2.130. Khống chế chi phí lãi vay: Không phải hổ, có cần trói chặt?

(VNF) – Quy định khống chế chi phí lãi vay không vượt quá 20% tại Nghị định 20 được ban hành nhằm chống gian lận thuế khi kê khai giá giao dịch liên kết. Tuy nhiên chỉ có hổ mới phải trói chặt, còn doanh nghiệp trong nước đa phần chỉ là mèo con.

Việc khống chế chi phí lãi vay đang gây khó cho nhiều doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực có hệ số đòn bẩy cao.

Không nên xếp mọi doanh nghiệp vào một giỏ

Ngày 24/2/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định 20 quy định về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết.

Khoản 3, Điều 8 Nghị định 20 quy định: “Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kì của doanh nghiệp được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% tổng lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao của doanh nghiệp”.

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc Chính phủ ban hành Nghị định 20 về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết được xem là một bước tiến quan trọng để đảm bảo tính minh bạch và công bằng của quản lý thuế.

Tuy nhiên, TS Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh doanh (BDI), cho rằng điều bất hợp lí của nghị định này là áp dụng chung cho cả doanh nghiệp trong và ngoài nước – vốn có 2 chuẩn mực kế toán và điều kiện hoạt động khác nhau.

“Các doanh nghiệp nước ngoài theo chuẩn kế toán quốc tế (IAS) nên hầu hết các tài sản tài chính của doanh nghiệp đều được đánh giá lại theo giá thị trường để tính thuế. Các doanh nghiệp nước ngoài cũng có quyền lựa chọn các phương pháp tính khấu hao tùy thuộc vào mục tiêu kinh doanh của mình; có quyền trích lập dự phòng rủi ro cho nhiều loại tài sản nội bảng… Sự khác biệt này khiến cho việc so sánh về doanh thu, tỷ suất lợi nhuận, lợi nhuận trở nên rất phức tạp”, TS Nghĩa phân tích.

TS Lê Xuân Nghĩa

Xét về mục tiêu chống chuyển giá, theo đánh giá của Hiệp hội bất động sản Việt Nam (VnREA) việc gian lận thuế khi kê khai giá giao dịch liên kết chỉ phát sinh khi có sự chênh lệch thuế suất.

Giao dịch giữa hai công ty trong và ngoài Việt Nam thì có chênh lệch thuế suất nhưng giao dịch giữa hai công ty tại Việt Nam thì rất hiếm trường hợp chênh lệch như vậy. Do vậy, việc xếp doanh nghiệp trong nước và ngoài nước chung một giỏ kiểm soát của Nghị định 20 là không phù hợp.

Nói sát hơn về vấn đề này, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, bình luận: “Khác với các giao dịch liên kết đa quốc gia, ở trong mối quan hệ giao dịch liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau, thì về cơ bản chi phí của doanh nghiệp này sẽ là thu nhập của doanh nghiệp khác và tất cả đều nộp thuế ở Việt Nam. Do vậy, nếu cơ quan thuế bắt bẻ các doanh nghiệp Việt Nam trong trường hợp tổng số thuế phải nộp tại Việt Nam giữa các doanh nghiệp có giao dịch liên kết không giảm đi hoặc giảm một cách không đáng kể là quá máy móc, không cần thiết, không đúng với tinh thần và mục đích quy luật của pháp luật”.

Doanh nghiệp địa ốc chịu đòn nặng với quy định khống chế lãi vay

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, hầu hết doanh nghiệp Việt Nam đều có vốn tự có so với vốn vay rất thấp, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.

Dẫn kết quả khảo sát năm 2017, ông Nghĩa cho hay tỷ lệ vốn tự có trên vốn vay của 500 doanh nghiệp trên sàn chứng khoán Việt Nam chỉ khoảng 34%. Nếu tính chung cho doanh nghiệp vừa và nhỏ thì tỷ lệ này rất thấp. Tỷ lệ này trong khu vực kinh doanh bất động sản chỉ đạt 25%. Như vậy, chi phí tài chính từ các khoản vay vốn rất lớn.

Bên cạnh đó, lãi suất cho vay tại Việt Nam rất cao, thường gấp đôi, thậm chí gấp 2,5 lần các nước trong khu vực và thường kéo dài rất nhiều năm cũng như có xu hướng tăng ổn định. Điều này khiến cho doanh nghiệp Việt Nam phụ thuộc ngày càng nặng vào vốn vay và làm giảm khả năng tích tụ tài chính hợp pháp trong suốt quá trình kinh doanh. Đây cũng là lí do giải thích vì sao ở Việt Nam không hình thành được các tập đoàn công nghiệp lớn nhờ vào tích tụ tư bản, dù cho hiện có một vài tập đoàn đang cố gắng đứng vững ở mảng ngân hàng và bất động sản.

Theo TS Nghĩa, kinh doanh bất động sản nói chung đều sử dụng vốn vay trung – dài hạn, có lãi suất cao và có xu hướng tăng nhanh hơn lãi suất ngắn hạn do các quy định mới và kiểm soát dùng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Trong điều kiện thị trường trái phiếu doanh nghiệp và cổ phiếu còn rất yếu thì chi phí tài chính sẽ là gánh nặng ngày càng lớn cho doanh nghiệp bất động sản.

“Theo tính toán của chúng tôi, nếu lãi vay dài hạn bình quân vượt quá con số 12,5%/năm thì kinh doanh bất động sản sẽ gặp khó khăn lớn và giá trị gia tăng toàn ngành bị suy giảm mạnh khiến thị trường có thể rơi vào tình trạng nguội lạnh dần dần”, TS Nghĩa cho hay.

Phân tích về công thức: tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kì được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế không vượt quá 20% tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh + chi phí lãi vay + chi phí khấu hao, có thể thấy lợi nhuận thuần giảm khi giá thành tăng, mà giá thành lại đã bao gồm chi phí lãi vay.

Nói cách khác, lợi nhuận thuần giảm khi chi phí lãi vay tăng. Do đó, công thức này xét về mặt logic toán học có vẻ không ổn vì đó không phải là quan hệ đồng thuận.

“Chúng tôi đã áp dụng công thức này để tính toán thử cho một số công ty công nghiệp và công ty bất động sản. Kết quả cho thấy với mức lãi suất cho vay bình quân (ngắn hạn 7 -9%/năm, dài hạn 9 – 12%/năm) thì doanh nghiệp phải có vốn tự có gấp 3 – 4 lần vốn vay mới có thể đảm bảo chịu đựng được với một số điều kiện như dự án không kéo dài, có vốn góp trước một phần từ người mua và giá đất khởi đầu thấp, vốn tự có phải là thật và giá tiêu thụ phải ổn định, nghĩa là không gặp phải rủi ro thị trường và pháp lí. Trong khi đó, đây lại đều là các vấn đề còn tồn tại khá lớn tại Việt Nam”, TS Nghĩa phân tích.

TS Nghĩa cho rằng với các điểm chưa thỏa đáng như vậy, Bộ Tài chính nên xem xét lại và có lộ trình thích hợp để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt như hiện nay.

Tào Minh

————–

Vietnam Finance (Ngân hàng) 02-02-2019:

https://vietnamfinance.vn/khong-che-chi-phi-lai-vay-khong-phai-ho-co-can-troi-chat-20180504224219414.htm

(138/1.327)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.430. Giá nhà đất "trên trời", ngoại thành Hà...

Giá nhà đất "trên trời", ngoại thành Hà Nội có nơi hơn 600 triệu đồng/m2. (VTV)...

Trích dẫn 

3.979. "Vá" lỗ hổng livestream bán hàng.

"Vá" lỗ hổng livestream bán hàng (NLĐ) - Các nền tảng cần phải có...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 238,018