(Biz) – Chủ tịch VCCI, Vũ Tiến Lộc cho hay: “Luật Doanh nghiệp mới cần phải có những quy định để công nhận hộ kinh doanh là một loại hình doanh nghiệp và đồng thời phải có những quy định pháp lý phù hợp”.
Toàn cảnh hội thảo “Lấy ý kiến doanh nghiệp Dự thảo Luật sửa đổi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp”
Tại hội thảo “Lấy ý kiến doanh nghiệp Dự thảo Luật sửa đổi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 20/2, Chủ tịch VCCI, ông Vũ Tiến Lộc cho hay: “Hiện tại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì soạn thảo Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp”.
Đối với Luật Đầu tư, Dự thảo sửa đổi nhiều vấn đề quan trọng như thủ tục đầu tư, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, địa vị pháp lý của nhà đầu tư nước ngoài, bãi bỏ 26 ngành nghề kinh doanh có điều kiện,… còn đối với Luật Doanh nghiệp, Dự thảo sửa đổi các quy định liên quan đến doanh nghiệp nhà nước, tổ chức, hoạt động, quản trị của doanh nghiệp, bãi bỏ con dấu doanh nghiệp, chế độ báo cáo, yêu cầu thay đổi thông tin đăng ký doanh nghiệp…
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp cụ thể như: Vấn đề đầu tư nước ngoài, điều kiện kinh doanh,.. đối với Luật Doanh nghiệp là các chính sách pháp luật đối với khu vực hộ kinh doanh.
Sửa luật để điều chỉnh hộ kinh doanh
Trong đó, ông Lộc cho hay: “Khu vực hộ kinh doanh cá thể tạo ra 3% GDP mà lại không nằm trong Luật doanh nghiệp mà chỉ công nhận 700.000 doanh nghiệp tạo ra khoảng 8% GDP mỗi năm. Vì vậy, cần sửa đổi căn bản Luật Doanh nghiệp mà yêu cầu cốt lõi là điều chỉnh 5 triệu hộ kinh doanh và xây dựng những chính sách khác phù hợp với họ”.
Luật Doanh nghiệp mới cần phải có những quy định để công nhận hộ kinh doanh là một loại hình doanh nghiệp và đồng thời phải có những quy định pháp lý trong hệ thống pháp luật để quy định khu vực này. Tuy nhiên, bản thân các hộ kinh doanh gia đình là các doanh nghiệp siêu nhỏ nên phải có những quy định pháp lý, chính sách pháp luật phù hợp”.
“Không thể bắt các doanh nghiệp siêu nhỏ cũng thực hiện các quy định, thủ tục hành chính hay các gánh nặng thuế như doanh nghiệp quy mô lớn. Vậy nên, phải thiết kế lại toàn bộ hệ thống pháp lý của nước ta đối với các doanh nghiệp siêu nhỏ, tức là các hộ kinh doanh gia đình”, ông Lộc cho hay.
Có hai vấn đề rất quan trọng là chính sách thuế và kế toán đối với các doanh nghiệp siêu nhỏ. Trong đó, cần thực hiện chính sách thuế đơn giản, hợp lý, hoàn toàn có thể thực hiện thuế khoán và thực hiện kế toán đơn chứ không phải kế toán kép để phù hợp với trình độ quản lý của các hộ kinh doanh.
“Chỉ khi có chính sách về thuế, kế toán, thanh tra kiểm tra phù hợp với hộ kinh doanh cũng như giảm đi các thủ tục hành chính thì mới phát triển được khu vực này”, Chủ tịch VCCI nhận định.
Bất bình đẳng giữa doanh nghiệp và hộ kinh doanh
Luật sư Trương Thanh Đức phát biểu tại Hội thảo
Đồng quan điểm luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng: “Hộ kinh doanh phải đăng ký kinh doanh được sinh ra để lấp chỗ trống thời kỳ cấm doanh nghiệp tư nhân, nay đã hết vai trò. Duy trì hộ kinh doanh bên cạnh các loại hình doanh nghiệp là một sự bất bình đẳng, một sự mập mờ pháp lý”. Vì vậy, cần loại bỏ hộ kinh doanh (phải đăng ký kinh doanh), để chuyển thành doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty.
Nhưng đồng thời quy định một giai đoạn chuyển tiếp và chế độ quản lý, tài chính, kế toán hết sức đơn giản, phù hợp với thực tế. Cụ thể là coi như doanh nghiệp áp dụng “Chế độ kế toán hộ kinh doanh” hiện hành, ban hành theo Quyết định số 169/2000/QĐ- BTC ngày 25-10-2000 về (đã được sửa, bổ sung theo Quyết định số 131/2002/QĐ- BTC ngày 18-10-2002).
Chế độ kế toàn này cần đơn giản hơn Thông tư số 132/2018/TT-BTC ngày 28-12-2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính “Hướng dẫn chế độ kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ”.
Hà An
—————————————————
BizLive (Kinh tế đầu tư) 20-02-2019:
(204/858)