(DV) – Với những dự án tâm linh quy mô hàng nghìn ha đất làm “dậy sóng” dư luận thời gian qua, nhiều ý kiến cho rằng, các doanh nghiệp đang triệt để lợi dụng việc “kinh doanh” tâm linh để “móc ví” người dân một cách êm ái.
Rót tiền xây chùa… để kinh doanh?
Một “kịch bản” đang được doanh nghiệp Xuân Trường tạo ra để phát triển dự án du lịch tâm linh tại nhiều địa phương như: Ninh Bình, Hà Nam, Thái Nguyên, Hải Phòng. Cụ thể, việc phát triển dự án khu du lịch tâm linh đều có diện tích rất rộng lớn và được xây dựng tại những di tích, chùa cổ, gần các điểm danh lam thắng cảnh…
Những năm gần đây, chùa Bái Đính trở thành điểm tham quan hấp dẫn du khách thập phương. (Ảnh: I.T)
Mỗi năm, quần thể Bái Đính – Tràng An vẫn đều đặn hút hàng triệu khách du lịch. Quần thể này cũng là nơi chủ lực làm tăng lượng khách du lịch của Ninh Bình từ 2,4 triệu lượt vào năm 2007 lên 7,4 triệu lượt năm 2018 góp phần đem lại doanh thu 3.200 tỷ cho tỉnh này Ninh Bình.
Tại Bái Đính, ngôi chùa được vận hành tham quan miễn phí. Thế nhưng, với lượng khách có lúc lên đến 220.000 lượt/ngày thì những phí dịch vụ kèm theo như trông giữ xe, vận chuyển bằng xe điện, thu từ cho thuê các ki-ốt dịch vụ, hay phụ thu theo yêu cầu thêm của khách cũng đem lại một khoản không nhỏ cho doanh nghiệp.
Giá vé xe điện di chuyển từ điểm gửi xe tới chân chùa là 30.000 đồng/người/lượt. Nhiều du khách cho rằng, giá vé trên là khá cao.
Giá vé gửi xe máy cũng được BQL chùa Bái Đính thu tới 15.000 đồng/ xe.
Hệ thống dịch vụ tại Bái Đính là một vòng khép kín, và doanh nghiệp Xuân Trường là doanh nghiệp “thâu tóm” mọi chi phí, lượt khách…tại đây. Đáng quan tâm hơn là nguồn tiền công đức sẽ “đi đâu về đâu”?
Theo ghi nhận của PV, ngay từ cổng vào chùa, dọc theo 2 hành lang La Hán cảnh tượng du khách chen nhau tay cầm tiền lẻ xoa lên các pho tượng La Hán. Khách tham quan đặt lên các bệ đỡ của các pho tượng những đồng tiền có mệnh giá từ 500 đồng đến 20.000 đồng.
Tại các điểm như điện Tam Thế, điện Pháp Chủ, điện Phật Bà Quan Âm, tháp chuông… đều có rất nhiều hòm công đức. Ngoài việc bỏ tiền vào hòm công đức, nhiều du khách còn đặt tiền trực tiếp lên các bàn nơi thờ tự… Tại bàn ghi công đức điện Tam Thế, du khách xếp hàng dài để được ghi công đức với các mức từ 50.000 đồng đến nhiều triệu đồng.
Với sự tự chủ trong quản lý chùa Bái Đính, tiền công đức của du khách có được doanh nghiệp công khai, minh bạch?
Trước đó, trả lời báo chí, Giám đốc Sở VHTT tỉnh Ninh Bình Nguyễn Mạnh Cường cho biết: Chùa Bái Đính hiện tại đã được giao cho doanh nghiệp tư nhân xây dựng Xuân Trường đầu tư xây dựng và quản lý. Việc quản lý và sử dụng tiền công đức ở đây cụ thể mỗi năm là bao nhiêu, quản lý như thế nào và sử dụng ra sao Sở cũng không nắm được?
Liên quan tới vấn đề tiền công đức này, Sư thầy Thích Minh Quang – Phó trụ trì chùa Bái Đính thông tin trên báo chí: Toàn bộ tiền công đức ở chùa do Ban trụ trì chùa quản lý và sử dụng vào việc chi trả tiền điện hàng tháng, tiền lương cho hơn 300 nhân viên làm việc trong chùa và một phần dùng để duy tu, sửa chữa lại các hạng mục trong chùa.
Ai kiểm soát việc thu chi tại chùa Bái Đính?
“Mỗi tháng nhà chùa phải chi trả hơn 400 triệu đồng tiền điện. Năm 2017 kinh phí duy tu, sửa chữa các hạng mục trong chùa cũng đã mất hơn 40 tỷ đồng,… Tiền công đức ở chùa không đủ nên Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường vẫn phải bỏ tiền để đầu tư xây dựng các hạng mục trong chùa” – sư thầy Minh Quang nói.
Để có thông tin khách quan hơn, PV đã đặt vấn đề trên với đại diện Ban truyền thông của chùa Bái Đính nhưng không nhận được câu trả lời.
Khoản thu khó minh bạch?
Theo các chuyên gia, trước nay, việc quản lý tiền công đức trong các đình, chùa, phủ… chưa có một mô hình thống nhất nào mà chỉ có nhưng chỉ đạo của chính quyền là cần công khai, minh bạch và sử dụng đúng mục đích.
Rất ít nơi tuân thủ quy định số lượng đặt hòm công đức do Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch quy định và việc công khai quản lý và sử dụng tiền công đức thì luôn luôn là ẩn số. Bởi, vấn đề khó nhất là tính minh bạch bởi chuyện tiền công đức thường rất… nhạy cảm.
Liên quan tới việc quản lý tiền công đức, Nghị định số 92/2012/NĐ-CP ngày 8.11.2012 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo quy định rõ: “Nguồn thu từ công đức, tài trợ cho cơ sở và nguồn thu khác thu được từ việc tổ chức lễ hội của cơ sở tôn giáo đã xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh phải được công khai trong Ban quản lý di tích. Nguồn thu này được sử dụng để phục vụ cho việc quản lý, tu bổ di tích, hoạt động tôn giáo và đảm bảo đời sống bình thường của chức sắc, nhà tu hành tại cơ sở đó”.
Theo luật sư Trương Thanh Đức quan ngại, luật hiện nay, kinh doanh dịch vụ tâm linh không nằm trong 243 kinh doanh có điều kiện. Bản thân tín ngưỡng là không kinh doanh rồi. Cốt lõi vẫn là minh bạch các khoản thu. Nếu xác định kinh doanh phải giấy tờ đàng hoàng, công đức cũng phải có cơ chế quản lý chặt chẽ. Một khi đã bóc tách được như vậy thì Nhà nước sẽ quản lý được.
Tuy nhiên, như hiện nay, chùa Bái Đính đang được Doanh nghiệp Xuân Trường Quản lý. Do đó các khoản thu và chi tiêu trong chùa vẫn là ẩn số. Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, các cơ quan quản lý cần vào cuộc phân định rõ nguồn vốn đầu tư dự án từ doanh nghiệp và nhà nước, cũng như có những quy định cụ thể về việc quản lý, kiểm soát hoạt động của chùa Bái Đính, tránh tình trạng thất thoát và đảm bảo tính công bằng, minh bạch.
Nói về trào lưu đầu tư vào kinh doanh du lịch tâm linh đang nở rộ thời gian gần đây, TS Phan Đăng Long – nguyên Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho rằng, đây được coi là một lĩnh vực đầu tư dễ, vốn ít nhưng thu hồi lại rất nhanh, nếu không muốn nói là siêu lợi nhuận. “Có nhiều người đầu tư nhưng chỉ phải bỏ ra ít vốn, có khi lại nhân danh lòng tin, tín ngưỡng để kêu gọi đầu tư, kêu gọi nguồn xã hội hóa, nguồn tiền công đức để xây dựng dự án nhưng sau đó lại nghiễm nhiên đứng ra kinh doanh và thu lợi và hoàn vốn rất nhanh. |
Thành Thái – Hồng Nhân
——————————————
Dân việt (Kinh tế) 20-02-2019:
http://danviet.vn/kinh-te/kinh-doanh-tam-linh-doanh-nghiep-tao-du-loai-nguon-thu-o-chua-956990.html
(80/1.326)