(DV) – Đánh giá cao quyết tâm “tung vốn ngân hàng đẩy lùi tín dụng đen” của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, theo giới tài chính, dòng vốn ngân hàng không đủ để có thể đầy lùi hoàn toàn tín dụng đen. Điều cần thiết là 1 hành lang pháp lý đầy đủ và bộ máy cán bộ không biến chất
Thống kê chưa đầy đủ trong khoảng 4 năm, trên toàn quốc xảy ra 7.624 vụ phạm tội liên quan đến tín dụng đen. Qua điều tra, cơ quan công an phát hiện 6 vụ liên quan đến giết người, 398 vụ cố ý gây thương tích, 629 vụ cướp tài sản, 836 vụ cưỡng đoạt tài sản và gần 2.000 vụ lừa đảo, 3.581 vụ lạm dụng tín nhiệm và 165 vụ hủy hoại tài sản…
Theo báo cáo hiện nay, lực lượng cảnh sát hình sự của Bộ Công an đang rà soát làm rõ có khoảng 200 băng nhóm hoạt động liên quan đến tín dụng đen với gần 2.000 đối tượng hoạt động liên quan đến lĩnh vực này.
NHNN chỉ đáp ứng nhu cầu vay tiêu dùng chính đáng
Lý giải nguyên nhân khiến tình trạng tín dụng đen ngày càng phổ biến, ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng thừa nhận tín dụng đen là một vấn đề mà cả xã hội bức xúc bởi không chỉ gây mất trật tự an toàn tại địa phương mà ảnh hưởng lớn đến xã hội nhưng lại đang có chiều hướng gia tăng
Ông Hiếu phân tích, trong một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, nhu cầu tiêu dùng của nhân dân càng ngày càng cao. Đặc biệt là trong dịp lễ tết thì nhu cầu mua sắm, hỗ trợ chi tiêu trong gia đình từ ăn mặc, sửa chữa nhà cửa… càng ngày càng lớn. Trong khi đó, bình quân thu nhập đầu người của người dân Việt Nam chỉ vào khoảng 2.500 USD/đầu người/năm (tương đương với mức thu nhập trên 50 triệu).
Ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng
“Đó là một mức thu nhập thấp. Cũng như tất cả mọi người trên thế giới, nếu như nhu cầu tăng cao nhưng thu nhập không đáp ứng đủ thì sẽ đi vay mượn để đáp ứng nhu cầu. Trong khi đó, ngân hàng và các công ty tài chính lại không đáp ứng đủ yêu cầu vay mượn của người dân thì họ sẽ phải tìm đến các kênh vay mượn không chính thức. Điều này hỗ trợ cho tín dụng đen phát triển”, vị chuyên gia này khẳng định
Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực, thành viên hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia cho rằng, không nên coi tín dụng phi chính thức là xấu. Phải bóc tách ra, cái nào tín dụng đen thì ngăn chặn, cái nào đáp ứng nhu cầu chính đáng thì nên khuyến khích. Tuy nhiên, không thể phủ nhận một điều, tín dụng đen đã và đang gây nên nhiều hệ lụy cho xã hội. Do đó, để góp phần đẩy lùi tín dụng đen, trước hết cần có giải pháp để tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng cho người dân và doanh nghiệp.
Chính vì vậy, các chuyên gia đều cho rằng, về nguyên tắc, nếu ngân hàng đẩy mạnh dòng vốn tạo điều kiện cho người dân tiếp cận dòng vốn chính thức như thông điệp NHNN đưa ra mới đây sẽ là chủ trương đúng, hỗ trợ đẩy lùi tín dụng đen.
Cũng phải nói thêm rằng, là cơ quan quản lý nhà nước, NHNN thực hiện các chính sách của nhà nước liên quan đến phát triển của người dân trong đó có nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo rồi hỗ trợ người nghèo thì chủ trương này là hoàn toàn phù hợp và đúng đắn.
Tuy nhiên, theo quan điểm của một chuyên gia kinh tế, tín dụng đen nhức nhối xã hội ở 2 nhóm đối tượng. Nhóm đối tượng thứ nhất là người nghèo phải vay tín dụng đen, những người có nhu cầu cấp thiết nhưng chính đáng và nhóm đối tượng thứ 2 là vay vì mục đích khác. Trong đó, nhóm đối tượng thứ nhất chỉ chiếm 1 phần nhỏ, nhóm đối tượng 2 chiếm tới 90% đối tượng vay tín dụng đen hiện nay
Đứng trên quan điểm kinh tế thị trường thì NHNN chỉ nên quan tâm đến nhu cầu của người nghèo phải vay tín dụng đen để giải quyết nhu cầu bức thiết và chính đáng.
Hệ thống ngân hàng đang gánh áp lực cung ứng vốn quá lớn
“Quốc gia láng giềng của chúng ta là Trung Quốc, công ty tài chính Alibaba của Jack Ma cấp tín dụng cá nhân lên tới 52% thị phần tại Trung Quốc. Đây là số vô cùng khổng lồ và gần như nó đã thay thế các TCTD trong việc đảm bảo nguồn vốn cho nền kinh tế.
Nhìn lại thị trường tài chính của Việt Nam có thể thấy, chúng ta phụ thuộc quá nhiều vào dòng vốn ngân hàng và đây cũng là áp lực quá lớn đối với hệ thống ngân hàng của chúng ta. Vì vậy, NHNN không có trách nhiệm và cũng không đủ nguồn lực để đáp ứng nhu cầu vay vốn tất cả các đối tượng vay tín dụng đen, đặc biệt là nhu cầu vay vốn không chính đáng”, vị này cho hay.
Ai đứng sau tín dụng đen?
Một trong những giải pháp đẩy lùi tín dụng đen là hoạt động điều tra, khởi tố, truy cứu trách nhiệm hình sự với các đối tượng cho vay. Tuy vậy, ngành công an đang gặp phải không ít vướng mắc, kẽ hở từ các quy định luật pháp. Đặc biệt, chế tài xử phạt những vi phạm về tín dụng đen chưa đủ mạnh nên chưa đủ sức răn đe. Còn theo bộ Luật hình sự quy định “cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” là tội phạm “ít nghiêm trọng”; do đó, khó có thể áp dụng các biện pháp ngăn chặn như tạm giữ, tạm giam theo Luật Tố tụng hình sự.
Do vậy, các nhóm đối tượng này hoàn toàn đứng bên lề luật pháp nếu hoạt động của họ gắn với tín dụng đen.
Ông Phạm Quốc Khánh, trưởng phòng đào tạo Học viện Ngân hàng
Đồng quan điểm, ông Phạm Quốc Khánh, trưởng phòng đào tạo Học viện Ngân hàng cho biết, “theo tôi cái gốc vấn đề chính là pháp lý. Chúng ta phát hiện ra những ổ nhóm cho vay tín dụng đen khi chủ nợ hành hung con nợ, phong tỏa tài sản con nợ bất hợp pháp hay khủng bố tinh thần con nợ nhưng lại không bắt được lỗi về hợp đồng tín dụng”
“Chính vì vậy, ngoài việc tăng khả năng tiếp cận dòng vốn tín dụng chính thức, để chặn đường sống của tín dụng đen điều đầu tiên cần làm là khẩn trương rà soát, nghiên cứu hoàn thiện hệ thống pháp luật hình sự, hành chính, dân sự về xử lý hành vi phạm tội, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng; hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực vay tín dụng với những chế tài xử lý cụ thể, rõ ràng và nghiêm khắc, trong đó cần bổ sung hình phạt đối với nhóm hành vi vi phạm liên quan đến “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi để có cơ sở pháp lý khi xử lý trong thực tế…”ông Khánh nêu khuyến nghị.
Ông Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật AN VI
Dưới góc nhìn của 1 luật sư, Giám đốc Công ty Luật ANVI ông Trương Thanh Đức nêu quan điểm, “Bên cạnh kẽ hở luật pháp, còn có dấu hiệu cán bộ thoái hoá, biến chất trong ngành ngân hàng, công an, kiểm sát, toà án tiếp tay cho các đối tượng hoạt động tín dụng đen, làm cho vấn nạn này ngày càng thêm phức tạp. Nếu không có những cán bộ biến chất, có lực lượng bảo kê thì tín dụng đen không thể hoạt động sau 15 phút”
Ông Đức nói “Nếu không có lực lượng bảo kê, cán bộ thoái hóa biến chất thì tín dụng đen không thể tồn tại quá 15 phút hoạt động. Chỉ khi nào có quan chức tử tế thì mới chấm dứt được tình trạng tín dụng đen”.
Huyền Anh
—————————————–
Dân Việt (Kinh tế) 08-01-2019:
http://danviet.vn/kinh-te/tung-von-day-lui-tin-dung-den-chuyen-gia-noi-gi-946074.html
(150/1.491)