2.154. Còn nhiều dư địa để đổi mới Luật Doanh nghiệp

(BNews) – Hai đạo luật được coi là quan trọng trong hệ thống pháp luật về kinh doanh, có tác động trực tiếp đến sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp; tạo thuận lợi cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Hội thảo “Lấy ý kiến doanh nghiệp đối với Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư”. 

Ảnh: Ngọc Quỳnh/Bnews-TTXVN

Sáng 20/2 tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội thảo “Lấy ý kiến doanh nghiệp đối với Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư”.

Hai đạo luật này được coi là quan trọng trong hệ thống pháp luật về kinh doanh và có tác động trực tiếp đến sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp; cũng như tạo thuận lợi cho việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam.

Tại hội thảo, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhận định, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư 2014 đã không chỉ tạo ra những đột phá trong lĩnh vực đầu tư, thành lập doanh nghiệp mà còn là các văn bản tạo “cảm hứng” cho các văn bản chuyên ngành về kinh doanh khác.

Chính phủ đã có những chương trình cắt giảm hoá và đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, chuyển trọng tâm quản lý nhà nước từ tiền kiểm sang hậu kiểm, liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính…

Theo ông Lộc, môi trường kinh doanh và đầu tư của Việt Nam cũng đã có những chuyển biến thuận lợi. Tốc độ thành lập doanh nghiệp mới trong 3 năm gần đây đạt mức cao nhất trong 20 năm qua. Khu vực kinh tế tư nhân đã có những bước phát triển khởi sắc, tuy nhiên, vẫn còn những điểm chưa thật hoàn hảo và chưa hoàn toàn tốt như kỳ vọng, đòi hỏi cần tiếp tục cải cách hơn nữa, nhiều vướng mắc cũng cần phải được giải quyết ngay và triệt để.

Dẫn chứng một số vấn đề cần được sửa đổi và bổ sung ở 2 đạo luật này, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế (VCCI) nêu rõ, thủ tục đăng ký doanh nghiệp được ca ngợi là bước tiến của cải cách thủ tục hành chính, song trên thực tế vẫn còn một số vướng mắc, gây khó khăn cho doanh nghiệp như việc xác định mã ngành cấp 4 khi đăng ký kinh doanh. Thời gian hoàn thành việc đăng ký doanh nghiệp trên thực tế với quy định của luật cũng còn vênh nhau.

Hộ kinh doanh buôn chuyến phải thực hiện nhiều thủ tục không cần thiết như thông báo với cơ quan thuế, cơ quan quản lý thị trường ở các địa điểm kinh doanh… Những bất cập này có thể là cản trở, thông điệp ngược cho tinh thần cải cách của đạo luật này.

Hiện nay, Việt Nam có gần 5 triệu hộ kinh doanh cá thể. Các hộ kinh doanh cá thể có đóng góp rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của đất nước. Dù chiếm đến hơn 30% GDP nhưng khung khổ chính sách áp dụng đối với chủ thể kinh doanh này hiện còn rất thiếu, chưa có sự bình đẳng so với các doanh nghiệp hoạt động chính thức.

Nhiều chính sách hiện tại khiến cho các hộ kinh doanh cá thể ngần ngại khi cần chuyển đổi lên thành doanh nghiệp. Liên quan đến việc chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể cũng có nhiều văn bản khác nhau như (về thuế, về kế toán, về đất đai hay lao động…).

Nhưng với tư cách là đạo luật gốc về doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp hiện hành cần tính đến giải pháp thúc đẩy sự chuyển đổi của hộ kinh doanh cá thể lên thành doanh nghiệp chính thức, tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi và công bằng, tăng cường chất lượng quản trị để dần hình thành một thế hệ doanh nghiệp tư nhân đủ lớn, đủ mạnh, ông Tuấn nhấn mạnh.

Khẳng định yêu cầu bức thiết cần sửa Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, đã đến lúc cần đặt câu hỏi là tại sao những đơn vị hộ kinh doanh sử dụng hàng chục, hàng trăm lao động… nhưng không được xem là doanh nghiệp? Họ chính là các doanh nghiệp tư nhân đích thực nhất. Tại sao không thúc đẩy họ áp dụng những tiêu chuẩn quản trị tốt để dần lớn lên thành những doanh nghiệp đủ lớn? Cần phải tháo bỏ các rào cản về thuế, về sổ sách kế toán… để hàng triệu hộ kinh doanh có động lực trở thành một cộng đồng doanh nghiệp tư nhân đủ mạnh.

Giải pháp cần làm trong Luật Doanh nghiệp sửa đổi lần này một mặt là giảm tối đa các điều kiện hoạt động cho nhóm doanh nghiệp chính thức nhỏ và siêu nhỏ, tạo tiền đề để sửa các luật về thuế và Luật Kế toán thời gian tới.

Mặt khác, tạo cơ chế khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp. Đã tới lúc các hộ kinh doanh, khu vực chiếm đến hơn 30% GDP, cần một khung khổ pháp lý riêng, thậm chí một chương riêng trong Luật Doanh nghiệp, chứ không chỉ phải vài điều khoản trong Nghị định hướng dẫn Luật Doanh nghiệp như hiện nay, ông Lộc nêu rõ quan điểm.

Về Luật Đầu tư, đứng ở góc độ chuyên môn, theo ông Đậu Anh Tuấn, thủ tục đầu tư hiện nay đã có nhiều tiến bộ, cởi mở, tuy nhiên vẫn còn sự chồng chéo giữa các văn bản có liên quan với nhau. Chẳng hạn như: thời điểm nào đánh giá tác động môi trường (trước hay sau khi có chấp thuận chủ trương đầu tư?); thủ tục đầu tư của Luật Đầu tư có phải được áp dụng thống nhất không, các văn bản pháp luật chuyên ngành khác có được quyền yêu cầu thêm các loại giấy tờ khác trong hồ sơ không?….

Mối quan hệ giữa Luật Đầu tư với các luật chuyên ngành khác như Luật Bảo vệ Môi trường, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu … cũng cần được bàn đến và phải được giải quyết trong 2 đạo luật mới sau khi được sửa đổi.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI bày tỏ quan điểm: “Gần như toàn bộ những thành công, thành quả, thành tích, thành tựu cải cách và phát triển kinh tế đều là nhờ ở sự sửa sai. Do vậy rất cần sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp nói riêng và các luật khác nói chung và sửa càng mạnh dạn, càng triệt để càng tốt”.

Theo Luật sư Đức, cần viết lại Luật Doanh nghiệp và thay đổi một cách căn bản về mặt quan điểm. Việc sửa đổi không phải là đổi mới, mà chủ yếu là sửa sai. Có nhiều vấn đề bất cập từ lâu, nhưng chưa được giải quyết như không tập trung đăng ký kinh doanh tất cả các hoạt động kinh doanh không chỉ của doanh nghiệp mà còn của mọi pháp nhân…

Ông Đức cho rằng, nếu việc sửa đổi còn luẩn quẩn, không rõ mục tiêu, sẽ dẫn đến nguy cơ còn phải sửa đổi tiếp tục thêm nhiều lần nữa. Ví dụ doanh nghiệp nhà nước từ chỗ là 100% vốn nhà nước, sang trên 50% theo Luật Doanh nghiệp năm 2005, rồi đổi 100% theo Luật Doanh nghiệp năm 2014 và giờ lại định quay về trên 50% .

Riêng về Luật Đầu tư, Luật sư Đức cho rằng nên bỏ luật này; đồng thời chuyển Danh mục ngành, nghề cấm và đầu tư kinh doanh có điều kiện quay lại Luật Doanh nghiệp. Đương nhiên, mọi hoạt động đầu tư đều phải thực hiện các luật liên quan như Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Phòng cháy, chữa cháy…

Đầu tư của doanh nghiệp là quyền tự chủ của doanh nghiệp. Còn đầu tư của Nhà nước thì phải theo Luật Đầu tư công. Do vậy, chuyển những nội dung cần thiết về đầu tư sang Luật Doanh nghiệp, có thể thêm 1 chương về đầu tư, trong đó có đầu tư nước ngoài….

Trong trường hợp sửa đổi, thì theo ông Đức, Luật Đầu tư 2014 cần tập trung làm rõ và sửa đổi các nội dung liên quan đến quy định thủ tục đăng ký và công bố thông tin; quy định về ngành nghề đầu tư kinh doanh, về chủ thể kinh doanh, về loại hình công ty, về con dấu doanh nghiệp, về người đại diện theo pháp luật, về quyền của cổ đông, về nhiệm kỳ hội đồng quản trị, về phương thức bầu cử… cùng nhiều nội dung khác.

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho biết, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư 2014 đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp. Tuy nhiên, ở mỗi thời điểm đều có sự thay đổi về thực tiễn khách quan nên lần này về mặt cơ bản là sẽ thống nhất sửa nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy sáng tạo, những vấn đề về đăng ký kinh doanh sẽ cơ bản được tháo gỡ và đơn giản hóa.

Theo Thứ trưởng Vũ Đại Thắng, điều này sẽ thúc đẩy tinh thần kinh doanh, sáng tạo và gia nhập thị trường của doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh hội nhập, khi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu hay Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đang và sẽ được thực hiện trong thời gian không xa.

Những ý kiến đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp và đại diện VCCI là rất xác đáng, ban soạn thảo và phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư rất đồng tình và sẽ tiếp thu để báo cáo, trên cơ sở đó tổng hợp và thống nhất nội dung trong quá trình sửa đổi 2 đạo luật này./.

Thạch Huê/TTXVN/BNEWS

—————————————–

Bnews (Thời sự) 20-02-2019:

https://bnews.vn/con-nhieu-du-dia-de-doi-moi-luat-doanh-nghiep/113507.html

(432/1.789)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.429. Củng cố pháp luật để phát triển trung...

Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính. (KTVN) - Theo...

Trích dẫn 

3.978. Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế...

Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế thu nhập cá nhân. (DĐDN)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,984