(TTVN) – Doanh thu phí BOT, cao tốc đang trong tình trạng doanh nghiệp khai bao nhiêu, cơ quan quản lý chưa có biện pháp giám sát, theo dõi hàng ngày.
Kiểm soát doanh hu phí BOT bằng cách nào?. Ảnh minh họa
Vụ cướp hơn 2,2 tỷ đồng vừa xảy ra tại trạm thu phí Dầu Giây trên cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây (HLD) lại một lần nữa khiến dư luận dấy lên sự nghi ngờ về tính minh bạch doanh thu phí BOT của các dự án đường bộ.
Mặc dù ngay sau đó, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã lên tiếng giải trình về số tiền bị cướp cũng như quy trình thu phí để khẳng định sự minh bạch, thế nhưng, nhiều ý kiến nêu rằng, đó mới chỉ là thông tin một chiều từ phía doanh nghiệp, chưa phải là thông tin chính thức của các cơ quan chức năng. Hơn nữa, quy trình thu phí đúng nhưng các cơ quan quản lý, các đơn vị liên quan có thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ của mình hay không lại là một câu chuyện cần phải đề cập.
Bình luận về lý giải của VEC, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, chẳng có doanh nghiệp nào điên mà để cả đống tiền hàng tỷ đồng như vậy ở trạm thu phí.
“Trạm thu phí là chỗ rất phập phù, an ninh không đảm bảo. Trạm nằm ngoài đường cao tốc, xe cộ qua lại nườm nượp, không dại gì mà để tiền nhiều ở đó. Chưa nói, nếu bài bản thì doanh nghiệp phải hợp tác với ngân hàng để chuyển tiền về gửi cho an toàn”, Luật sư Đức nói.
Trên cơ sở đó, ông Đức nhận định, khả năng rất cao là doanh nghiệp thu nhiều nhưng khai nộp ít, nếu đúng như vậy sẽ là chiếm đoạt, chiếm đoạt tài sản nhà nước chứ không còn là hành vi gian lận.
Với việc triển khai đồng loạt thu phí tự động trên cả nước, theo Luật sư Trương Thanh Đức sẽ đảm bảo minh bạch hơn. Tuy nhiên, ông vẫn lo ngại dù ít hay nhiều doanh nghiệp cũng sẽ tìm cách để “ăn” tiền của dân.
Doanh thu phí BOT, cao tốc đang trong tình trạng doanh nghiệp khai bao nhiêu, cơ quan quản lý chưa có biện pháp giám sát, theo dõi hàng ngày.
“Giai đoạn đầu khi triển khai sẽ lộ ra nhiều bất cập, gian lận trong thu phí trước đây, và quan trọng nhất là… doanh nghiệp “không được ăn nữa”. Do đó, nhiều chủ đầu tư BOT sẽ tìm cách chống đối, chây ì chưa triển khai thu phí tự động”, ông Đức chia sẻ.
Theo Giám đốc Công ty Luật ANVI, thu phí tự động vài tháng hiệu quả sẽ giúp thu hồi vốn cực kỳ nhanh, có thể trả lương cho cán bộ nhân viên của các doanh nghiệp BOT tới 10 năm. Thực tế, theo ông Đức, vốn các dự án BOT hiện nay chủ yếu là nhà nước và các ngân hàng lo.
Trao đổi bất cập dự án BOT giao thông sau nghi ngại việc VEC gian lận doanh thu phí BOT, , chuyên gia giao thông – TS. Nguyễn Xuân Thủy cho rằng cần áp dụng thu phí tự động không dừng (ETC) 100%. Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải từng hứa sẽ thực hiện thu phí tự động 100% từ cuối năm 2017, nhưng đến nay việc triển khai này vẫn rất ì ạch, trì hoãn.
Việc cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp cố tình trì hoãn, kéo dài thời gian áp dụng 100% thu phí tự động không dừng là có vấn đề, nếu không muốn nói là tiêu cực.
Vấn đề thu phí tự động không dừng (ETC) có thể nói là chủ đầu tư và cơ quan quản lý là Bộ Giao thông Vận tải như cố tình trì hoãn triển khai.
Thu phí tự động không dừng cũng phải thường xuyên kiểm tra, giám sát, chứ không phải ETC là không can thiệp, điều chỉnh được. Như một số trạm BOT đã được phát hiện dùng phần mềm để điều chỉnh nhằm gian lận số tiền thu được.
Thu phí tự động họ còn làm đủ thứ để gian lận, vậy thì cứ thu phí theo kiểu phát vé thu tiền thì không biết đâu mà lần.
Vấn đề cuối cùng là phải có Hội đồng giám sát trong đó có đại diện là người dân. Họ phải biết được số tiền doanh nghiệp thu như thế nào, có phần mềm kiểm tra, đo số xe thực tế đi qua trạm bao nhiêu một ngày. Minh bạch vấn đề BOT cần hơn bao giờ hết để đảm bảo trên nguyên tắc thu đúng, thu đủ.
PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, không phải ngẫu nhiên mà hầu hết các trạm thu phí đều viện mọi lý do để chậm trễ thực hiện việc triển khai thu phí tự động không dừng.
Theo ông Long, thực tế hiện nay chi phí, cách thức thu tại các trạm thu phí đều được doanh nghiệp công khai thông qua các số liệu từ sổ sách, chứng từ, nhưng chưa minh bạch. Doanh nghiệp vẫn tìm đủ cách này đến cách khác để gian lận.
Cũng theo chuyên gia này, để xảy ra tình trạng các trạm thu phí vẫn ngang nhiên vi phạm, gian lận, bên cạnh năng lực yếu kém, nguyên nhân chính vẫn là cơ quan chức năng thiếu trách nhiệm và buông lỏng quản lý. Về nguyên tắc, nguồn thu trong ngày của các trạm thu phải nộp vào ngân hàng, kho bạc, hoàn toàn có thể kiểm soát được.
Việc kiểm soát phương tiện nếu không đủ nhân lực, không làm được bằng thủ công thì có thể sử dụng công nghệ, dùng các phần mềm hoặc phối hợp với các cơ quan khác tìm ra giải pháp tối ưu. Không thiếu cách để làm, chủ yếu là cơ quan chức năng có thật sự làm khách quan, công tâm hay vẫn còn uẩn khúc, còn bị chi phối bởi các lợi ích nhóm bên trong.
Hoàng Linh/Sức Khỏe Cộng Đồng
———————————————–
Tin tức Việt Nam (Tài chính Bất động sản) 14-02-2019
https://tintucvietnam.vn/kiem-soat-doanh-thu-phi-bot-bang-cach-nao-59099
(333/1.099)