2.117. Không đưa tiền lẻ mới in ra thị trường dịp Tết

(TBKD) – Trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 dù không đưa lượng tiền mới in ra thị trường nhưng tổng lượng tiền lẻ đã qua lưu thông cung ứng dự kiến tăng 25%.

Tại cuộc họp báo thông tin triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2019 diễn ra ngày 7/1, ông Phạm Bảo Lâm, Cục trưởng Cục Phát hành và Kho quỹ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho biết chủ trương không đưa tiền mới in mệnh giá nhỏ ra lưu thông từ năm 2013 đã giúp tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng cho ngân sách nhà nước đối với các chi phí liên quan đến in ấn, giao nhận, bốc xếp, kiểm đếm, vận chuyển, bảo quản…

Tiền lẻ lưu thông tăng 25%

Từ nay đến giáp Tết Nguyên đán 2019, NHNN sẽ theo dõi sát diễn biến tình hình tiền mặt tại từng địa phương, tập trung nguồn lực ở mức cao nhất để điều chuyển bổ sung dự trữ, kịp thời ứng phó nhu cầu đột xuất, bất thường.

Ông Lâm cho biết: “Việc điều hòa tiền mặt của NHNN là thực hiện trong cả năm chứ không chỉ riêng tháng 12 và tháng Giêng, nhằm đảm bảo dự trữ tiền mặt cho tất cả các chi nhánh tỉnh, thành phố, cũng như đáp ứng đủ nhu cầu của các tổ chức, cá nhân”.

Việc cung ứng tiền mới in mệnh giá nhỏ ra thị trường được NHNN thực hiện từ tháng 4 đến 11/2018, bao gồm cả tiền cũ và tiền mới in.

“Đến tháng 11/2018, NHNN đã cung ứng ra thị trường tiền mới in rất tích cực. Từ cuối tháng 11 trở đi, các tiền mệnh giá nhỏ dưới 10.000 trở xuống, NHNN vẫn cung ứng đầy đủ cho nền kinh tế và các tổ chức cá nhân, nhưng sẽ không lưu thông tiền mới in”, ông Lâm khẳng định.

Theo tính toán của NHNN, dù không đưa lượng tiền mới in ra thị trường trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 nhưng tổng lượng tiền lẻ đã qua lưu thông cung ứng dự kiến tăng 25% so với hồi đầu năm 2018, trong đó gồm cả tiền mới in trong năm và tiền mệnh giá nhỏ đã qua lưu thông.

Chủ trương không đưa tiền mới in mệnh giá nhỏ từ 10.000 trở xuống ra lưu thông trong dịp Tết Nguyên đán đã được NHNN thực hiện từ năm 2013 đến nay. Ước tính, trong 6 năm qua, ngân sách nhà nước đã tiết kiệm tổng số chi phí khoảng 2.950 tỷ đồng, riêng dịp Tết Kỷ Hợi 2019 ước tiết kiệm được 390 tỷ đồng.

“Với số lượng dự trữ hiện nay, NHNN đảm bảo cung ứng đầy đủ tiền mặt toàn bộ hệ thống ngân hàng cũng như cho nền kinh tế”, ông Lâm khẳng định.

Có một thực tế hiện nay là dù NHNN những năm gần đây không cung ứng tiền mới in mệnh giá nhỏ ra lưu thông trên thị trường, song dịch vụ đổi tiền lẻ mới lại rất sôi động trên thị trường chợ đen.

Không đưa tiền mới in mệnh giá nhỏ từ 10.000 trở xuống ra lưu thông trong dịp Tết Nguyên đán

Ngân hàng có nên thu phí?

Nhu cầu đổi tiền mới của người dân cũng rất đa dạng. Ngoài những mệnh giá 10.000 đồng, 20.000 đồng, 50.000 đồng và 100.000 đồng được nhiều người đổi để mừng tuổi, các loại tiền mệnh giá nhỏ từ 1.000 đồng, 2.000 đồng hay 5.000 đồng cũng được không ít người săn tìm để phục vụ nhu cầu đi lễ chùa và công đức.

Khảo sát của Thời báo Kinh Doanh tại một số ngân hàng, các nhân viên cho biết, thời điểm này vẫn chưa có tiền mới còn nguyên seri. Tuy nhiên, trên thị trường chợ đen, việc mua – bán tiền mới đã trở nên sôi động, khách muốn đổi bao nhiêu cũng được đáp ứng, mệnh giá nào cũng có.

Điều này khiến nhiều người đặt câu hỏi: phải chăng vì đổi tiền tại ngân hàng không thu phí, nên nhân viên ngân hàng vì lợi ích riêng mang hạn mức tiền lẻ của mình bán lại cho dân buôn tiền chợ đen để hưởng chênh lệch, từ đó dẫn đến ngân hàng khan hiếm, chợ đen tập nập?

Tại thị trường chợ đen, tùy theo từng thời điểm và theo mệnh giá, các loại tiền được quy đổi công khai theo từng mức phí từ 10% đến 20%, 30%… và càng gần Tết thì mức giá quy đổi càng tăng.

Các chuyên gia cho rằng thông thường người dân đến ngân hàng giao dịch từ vài triệu đến vài trăm triệu đồng không ai muốn nhận tiền mệnh giá thấp, nên việc sử dụng tiền lẻ chỉ tăng mạnh vào dịp Tết Nguyên đán để người dân chủ yếu sử dụng đi lễ chùa là chính.

Theo luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI: “Nếu không có tâm lý người dân Việt Nam sử dụng tiền lẻ đi lễ chùa thì ngân hàng không phát hành được tiền lẻ”.

Ông Đức cho rằng quan điểm của NHNN là tiền nào cũng như tiền nào, ngân hàng không được thu phí, nghe thì chuẩn nhưng đặt trong bối cảnh nền kinh tế thị trường hiện nay thì không còn phù hợp.

“Thà rằng quy định thu phí vì không phải phát hành cho dân, mà đây là đổi dịch vụ. Chính kẽ hở này trong bối cảnh cầu rất lớn nên dễ dẫn đến bị lợi dụng, cán bộ ngân hàng; kho quỹ giải quyết đổi tiền do thân quen, quan hệ, hoặc ăn chênh lệch”, ông Đức nêu quan điểm.

Huyền Anh

—————————————————————

Thời báo Kinh doanh (Tài chính) 08-01-2019:

https://thoibaokinhdoanh.vn/tien-te/khong-dua-tien-le-moi-in-ra-thi-truong-dip-tet-1053855.html

(138/987)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.430. Giá nhà đất "trên trời", ngoại thành Hà...

Giá nhà đất "trên trời", ngoại thành Hà Nội có nơi hơn 600 triệu đồng/m2. (VTV)...

Trích dẫn 

3.979. "Vá" lỗ hổng livestream bán hàng.

"Vá" lỗ hổng livestream bán hàng (NLĐ) - Các nền tảng cần phải có...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 238,028