng, phương tiện, địa điểm, thời gian quảng cáo; đồng thời đưa các tiêu chí về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội vào tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa khu dân cư văn hóa tại Nghị định 122/2018/NĐ – CP… |
Không phủ nhận uống rượu, bia vốn dĩ là nét đẹp văn hóa, truyền thống ngàn đời của dân tộc, song Luật sư Trương Thanh Đức cũng cho rằng, hiện nay tình trạng lạm dụng rượu, bia đang trở nên khá phổ biến. Ở nhiều công sở đã cấm cán bộ, nhân viên uống rượu bia vào giờ ăn trưa, trong giờ làm việc, nhưng tại nhiều nơi vẫn phá lệ. Cả sáng, trưa, chiều, tối các quán nhậu đều đông nghịt khách. Tha hồ chúc tụng, mời mọc, thậm chí ép nhau uống đến say xỉn. Sau đó, đa phần họ vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Điều này minh chứng vì sao nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tai nạn giao thông ở Việt Nam chính là do vi phạm nồng độ cồn gây ra. Đây chính là hành vi đi ngược lại với văn hóa uống rượu, mà đó là việc lạm dụng rượu, bia. Điều này khiến văn hóa uống rượu, bia trở nên lệch lạc. Những người đã uống rượu bia, không thấy mình đủ năng lực nhưng vẫn tham gia giao thông, vẫn lái xe lại là câu chuyện ý thức, vi phạm Luật Giao thông đường bộ và coi thường mạng sống của chính mình và người khác. Nếu nói ở khía cạnh đạo đức, hành vi thiếu chuẩn mực đó là những người “ đói” văn hóa, một kiểu văn hóa như một tập tục lạc hậu, rất cần lên án để loại bỏ hành vi uống rượu, bia không có văn hóa.
Phân tích nguyên nhân của việc lạm dụng rượu, bia dẫn đến hành vi lệch chuẩn văn hóa uống, GS.TS Lê Quý Đức cũng cho rằng, hiện tượng phản văn hóa, lệch chuẩn văn hóa uống hiện nay, trước hết biểu hiện ở việc người uống không hiểu biết, không quan tâm đến các nguyên tắc, chuẩn mực văn hóa uống. Phần lớn người uống hoặc là theo thói tục, tập tục xã hội sinh ra; họ không được dạy bảo, hướng dẫn về nguyên tắc, chuẩn mực và quy cách uống từ trong nhà trường, gia đình và xã hội một cách nghiêm túc, tự giác và cụ thể. Vì vậy, cần phải lên án những hành vi sử dụng rượu, bia lệch lạc, xây dựng và hình thành thói quen uống rượu, bia có văn hóa. Việc này cần một quá trình lâu dài, nhưng không thể không làm.
Theo TS.Trần Trọng Toàn – nhà ngoại giao có nhiều năm làm đại sứ tại nước ngoài nêu thực tế: uống rượu, bia vốn dĩ đã trở thành một nét đẹp văn hóa, không thể phủ nhận cũng như đổ lỗi cho rượu, bia. Bản thân rượu, bia không có lỗi đối với việc mà người ta sử dụng thái quá, lạm dụng nó. Bởi ở nhiều nước trên thế giới, điển hình là Pháp, Na Uy, Nhật Bản và Hàn Quốc họ có truyền thống sử dụng rượu từ ngàn xưa và đất nước họ uống rượu cũng rất nhiều, song họ lại không để say và rất ít vụ tai nạn giao thông do rượu, bia gây ra. Để làm được điều này và hình thành nên văn minh, văn hóa uống rượu có bản sắc, lịch lãm, họ phải xây dựng những chiến lược truyền thông, có những biện pháp kiểm soát nồng độ cồn tốt; cấm một số những đối tượng không được sử dụng… Với Việt Nam, để cấm uống rượu, bia là điều không thể và cũng không nên, mà điều quan trọng là phải kiểm soát. Chúng ta phải xây dựng văn hóa uống văn minh, lành mạnh, chứ không phải uống lấy được như hiện nay. Để làm được điều này, một mặt cần có chế tài nghiêm khắc để xử lý những trường hợp uống rượu, bia lệch chuẩn văn hóa; thì việc tăng cường truyền thông, đẩy mạnh tuyên truyền cho nhân dân, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số cũng cần được đẩy mạnh để họ biết tác hại của việc lạm dụng rượu, bia, từ đó loại bỏ những hành vi lạm dụng, ép uống, và tự thân uống có kiểm soát.
Bài và ảnh: Trần Hả
—————————-
Đại biểu Nhân dân (Pháp luật) 21-12-2018
http://www.daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=81&NewsId=414971
(264/1.524)