(DT) – Dân trí Để triển khai dự án, nhiều doanh nghiệp bất động sản thành lập công ty con. Tuy nhiên theo phản ánh từ phía doanh nghiệp, mô hình công ty mẹ – con này vô tình bị “trói chân” bởi việc áp trần lãi vay theo Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết.
Một trong những điểm được chú ý nhất tại Nghị định 20 đó là điều khoản khống chế chi phí lãi vay.
Khống chế chi phí lãi vay là không phù hợp?
Cuối tháng 2/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Một trong những điểm được chú ý nhất tại Nghị định này là điều khoản khống chế chi phí lãi vay.
Theo đó, tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế (EBITDA). Khi đó, phần chi phí lãi vay vượt quá 20% sẽ bị coi là chi phí không hợp lý và bị tính thuế.
Nghị định ra đời được kỳ vọng có thể hạn chế được tình trạng chuyển giá trong khối doanh nghiệp FDI thông qua các giao dịch giữa các doanh nghiệp có mối liên kết về sở hữu, quản trị…
Tuy nhiên tại hội thảo về Nghị định 20 do Hiệp hội bất động sản Việt Nam tổ chức mới đây, một thông tin đáng chú ý được đưa ra, đó là trong khi tác động đến doanh nghiệp “ngoại” thì chưa thấy đâu thì các loạt các doanh nghiệp trong nước lên tiếng than bị “trói chân”.
Bà Đinh Thị Quỳnh Vân – Tổng Giám đốc Công ty TNHH PwC Việt Nam cho biết, khi Nghị định đề ra, công ty này đã có những thông báo tới cộng đồng doanh nghiệp nhưng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không thật sự quan tâm lắm.
“Chúng tôi thấy các doanh nghiệp Việt Nam bị ảnh hưởng nhiều hơn doanh nghiệp nước ngoài. Phần vì tỷ lệ lãi, vốn vay của các doanh nghiệp nước ngoài không quá cao cho nên bản thân lãi suất cũng đã có sự khống chế nhất định”, bà Vân nói.
Theo vị này, để tránh việc chuyển giá, cần xem mức lãi suất đó hợp lý hay không. Đối với giao dịch khác có thể xem xét, có thể khó khăn, nhưng trong giao dịch cho vay thì việc này rất dễ. Việt Nam có thị trường liên ngân hàng, vậy với tất cả các khoản vay nước ngoài thì tỷ lệ bao nhiêu là phù hợp với mức độ rủi ro và thị trường.
“Vấn đề là chúng ta định nghĩa lãi suất khống chế như thế nào, hoặc lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ ra sao? Đối với doanh nghiệp nước ngoài khi mới đầu tư vào Việt Nam họ đã xem xét điều này, còn những doanh nghiệp FDI đang hoạt động, thì mức độ quan tâm của họ rất ít, phản ứng không nhiều bằng hiệp hội các doanh nghiệp trong nước”, bà Vân cho biết.
Bàn về vấn đề này, luật sư Trương Thanh Đức cũng cho rằng việc quy định tổng chi phí lãi vay “không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần…” không phù hợp với một số doanh nghiệp, chưa tính đến yếu tố có hay không có “giao dịch liên kết”.
Ông Đức cho hay, nhìn chung doanh nghiệp Việt Nam rất thiếu vốn, nên phải đi vay là chủ yếu; trong khi năng lực hạn chế, tài sản bảo đảm ít, không đủ sự tín nhiệm để vay với lãi suất thấp, nên phải vay với lãi suất cao của mọi đối tượng từ các tổ chức tín dụng, công ty mẹ, công ty liên kết, cho đến người lao động và cá nhân, doanh nghiệp khác. Do đó, nếu tổng chi phí lãi vay trên 20%, thậm chí 50% mà là chi phí thật, hợp lý, hợp lệ thì cũng cần phải được chấp nhận;
Ngoài ra theo ông Đức, trong mọi trường hợp, tỷ lệ 20% nói trên là nhằm đặt ra giới hạn với mục đích hạn chế tình trạng chuyển giá, dẫn đến thất thu thuế. Vì vậy, không có lý gì áp đặt đối với các công ty Việt Nam cho nhau vay vốn, kể cả đối với giao dịch liên kết, nếu như không nhằm mục đích chuyển giá, trốn, giảm nghĩa vụ nộp thuế.
Kiến nghị chỉ áp dụng với doanh nghiệp xuyên biên giới, bỏ trần chi phí lãi vay 20%
Bàn về giải pháp để tháo gỡ các bất cập cho doanh nghiệp khi bị ràng buộc bởi trần chi phí lãi vay, ông Nguyễn Văn Phúc – nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội cho rằng có thể xem xét lại phạm vi đối tượng áp dụng.
Bởi theo ông Phúc, về phạm vi, đối tượng điều chỉnh quy định, mục đích ban đầu của Nghị định này là chống chuyển giá, chống chuyển lợi nhuận ra nước ngoài, áp dụng với các giao dịch liên kết. Và theo như thông lệ quốc tế đó là xuyên biên giới, khi sửa lại Nghị định cũng cần xem lại phạm vi đối tượng áp dụng.
Còn theo chuyên gia Cấn Văn Lực thì có thể nâng tỷ lệ chi phí lãi từ 20% lên ngưỡng cao nhất theo khuyến nghị của OECD là 30%. Đồng thời xem xét đặc thù một số ngành sử dụng vốn vay lớn như bất động sản, điện lực, cơ sở hạ tầng… khi tính toán chỉ số chi phí lãi.
Cách đây không lâu, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cũng đã gửi công văn “kêu cứu” lên Thủ tướng kiến nghị xem xét lại quy định này.
Cụ thể, VNREA cho rằng, quy định khống chế chi phí lãi vay của Nghị định 20 có sự không thống nhất với Nghị định 43/2014/NĐ-CP. Căn cứ theo quy định trong Nghị định 43 thì doanh nghiệp bất động sản có quyền vay hoặc thực hiện các hình thức huy động vốn khác để triển khai dự án với tỷ lệ là từ 80 đến 85%. Như vậy, tỷ lệ chi phí lãi vay trên tổng lợi nhuận theo Nghị định 42 có thể cao hơn tỷ lệ chi phí lãi vay theo Nghị định 20. Do đó, Nghị định 20 sẽ gây khó cho doanh nghiệp bất động sản trong việc huy động vốn.
Mặt khác, cũng theo VNREA, Nghị định 20 tạo ra rào cản trong việc cho vay nội bộ giữa công ty mẹ và công ty con, làm mất đi khả năng điều tiết sức mạnh chung của một tập đoàn và cơ hội đầu tư dài hạn vào các ngành nghề cần vốn lớn, có ý nghĩa lâu dài cho nền kinh tế.
Vì vậy, VNREA đã kiến nghị nếu có áp dụng điều khoản trên thì chỉ áp dụng với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, hoặc chỉ áp dụng với các khoản vay giữa các doanh nghiệp có mức lãi suất thấp hơn lãi suất cho vay trung bình trên thị trường, hoặc chỉ áp dụng cho doanh nghiệp nước ngoài.
Nguyễn Khánh
———————————————
Dân trí (Kinh doanh) 23-12-2018:
(232/1.304)