(TBCK) – Thời gian qua, Tổng công ty Điện lực miền Bắc tiến hành thoái vốn, cổ phần hóa ở hàng loạt đơn vị thành viên, công ty liên kết. Tuy nhiên, đằng sau câu chuyện này là “số phận” vốn nhà nước đã được chuyển hóa như thế nào?
EVN NPC thoái vốn tại hàng loạt công ty để tập trung cho nhiệm vụ cung cấp điện |
Kế hoạch thoái vốn khủng
Ngày 5/2/2010, Bộ Công Thương có Quyết định số 0789/QĐ-BCT về việc thành lập Công ty Mẹ – Tổng công ty Điện lực miền Bắc (NPC). Theo đó, đây là công ty THHH 1 thành viên do Tập đoàn Điện lực Việt Nam sở hữu 100% vốn điều lệ. Vốn điều lệ của NPC được xác định gồm vốn chủ sở hữu của Cty Điện lực 1 và phần vốn nhà nước tại Cty TNHH 1 thành viên Điện lực Hải Phòng, Điện lực Hải Dương, Điện lực Ninh Bình. EVN NPC có hơn 60 công ty con, đơn vị hạch toán phụ thuộc.
Thời điểm ấy, NPC thực sự là một trong những “ông lớn” của ngành điện. Đặc biệt, hàng loạt dự án, công ty do NPC nắm giữ cổ phần chi phối như (NEDI1, NEDI3, Thủy điện Nậm Chiến; Công ty liên doanh và chế tạo cột thép Huyndai Đông Anh, Công ty cổ phần Xây dựng điện lực 1, Công ty CP xây dựng điện Bắc Minh, Cty CP xây dựng điện Bản Vẽ, Thu Bồn, Đồng Nai, Thủy điện Nho Quế1, Nậm Mức, SaPa, Hồ Bốn… được giới đầu tư xem như những “con gà để trứng vàng” cho NPC.
Bắt đầu từ năm 2013, NPC tiến hành chiến lược thoái vốn theo đề án tái cơ cấu ngành điện tại hàng loạt công ty con, công ty liên kết, công ty cổ phần. Được biết, việc này vẫn đang tiếp tục diễn ra. Việc thoái vốn nhằm mục tiêu chính tái cơ cấu ngành, tập trung vào nhiệm vụ chính là bán điện tại 27 tỉnh miền Bắc.
Sẽ là bình thường nếu quá trình thoái vốn trên bảo toàn tài sản của nhà nước. Tuy nhiên, đây lại là vấn đề đang được dư luận cũng như giới đầu tư quan tâm và có không ít ý kiến trong thời gian qua.
Công văn số 1553/EVN/NPC-TCKT do Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Thiều Kim Quỳnh ký |
Thiệt hại lớn?
Một trong những câu chuyện thoái vốn gây chú ý đặc biệt tại EVN NPC chính là việc báo chí đã phản ánh về dấu hiệu thất thoát tài sản nhà nước tại CTCP Xây lắp Điện lực 1 sau khi doanh nghiệp này tiến hành tăng vốn vào đầu năm 2016.
CTCP Xây lắp Điện lực 1 tiền thân là Xí nghiệp Xây lắp điện thuộc Công ty Điện lực 1 (hiện là EVN NPC), được tiến hành cổ phần hóa từ năm 2005. Thời điểm đó, vốn điều lệ của Công ty ổn định ở mức 8 tỷ đồng, tương ứng 800.000 cổ phần. Trong đó Nhà nước là cổ đông lớn nhất với tỷ lệ sở hữu 48,31% bao gồm EVN NPC chiếm 29,21% và Công đoàn EVN NPC nắm giữ 19,1%.
Đầu năm 2016, EC1 chủ trương phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn từ 8 tỷ đồng lên 40 tỷ đồng. Tuy nhiên ngày 25/4/2016, EVN NPC có Công văn số 1553 do Chủ tịch kiêm TGĐ Thiều Kim Quỳnh ký chỉ đạo không góp thêm vốn tại đây. Điều này khiến cho sau khi tăng vốn lên 40 tỷ đồng, tỷ lệ vốn nhà nước tại EC1 chỉ còn là 5,84%, tỷ lệ nắm giữ của cổ đông bên ngoài tăng từ 51,69% lên 90,34%.
Với việc chỉ còn 5,84% vốn Nhà nước, EC1 sẽ mất đi rất nhiều quyền lợi khi đang sở hữu 2 mảnh đất sử dụng làm trụ sở và nhà làm việc ở An Dương – Tây Hồ (Hà Nội), có diện tích lần lượt là 3.350m2 và 8.109m2, được đánh giá là có vị trí đẹp, ngay giáp hai hồ điều hòa lớn nhất Thủ đô là hồ Tây và hồ Trúc Bạch.
Đánh giá về vấn đề này, Luật sư Lê Đức Thắng (Trưởng VPLS Lê & đồng sự – Đoàn LSTP. Hà Nội) cho hay: Thời gian qua, có quá nhiều câu chuyện tài sản Nhà nước bị thâu tóm qua con đường cổ phần hóa. Một trong những kẽ hở chính là việc tăng vốn nhưng cổ đông chính, cổ đông là người lao động lại không mua. Do đó, cá nhân, nhóm lợi ích bên ngoài bỏ tiền mua phần vốn tăng để trở thành cổ đông chi phối, chiếm quyền điều hành doanh nghiệp, tài sản Nhà nước. “Tôi cho rằng, với một doanh nghiệp như CTCP Xây lắp Điện lực 1, nếu việc tăng vốn điều lệ từ 8 lên 40 tỷ đồng được tiến hành thận trọng, tài sản của Nhà nước tại đây sẽ được bảo toàn”- Luật sư Lê Đức Thắng đánh giá.
Ông Thiều Kim Quỳnh |
Ông Thiều Kim Quỳnh có làm sai quy định?
Liên quan đến câu chuyện này, được biết, trong một báo cáo năm 2017 Tổng giám đốc EVN ông Đặng Hoàng An (hiện là Thứ trưởng Bộ Công thương – PV), việc EVN NPC thông qua chủ trương tăng vốn điều lệ tại CTCP nhưng không chuyển nhượng quyền mua là chưa đúng quy định tại khoản 5 Điều 38 Nghị định 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp, đồng thời chưa đảm bảo nghĩa vụ bảo toàn và phát triển vốn EVN đầu tư tại EVN NPC theo quy định tại Điều 10 Điều lệ EVN NPC.
Khoản 5 Điều 38 Nghị định 91/2015 quy định trường hợp vốn góp nhà nước đã đầu tư vào các doanh nghiệp không thuộc lĩnh vực nhà nước cần tiếp tục đầu tư thêm thì cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, quyết định chuyển nhượng quyền mua cổ phần phát hành thêm. Nguyên tắc chuyển nhượng quyền mua cổ phần, quyền góp vốn thực hiện theo phương thức đấu giá công khai.
Theo quy chế quản lý vốn và người đại diện của EVN tại công ty con, công ty liên kết quy định, EVN quản lý vốn đầu tư vào công ty con, công ty liên kết thông qua người đại diện. Người đại diện thực hiện các chỉ đạo của EVN, thay mặt EVN thực hiện quyền của cổ đông, quyền của chủ sở hữu công ty tại công ty con, công ty liên kết. Quy chế này cũng quy định HĐTV hoặc Chủ tịch công ty con do EVN nắm giữ 100% vốn điều lệ thực hiện theo ủy quyền của EVN, chịu trách nhiệm quản lý vốn đầu tư vào công ty con, công ty liên kết theo các quy định hiện hành để bảo toàn, phát triển vốn đầu tư của công ty.
Được biết, căn cứ kết quả định giá doanh nghiệp, giá trị 01 cổ phần EC1 theo Báo cáo tài chính ngày 31/12/2015 là 8.869 đồng, thấp hơn mệnh giá phát hành là 10.000 đồng. Như vậy EVN NPC xác định quyền mua cổ phần thuộc quyền mua của EVN NPC là 0 đồng/cổ phần, nên không thực hiện xem xét triển khai bán quyền mua theo quy định mà lựa chọn hình thức chuyển quyền mua cho cán bộ công nhân viên của EVN NPC.
Tuy nhiên, theo Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng – VNBA, giải thích như trên là chưa đúng với quy định luật pháp hiện hành. Nghị định 91/2015 áp dụng cho tất cả các trường hợp chuyển nhượng quyền mua đối với cổ đông nhà nước, không có chi tiết nào về việc giá trị sổ sách dưới mệnh giá phát hành thì không chịu sự điều chỉnh của khoản 5 Điều 38 Nghị định này. Quy định về bán đấu giá công khai quyền mua cổ phần là nhằm đảm bảo tối đa quyền lợi của nhà nước, tránh lợi ích nhóm thao túng doanh nghiệp, gây thất thoát cho ngân sách.
Nguyễn Thạch Trí Vĩnh
————————-
Thời báo Chứng khoán (Quản trị – Kỹ trị) 15-02-2019:
http://www.tbck.vn/dau-hoi-ve-so-phan-tai-san-cong-29499.html
(132/1.443)