2.163. Sửa Luật Doanh nghiệp: Đề xuất sở hữu cổ phần chưa đủ 6 tháng có thể đề cử người vào HĐQT 

(VNB) – Góp ý về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng việc sửa đổi luật hiện còn luẩn quẩn, thiếu trọng tâm; đồng thời kiến nghị bỏ hẳn Luật Đầu tư và viết lại hoàn toàn Luật Doanh nghiệp.

Sáng nay 20/2 tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo lấy ý kiến dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp do VCCI và Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức.

Hội thảo có ông Vũ Đại Thắng – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; ông Vũ Tiến Lộc – Chủ thịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); ông Trần Hào Hùng – Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; cùng nhiều đại diện từ các Hiệp hội, doanh nghiệp và các tổ chức liên quan.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng phát biểu tại Hội thảo.

Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp lần này sửa đổi 23 điều, bổ sung 1 điều của Luật Đầu tư 2014; và sửa đổi 19 điều, bãi bỏ 1 điều và 7 khoản của Luật Doanh nghiệp 2014.

Đề xuất viết lại Luật Doanh nghiệp, bỏ Luật Đầu tư

Góp ý về Dự thảo Luật lần này, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, cho rằng nội dung sửa đổi qua ba năm thi hành luật là khá nhiều, với dự kiến sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ tổng tộng 75 điều luật trên tổng số 289 điều của 2 Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp (kể cả việc thay thế cụm từ) và 9 luật khác. Ngoài ra đã sửa đổi 3 điều và 1 phụ lục Luật đầu tư vào năm 2016.

Luật sư Trương Thanh Đức

Việc sửa đổi không phải là đổi mới, mà chủ yếu là sửa sai, ông Đức nhận định. Ví dụ: Điểm b, Khoản 1, Điều 1 của Dự thảo Luật bổ sung giải thích: “Kinh doanh là việc thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi” là lấy nguyên văn qui định tại Khoản 2, Điều 4 về “Giải thích từ ngữ” tại Luật Doanh nghiệp năm 2015 đã bị bỏ đi trong Luật năm 2014.

Những vấn đề bất cập từ lâu, nhưng chưa được giải quyết trong luật 2014, như không tập trung đăng kí kinh doanh tất cả các hoạt động kinh doanh không chỉ của doanh nghiệp mà của mọi pháp nhân.

Ông Đức cho rằng, nếu việc sửa đổi còn luẩn quẩn, không rõ mục tiêu, sẽ dẫn đến nguy cơ còn phải sửa đổi nhiều lần nữa. Ví dụ doanh nghiệp Nhà nước từ chỗ là 100% vốn nhà nước sang trên 50% theo Luật Doanh nghiệp 2005 rồi đổi thành 100% theo Luật Doanh nghiệp 2014 và giờ lại quay về trên 50% theo Khoản 2 Điều 2 của Dự thảo Luật.

Vì vậy, ông Đức kiến nghị cần bắt tay vào chuẩn bị viết lại Luật Doanh nghiệp, thay đổi một cách căn bản quan điểm.

Trước mắt, Ban soạn thảo cần sửa đổi những vấn đề cần thiết nhất. Ngoài ra, còn nhiều vấn đề khác cần phải xem xét. Chẳng hạn cần phải thừa nhận văn phòng ảo – tức là một văn phòng với hàng trăm, thậm chí hàng nghìn doanh nghiệp cùng đăng kí.

Về Luật Đầu tư, Luật sư Trương Thanh Đức thẳng thắn đề nghị bỏ luật này vì đầu tư là một hoạt động của doanh nghiệp, doanh nghiệp muốn kinh doanh gì là quyền của doanh nghiệp.

Cốt lõi của Luật Đầu tư là Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh, gắn với kinh doanh. Mà ngành nghè này vốn được qui định trong các Luật Doanh nghiệp trước đây.

Vì vậy có thể bỏ Luật đầu tư, đồng thời chuyển Danh mục ngành, nghề cấm và đầu tư kinh doanh có điều kiện quay lại Luật Doanh nghiệp.

Đương nhiên, mọi hoạt động đầu tư đều phải thực hiện các luật liên quan như Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Phòng cháy chữa cháy, … “Đầu tư của doanh nghiệp là quyền tự chủ của doanh nghiệp. Còn đầu tư của Nhà nước thì phải theo Luật Đầu tư công. Do vậy, chuyển những nội dung cần thiết về đầu tư sang Luật Doanh nghiệp, có thể thêm một chương về đầu tư, trong đó có đầu tư nước ngoài.

Những bất cập của Luật Doanh nghiệp

Thời gian sở hữu cổ phần tối thiểu

Luật Doanh nghiệp hiện nay có một số quy định gây khó khăn cho cổ đông khi thực hiện quyền của mình.

Chẳng hạn như khoản 2, Điều 114 qui định: Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên trong thời hạn liên tục ít nhất 6 tháng hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty có các quyền như Đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát.

Khoản 4 Điều 149 thì qui định: Cổ đông sở hữu cổ phần của công ty liên tục trong thời hạn ít nhất 1 năm có quyền yêu cầu Hội đồng quản trị đình chỉ thực hiện nghị quyết trái với quy định của pháp luật hoặc Điều lệ công ty gây thiệt hại cho công ty.

Khoản 1 Điều 161 qui định: Cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu ít nhất 1% số cổ phần phổ thông liên tục trong thời hạn 6 tháng có quyền tự mình hoặc nhân danh công ty khởi kiện trách nhiệm dân sự đối với thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.

Các quy định này đã hạn chế quyền của cổ đông, đặc biệt trong trường hợp mua bán, sáp nhập doanh nghiệp. Ví dụ cụ thể, hồi tháng 3/2018, ThaiBev là cổ đông lớn gián tiếp sở hữu đa số cổ phần tại Tổng CTCP Bia – Rượu – Nước Giải khát Sài Gòn (Sabeco) nhưng vẫn gặp khó khăn trong việc đề cử người vào HĐQT của Sabeco do thời gian nắm giữ cổ phần đến thời điểm đó chưa đủ 6 tháng (theo qui định tại khoản 2, Điều 114)

Dự thảo Luật lần này đã đề xuất nới lỏng các qui định về thời gian nắm giữ cổ phần để thực hiện quyền cổ đông.

Cụ thể, Khoản 2 Điều 114, Khoản 4 Điều 149 và Khoản 1 Điều 161 đều được đề nghị bỏ qui định về thời gian sở hữu cổ phần tối thiểu.

Luật sư Trương Thanh Đức trả lời phỏng vấn của phóng viên.

Tuy nhiên, Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng qui định sửa đổi kể trên vẫn không thay đổi tỉ lệ sở hữu cổ phần tối thiểu là 10% (Khoản 2 Điều 114) là không hợp lí, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của cổ đông, nhất là các công ty đại chúng có qui mô lớn.

Luật sư Trương Thanh Đức kiến nghị sửa tỉ lệ sở hữu từ 10% xuống 5% để tăng cường đảm bảo quyền của cổ đông, đồng thời cũng tương thích với qui định cổ đông lớn sở hữu từ 5% trở lên theo qui định tại Luật Chứng khoán và Luật Các tổ chức tín dụng.

Tiêu chuẩn Ban Kiểm soát, kiểm soát viên còn quá cao

Các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện của trưởng ban kiểm soát, kiểm soát viên đối với doanh nghiệp nhà nước còn chưa rõ ràng và cao hơn so với tình hình thực tế.

Ví dụ, Khoản 1 Điều 105 Luật Doanh nghiệp hiện nay qui định yêu cầu trưởng ban kiểm soát phải làm việc “chuyên trách”, trong khi thế nào là “chuyên trách” thì chưa được rõ ràng.

Dự thảo Luật hiện nay đề xuất sửa đổi Khoản 1 Điều 105 này thành: “Trưởng Ban kiểm soát không được giữ chức danh khác tại công ty.”

Khoản 2, Điều 164 qui định: Kiểm soát viên công ty cổ phần niêm yết, công ty do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ phải là kiểm toán viên hoặc kế toán viên.

Đây là yêu cầu cao hơn so với thực tế, bởi số lượng kiểm toán viên, kế toán viên không nhiều. Do đó, công ty rất khó có được kiểm soát viên đáp ứng yêu cầu của Luật.

Dự thảo Luật hiện nay chưa đề xuất thay đổi qui định này.

Giảm thủ tục hành chính để bắt đầu kinh doanh

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, doanh nghiệp phải hoàn thành 5 thủ tục hành chính để có thể bắt đầu kinh doanh, bao gồm: Đăng ký doanh nghiệp tại cơ quan đăng ký kinh doanh; Làm dấu tại cơ sở khắc dấu; Thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh; Mở tài khoản và thông báo việc mở tài khoản cho cơ quan đăng ký kinh doanh…

Ngoài ra, một số thủ tục hành chính khác thực sự không rõ mục tiêu quản lý, ví dụ yêu cầu về báo cáo thông tin của người quản lý công ty, yêu cầu cơ quan đăng ký kinh doanh thường xuyên gửi thông tin về đăng ký doanh nghiệp cho tất cả quận, huyện, thị xã…

Dự thảo đã bãi bỏ những thủ tục không còn cần thiết này (qui định tại Điều 12, khoản 1 Điều 34, khoản 2 và khoản 5 Điều 44, khoản 4 Điều 46, khoản 2 Điều 65, điểm c khoản 3 Điều 139), như bỏ yêu cầu doanh nghiệp phải đăng ký mẫu dấu trước khi sử dụng; bỏ yêu cầu báo cáo thay đổi thông tin người quản lý doanh nghiệp. Chế độ gửi thông tin cho cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính khi thành lập chi nhánh, đặt địa điểm kinh doanh mới cũng không cần phải thực hiện.

Luật đầu tư: Hai vấn đề cần xin ý kiến chính phủ

Về việc phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ (Điều 31 Luật Đầu tư).

Hiện nay có hai luồng ý kiến về vấn đề này:

Thứ nhất: Đề nghị không phân cấp cho Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư đối với tất cả các dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ quy định tại Điều 31 Luật Đầu tư vì các dự án này đều là dự án quan trọng, nhạy cảm, có tính chất liên ngành, liên vùng cần có sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trường hợp cần thiết thì chỉ thực hiện cơ chế phân cấp đối với các dự án phù hợp với quy hoạch.

Thứ hai: Đề nghị phân cấp toàn bộ các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ quy định tại Điều 31 Luật Đầu tư cho các Bộ, ngành và UBND cấp tỉnh để Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ tập trung vào công tác chỉ đạo, điều hành và không xem xét, quyết định các dự án đầu tư cụ thể.

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Minh Khoa, Trưởng Ban Pháp chế Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN), cho biết EVN từng gặp khó khi không có cấp nào quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án có vốn đầu tư từ 2.300 đến 5.000 tỉ đồng do không nằm trong thẩm quyền phê duyệt của cả ba cấp Quốc hội, Thủ tướng và UBND tỉnh.

Về thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, hiện cũng có hai luồng ý kiến

Thứ nhất: Việc bỏ thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài là chưa phù hợp với điều kiện quản lý của Việt Nam, gây khó khăn trong cân đối vĩ mô và kiểm soát dòng vốn đầu tư ra nước ngoài.

Mặt khác, việc áp dụng chế độ đăng ký chuyển tiền ra nước ngoài tại Cơ quan nhà nước quản lý ngoại hối cần được cân nhắc bởi cơ quan này không có thẩm quyền quản lý hoạt động đầu tư, trong đó có hoạt động đầu tư ra nước ngoài.

Hiện nay, Trung Quốc vẫn đang thực hiện thủ tục cấp phép đầu tư ra nước ngoài. Theo đó, dự án đầu tư ra nước ngoài với quy mô lớn (200 triệu USD trở lên) phải được Quốc vụ Viện (Chính phủ) chấp thuận; các dự án khác, tùy thuộc mục tiêu, quy mô, tính chất có thể được phân cấp cho Ủy ban cải cách và phát triển Quốc gia và Bộ Thương mại, Sở Thương mại.

Ngoài ra, Ủy ba Giám sát và quản lý tài sản nhà nước Trung ương và cấp tỉnh được quyết định các dự án của DNNN thuộc quyền quản lý của mình. Cục Quản lý Ngoại hối thuộc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc theo dõi và quản lý các giao dịch liên quan đến đầu tư ra nước ngoài (tương tự như chức năng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hiện nay).

Thứ hai: Đề nghị bỏ thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài và thay bằng cơ chế đăng ký hoạt động chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài tại Cơ quan nhà nước quản lý ngoại hối.

Việc bỏ loại Giấy này không phải là giải pháp nhằm tự do hóa dòng vốn đầu tư ra nước ngoài, đồng thời cũng không đồng nghĩa với việc từ bỏ hay nới lỏng quản lý nhà nước đối với hoạt động này, mà chỉ nhằm thay đổi phương thức quản lý nhà nước từ chế độ cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư sang chế độ quản lý, sử dụng dòng vốn đầu tư ra nước ngoài trên cơ sở phân định rõ trách nhiệm của nhà đầu tư và trách nhiệm của từng cơ quan quản lý chuyên ngành.

Song Ngọc Theo Kinh tế & Tiêu dùng

——————————————————–

VietnamBiz (Doanh nghiệp) 20-02-2019:

https://vietnambiz.vn/sua-luat-doanh-nghiep-de-xuat-so-huu-co-phan-chua-du-6-thang-co-the-de-cu-nguoi-vao-hdqt-120863.html

(772/2.507)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.429. Củng cố pháp luật để phát triển trung...

Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính. (KTVN) - Theo...

Trích dẫn 

3.978. Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế...

Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế thu nhập cá nhân. (DĐDN)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,985