2.111. Để tín dụng tiêu dùng phát triển hiệu quả, đúng bản chất

(TBNH) – Thu hút khách hàng là mục tiêu quan trọng, song về dài hạn việc đảm bảo quản lý hiệu quả rủi ro tín dụng vẫn luôn là ưu tiên số một đối với hoạt động kinh doanh của ngân hàng cũng như các công ty tài chính.

Phân tách tiêu dùng và BĐS

Thị trường cho vay tiêu dùng của Việt Nam gần đây phát triển khá nhanh. Điều này một mặt phản ánh xu hướng tất yếu trong phát triển hoạt động tín dụng ở Việt Nam khi nền kinh tế tăng trưởng đều ở tốc độ khá cao (năm 2018 tăng trưởng 7,08%). Mặt khác dân số trẻ, nhu cầu vay lớn, cộng thêm sự hỗ trợ từ công nghệ cho phép giảm chi phí quản lý các khoản vay, khiến cho lĩnh vực vay tiêu dùng càng cạnh tranh hơn.

Cần bóc tách tín dụng tiêu dùng và tín dụng BĐS để nhận diện rủi ro

Theo quy định hiện hành của NHNN, dư nợ cho vay đối với cá nhân mua, sửa nhà với nguồn tiền trả nợ từ lương được hạch toán vào cho vay tiêu dùng, còn cho doanh nghiệp vay phát triển dự án là cho vay BĐS. Tuy nhiên, thực tế cho thấy hoạt động cho vay tiêu dùng thời gian qua xuất hiện biến tướng, một phần không nhỏ chạy vào BĐS, chứng khoán. Đơn cử như trường hợp một người dân đi vay ngân hàng để mua BĐS, sau đó cho thuê lại thì BĐS đó được xem là BĐS kinh doanh, trên nguyên tắc phải cộng vào BĐS kinh doanh mặc dù là khách hàng cá nhân. Tuy nhiên, nhiều nhà băng lại xếp trường hợp cho vay tiêu dùng, do chủ thể vay vốn là khách hàng cá nhân, để tránh phải áp dụng tỷ lệ tính hệ số rủi ro cao.

Chính vì vậy, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, thúc đẩy tín dụng tiêu dùng là cần thiết, song nên bóc tách các khoản đầu tư kinh doanh BĐS ra khỏi tín dụng tiêu dùng để lĩnh vực này phát triển an toàn, hiệu quả, đúng với bản chất.

Từ đầu năm 2019, chắc chắn dòng tín dụng chảy vào lĩnh vực BĐS sẽ được siết chặt hơn, một mặt do Chính phủ, NHNN yêu cầu các TCTD phải kiểm soát chặt chẽ tín dụng chảy vào các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như BĐS chứng khoán; mặt khác khi tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn giảm còn 40% từ 1/1/2019, các ngân hàng cũng sẽ phải giảm bớt cho vay BĐS để đảm bảo an toàn vốn. TS. Cấn Văn Lực nhận định, tỷ lệ cho vay lĩnh vực BĐS hiện nay ước tính chỉ khoảng 7,5% tổng dư nợ toàn hệ thống. Nhưng chuyên gia này cũng cho rằng, đây chỉ là báo cáo phần cho vay kinh doanh BĐS (từ phía cung) mà chưa tính vào các khoản cho vay mua, sửa nhà của người dân (từ phía cầu).

Chuyên gia cho rằng, để quản lý được minh bạch, cần phải xác định và có quy định rõ ràng việc cho vay mua BĐS để đầu tư hay phục vụ nhu cầu cá nhân. “Nếu mua/sửa nhà để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt, sẽ phân loại là tiêu dùng, còn mua nhà để cho thuê sẽ buộc phải xếp vào đầu tư”, vị này cho hay.

Đảm bảo quyền lợi đôi bên

Cho vay tiêu dùng thường là cho vay không có tài sản bảo đảm, nên việc đánh giá khả năng trả nợ, lịch sử vay, trả nợ và các yếu tố khác của khách hàng vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, bên cho vay thường lại không xem xét đầy đủ các yếu tố này mà thiên về mở rộng số lượng cho vay dưới sức ép cạnh tranh thị phần. Bởi vậy, để cho vay tiêu dùng phát triển bền vững không chỉ cần có hành lang pháp lý chặt chẽ để ngăn ngừa rủi ro mà cũng để bảo vệ người tiêu dùng hay hạn chế người tiêu dùng chấp nhận rủi ro quá mức.

Luật sư Trương Thanh Đức nêu ý kiến: Ở các nước trên thế giới, hoạt động cho vay tiêu dùng cũng giống hướng Việt Nam đang đi, như không có trần lãi suất và lãi suất cho vay cũng rất cao so với mặt bằng chung. Tuy nhiên, họ quản lý các dữ liệu về khách hàng rất chuẩn, như khách hàng bao nhiêu tuổi, sức khoẻ thế nào, thu nhập và điều kiện kinh tế ra sao nên rủi ro thấp hơn. Trong khi tại Việt Nam, mọi dữ liệu đều chưa thật sự chính xác, nếu không muốn nói là ảo, không chuẩn nên các TCTD thường áp dụng giải pháp xử lý theo hướng đẩy lãi suất lên cao để bù đắp rủi ro cao cũng như đặt ra các tiêu chuẩn khắt khe hơn.

Về phía các công ty tài chính tiêu dùng, để mở rộng thị phần đồng thời quản lý rủi ro tín dụng hiệu quả, đảm bảo tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp, cần phải áp dụng những cách thức tiếp cận mới ngay từ việc đánh giá khách hàng trước khi quyết định cho vay hay không. Trong đó, việc phân khúc khách hàng thành các nhóm khác nhau sẽ giúp cho các đơn vị cho vay (ngân hàng, công ty tài chính…) cung cấp sản phẩm, dịch vụ phù hợp với nhu cầu và khả năng trả nợ. Phân nhóm khách hàng cũng hỗ trợ trong việc quyết định giá trị khoản vay và sản phẩm tương ứng.

Thu hút khách hàng là mục tiêu quan trọng, song về dài hạn việc đảm bảo quản lý hiệu quả rủi ro tín dụng vẫn luôn là ưu tiên số một đối với hoạt động kinh doanh của ngân hàng cũng như các công ty tài chính.

Minh Khuê

—————————————————————————

Thời báo Ngân hàng (Tài chính – Tiền tệ) 03-01-2019:

http://thoibaonganhang.vn/de-tin-dung-tieu-dung-phat-trien-hieu-qua-dung-ban-chat-83720.html

(138/1.051)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.430. Giá nhà đất "trên trời", ngoại thành Hà...

Giá nhà đất "trên trời", ngoại thành Hà Nội có nơi hơn 600 triệu đồng/m2. (VTV)...

Trích dẫn 

3.979. "Vá" lỗ hổng livestream bán hàng.

"Vá" lỗ hổng livestream bán hàng (NLĐ) - Các nền tảng cần phải có...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 238,027