2.160. Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc: Pháp luật cần cấp bách “mở cửa” cho 5 triệu hộ kinh doanh cá thể phát triển

(TT)  – Theo ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện nay, hệ thống luật pháp Việt Nam đang gần như “bỏ quên” hoàn toàn việc công nhận, bảo đảm địa vị pháp lý, các quyền và nghĩa vụ của hộ kinh doanh cá thể trong khi sức sáng tạo và đóng góp của bộ phận này cho nền kinh tế là vô cùng quan trọng. Chính vì thế, pháp luật cần cấp bách “mở cửa” để tạo đà phát triển cho hàng triệu hộ kinh doanh cá thể trên cả nước. 

Sáng 20/02, hội thảo “Lấy ý kiến doanh nghiệp dự thảo Luật sửa đổi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức đã nhận được sự quan tâm đông đảo của đại diện các bộ, ngành cùng rất nhiều đơn vị doanh nghiệp trên cả nước.

Tham dự hội thảo có sự góp mặt của ông Vũ Đại Thắng – Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng đại biểu đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài Chính, Bộ Công Thương, các cơ quan thông tấn báo chí cùng nhiều doanh nghiệp khác. Hội thảo đã giải đáp nhiều vấn đề quan trọng xoay quanh các kiến nghị, đề xuất của các cơ quan, doanh nghiệp liên quan đến dự thảo Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp.

Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết đối với hệ thống pháp luật kinh doanh nói riêng và tác động đối với nền kinh tế nói chung, hai bộ luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp luôn giữ vai trò tiên phong với những ảnh hưởng không hề nhỏ. Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế hiện nay, với những mục tiêu lớn thì động lực phát triển đòi hỏi cần phải có cải cách quy mô đối với Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, bởi có rất nhiều việc cần phải làm, nhiều vướng mắc cần phải giải quyết và nhiều quy định cần được sửa đổi ở hai đạo luật này.

Cụ thể, đối với vấn đề liên quan đến Luật Doanh nghiệp, ông Lộc cho rằng vẫn còn một số quy định gây khó khăn cho doanh nghiệp như: việc xác định mã, ngành, cấp vốn khi đăng ký kinh doanh, thời gian hoàn thành đăng ký kinh doanh trên thực tế, hộ kinh doanh còn phải thực hiện nhiều thủ tục rườm rà, không cần thiết,… Những bất cập này có thể là cản trở, là thông điệp ngược cho tinh thần cải cách của luật Doanh nghiệp.

Đặc biệt, ông Lộc nhấn mạnh, vấn đề cốt lõi quan trọng bậc nhất của cải cách Luật Doanh nghiệp lần này chính là những quy định liên quan đến trên 5 triệu hộ kinh doanh cá thể. Theo Chủ tịch VCCI, về bản chất, 5 triệu hộ kinh doanh cá thể này chính là các doanh nghiệp. Trên thế giới, không có nước nào bỏ các hộ kinh doanh này ra khỏi phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp. Tại Việt Nam, bộ phận này chiếm tới 30% GDP trên cả nước nhưng một điều đáng buồn là không được quy định tại bất cứ văn bản pháp luật nào, đồng thời còn bị loại ra khỏi cộng đồng doanh nghiệp.

“Vì thế, tại dự thảo luật lần này, tôi nghĩ phải là một cánh cửa để mở ra cho trên 5 triệu hộ kinh doanh chính thức hóa thành doanh nghiệp.” – Ông Lộc cho biết.

Quang cảnh hội thảo “Lấy ý kiến doanh nghiệp dự thảo Luật sửa đổi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp” 

Cũng theo Chủ tịch VCCI, hiện nay, xu hướng của thế giới trong những năm gần đây, đặc biệt dưới tác động của nền kinh tế số và quá trình hội nhập, chúng ta bắt đầu nói nhiều đến các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ và đó cũng là bản chất của các hộ kinh doanh cá thể. Tuy nhiên, trong hệ thống pháp luật của chúng ta thì các hộ kinh doanh không được coi là một doanh nghiệp và điều đó chắc chắn là điểm nghẽn lớn nhất của hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay.

Ông Lộc đặt câu hỏi tại sao không chính thức hóa khu vực này, tại sao không đưa các hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp? Phải chăng, hệ thống pháp luật kinh doanh đang gặp thiếu sót rất lớn khi đặt 30% GDP của nền kinh tế ra khỏi phạm vi luật điều chỉnh?

Nếu chấp nhận nâng các hộ kinh doanh cá thể lên thành các doanh nghiệp có quy mô nhỏ theo đúng quan điểm của các nền kinh tế thế giới thì ngay lập tức, đất nước Việt Nam sẽ có ngay hàng triệu doanh nghiệp với sức mạnh sáng tạo vô cùng lớn. Dĩ nhiên, cần phải có những quy định cụ thể về khung khổ pháp lý đối với hàng triệu hộ kinh doanh cá thể để làm sao khuyến khích họ phát triển hơn nữa, vượt qua sự hạn chế về mặt quy mô kinh doanh. Chắc chắn, nếu được tạo điều kiện, sự phát triển của 5 triệu hộ kinh doanh cá thể với 30% GDP sẽ tạo ra bước đột phá cho nền kinh tế Việt Nam.

“Thiết nghĩ, chúng ta muốn thành hổ, thành rồng thì trước hết chúng ta cũng phải biết chăm chút, lo toan đến việc hóa bướm của đàn tằm, và trong nền kinh tế nước ta, đó chính là các hộ kinh doanh. Mặc dù có hạn chế về mặt quy mô nhưng sức sáng tạo của các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ là lớn nhất trong nền kinh tế thế giới và đây cũng chính là xương sống của nền kinh tế. Chúng ta cần các doanh nghiệp lớn nhưng chúng ta càng cần hơn nhiều các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ.

Tôi tha thiết đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các cơ quan soạn thảo pháp luật của Chính phủ hãy thay đổi Luật Doanh nghiệp theo tinh thần này, để hàng triệu hộ gia đình có đăng ký kinh doanh có thể chính thức tham gia vào cộng đồng doanh nghiệp, tạo điều kiện tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa cho nền kinh tếnước nhà.” – Chủ tịch Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Liên quan tới chủ thể kinh doanh, theo Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC cho rằng, cần loại bỏ hộ kinh doanh phải đăng ký kinh doanh để chuyển thành doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty. Bởi hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh (khác với hộ kinh doanh không bắt buộc phải đăng ký kinh doanh) là một tổ chức kinh doanh chuyên nghiệp, thường xuyên, bản chất chính là và phải là doanh nghiệp tư nhân.

Tham luận tại hội thảo, đồng quan điểm trên, Luật sư Lê Văn Hà – Công ty Luật Pathlaw phân tích, xét từ góc độ chính sách, hiện nay không có bất kỳ văn bản pháp luật nào quy định về địa vị pháp lý, quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình có đăng ký kinh doanh. Trong khi đây là đối tượng đông đảo nhất về số lượng, là khu vực tạo ra nhiều việc làm nhất trong nền kinh tế, với gần 10 triệu việc làm.

Với nhận định, hộ gia đình đăng ký kinh doanh là đối tượng dễ chịu tác động nhất từ các cam kết về mở cửa thị trường theo WTO, FTA và CPTPP, đặc biệt là các hộ kinh doanh trong lĩnh vực phân phối – bán lẻ, dịch vụ, luật sư Hà đề nghị cần mở rộng đối tượng điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp bao gồm cả hộ gia đình và cá nhân có đăng ký kinh doanh. Đồng thời, cần bổ sung quy định về địa vị pháp lý, quyền và nghĩa vụ của hộ đăng ký kinh doanh, hoặc phải có một văn bản luật riêng quy định về hộ gia đình đăng ký kinh doanh để tạo điều kiện khuyến khích sức sáng tạo và sự phát triển của khu vực kinh tế này.

Nguyễn Loan

—————————————————-

Thương trường (Kinh tế) 20-02-2019:

http://thuongtruong.com.vn/kinh-te/chu-tich-vcci-vu-tien-loc-phap-luat-can-cap-bach-mo-cua-cho-5-trieu-ho-kinh-doanh-ca-the-phat-trien-10588.html

(90/1.520)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.429. Củng cố pháp luật để phát triển trung...

Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính. (KTVN) - Theo...

Trích dẫn 

3.978. Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế...

Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế thu nhập cá nhân. (DĐDN)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,985