(SKĐS) – Đón trước nhu cầu sử dụng tiền mặt tăng cao trong dịp Tết Kỷ hợi sắp tới, loại hình mua bán tiền giả thời gian gần đây đã gia tăng, hoạt động công khai.
Chỉ cần vào mạng xã hội tìm kiếm từ khóa “mua bán tiền giả” là có hàng chục trang đang tồn tại với lời chào giá hấp dẫn, để lại số điện thoại để giao dịch mua bán, ship hàng trên toàn quốc.
Tiền giả mua bao nhiêu cũng có
Trên các mạng xã hội, không khó để tìm ra hàng loạt các tài khoản cá nhân công khai, lẫn ẩn danh sẽ xuất hiện các dòng chào mời: “Mua bán tiền giả uy tín 100% – Giao hàng toàn quốc”, “Shop mua bán tiền giả không cọc chất lượng uy tín 100%”, thậm chí có facebook mang tên Hoàng Tiến Hưng (Buôn bán tiền giả) có hơn một nghìn người theo dõi. Tại đây được quảng cáo tiền giả về liên tục với số lượng lớn, ai có nhu cầu nhắn tin tực tiếp, không dùng zalo, không qua bình luận trên facebook, sau khi trao đổi sẽ được ship tận nơi với giá được thông báo: 1 triệu đồng tiền thật mua được 15 triệu tiền giả. Đáng chú ý, facebook này còn cho biết tiền giả này tiêu thoải mái ở mọi nơi như chợ, cửa hàng tạp hóa, cửa hàng mỹ phẩm. Chỉ có máy soi mới phát hiện được chứ mắt thường không thể thấy,…
Nhiều trang mạng công khai bán tiền giả.
Tại một số trang mạng xã hội khác, nhiều đối tượng sẵn sàng cho số điện thoại để khách hàng dễ dàng trao đổi, mua bán sau đó được người bán tư vấn rất cẩn thận, còn gửi cho rất nhiều video, hình ảnh cảnh bóc phong bì tiền giả chuẩn bị giao cho khách nhằm thể hiện sự uy tín và chất lượng tiền “giống thật” của mình. Sau đó, người mua được hướng dẫn thanh toán trước 50% số tiền bằng thẻ cào điện thoại của bất kỳ nhà mạng nào. Sau đó đại lý sẽ cho nhân viên tư vấn, hẹn địa chỉ giao dịch.
Mới đây, VKSND tỉnh Tiền Giang vừa ra cáo trạng truy tố 7 bị can trong đường dây sản xuất, mua bán, lưu hành tiền giả liên tỉnh. Các bị can gồm: Trần Duy Thanh (SN 1987, ngụ Cà Mau), Nguyễn Long Bình (SN 1994, ngụ An Giang), Sơn Hồng Võ (SN 1991, ngụ Sóc Trăng), Đinh Vũ Linh (SN 1993, ngụ Bến Tre), Đinh Văn Chiến (SN 1972, cha Vũ Linh), Phan Bảo Duy (SN 1992, ngụ Cà Mau) và Phan Văn Thạnh (SN 1984, ngụ Kiên Giang).
Theo kết quả điều tra của Công an tỉnh Tiền Giang, Bình và Thanh khai xưởng sản xuất tiền giả được đặt tại phòng trọ của Thanh ở phường Thuận Giao, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương, sau đó chuyển sang phòng trọ của Bình ở phường Bình Nhâm, thị xã Thuận An. Tiến hành khám xét khẩn cấp 2 nơi, công an thu giữ nhiều máy móc, thiết bị in ấn và nhiều tiền giả có mệnh giá 100.000 đồng, 500.000 đồng với tổng số tiền là 93 triệu đồng. Ngoài ra, khi mở rộng điều tra, công an còn truy ra Sơn Hồng Võ giữ vai trò đắc lực trong dây chuyền sản xuất tiền giả này. Cụ thể, Thanh phân công Bình thiết kế tiền giả; Võ thì định vị, dán đề can tạo hình tiền; Bình xịt sơn lên tờ tiền giả được làm bằng polymer… Từ tháng 7 đến tháng 8/2017, nhóm này đã in được 240 triệu đồng tiền giả mệnh giá 500.000 đồng. Sau khi sản xuất tiền giả, Thanh, Bình dùng các mạng xã hội rao bán với tỉ lệ 30 triệu đồng tiền giả lấy 10 triệu đồng tiền thật.
Nâng cao cảnh giác, tránh “tiền mất, tật mang”
Mặc dù cơ quan công an đã nhiều lần triệt phá các đường dây, đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả, tuy nhiên, tình trạng buôn bán tiền giả vẫn diễn ra công khai. Đáng chú ý, do là hành vi phạm pháp nên nhiều khách bị lừa mất tiền cũng đành phải im lặng, không dám kêu ai. Theo luật sư, Trương Thanh Đức, nạn nhân của việc sử dụng tiền giả chủ yếu là những người dân ở vùng sâu, vùng xa ít được tiếp xúc với số lượng tiền lớn. Còn các cơ quan Nhà nước, ngân hàng thì rất khó để các đối tượng có thể qua mặt. Theo luật sư Đức, pháp luật quy định đầy đủ và nghiêm khắc về việc mua bán tiền giả, tuy nhiên việc thực thi pháp luật chưa được như kỳ vọng là nguyên nhân khiến tình trạng mua bán tiền giả diễn ra tràn lan trên internet. Theo ông Đức, trách nhiệm của vấn nạn này thuộc nhiều cơ quan chức năng. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm khuyến cáo người dân, thẩm định tiền thật hay tiền giả… Việc phát hiện, trấn áp, bắt giữ… các tội phạm về tiền giả chủ yếu thuộc về lực lượng công an.
Liên qua đến thực trạng sản xuất, mua bán tiền giả, luật sư Lê Văn Kiên, Văn phòng Luật sư Ánh Sáng Công Lý (Đoàn luật sư Hà Nội) cho hay: Điều 207, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả nêu rõ: Người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả dưới 3 triệu đồng thì bị phạt tù từ 3 – 7 năm. Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 3 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng thì bị phạt tù từ 5 – 12 năm. Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 50 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù từ 10 – 20 năm hoặc tù chung thân. Ngoài ra, Điều 207, Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả cũng nêu rõ, người chuẩn bị phạm tội này thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 3 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 – 100 triệu đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Để tránh tình trạng tiền mất, tật mang, mỗi người dân tuyệt đối không tham gia tiêu thụ và mua bán tiền giả, đồng thời nắm rõ các đặc điểm của tiền thật để hạn chế rủi ro khi tham gia các giao dịch. Đồng thời, người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác trước những phương thức thủ đoạn của tội phạm buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ tiền giả; tích cực phối hợp với lực lượng công an và chính quyền địa phương đấu tranh, phòng chống có hiệu quả đối với loại tội phạm này.
Thế Vinh
—————————————————————
Sức khỏe & Đời sống (Pháp luật) 26-12-2018:
https://suckhoedoisong.vn/de-phong-cac-chieu-tro-ban-tien-gia-qua-mang-n152116.html
(156/1.221)