(NDH) – Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng nên bỏ luật đầu tư và chuyển quy định về ngành nghề kinh doanh đầu tư về Luật Doanh nghiệp.
Ngày 20/2, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Kế hoạch Đầu tư đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến về dự thảo luật sửa đổi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp. Ông Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI đã có tham luận góp ý đối với dự thảo luật sửa đổi.
Kiến nghị bỏ Luật Đầu tư
Theo ông Đức, sau 3 năm thi hành, những nội dung dự kiến sửa đổi gồm 75 điều trên tổng số 289 điều của 2 Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (kể cả việc thay thế cụm từ) và 9 luật khác. Năm 2016, Luật cũng đã sửa đổi 3 điều và 1 phụ lục Luật Đầu tư.
Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng việc sửa đổi không phải là đổi mới mà chủ yếu là sửa sai. Ông Đức dẫn chứng định nghĩa doanh nghiệp Nhà nước từ chỗ là 100% vốn Nhà nước chuyển thành trên 50% theo Luật Doanh nghiệp 2005 rồi lại đổi thành 100% theo Luật Doanh nghiệp 2014, sắp tới quay về trên 50% (khoản 2, Điều 2 dự thảo).
Một ví dụ khác như, định nghĩa kinh doanh được lấy nguyên trong qui định tại Khoản 2, Điều 4 về “Giải thích từ ngữ” tại Luật Doanh nghiệp năm 2015 đã bị bỏ đi trong Luật năm 2014. Hay như quy định về vốn pháp định, trước đó luật đã quy định nhưng rồi bị bỏ, sau đó lại thêm vào.
“Nếu việc sửa đổi còn luẩn quẩn, không rõ mục tiêu sẽ dẫn đến nguy cơ còn phải sửa đổi nhiều nữa”, ông Đức nhấn mạnh.
Ông Đức cho rằng cần chuẩn bị viết lại Luật Doanh nghiệp, thay đổi một cách căn bản quan điểm.
Trước mắt, ban soạn thảo cần sửa đổi những vấn đề cần thiết nhất.
Đối với Luật Đầu tư, ông Đức nêu quan điểm, điểm cốt lõi của luật này là danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh. Đầu tư là một hoạt động của doanh nghiệp. Trước đây, Luật Doanh nghiệp đã có quy định về ngành nghề kinh doanh nhưng sau đó bị loại bỏ. Ông Đức kiến nghị nên chuyển những điểm quy định về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh về Luật Doanh nghiệp như trước đây, và bỏ Luật Đầu tư.
Các hoạt động đầu tư sẽ phải thực hiện các luật liên quan như Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Phòng cháy chữa cháy,… Đầu tư của doanh nghiệp là quyền tự chủ của doanh nghiệp. Đầu tư của Nhà nước sẽ theo Luật Đầu tư công. Do vậy, nếu chuyển nội dung cần thiết về đầu tư, Luật Doanh nghiệp sẽ bổ sung thêm một chương về đầu tư, trong đó có đầu tư nước ngoài.
Ông Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI.
Kiến nghị bỏ hình thức hộ kinh doanh và quy định đóng dấu theo quy định pháp luật
Mặt khác, ông Đức cũng kiến nghị loại bỏ hình thức hộ kinh doanh, để chuyển thành doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty. Đồng thời luật cần quy định giai đoạn chuyển tiếp và chế độ quản lý tài chính kế toán đơn giản, phù hợp với thực tế. Hiện nay, hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh một tổ chức kinh doanh chuyên nghiệp, thường xuyên bản chất là doanh nghiệp tư nhân (trách nhiệm vô hạn và không có tư cách pháp nhân). Hình thức hộ kinh doanh được sinh ra nhằm lấp chỗ trống thời kỳ cấm doanh nghiệp tư nhân, hiện tại đã hết vai trò. Duy trì hình thức hộ kinh doanh bên cạnh các hình thức khác là bất bình đẳng và mập mờ pháp lý.
Bên cạnh đó, ông Đức đề xuất bỏ quy định về việc đóng dấu theo quy định của pháp luật. Trường hợp cần thiết phải quy định cụ thể trong Luật Doanh nghiệp hoặc các luật khác. Theo ông Đức, dự thảo Luật bỏ yêu cầu doanh nghiệp phải đăng ký mẫu dấu trước khi sử dụng nhưng không xử lý việc hàng chục lĩnh vực mà doanh nghiệp hoặc bản chất giống với doanh nghiệp như công ty luật, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, hợp tác xã phải được cơ quan Công an cấp “Giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu”.
Bên cạnh đó, bản tham luận của ông Đức còn nêu lên một số vấn đề trong việc bầu và đảm nhiệm chức danh HĐQT của doanh nghiệp. Ông kiến nghị khôi phục quy định về nhiệm kỳ của HĐQT và bắt buộc bầu HĐQT theo phương thức dồn phiếu nhằm đảm bảo quyền của nhóm cổ đông thiểu số.
Lê Hải
—————————————————————–
Người đồng hành (Doanh nghiệp) 20-02-2019:
(889/889)