2.164. Đề xuất nên viết lại Luật Doanh nghiệp

(TBTC) – Thực tế thực hiện Luật Doanh nghiệp 2014 (LDN) trong hơn 3 năm qua cho thấy, LDN tồn tại khá nhiều vướng mắc, bất cập. Do đó, việc sửa LDN cần được thực hiện một cách căn bản, toàn diện, thậm chí nên viết lại LDN.

Đây là ý kiến của nhiều chuyên gia tại Hội thảo “Lấy ý kiến doanh nghiệp (DN) về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và LDN”, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức ngày 20/2.

Nhiều điểm sáng cải cách

Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI cho rằng, sau hơn 3 năm thực hiện LDN cho thấy luật đã có những tác động tích cực trong tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng; thúc đẩy thành lập, phát triển và mở rộng kinh doanh của các DN. Một số cải cách nổi bật của luật này có thể kể đến như LDN đã bãi bỏ quy định giấy chứng nhận đăng ký DN phải ghi các ngành, nghề đăng ký kinh doanh. Các DN sẽ được kinh doanh những ngành, nghề mà pháp luật không cấm.

Hay như LDN đã bỏ nhiều ràng buộc về con dấu – để DN có thể tự chủ, tự quyết định; người đại diện của DN cũng được mở rộng, không chỉ giới hạn tối thiểu là một người như trước đây… Đây là những thay đổi có tính bước ngoặt, giải quyết rất nhiều vấn đề bất cập trên thực tiễn và chú trọng hơn nữa về quyền tự do trong kinh doanh của DN.

 Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Thiện Trần

Đồng quan điểm với ông Lộc, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng đánh giá cao những “điểm sáng” của LDN. Theo đó, luật đã giải phóng quyền tự do kinh doanh, tối đa hóa quyền tự do kinh doanh của người dân, DN, thể hiện ở số DN đăng ký thành lập mới, DN mở rộng kinh doanh không ngừng tăng lên qua các năm.

Đơn cử, năm 2018, trung bình mỗi tháng có số DN gia nhập và tái gia nhập thị trường tăng 7,8% so với năm 2017. Quy mô DN mới ngày càng lớn hơn khi tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một DN trong năm 2018 đạt 11,3 tỷ đồng, tăng 10,2% so với năm 2017. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong năm 2018 từ lực lượng DN tăng 22,8% so với năm 2017… Bên cạnh đó, thủ tục đăng ký DN cũng được đơn giản hơn, giảm đáng kể thời gian, chi phí cho DN…

Vẫn còn đó những bất cập

Bên cạnh những điểm tiến bộ, ông Vũ Tiến Lộc cũng cho rằng, LDN vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập cần phải giải quyết, sửa đổi. Điển hình như, thủ tục đăng ký DN mặc dù được đánh giá là bước tiến của cải cách thủ tục hành chính, tuy nhiên trên thực tế vẫn còn một số vướng mắc, gây khó khăn cho DN, như: việc xác định mã ngành cấp 4 khi đăng ký kinh doanh, thời gian để hoàn thành việc đăng ký DN trên thực tế với quy định của luật vẫn còn vênh nhau; hộ kinh doanh phải thực hiện nhiều thủ tục không cần thiết (thông báo với cơ quan thuế, cơ quan quản lý thị trường ở các địa điểm kinh doanh)… Những bất cập này có thể cản trở, thành “thông điệp ngược” cho tinh thần cải cách của đạo luật này.

“Theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, chỉ số về gia nhập thị trường của Việt Nam vẫn chỉ xếp ở thứ hạng 104 của thế giới trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh Doing Business, một trong những chỉ số thấp nhất của môi trường kinh doanh Việt Nam” – ông Lộc cho biết.

Ngay cả cơ quan chủ trì soạn thảo LDN (Bộ KH&ĐT) cũng đã chỉ rõ 4 nhóm vấn đề khiếm khuyết của LDN trong dự thảo tờ trình về Dự án LDN (sửa đổi) gửi đến Chính phủ. Cụ thể, theo Bộ KH&ĐT, khiếm khuyết thứ nhất là sự khác biệt, phân tán về thủ tục đăng ký doanh nghiệp giữa LDN và một số luật khác có liên quan, như Luật Đấu giá, Luật Luật sư, Luật Chứng khoán… Hai là, một số thủ tục hành chính về đăng ký DN không còn phù hợp, không cần thiết, tạo gánh nặng chi phí, thời gian cho DN. Ba là, một số quy định chưa rõ ràng, không tương thích với sự thay đổi pháp luật có liên quan, không còn phù hợp với thực tiễn mới phát sinh. Bốn là, một số quy định chưa tạo thuận lợi cho cổ đông bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình; ngược lại, cản trở đến thực hiện quyền của cổ đông.

Trước những bất cập còn tồn tại của LDN, theo Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, cần tiến hành sửa đổi LDN một cách căn bản, toàn diện, sửa càng mạnh dạn, càng triệt để càng tốt. Thậm chí, ông Đức còn cho rằng, việc sửa LDN lần này không phải chỉ là “sửa đổi, bổ sung một số điều” mà là “nên viết lại LDN”. “Bởi, nếu việc sửa đổi còn luẩn quẩn, không rõ mục tiêu, sẽ dẫn đến nguy cơ còn phải sửa đổi nhiều nữa. Ví dụ, DN nhà nước từ chỗ là 100% vốn nhà nước, sang trên 50% theo LDN năm 2005, rồi đổi 100% theo LDN 2014 và giờ lại định quay về trên 50% (theo khoản 2, Điều 2 Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và LDN mà Bộ KH&ĐT đang soạn thảo)” – ông Đức nhấn mạnh.

Ghi nhận những ý kiến đóng góp của các chuyên gia tại hội thảo, từ góc độ cơ quan chủ trì soạn thảo luật, ông Quách Ngọc Tuấn – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ KH&ĐT cho biết, hiện Bộ KH&ĐT đang soạn thảo Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và LDN. Theo đó, cơ quan chủ trì soạn thảo luật sẽ tham vấn, tiếp thu mọi ý kiến đóng góp của chuyên gia, DN, các cơ quan chức năng khác… về 2 luật (LDN và Luật Đầu tư) để hoàn thiện dự thảo luật, trình Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 và xem xét thông qua vào Kỳ họp thứ 8./.

Diệu Thiện

—————————————————————

Thời báo Tài chính (Kinh doanh) 20-02-2019:

http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/kinh-doanh/2019-02-20/de-xuat-nen-viet-lai-luat-doanh-nghiep-67982.aspx

(159/1.152)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.429. Củng cố pháp luật để phát triển trung...

Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính. (KTVN) - Theo...

Trích dẫn 

3.978. Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế...

Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế thu nhập cá nhân. (DĐDN)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,984