(TT) – Theo dự thảo nghị định, kỳ hụi có giá trị trên 100 triệu đồng phải thông báo cho UBND cấp xã, phường quản lý.
Bộ Tư pháp đang trình Chính phủ dự thảo Nghị định mới về họ, hụi, biêu, phường (gọi chung là hụi) nhằm khắc phục tình trạng vỡ hụi, bùng họ, gây thiệt hại cho người tham gia.
Dự thảo này có 5 chương quy định từ quyền, nghĩa vụ của chủ hụi, các thành viên tham gia, và xác định thứ tự lĩnh và lãi suất hụi.
Cụ thể, lãi suất hụi được quy định không quá 20%/năm, đặc biệt, kỳ hụi có giá trị trên 100 triệu đồng phải thông báo cho UBND cấp xã, phường quản lý. UBND cấp xã có trách nhiệm thống kê thông tin về chủ hụi, thời gian bắt đầu và kết thúc dây, giá trị của kỳ mở, tổng số thành viên dây có giá trị kỳ mở hụi từ 100 triệu đồng trở lên.
Dự thảo đưa hai phương án cho chủ hụi. Thứ nhất, một người được làm chủ hụi của một hoặc nhiều dây tại cùng một thời điểm với tổng giá trị các phần họ tại một kỳ mở họ của các dây hụi không quá 200 triệu đồng. Phương án 2, một người được làm chủ hụi không quá 2 dây tại cùng một thời điểm.
Trường hợp dây hụi có giá trị các phần hụi tại một kỳ mở từ 100 triệu đồng trở lên thì văn bản thỏa thuận bắt buộc có công chứng, chứng thực. Chủ hụi và các thành viên thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, cho vay lãi nặng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cuối năm 2017, hàng trăm người dân ở huyện Krông Ana, Đắk Lắk choáng váng khi chủ hụi ôm 7 tỷ đồng bỏ đi. Ảnh: Tuổi trẻ |
Quy định trong dự thảo trên gây nên nhiều ý kiến trái chiều. Trên báo Người lao động, LS Bùi Đình Ứng (Đoàn LS TP Hà Nội) cho rằng việc yêu cầu người đứng đầu nhóm chơi hụi phải khai báo thông tin với chính quyền là cần thiết để tránh việc “mập mờ, lợi dụng lòng tin chiếm đoạt tài sản”.
Theo ông Ứng, việc chơi hụi là hoạt động dân sự bình thường ở nhiều nơi nhưng chính quyền địa phương hầu như không được khai báo, đến khi xảy ra vỡ hụi thì mới biết thông tin.
Tuy nhiên, LS Trần Tuấn Anh (Đoàn LS TP Hà Nội) lại không đồng tình với việc khai báo này bởi chơi hụi là giao dịch dân sự, trên tinh thần tự nguyện của người dân, không phải giao dịch có điều kiện nên không cần khai báo. Bên cạnh đó, quy định không hợp lý khi đang thêm trách nhiệm cho chính quyền cấp xã, phường.
“Chỉ nên quy định nghĩa vụ khai báo của người chơi hụi, chính quyền tiếp nhận, nắm bắt thông tin, trong trường hợp xảy ra sự cố thì có cơ sở để báo cáo, xử lý. Không nên quy trách nhiệm cho chính quyền phải thống kê thông tin về việc chơi hụi”, LS Ứng nói và khẳng định việc này sẽ không khả thi bởi sẽ phải bố trí thêm cán bộ theo dõi. Trong khi đó, hiện tại cán bộ công chức cấp xã, phường không thể đủ thời gian, nhân lực, chuyên môn để theo dõi, nắm bắt, thống kê các hoạt động hụi.
Cùng bày tỏ quan điểm về dự thảo nghị định này trên báo Tuổi trẻ, TS Vũ Đình Ánh, Viện nghiên cứu khoa học thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng nếu quy định chủ hụi phải đăng ký với cấp xã, phường cũng có nghĩa tất cả những quan hệ vay mượn dân gian đều phải lên đăng ký với UBND cấp xã, phường quản lý.
Trường hợp không làm vậy sẽ không thể phân biệt được đâu là hụi, đâu là quan hệ vay mượn thông thường giữa 2 cá nhân. Và muốn có quy định riêng để quản lý hụi thì tất cả các hoạt động vay mượn phải đăng ký, ngay cả quan hệ trong gia đình như con vay bố, anh, em, họ hàng vay nhau cũng phải ra phường đăng ký, chứ khó tách bạch được.
Cũng theo TS Vũ Đình Ánh, khó có đủ cơ sở để chứng minh thế nào là hụi, khi nào là quan hệ vay mượn cá nhân bình thường. Mà như vậy cũng vô lý vì trong khi hụi có quy định về số tiền trong khi vay mượn cá nhân không thể hạn chế số tiền là bao nhiêu.
Do vậy, quy định đăng ký riêng cho hụi là không khả thi.
Đồng quan điểm, LS Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, cũng khẳng định quy định chủ hụi phải đăng ký với chính quyền UBND cấp xã, phường để quản lý là khó khả thi. Thực tế, nghị định về hụi đã có từ năm 2006 nhưng tình trạng vỡ hụi vẫn xảy ra.
Hơn nữa, theo LS Trương Thanh Đức, hụi không phải là một ngành nghề kinh doanh. Nếu đưa ra khuyến nghị hướng dẫn để mọi người phòng ngừa thì hợp lý, bắt đăng ký như đăng ký tổ hợp tác, đăng ký hộ kinh doanh rất khó. Hơn nữa, giờ xã hội đã văn minh, có hàng loạt hình thức ngân hàng phục vụ cho vay tận nhà.
Và theo vị luật sư này, quan hệ vay mượn giữa các cá nhân cần tuân thủ các nguyên tắc có hợp đồng vay mượn. Trường hợp biến tướng phải xử lý theo quy định pháp luật dân sự, cơ quan quản lý không thể cầm tay chỉ việc với mọi quan hệ dân sự.
Minh Thái (Tổng hợp)
—————————————–
Đất Việt (Kinh tế) 26-01-2019:
http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/mo-hui-phai-khai-bao-chinh-quyen-3373555/
(177/1.018)